Mẹ già 83 tuổi chăm đàn con tật nguyền

06:06, Thứ hai 24/09/2012

( PHUNUTODAY ) - Nhìn họ nằm trên giường, gương mặt già nua khó đoán tuổi, chỉ biết một là nam giới điên và bị mù, người kia là nữ giới, toàn thân sưng phồng lở loét, bốc mùi tanh hôi. Cả hai đều không có khả năng lao động.

Gầy guộc, ngồi rửa những nắm rau dại bên thau nước đục ngầu cáu két, cụ Thiểm ngước đôi mắt già nua đùng đục lên nhìn chúng tôi rồi cứ thế chảy dài hai hàng nước mắt. Cụ xúc động chẳng nói thành lời, vậy là suốt mấy chục năm qua, cái cảnh tận khổ của cụ và đàn con điên dại đã có những người xa lạ, là chúng tôi tìm đến sẻ chia.

Cụ Thiểm khổ quá, nhưng giữa cái xóm nghèo xác xơ này, cụ chẳng dám phiền hà bất cứ ai. Thế nên ngày ngày, người mẹ già 83 tuổi vẫn phải lang thang khắp các xó đường, góc chợ, nhặt nhạnh cả miếng vỏ dưa hấu về nấu cho các con ăn.

Ba phận người trong căn nhà nát

Tôi tình cờ biết đến cảnh đời cùng khổ của cụ bà Đinh Thị Thiểm (SN 1929) trong một lần công tác tại xã nghèo Thi Sơn (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). Ngày hôm ấy, chia sẻ với tôi về hoàn cảnh khó khăn của gia đình cụ Thiểm, chị Đoàn Kim Hạnh (cán bộ Lao động Thương binh và Xã hội xã Thi Sơn) buồn bã kể:

“Hoàn cảnh gia đình cụ Thiểm vô cùng khó khăn. Mặc dù đã già yếu nhưng cuộc đời cụ vẫn rất vất vả vì phải lo chăm sóc cho hai người con mù lòa và mắc bệnh tâm thần.

Mặc dù địa phương vẫn thường xuyên thăm hỏi, động viên cụ, tuy nhiên cũng chỉ được một phần nào vì cơ bản xã chúng tôi cũng chẳng khấm khá gì, chỉ giúp cụ được đến vậy trong khi số tiền hàng tháng cụ cần để chữa bệnh cho các con là rất tốn kém”.

Ngay sau đó, nhận thấy sự quan tâm của chúng tôi đến cụ bà bất hạnh, người nữ cán bộ xã Thi Sơn đã rất tận tâm dẫn chúng tôi xuống tận nhà cụ Thiểm, mong khách lạ thêm hiểu hơn về cảnh đời khốn cùng của cụ và đàn con tật nguyền.

Ba mẹ con cụ Thiểm trong trong ngôi nhà ẩm thấp
Đối với mẹ con cụ Thiểm, một bữa cơm đầy đủ, có thịt là một niềm mơ ước.

Để đến được căn nhà mục nát của cụ bà và đàn con khốn quẫn, chị Hạnh phải dẫn chúng tôi vòng vèo đến tận cuối con đường mòn heo hút của xóm 13. Cơn mưa rào đêm hôm trước khiến cho con đường đất vốn đã lổn nhổn đá cuội vào nhà cụ lại càng nhầy nhụa bùn đất.

Nhà cụ Thiểm là một căn nhà ẩm thấp và bé xíu, nằm nép mình dưới những tán phượng cằn cỗi. Theo chị Hạnh, có ba nhân khẩu trong căn nhà tiêu điều ấy, gồm cụ Thiểm cùng hai người con vừa mù lòa lại vừa mắc bệnh thần kinh.

Chị Hạnh với tay đẩy cánh cửa khép hờ, mùi ẩm mốc xộc ra nồng nặc, hăng hăng đến tận óc. Trong căn nhà tĩnh lặng và trống hoác, nghe kỹ mới nhận thấy những tiếng rên khe khẽ phát ra từ góc căn phòng tối tăm, nơi đó có hai con người đã trưởng thành, nằm rên rỉ, chẳng biết do đau hay đói.

Nhìn họ nằm vật vạ trên giường, gương mặt già nua khó đoán tuổi, chỉ biết một là nam giới điên và bị mù, người kia là nữ giới, toàn thân sưng phồng lở loét, bốc mùi tanh hôi. Cả hai là con cụ Thiểm và hoàn toàn không có khả năng lao động. Họ cũng chẳng phản ứng gì khi thấy chúng tôi vào thăm nhà.

Đưa mắt một vòng quanh căn nhà tối, chị Hạnh dẫn tôi quay ngược ra phía cửa rồi tiến dần tới gian bếp bé như cái chuồng gà nằm vuông góc với gian nhà chính. Chị đi tìm bà cụ Thiểm.

Trong vuông bếp chật chội đen kít bò hóng, chúng tôi thấy bà cụ Thiểm đang cặm cụi ngồi thổi lửa. Củi ướt khiến khói mù mịt bốc lên từng cụm đặc quánh, phả đầy vào những chiếc nồi nhôm méo mó treo lủng lẳng trên gác bếp.

Thấy chúng tôi cất tiếng chào, cụ Thiểm lộ rõ vẻ ngạc nhiên nhưng vẫn không buông chiếc quạt nan lúc ấy đang quạt cho ngọn lửa mau bén củi dưới nồi nước lớn.

Sau khi nghe người nữ cán bộ xã giới thiệu về tôi, gương mặt cụ Thiểm bất giác trùng xuống nghẹn ngào. Cụ nói với tôi bằng cách dân dã và quê mùa, ý chừng xin lỗi về sự thiếu chu đáo, nhưng cụ thực sự đang rất dở tay nấu nướng cho hai người con tật nguyền trên nhà.

Ngượng nghịu nói được ý tứ của mình, cụ Thiểm cứ thế lần ra giếng nước bên hông nhà, bàn chân khô nứt nẻ trên nền đất bỏng rát. Trông bà lão 83 tuổi còn rất nhanh nhẹn mặc dù cơ thể chỉ còn da bọc xương.

Tôi bám sát theo cụ Thiểm lần tìm ra giếng nước, thấy cụ đang tranh thủ rửa từng nắm rau dại lớn bên trong chiếc rổ tre đã bung tới hơn 1/3 cạp. Đó là khẩu phần ăn nguyên cả hai bữa trưa và tối cho 3 mẹ con cụ.

Tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi thấy một túi nhỏ đựng toàn vỏ dưa hấu, loại đã được ăn hết ruột đỏ, chỉ còn lại toàn cùi trắng. Bên chậu nước cáu két, cụ Thiểm cặm cụi ngồi rửa từng miếng một thật sạch sẽ rồi để vào một chiếc nồi khác.

Cụ Thiểm giải thích, cái đó đun lên ăn được, vừa nấu canh ăn cho mát. Cái thức ăn kỳ dị đó, chủ yếu để người con gái bị phù nề ăn, để giải nhiệt. “Tôi không có tiền, thấy người ta kháo nhau cái đó ăn được thì tôi cũng nhặt về nấu cải thiện. Ăn rau dại mãi cũng xót ruột”, cụ Thiểm rưng rưng giải thích.

Rồi cụ hướng đôi mắt đùng đục về phía tôi, để nước mắt ầng ầng thi nhau trào qua khóe mắt nhăn nheo. Và rồi như thế, cụ trải lòng với chúng tôi về cuộc đời quá đỗi khổ cực của mình.

Thèm một bữa cơm có thịt

Theo lời kể của người đàn bà bất hạnh, năm 21 tuổi, cụ Thiểm phải lòng và nên duyên vợ chồng với một người thương binh cùng làng có thương tật 3/4. Cuộc sống tuy nghèo đói, khó khăn nhưng hai vợ chồng trẻ hết sức yêu thương đùm bọc nhau.

Thế nhưng ngày đứa con cả chào đời cũng chính là ngày đánh dấu chuỗi bi ai khổ ải trong cuộc đời tần tảo của cụ. Người con trai đầu của gia đình, anh Lại Văn Lợi (sinh năm 1955) vừa chào đời đã mang bệnh hiểm nghèo.

Nhà lại khó khăn, vợ chồng cụ gom góp tất cả những vật dụng có giá trị, bán đi lấy tiền để đưa con đến các bệnh viện chữa trị. Mỗi đêm, cụ ứa nước mắt khi nhìn đứa con đầu lòng chỉ nằm bất động, không tiếng khóc cười như bao đứa trẻ khác. Sau 9 tháng chạy chữa, anh Lợi qua đời trong nỗi đau xé lòng của bậc sinh thành.

Rồi đến người con thứ 2, thứ 3 và thứ 4 lại lần lượt được sinh ra. Tuy không ốm đau dặt dẹo như anh cả nhưng cả 3 đều yếu ớt, hễ trái gió trở trời lại đổ bệnh nằm liệt. Tuổi thơ gắn liền với những vỉ thuốc, dầu cao cùng vòng tay ấp ủ của bà cụ Thiểm.

Thế rồi, vì muốn có được những đứa con khỏe mạnh, bà cụ Thiểm cùng chồng quyết sinh thêm con. Nhưng chính quyết định sai lầm này đã khiến của cuộc đời của người phụ nữ nông thôn ít học tiếp tục bị chìm sâu xuống hố đen bất hạnh.

Người con thứ 5 ra đời trong sự chờ đợi của đôi vợ chồng nghèo. Thế nhưng đau đớn thay, anh Lại Văn Tiến (sinh năm 1967) từ khi sinh ra mắt đã mờ lòa, không nhìn được. Từ bé, anh chỉ biết ngồi quanh quẩn một góc nhà, càng lớn càng ngớ ngẩn, không nhận biết được xung quanh.

Đến người con thứ 6 của cụ, anh Lại Văn Thành thì vừa chào đời đã đau ốm và mắc bệnh thấp khớp, chân tay tê liệt. Sau gần 20 năm nằm liệt giường, đến lúc sức cùng, lực kiệt, gia tài trắng tay thì anh Thành qua đời vì bệnh nặng.

Bất hạnh vẫn không ngừng ập xuống căn nhà nhỏ của cụ, người con gái thứ 7 sinh ra với nhiều hy vọng thì lại tiếp tục mắc bệnh lòa mắt. Cũng như người anh, chị Lại Thị Sáu (sinh năm 1977) lọt lòng mẹ đã không nhìn được sự vật.

Quanh năm chị sống trong bóng tối nên không được minh mẫn như người bình thường. Và giờ đây, chính hai người con này đang sống bằng những nắm rau dại và vỏ dưa hấu mẹ mình vẫn ngày ngày đi nhặt về.

Hai lần tự tay chôn cất những đứa con xấu số của mình, cả đời chỉ biết tất tưởi đưa các con đi bệnh viện rồi lại đưa về. Đến khi sinh hạ người con thứ 8, niềm vui chưa thành lời, cụ còn chưa kịp đặt tên cho con thì anh đã qua đời vì mắc bệnh hiểm nghèo.

Sau đó không lâu, cụ Lại Văn Thắng, chồng cụ Thiểm liên tục đau ốm. Do mang nhiều thương tật từ chiến tranh, lại mắc thêm căn bệnh viêm phổi nặng nên cụ Thắng nằm liệt giường. Gần chục năm ròng rã lo thuốc thang, chăm sóc cho chồng, năm 2004, cụ Thắng qua đời bỏ lại cụ Thiểm và hai người con điên dại.

Mọi sinh hoạt của ba mẹ con cụ chỉ biết trông vào số tiền trợ cấp tàn tật 120.000đ/tháng của hai con. Các người con khác của cụ tuy đã lập gia đình, có người ở sát cạnh nhà nhưng cũng chỉ giúp đỡ cụ ít tiền hay biếu cụ vài yến gạo chứ không phụ giúp cụ chuyện chăm sóc các em tàn tật được.

Bản thân cụ Thiểm sức khỏe yếu, mắc chứng bệnh thần kinh tọa lâu năm nên cơ thể thường xuyên bị co giật, đau nhức. Tuy vậy, kể cả những ngày mệt mỏi, đau ốm cụ vẫn không quên ra đồng hái nắm rau dại về lo bữa cơm cho các con.

Đối với mẹ con cụ, một bữa cơm đầy đủ, có thịt là một niềm mơ ước. “Bệnh của thằng Tiến nặng lắm, nếu đợt nào không có thuốc uống thường xuyên là nó lại lên cơn vật vã, đập phá đồ đạc và chửi bới mọi người.

Dù mắt nó không nhìn được nhưng có hôm tôi đi vắng, nó lên cơn rồi bắc thang mò mẫm lên mái nhà dỡ ngói ném xuống sân cho vỡ nát, tôi về nhà sợ quá phải nhờ mấy người hàng xóm đỡ cháu nó xuống và vay tiền đi mua thuốc bệnh cho con”.

Nỗi lo lớn nhất của cụ là người con gái mắc bệnh sưng phù. Chân tay chị Sáu ngày càng sưng tấy to, rồi lở loét, nổi mụn, bỏng nước bốc mùi tanh hôi.

Ngày nào cũng vậy, cụ Thiểm dậy sớm nấu cháo cho các con ăn rồi tiếp tục làm các công việc nhà. Tuy tuổi già nhưng cụ vẫn chăm chỉ cuốc xới lại mảnh đất vườn để trồng chuối kiếm thêm thu nhập.

Chỉ tay vào mấy buồng chuối xanh, cụ Thiểm nói: “Ít hôm nữa buồng chuối này chín rồi mang ra chợ bán, tôi sẽ có tiền mua thức ăn và mua thuốc bệnh cho các cháu”.

Kể đến đây, cụ Thiểm ứa lệ, nghẹn ngào không nói nên lời. Hai người con mù lòa, ngớ ngẩn đang ngồi trong căn buồng tối chẳng hiếu lý do gì cũng ôm nhau bật khóc...

Mọi đóng góp của những tấm lòng hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Cụ bà Đinh Thị Thiểm, xóm 13, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
  • Giang Lam

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc