Một lời kết án nhầm, lưu lạc 70 năm
Vào một ngày của trung tuần tháng 7 năm 2007, khu ở của những bệnh nhân có vấn đề về thần kinh tại nhà tế bần Warwick Mews ở Macclesfield, nước Anh bỗng trở nên náo động vì cuộc đoàn tụ vô cùng bất ngờ của 3 anh em. Họ đã lạc mất nhau suốt 70 năm trời và nhân vật chính của câu chuyện, người chị gái có tên Jean Gambell- người đã phải thuyên chuyển hết nhà tế bần này sang nhà tế bần khác suốt nhiều năm chỉ vì bà bị kết án… nhầm.
Vào thời điểm đoàn tụ, bà Jean Gambell đã 85 tuổi quá bất ngờ và sốc nặng khi gặp lại 2 người em trai của mình.
Nguyên nhân của nỗi đau biệt ly này xảy ra vào năm 1937, khi đó cô bé Jean Gambell, 15 tuổi làm nhân viên quét dọn trong một bệnh viện địa phương. Nhưng rồi một ngày, Jean Gambell bị một người hộ lý vu cho tội ăn cắp nửa đồng cu-rông của cô ta. Mặc cho Jean có cố giải thích, có cố chứng minh rằng cô bé không phải là thủ phạm lấy cắp tiền, nhưng cuối cùng, thật không may mắn cho Jean khi cô bé bị tống vào trại giam Cranage Hall. Những ngày đầu trong trại giam này đối với một cô bé 15 tuổi thật là tồi tệ, cô không được gặp mẹ vì vào thời đó, họ liệt cô vào diện “tội phạm vị thành niên nguy hiểm” và cần cách ly với người thân.
Tuy nhiên, một thời gian sau, nhờ sự nỗ lực chứng minh con mình vô tội của mẹ Jean, vụ án đã dần được sáng tỏ và người y tá cũng đã tìm thấy số tiền bị mất (cô ta để trong một ngăn tủ sau đó làm mất chìa khoá và cứ nghĩ đã bị ăn trộm). Vụ án này được minh chứng là án oan, tuy nhiên lúc đó thì quá muộn: Jean đã mất tích trong hệ thống các nhà tế bần chằng chịt khắp nước Anh. Đơn giản vì trước đó, các bác sĩ của bệnh viện đã cố ý ghi chú Jean Gambell “mắc bệnh đần độn” để tăng thêm tính thuyết phục của lời buộc tội.
Và một chuyện đau lòng hơn khi xem xét lại hồ sơ ghi chú, người ta thấy rằng, vào cuối năm 1937, khi Jean được xác định là đang ở nhà tế bần Birkenhead trong tình trạng “bị bỏ quên và thiếu thốn tình cảm”, và khi đó, phòng y tế ở nơi đây đã mô tả Jaen như là “một người yếu ớt và có vấn đề về tâm thần” thì chính cha của Jean, ông James Gambell thay bằng việc đón con gái về chăm sóc, thì ông lại là người ký tên vào cam kết đồng ý cho con gái mình vào bệnh viện tâm thần để điều trị trong thời gian không xác định.
Ba anh em bà Jean Gambell |
Kể từ khi đó, Jean bị coi như một bệnh nhân tâm thần mặc dù tinh thần cô hoàn toàn bình thường. Mẹ Jean khi đó không tin rằng con mình bị bệnh, nhưng những lời của chồng là mệnh lệnh nên bà cũng đành ngậm đắng nuốt cay sống trong những ngày vò võ nhớ thương con. Bà thường xuyên liên lạc với người làm việc trong nhà tế bần với mong muốn gửi cho con quần áo và đồ ăn, nhưng rồi chuyện này cũng không kéo dài được lâu khi Jean liên tục bị chuyển nhà tế bần vì cái mà những người quản lý ở đó gọi là “vì vấn đề sức khoẻ”. Kể từ đó, bà cũng dần mất liên lạc với con gái nhưng vẫn không ngừng dõi theo mỗi khi có tin tức về con.
7 năm sau, mẹ Jean sinh thêm em trai Alan Gambell và 3 năm sau nữa thì đến cậu em thứ 2 David Gambell. Sau khi sinh David không lâu, mẹ Jean bất ngờ nhận được tin con gái bà đang ở một trại tế bần cách nhà không xa, biết được đó là một nhà tế bần khá dễ chịu nên mẹ cứ mỗi lần vào thăm con, mẹ Jean lại dắt cả hai anh em David và Alan vào trại thăm chị gái.
Như những gì ghi lại trong hồ sơ của trại tế bần này, khi gặp mẹ và 2 em trai, Jean khi đó đã 25 tuổi dường như quá bất ngờ và cô bước giật lùi, nhìn thấy 2 cậu em trai, Jean thấy vô cùng xa lạ. Sau khi được mẹ nói cho biết đó chính là 2 em trai của mình thì Jean mới chạy lại ôm lấy mẹ. Tuy nhiên, vì sống trong trại tế bần lại sống cùng với những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần nên Jean không nhớ được gì nhiều về những chuyến viếng thăm hi hữu, “đó là một ký ức rất mờ nhạt” như bà Jean sau này đã nói.
Cuộc đoàn tụ trong trại tế bần sau nhiều năm lạc mất gia đình
Đến năm 1969, mẹ Jean qua đời và họ mất liên lạc với nhau kể từ đó. Và trong suốt 38 năm sau đó, Jean liên tục bị thuyên chuyển qua các nhà tế bần ở khắp vùng tây bắc rộng lớn nước Anh. Ở vào cái tuổi gần đất xa trời này, bà Jean luôn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ có cơ hội gặp lại gia đình nữa.
Cho đến một ngày tháng 6 năm 2007, David, 63 tuổi - người em trai lớn vẫn sống trong ngôi nhà mẹ để lại ở bán đảo Wirral - bất ngờ nhận được một lá thư gửi từ nhà tế bần Warwick Mews ở Macclesfield, với tên người nhận là bà mẹ đã quá cố từ lâu của ông. Trong bì thư là một bản câu hỏi điều tra về địa chỉ nhà, Ông đã định quăng vào thùng rác bởi cho rằng đó là tờ quảng cáo lăng nhăng, nhưng rồi trong tích tắc, ông nhận ra một cái tên “Jean Gambell” được viết nhỏ xíu trên mép giấy. Đó đích thị là tên chị gái của ông, người mà ông đã không gặp suốt 60 năm nay.
Không có gì ngăn cản David lao tới máy điện thoại để quay số gọi tới nhà tế bần Warwick Mews. Và họ cho biết rằng bà Jean Gambell, tức là chị gái ông, vẫn nằm trong danh sách các bệnh nhân đang điều trị. Sau đó, David cùng với người anh trai của mình là Alan, 66 tuổi đến ngay nhà tế bần để tìm chị gái mình. Chuyến viếng thăm của 2 cậu em vào trung tuần tháng 7 khiến bà Jean, giờ đã bước sang tuổi 85 gần, như đột quỵ - có lẽ là không chịu nổi “cú sốc” của sự kiện đoàn tụ bất ngờ.
Alan đã kể lại niềm vui của ngày đoàn tụ trong nước mắt: “Khi đến đó, chúng tôi chỉ sợ chị Jean không nhận ra mình, đã quá lâu rồi. Nhưng chúng tôi đã nhầm, khi chúng tôi nhìn thấy chị và nói ‘xin chào chị Jean, chúng em là em trai của chị đây’, rồi chị nhìn chúng tôi và nói ‘chào Alan, chào David’ sau đó dang rộng vòng tay chào đón chúng tôi.” Còn David cũng xúc động nói: “Tôi cứ nghĩ là chị tôi đã mất rồi. Từ lúc sinh ra đến giờ, nếu nhớ không nhầm thì tôi chỉ được gặp chị đúng 3 lần.”
David và Alan được đoàn tụ với chị gái của mình vào đúng những ngày gần tới sinh nhật lần thứ 85 của chị. Trong ngày sinh nhật chị mình, họ đã mua một bó hoa thật to và viết dòng chữ “chào chị Jean, chúng em là em của chị” lên chiếc bánh sinh nhật. Bà Jean Gambell khi đó đã rất đỗi vui mừng và nói rằng, trong cuộc đời mình bà chưa bao giờ được trải qua niềm vui nào to lớn như vậy. Bà biết rằng, bà đã không cô đơn trong cuộc đời này vì trong suốt những năm qua, 2 người em trai của bà vẫn dõi theo mong được đoàn tụ.
Trong cuộc đoàn tụ này, bà Jean cũng được nghe câu chuyện về người cha của mình, người đã có một phần trách nhiệm trong cuộc lưu lạc suốt 70 năm trời của bà. Alan kể với bà rằng, sau khi nhận ra việc ký nhận vào bản cam kết cho con gái ở trong trại tế bần để điều trị bệnh là sai lầm, bố của bà đã tìm đến trại tế bần với mong muốn đón con gái về để chuộc lại lỗi lầm.
Nhưng thật không may khi đó, bà Jean đã bị chuyển đến một trại tế bần khác mà không rõ địa chỉ. Qúa đau buồn vì quyết định sai lầm của mình, năm 1957, bố của bà đã tự tử sau nhiều lần viết thư cầu cứu lên các cơ quan chức năng với mong muốn giúp đỡ tìm lại con gái mình nhưng đều vô vọng. Alan cho biết, trước một ngày khi cha anh tự tử, ông đã nói với anh rằng: “Bố thật sự cảm thấy có lỗi với những gì mình đã làm, bố đã khiến các con mất chị.”
Về phần bà Jean, kể từ khi ở trại tế bần này, đã rất nhiều lần, bà cố gắng mô tả cho nhân viên trại tế bần về ngôi nhà tuổi thơ xây theo kiến trúc thời Victoria của mình ở Wirall. Tuy nhiên khi trại cho người đến xác minh, tất cả những gì đập vào mắt họ chỉ là một khu chung cư cũ kỹ. Trên thực tế, ngôi nhà đã bị kéo sập từ trước những năm 1960.
Trong một cuộc phỏng vấn với phóng viên của BBC đã ngậm ngùi chia sẻ: “Ngày nay khiếu kiện, kháng án là chuyện thường tình nhưng vào cái thời cách đây 70 năm, chỉ một chữ ký của bác sĩ cũng có thể hủy hoại cả đời người. Chị gái của tôi đã mất đi cơ hội được yêu thương, được kết hôn và có một gia đình nhỏ của riêng mình. Tôi băn khoăn tự hỏi không biết còn có bao trường hợp giống như chị gái tôi nữa?”
Thái Hà