Lừa sơn nữ vào nhà thổ bằng đôi giày 20.000 đồng

06:12, Thứ năm 29/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Cô hồn nhiên tin tưởng vào anh chàng mới quen mà không hay biết mình đã là nạn nhân của một vụ lừa đưa người qua biên giới. Mí bị người tình bán vào một nhà thổ làm gái mại dâm.

(Phunutoday) - Cuộc đời Mí cũng gập ghềnh, trắc trở như con đường đất lắt léo dẫn về ngôi nhà cheo leo lưng chừng trời của cô. Mí là một cô gái người dân tộc hồn nhiên, vô tư như cây cỏ. Cô sống bản năng và không nhiều suy nghĩ. Mí không bao giờ ngờ rằng có ngày cô lại bị lừa bán vào động mại dâm, và cũng không bao giờ dám mong đợi vào một cơ hội khác để làm lại cuộc đời sau lần trót dại ấy. Nhưng rồi một người đàn ông đã đến bên Mí, cứu giúp cô, cưu mang cô và cho cô một cơ hội khác để được hạnh phúc.  

Bị lừa bán chỉ vì một đôi giày 20.000 đồng


Sùng Thị Mí (Hà Giang) là người dân tộc Mông. Ngôi nhà cô ở cheo leo tận lưng chừng núi, nơi chỉ có một con đường độc đạo dẫn vào bản, gập ghềnh toàn đá tảng, mùa mưa thì ngập trong sình lầy và nước lũ. Nhà Mí cũng như bao gia đình khác trong bản đều rất nghèo, nghèo đến nỗi quanh năm chỉ trông vào một nương ngô cằn cỗi mọc trên cao nguyên lởm chởm đá tai mèo. Người và cây sống lẫn trong đá, bám vào đá để sinh tồn. Từ nhỏ tới lớn, Mí chỉ biết tới những bữa mèn mén nhạt thếch.

Bố mẹ Mí mới 30 tuổi mà đã có năm người con, Mí là chị cả. Cũng như mẹ mình và bao cô gái khác, Mí chỉ học hết lớp 9 rồi về lấy chồng. Từ khi Mí mới 5 - 6 tuổi, bố mẹ cô đã có hẹn ước gả cô cho một gia đình trong bản cùng cảnh nghèo khó. 15 tuổi, Mí bỏ dở học hành để theo về làm con dâu nhà người ta. Chồng Mí là một cậu bé kém cô 2 tuổi vẫn còn đi học nội trú cách nhà 8 cây số.

Cảnh vợ chồng trẻ con nhiều chuyện cười ra nước mắt, vừa ngờ nghệch, vừa đáng thương. Chồng Mí vẫn mải mê với những trò đánh quay, đánh cù, còn Mí thì ngày ngày cắm mặt trên nương, đôi tay lúc nào cũng xanh ngăn ngắt màu của những cuộn đay nhuộm chàm, cứ hễ rảnh ra là lại thoăn thoắt gỡ gỡ, tước tước. 16 tuổi Mí đã có con, những đứa trẻ sinh ra đời này qua đời khác cứ nheo nhóc và lớn lên hồn nhiên như cây cỏ với một sức sống dai dẳng hiếm có.

Phiên chợ tình năm ấy, Mí lại xúng xính xuống núi. Bên những chén rượu ngô cay nồng và những bát thắng cố bốc hơi thơm lựng, người ta dễ gần nhau hơn. Mí làm quen với một anh chàng người Kinh từ dưới xuôi lên chơi chợ. Mí thích anh ta lắm. Anh ta không biết múa khèn như những chàng trai người dân tộc, nhưng lại biết kể những chuyện thật lạ. Mí nghe anh ta kể chuyện mà say mê không biết chán.

Nụ cười của chàng trai lạ làm đôi má Mí đỏ lựng, khiến cô ngây ngất trong men tình, men rượu. Chàng trai rủ Mí bỏ bản xuống xuôi ở với nhau trong những căn nhà gạch vững chãi, ăn những bữa cơm có thịt, có cá, cày cấy những thửa ruộng không còn lổn nhổn đá. Anh ta cho Mí 20.000 đồng để mua một đôi giày mới, Mí thích lắm vì đó là đôi giày mà cô luôn ao ước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Cả cuộc đời, Mí chưa từng được ai mua cho một món quà nào, cô cũng chưa từng được cầm một tờ tiền mệnh giá cao đến thế. Đối với Mí, 20.000 đồng là cả một gia sản, là điều mà cô không dám nghĩ tới ngay cả trong những giấc mơ hoang đường nhất. Chàng trai lạ đã gieo vào lòng Mí giấc mộng về một cuộc sống khác, Mí chẳng nghĩ nhiều, cô bằng lòng theo anh ta xuống núi.

Lần đầu tiên rời khỏi nơi chôn nhau cắt rốn, những con đường thật lạ cứ trải ra trước đôi mắt ngỡ ngàng của Mí. Cô hồn nhiên tin tưởng vào anh chàng mới quen mà không hay biết mình đã là nạn nhân của một vụ lừa đưa người qua biên giới. Mí bị người tình bán vào một nhà thổ làm gái mại dâm.

Cái nghèo, cái khổ đã lấy hết của cô sức phản kháng, Mí chỉ còn lại sự cam chịu và thỏa hiệp với số phận. Mí bảo rằng cuộc đời cô khổ quen rồi đến nỗi không còn biết thế nào là sung sướng. Hằng ngày, Mí bị bao gã đàn ông chà đạp. Mí là cô gái trẻ nhất và nhan sắc nhất trong đám người mới đến, cũng bởi vậy mà cô được nhiều gã đàn ông “ưa thích”. Sự “ưu ái” ấy chỉ càng làm cho Mí thêm tủi nhục, ê chề.

Nhiều tháng ròng, Mí sống trong cảnh tăm tối, cô không hề biết mình đang ở đâu, không biết nói tiếng địa phương, không tiền bạc, không người giúp đỡ. Những cô gái cùng cảnh ngộ với Mí, một vài người may mắn đã được chuộc ra hoặc trốn thoát về nước, nhưng Mí lại không đủ dũng cảm để làm như họ. Mí nhớ nhà, nhớ quê, nhớ đứa con vừa cai sữa mẹ, cô muốn trở về, nhưng mỗi lần nhìn qua khe cửa hẹp, Mí chỉ thấy toàn núi đồi trùng điệp, sừng sững.

Ngôi nhà nhỏ bé của cô ở đâu trong bao la rừng núi kia? Cuối cùng, Mí cũng gặp được một người tốt. Anh tên là A Páo. A Páo là người cùng huyện với Mí, làm nghề buôn chuyến đường dài. A Páo thích Mí. Anh thường lui tới chỗ Mí mỗi khi có dịp đi qua. Mí kể cho A Páo nghe câu chuyện thảm thương của cuộc đời mình và xin anh cứu giúp. A Páo mủi lòng, anh chuộc Mí ra khỏi nhà thổ và đưa cô về nhà.

Phiên chợ tình đi tìm hạnh phúc

Suốt chặng đường dài trở về, trong lòng Mí xốn xang bao cảm xúc. Mí chờ đợi những vòng tay rộng mở của người thân, chờ đợi tiếng gọi mẹ của đứa con sau bao tháng ngày xa cách. Cô biết mình đã sai khi bỏ lại gia đình để đi theo một giấc mộng viển vông và những tháng ngày sống trong địa ngục trần gian chính là sự trả giá cho lỗi lầm ấy.

Giờ đây, Mí đã tỉnh ngộ, cô đã chín chắn hơn so với ngày vội vã theo người lạ mặt xuống núi. Mí đã nghĩ ra rất nhiều chuyện để nói với chồng, nhưng cô không ngờ rằng khi trở về nhà, mọi thứ đã rất khác. Chồng Mí không phải là một người đàn ông trưởng thành, anh ta không đủ kiên nhẫn để chờ đợi người vợ đã mất tích của mình.

Sau khi Mí bỏ đi ít lâu, anh ta đã nhanh chóng lấy một cô vợ khác. Vợ mới của chồng Mí đang mang cái bụng lùm lùm. Mí không còn được chào đón trong chính gia đình của mình. Bố mẹ chồng Mí không còn thừa nhận cô con dâu đã bỏ nhà theo trai.

Con Mí không nhận ra mẹ, khóc toáng lên khi cô vừa định ôm nó vào lòng. Nhà bố mẹ đẻ của Mí thì lại quá nghèo để có thể cưu mang cô con gái đã một đời chồng lỡ dở. Kể từ ngày Mí đi, không ai trong nhà còn nghĩ đến cô.

Cuộc sống với cái đói, cái rét luôn bủa vây đến nghẹt thở dường như khiến người ta trở nên ích kỉ. Họ chỉ lo cái ăn, cái mặc đã đủ khổ sở, bế tắc lắm, chẳng ai còn nhiều thời gian để quan tâm tới một người phụ nữ đã bỏ đi theo đàn ông lạ. Sự trở về của Mí đã làm đảo lộn cuộc sống vốn phẳng lặng của tất cả mọi người và dường như cô không còn được chào đón. Mí đành một lần nữa ngậm ngùi bỏ xứ ra đi.

Nhưng Mí chẳng biết đi đâu vì cả cuộc đời cô đều gắn với mảnh đất sỏi đá này. Mí lang thang ra chợ huyện tìm gặp ân nhân, xin anh một chỗ nương tựa. A Páo không khá giả gì, song lại là người đàn ông tốt bụng. Anh sẵn lòng cho Mí một công việc, cho cô ba bữa ăn mỗi ngày và một chỗ để trú ngụ mỗi tối.

Với Mí, đó là cả một ân huệ rất lớn. Mí không biết phải làm gì để trả ơn A Páo. Mỗi ngày cô đều cố gắng làm việc chăm chỉ để giúp A Páo bán được nhiều hàng hơn. A Páo là chàng trai mồ côi cha mẹ từ nhỏ, một mình anh phải bươn chải với cuộc sống, sinh cơ lập nghiệp từ hai bàn tay trắng.

Số phận của A Páo rất đáng thương nên anh dễ đồng cảm với Mí. A Páo thương Mí cũng như Mí thương anh, hai người dựa vào nhau mà sống. Trong bụng, họ đã ưng nhau lắm, nhưng vẫn còn e ngại. Mí mặc cảm bởi quá khứ của mình và cái ơn A Páo với cô quá lớn, còn A Páo ngại Mí vẫn còn vương vấn gia đình và anh chồng cũ.

Nửa năm trời sống thầm lặng bên nhau, nhân một phiên chợ tình, A Páo rủ Mí đi chơi chợ. Sau những chén rượu ngô sóng sánh men nồng, A Páo đã thổi những tiếng khèn dìu dặt thay lời tỏ tình với Mí. Tiếng khèn của A Páo giản dị, mộc mạc mà chứa đựng bao lời yêu thương, thấm đượm bao nghĩa tình. Chợ tình kéo dài từ đêm tới sáng, suốt thời gian ấy, họ ríu rít, quấn quít  bên nhau như đôi chim trong mùa tìm bạn, và cũng từ ấy, Mí và A Páo trở thành cặp vợ chồng hạnh phúc.

  • Linh Anh

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc