Theo thống kê của Bệnh viện Nhi trung ương, tỷ lệ viêm dạ dày ở trẻ nhỏ đang ngày càng gia tăng. TS Trần Đăng Khoa – Giám đốc BV Ung bướu Hà Nội cho biết, ông đã gặp bệnh nhân 8 tuổi đã bị ung thư dạ dày đây là điều cực kỳ nguy hiểm vì bệnh này thường gặp ở người trung niên. Nguy hiểm hơn là thủ phạm gây ung thư dạ dày tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ở ngay trong chính bữa cơm của gia đình.
Đó là trường hợp đau lòng của chị Đinh Thu Phương trú tại Sóc Sơn, Hà Nội. Dù mới 8 tuổi nhưng con chị đã mắc bệnh viêm dạ dày trầm trọng ở hạ vị do vi khuẩn H.P gây nên. Sau khi nghe bác tư vấn, chị Phương ngớ người ra vì gia đình chị vẫn sử dụng chung các dụng cụ ăn uống, đặc biệt mẹ chồng chị bị đau dạ dày trước đó đã bị loét và phải điều trị lâu dài.
Chị không hề hay biết đây là bệnh có thể lây qua đường ăn uống nguy hiểm như thế. Cứ nghĩ đến việc vô tình lây bệnh từ người lớn, chị Phương lại tự trách mình không tìm hiểu kỹ. Cùng với chị Phương, rất nhiều phụ huynh khi đến khám ở Bệnh viện Nhi trung ương ngỡ ngàng vì con còn quá bé mà đã mang căn bệnh nguy hiểm.
Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn HP dạ dày ở trẻ em
Các chuyên gia đầu ngành cho biết, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP dạ dày. Trong đó, cơ địa, lây truyền hoặc tiếp xúc với tác nhân nhiễm khuẩn từ nhỏ cũng là những nhân tố tiềm ẩn bên trong cơ thể người sau nhiều năm mới bùng phát. Ngoài ra, bệnh còn phát sinh bởi một số nhân tố khác, chẳng hạn như:
Hệ miễn dịch của trẻ rất kém nên không thể tự phòng tránh được các tác nhân gây nhiễm khuẩn.
Sử dụng thực phẩm không được nấu chín, thực phẩm có chứa ấu trùng vi khuẩn.
Trẻ em là đối tượng chưa ý thức được tác nhân gây bệnh nên thường không chủ động phòng tránh.
Uống nước bị nhiễm khuẩn.
Không vệ sinh tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Lây nhiễm vi khuẩn HP qua đường tiếp xúc như hôn, dùng chung ly chén, bàn chải đánh răng với người mắc bệnh.
Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) nguy hiểm thế nào?
Vi khuẩn HP chính là “thủ phạm” chính gây viêm, loét dạ dày- tá tràng và ung thư dạ dày. Nếu cơ thể nhiễm vi khuẩn HP có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, nguy hiểm hơn là phát triển thành ung thư dạ dày.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thúy Oanh - Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Nội soi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park chia sẻ không ăn chung bát, tránh gắp thức ăn cho nhau, mớm cơm hoặc thổi canh cho trẻ. Chỉ cần chú ý điều chỉnh những thói quen tưởng chừng như vô hại này sẽ tránh được việc lây nhiễm căn bệnh "tử thần" cho con.
Những triệu chứng khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP
Triệu chứng nhiễm khuẩn HP ở trẻ em thường rất khó kiểm soát hơn so với người lớn. Vì vậy, bố mẹ có thể ghi nhớ và lưu ý một số biểu hiện dưới đây để kịp thời khắc phục cho trẻ.
Trẻ bị đau quanh rốn hoặc thượng vị. Thường gặp nhất là sau khi ăn khoảng 2 – 3 tiếng hoặc vào ban đêm.
Trẻ thường bị ợ hơi, ợ nóng, buồn nôn.
Người gầy yếu, xanh xao, thiếu máu.
Ăn không ngon miệng, sụt cân
Nôn ói nhiều hoặc đại tiện có máu tươi, máu lẫn trong phân có màu đen như nhựa đường.
Cách dự phòng lây nhiễm, loại trừ vi khuẩn HP
Chế độ ăn uống hợp vệ sinh, đúng giờ. Hạn chế rượu bia, thức ăn chua, chất gia vị kích thích như ớt tiêu. Không ăn no ngay trước khi đi ngủ. Tránh stress, lo âu.
Người lớn cần có ý thức ăn uống riêng, giúp phòng nhiễm khuẩn cho chính mình cũng như ngăn nguồn lây đến trẻ. Không mớm đút thức ăn, dùng chung đũa, uống chung ly, hạn chế hôn miệng trẻ, hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay với xà phòng...
Không dùng kháng sinh tùy tiện, nhất là khi chưa có bằng chứng nhiễm HP, hay khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Cần tuân thủ phác đồ điều trị: Đúng thuốc, đúng liều, đúng cách sử dụng và đúng thời hạn.
Thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi có khó chịu về đường tiêu hóa để có chỉ định tầm soát HP sớm nhất khi cần thiết. Nhất là kiểm tra định kỳ ở người trên 40 tuổi, cả nam lẫn nữ.