Trên mâm cơm hàng ngày của chúng ta luôn có những món ăn nóng hổi, hấp dẫn. Nhiều người cho rằng, ăn ngay khi thức ăn còn nóng mới đảm bảo hương vị thơm ngon của chúng. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thức ăn và đồ uống nóng không tốt cho sức khỏe, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo đồ uống nóng được cho là nhân tố gây ra ung thư cho con người.
Theo đánh giá của WHO, những thực phẩm có nhiệt trên 65 độ C có thể làm tăng nguy cơ ung thư thực quản và coi nó như một chất gây ung thư loại 2A.
Việc ăn và uống đồ nóng có liên quan mật thiết tới ung thư thực quản. Những người thường xuyên ăn các món nóng và uống đồ nóng trên 60 độ có nguy cơ mắc ung thư thực quản cao hơn những người khác.
Theo nghiên cứu, thời gian từ khi nuốt thức ăn đi qua thực quản, vào dạ dày mất khoảng 9 giây. Khi nhiệt độ của thực phẩm quá cao, nó sẽ làm bỏng niêm mạc thực quản và khiến các tế bào bị hoại tử.
Duy trì thói quen ăn uống như vậy trong thời gian dài sẽ dẫn sự phát triển bất thường của niêm mạc thực quản và dẫn tới ung thư.
Ngoài ra ung thư thực quản, các món ăn nóng còn làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày. Nguyên nhân là do nhiệt độ ở khoang miệng, thực quản và dạ dày không giống nhau. Trong khi khoang miệng chịu được nhiệt độ 65-70 độ C thì niêm mạc thực quản chịu được mức nhiệt 45-50 độ C, còn niêm mạc dạ dày chỉ chịu được nhiệt độ 40 độ C. Do đó, thực phẩm đi vào khoang miệng không nóng nhưng vẫn có thể gây bỏng ở thực quản và dạ dày, làm xuất hiện tình trạng viêm dạ dày, xói mòn dạ dày.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi ăn uống bạn nên hạn chế tiêu thụ đồ quá nóng. Nhiệt độ thích hợp của thực phẩm là 10-40 độ C. Một số món đặc thù có thể ăn ở mức nhiệt độ cao hơn là 50 độ C, tuy nhiên vẫn cần hạn chế sử dụng các món này.