Mẹ nhẫn tâm ném con xuống giếng vì nghi chồng ngoại tình

07:32, Thứ năm 10/11/2011

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chúng tôi trở về thôn Dân Lập (xã Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội) đúng hai năm sau vụ án đau lòng mà người ta gọi là “hổ dữ ăn thịt con”.


Hậu quả của mối tình chớp nhoáng

Hai năm về trước, cũng đúng cái thời gian chuyển mùa trời se lạnh này, xã Yên Bình rúng động bởi một vụ án mạng kinh hoàng. Một người mẹ, một người đàn bà bị “quỷ ám” đang tâm ném đứa con hơn 3 tháng của mình xuống giếng. Nguyễn Thị Nụ (thôn Dục, xã Yên Bình, Thạch Thất, Hà Nội) đã khiến dư luận bức xúc vì hành động “thú tính” của mình.

Chúng tôi lên đường về thôn Dân Lập, một vùng quê nghèo của huyện Thạch Thất. Hỏi đường vào nhà bà Nguyễn Thị Thanh - mẹ chồng của bị cáo Nụ, nhiều người lắc đầu, thở dài. Hầu như mọi người đều không muốn nhớ lại những giây phút kinh hoàng đã xảy ra cách đây hai năm nữa. Sau vụ án, xã Yên Bình không còn được bình yên như trước.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp bốn tạm bợ, mái ngói vá chằng chịt bằng những tấm bạt chống dột nát, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết: “Nhà tôi vừa làm giỗ cho cháu Đ.V hôm qua. Khổ thân thằng bé, chưa biết đi, chưa biết nói, chưa biết gọi bố mẹ đã phải lìa xa cõi đời. Đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên được hình ảnh cháu nội tôi lúc được vớt ở dưới giếng lên. Lúc ấy, chân tôi ngã khụy, nhìn thằng bé ra đi mà không có cách nào cứu cháu được. Tôi hối hận vì đã đưa cháu V cho mẹ nó để đến bây giờ ra nông nỗi này”.
Bà Nguyễn Thị Thanh - mẹ của Nguyễn Văn Linh
Bà Nguyễn Thị Thanh - mẹ của Nguyễn Văn Linh

Gạt dòng nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt đen sạm vì nắng gió, bà Thanh bắt đầu kể về cuộc hôn nhân của cậu con trai mình. Nguyễn Văn Linh - con trai bà Thanh - và Nụ cùng sinh năm 1987. Trong gia đình, Linh là anh cả nên trách nhiệm gánh vác công việc đổ lên vai từ rất sớm. Học chưa hết cấp III, Linh phải nghỉ giữa chừng để đi làm phụ hồ, lấy tiền giúp bố mẹ nuôi hai đứa em ăn học tiếp. Năm 2008, vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Linh quen Nụ, và lễ cưới diễn ra chóng vánh trong sự ngỡ ngàng của xóm làng.

 Trước đó, Linh tình cờ quen Nụ tại một quán ăn trên đường Láng – Hoà Lạc, quán ăn mà Nụ đang làm việc. Được biết, khi Linh xin phép lấy Nụ, gia đình bà Thanh ra sức phản đối. Tuy nhiên, sau nhiều lần con trai thuyết phục, vợ chồng bà Thanh cũng xuôi lòng. Theo lời bà Thanh, có lẽ đám cưới của cậu con trai cả của bà đã bắt đầu cho một tấn bi kịch gia đình. “Tôi nhớ, hôm hai đứa cưới, trời mưa rất to, chưa bao giờ có đám cưới nào mà mưa to đến như vậy cả. Gia đình chúng tôi phải bưng cỗ bàn đi rải rác ở một số nhà trong xóm xin làm nhờ...” - bà Thanh ngậm ngùi kể.

Cô con dâu này được dân làng nơi đây biết đến là người rất lầm lì, kiệm lời. Đi ngoài đường, gặp ai cũng không mở miệng ra chào lấy một câu. Ở nhà, bố mẹ chồng bảo làm việc gì thì cứ lầm lũi làm, không hề nói lại lời nào. Đây dường như là hệ quả tất yếu của cuộc hôn nhân mà cả quá trình yêu đương, tìm hiểu và đám cưới chỉ diễn ra trong vòng mấy tháng. Một năm sau khi cưới, Nụ sinh hạ được một cậu bé kháu khỉnh đặt tên Nguyễn Đ. V. Tưởng chừng, sự xuất hiện của “thiên thần” này sẽ giúp Nụ trở nên hoà đồng với gia đình hơn, tuy nhiên, tấn bi kịch gia đình đã bắt đầu từ đây.
   
Hổ dữ ăn thịt con

Trao đổi với PV, bà Phí Thị Hợp, sinh năm 1960, hàng xóm nhà Linh cho biết: “Trước khi xảy ra vụ án mạng thương tâm trên, cháu Linh thỉnh thoảng đi phụ hồ tại Hà Nội và một số xã thuộc huyện Thạch Thất, còn Nụ ở nhà chăm con. Tôi được biết, khoảng một tuần trước khi Nụ làm điều dại dột, cháu Linh có dẫn một vài người bạn đồng ngũ về nhà ăn cơm và ngủ lại. Hôm ấy đúng là ngày Nụ xin phép bố mẹ chồng đưa con về nhà ngoại chơi. Vì các bạn của Linh có dẫn bạn gái về cùng nên sau khi Nụ về có ý nghi ngờ chồng có người khác, phản bội mình. Nó không hỏi trực tiếp Linh mà cứ để sự nghi ngờ ấy âm ỉ trong lòng suốt mấy ngày trời nên mới xảy ra sự việc đau lòng trên”.

Theo lời kể của bà Hợp, ngày 18/11/2009, khoảng hơn 4 giờ sáng, bà đang ngủ thì bị đánh thức bởi những tiếng chân chạy thình thịch ngoài đường và tiếng người réo nhau. Bà Hợp tỉnh dậy, thấy Linh đang chạy dọc làng để tìm ai đó. Sau đó, bà mới biết gia đình người hàng xóm của mình “bỗng nhiên” mất con.

“Tôi chưa kịp xỏ dép, vội chạy sang nhà hàng xóm hỏi thăm sự việc. Lúc này, ở nhà bà Thanh đã có rất nhiều người đến tìm cháu giúp. Tưởng rằng cháu V. bị bắt cóc nên mọi người bàn nhau tản ra tất cả các bến xe, tàu để tìm. Tôi được giao nhiệm vụ cùng hai người nữa ra sân bay Hoà Lạc. Mãi đến 6 giờ sáng, chúng tôi ngã ngửa khi biết thông tin cháu bé đã được tìm thấy dưới chiếc giếng tại nhà” - bà Hợp kinh hoàng kể.

Trong tiếng nấc nghẹn ngào, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, tối hôm trước khi án mạng xảy ra, mọi chuyện trong gia đình vẫn bình thường. Bà ăn cơm xong trước, bế cháu nội cho con dâu ăn cơm. Hôm ấy gió lạnh nên gia đình bà đi ngủ sớm. Được biết, cách đó hai ngày, bé Đ. V. đi tiêm phòng nên mấy ngày thường quấy khóc rất nhiều. Hôm xảy ra án mạng, bà Thanh ẵm cháu Đ. V. cho con dâu ngủ đến 2 giờ sáng nên cảm thấy chân tay bủn rủn, mệt nhoài.

Bà bế cháu vào buồng để Nụ cho bú. Khi đưa cháu Đ. V. cho Nụ thì cháu đang ngủ ngon. Tuy nhiên, sau đó, cháu cứ ậm ạch lúc khóc, lúc nín. Khoảng 4 giờ sáng, bà Thanh chột dạ, giật mình khi thấy tiếng khóc của Nụ trong buồng. Bà cùng chồng lật đật chạy vào hỏi thì thấy Linh đang lần mò trong đống chăn để tìm con còn Nụ thì nằm úp mặt xuống gối khóc, trên chân vẫn còn đi dép.

“Tôi hỏi Nụ về cháu Đ. V, nó vừa khóc vừa kể lại là đi vệ sinh về thì đã thấy mất con. Lúc ấy, cả gia đình tôi đầu óc mụ mị nên cứ nghĩ có kẻ xấu nào đó bắt cóc cháu mình đi bán, liền chia nhau đi tìm. Lúc này, Nụ không đi tìm con mà cứ úp mặt xuống giường khóc. Người ta nói, “hổ dữ cũng không ăn thịt con”, cả gia đình, xóm giềng đâu biết được chính Nụ đã xuống tay giết hại đứa con mình dứt ruột đẻ ra” - bà Thanh bức xúc.

Sáng hôm sau, khi mọi người đinh ninh là cháu bé đã bị kẻ xấu bắt cóc, công an huyện Thạch Thất đã xuống làm biên bản thì sự thật mới được phơi bày, “ác phụ” mới lộ nguyên hình. Khoảng gần 6 giờ sáng ngày 18/11, hàng chục người đang tập trung tại nhà bà Thanh để đi tìm cháu Đ. V. Ông Nguyễn Văn Lập (SN 1957) - bố đẻ của Linh - bảo Nguyễn Thị Hiền (em gái Linh) ra giếng múc nước đun để pha trà cho khách.

Cô gái bé nhỏ này xách chiếc xô múc nước chạy ra giếng mà chẳng biết rằng đứa cháu trai của mình đang nằm lạnh giá ở dưới đó. Một xô nước múc lên, bỗng nhiên Hiền thấy chiếc mũ len màu đỏ của cháu Đ. V. nổi lềnh bềnh trên mặt giếng. Rồi dần dần, chiếc tã lót màu đỏ cũng lộ ra. Cô bé ném bỏ chiếc xô múc nước chạy thẳng vào trong nhà, khuôn mặt tái nhợt, ôm chầm lấy mẹ, khóc không thành lời.

 Sau hơn 1 phút trấn tĩnh lại, Hiền run lật bật vì sợ hãi, chỉ tay về phía chiếc giếng sâu hun hút, nói đứt quãng: “Không phải đi tìm nữa đâu, cháu đang ở dưới giếng kìa”. Mọi người lập tức chạy đến giếng theo lời của Hiền, tuy nhiên trong lòng ai cũng cầu nguyện rằng mọi chuyện không phải như vậy. Song, hàng chục người như chết lặng khi xác bé Đ. V.  đang nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Sau đó, vợ chồng Linh - Nụ bị công an huyện Thạch Thất bắt để phục vụ công tác điều tra.

Tâm sự với chúng tôi, bà Thanh cho biết: “Lúc phát hiện ra cháu nội tôi đã chết dưới giếng thì Linh đang chạy xe ra các bến xe ở Hà Nội để tìm con. Khi gọi điện, người ta nói dối là đã tìm thấy cháu bé chứ không ai dám nói là cháu đã mất rồi. Nó vui mừng khôn xiết, chạy về nhà để ẵm con.

Tuy nhiên, vừa đi đến cửa, thấy tôi và mọi người đang khóc, thấy đứa con trai nhỏ của mình đang nằm bất động trên tấm chăn nhỏ, nó khụy ngã. Linh cố lê chân về phía con trai để nhìn mặt con lần cuối. Nó gào thét, khóc lóc rồi ngất lịm. Tôi thì ngồi dựa vào tường, mắt tôi nhìn thấy hết mọi việc xảy ra xung quanh nhưng không tài nào đứng dậy hay cử động được”.

Bản án thích đáng

Sáng 2/6/2010, TAND TP. Hà Nội đã xét xử vụ án đắng lòng này. Đứng trước vành móng ngựa, Nụ cúi gằm mặt xuống đất, thỉnh thoảng quay lại liếc nhìn người thân như cầu xin sự thứ tha. Tuy nhiên, tất cả đã quá muộn. Cô đã nghe được lời nói “Kính mong HĐXX xử đúng người đúng tội” của Linh - người chồng của mình. Đối với Nụ, những câu nói cứng rắn ấy của Linh như xát muối vào trái tim đã quá đau vì hành động mụ mị của mình.

Bà Thanh cho biết, tại phiên toà, thông gia của bà là bà Bùi Thị Ninh (mẹ ruột của Nụ) lấy khăn chấm nước mắt rồi nói: Gia đình bà vốn rất nghèo, thu nhập chủ yếu từ việc hái chè thuê, mỗi ngày được từ 10 - 15 ngàn đồng. Nụ là con gái lớn nhất trong gia đình, từ nhỏ vốn ít nói, chỉ hay làm. Sau khi lấy chồng, thỉnh thoảng Nụ về có thăm nhà. Nhưng vì Nụ ít nói, chẳng bao giờ tâm sự, chia sẻ chuyện gia đình với mẹ nên bà không biết vợ chồng Nụ có mâu thuẫn gì. Giờ nhìn đứa con gái đứng trước vành móng ngựa, bà chỉ biết xin lỗi gia đình con rể. Bà cũng cũng quá đau lòng vì mất đi đứa cháu ngoại và bây giờ đứa con gái của bà cũng đang đối mặt với 12 năm tù. Trong nước mắt, bà Ninh xin quan toà cho Nụ một cơ hội sớm được trở về để làm lại cuộc đời.

Được biết, hiện nay chiếc giếng, nơi đã cướp đi sinh mạng của cháu Đ. V., đã được gia đình bà Thanh lấp kín. Bà Thanh bảo bà phải lấp bỏ vì cứ nhìn thấy nó là bà lại nhớ đến đứa cháu nội đoản mệnh của mình.
  • Dã Liên – Bách Hợp
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc