Loại rau như "nhân sâm của người nghèo", mọc đầy đường nhưng hiếm ai ăn

15:41, Thứ năm 12/09/2024

( PHUNUTODAY ) - Loại rau này thường mọc hoang ở các bãi đất trống, ven đường, bờ ruộng, vườn nhà. Cây phát triển mạnh vào mùa hè, khi nhiệt độ và độ ẩm cao.

Rau sam là loại cây thân thảo, mọng nước, thân có màu xanh nhạt hoặc hơi đỏ, thường bò lan sát mặt đất. Thân cây phân nhánh nhiều, dài khoảng 10-30 cm. Lá có màu xanh đậm, không có cuống hoặc cuống rất ngắn.

Rau sam phân bố rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, rau sam thường mọc hoang ở các bãi đất trống, ven đường, bờ ruộng, vườn nhà. Cây rau sam thích nghi tốt với nhiều loại đất, chịu hạn tốt nhưng không chịu úng. Cây phát triển mạnh vào mùa hè, khi nhiệt độ và độ ẩm cao.

Trước kia, rau sam được coi là rau dại, rau cứu đói ở các mùa hiếm rau. Tuy nhiên, ngày nay, các thực phẩm rau xanh nhiều nên loài rau này không được để ý đến. Thực tế, rau sam chứa nhiều chất quý, tốt cho sức khỏe.

2

Theo VietNamNet, nhiều nghiên cứu hiện đại cho thấy rau sam có nhiều hoạt tính sinh học như Flavonoid, Coumarin, Monnoterrpene Glycoside, hợp chất Phennolic. Trong rau sam còn chứa nhiều axit béo như omega-3, vitamin, khoáng chất và một số hợp chất tốt cho sức khỏe.

Flavonoid là thành phần nhiều nhất ở rau sam tập trung ở lá và thân cây. Đây là một chất có tính chống oxy hóa và chống viêm hiệu quả. Các nghiên cứu hiện đại đều chỉ ra rằng Flavonoid có tác dụng phòng chống ung thư, bảo vệ hệ tim mạch, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động chống lại nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt đối với các đối tượng bị suy giảm miễn dịch. Flavonoid còn tốt cho phụ nữ giai đoạn mãn kinh, giảm hiện tượng bốc hỏa, khó chịu cho họ.

Rau sam còn sở hữu một số khoáng chất tốt như phốt pho, sắt, mangan, canxi, đồng… trong rễ, thân, lá. Lá của rau sam còn giàu selen, magiê, vitamin A, vitamin C.

Nguồn chất béo thực vật từ rau sam giàu omega-3 không chứa cholesterol. Các axit béo phân lập từ rau sam đã được chứng minh tốt cho sức khỏe của hệ tim mạch.

Ngoài ra, trong thành phần của rau sam còn chứa Protulaca oleracea làm giảm trọng lượng cơ thể, axit béo tự do trong máu và tăng insulin máu, tăng độ nhạy của insulin và cải thiện sự suy giảm dung nạp glucose và chuyển hóa lipid trên chuột mắc bệnh đái tháo đường. Các nghiên cứu trên chuột cho thấy nó có thể là triển vọng trong điều trị đái tháo đường. Vì vậy, rau sam được coi là thực phẩm tốt cho người bệnh bị này.

3

Trong khi đó, chia sẻ với báo Tuổi Trẻ, lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, cho biết  rau sam có vị hơi chua rất đặc trưng nên thường dùng trong các bài thuốc điều trị đường tiêu hóa. 

Nếu như ở Việt Nam rau sam là loại rau dại chẳng được mấy người chú ý tới, thì tại nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Hà Lan... đều dùng làm thuốc và rau ăn.

Người Hà Lan dùng rau sam làm dưa chua, người Pháp dùng rau sam trong rất nhiều món ăn, người Mỹ dùng rau sam trộn giấm.

Nghiên cứu tại Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy trong rau sam có chứa nhiều axit hữu cơ, kali nitrat và các muối kali khác. Trong rau sam có nhiều muối kali oxalat, một số chất giúp thông tiểu nên có tác dụng giải độc. Người dân Đài Loan dùng rau sam để làm thuốc chữa bệnh cước thủy thũng, tiểu tiện khó khăn. Y thư cổ của Trung Quốc còn ghi chép lại nhiều tác dụng dược lý của rau sam như làm co nhỏ mạch máu, ức chế sự phát triển của trùng lỵ.

Theo lương y Vũ Quốc Trung, trong y học cổ truyền rau sam có vị chua, tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu, tiêu sưng, sát trùng… Dùng rau sam để chữa lở ngứa hắc lào, kiết lỵ, phụ nữ bạch đới, giun sán, tiểu buốt.

Theo các tài liệu y học cổ truyền, liều dùng rau sam thường từ 50-100 g rau tươi mỗi ngày. Nếu dùng dưới dạng sắc thuốc, có thể dùng 15-30 g rau khô.

Cách chế biến:

-Dạng nước sắc: Lấy rau sam rửa sạch, đun sôi với nước trong khoảng 15-20 phút, sau đó lọc bỏ bã, uống nước.

-Dạng đắp ngoài da: Rau sam tươi giã nát hoặc nấu nước, dùng để rửa hoặc đắp lên vùng da bị bệnh.

-Dùng làm thực phẩm: Rau sam có thể được chế biến thành các món ăn như xào, nấu canh, làm nộm.

TS-BS Bùi Phạm Minh Mẫn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3 chia sẻ trên báo Thanh Niên, dù rau sam rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên khi dùng cũng cần lưu ý những điều sau:

-Không dùng cho người có tỳ vị hư hàn: Vì rau sam có tính hàn, những người tỳ vị hư hàn, hay bị tiêu chảy không nên dùng.

-Phụ nữ có thai nên thận trọng: Rau sam có thể gây co bóp tử cung, do đó, phụ nữ có thai nên hạn chế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

-Không dùng quá liều: Dùng quá nhiều rau sam có thể gây lạnh bụng, dẫn đến các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy.

chia sẻ bài viết
Theo:  nguoiduatin.vn copy link
Tác giả: M
Từ khóa:
Tin nên đọc