Cách chọn và ăn măng an toàn
Măng khô ngon thường có màu vàng nâu nhạt, màu hổ phách, đường vân tỉ mỉ. Bề rộng thịt dày, mềm, không có quá nhiều xơ. Bạn nên chọn loại măng lưỡi lợn (có hình dáng như chiếc lưỡi lợn), có kích thước vừa phải sẽ vừa nạc, lại giúp bạn tiết kiệm thời gian khi ninh nấu.
Nên chọn măng búp có màu đều nhau, đốt ngắn, không có xơ. Chọn nhiều phần ngọn vì khi nấu sẽ mềm và ngon hơn phần gốc. Măng tẩm ướp lưu huỳnh có màu sắc quá bóng loáng hoặc quá xỉ màu, có mùi lạ (mùi hắc). Tránh mua măng xuất hiện các vết lốm đốm do mốc, măng cầm có cảm giác mềm hoặc bẻ gãy được.
Bạn có thể nhận biết măng phơi nắng tự nhiên có mùi ngai ngái của măng còn măng sấy bằng lưu huỳnh sẽ có mùi khét đặc trưng của măng ngâm lưu huỳnh, khi ngửi sẽ có mùi SO2 (mùi diêm sinh) rất đặc trưng. Ngoài ra, măng ngâm hóa chất thường có độ bóng, trông bắt mắt, không bao giờ bị ẩm mốc.
Cách loại bỏ độc tố trong măng
Trước khi chế biến, rửa măng khô thật sạch để loại bỏ hết lớp chất bẩn và bụi bám trên măng. Sau đó, ngâm cho măng nở trong ít nhất là từ 5 - 6 tiếng, cũng có thể ngâm măng qua đêm để khi nấu mềm đều hơn. Trong quá trình ngâm, cần thường xuyên thay nước ngâm để giúp lọc sạch vị đắng còn lại trong măng.
Sau khi ngâm xong, cho măng vào rổ, để măng ráo nước thì cho vào nồi nước và tiếp tục đun sôi cho đến khi măng mềm hoàn toàn. Nên để nồi măng sôi trong ít nhất là một giờ với lửa trung bình. Sau đó, tiếp tục gạn hết phần nước đã đun, cho thêm nước mới và đun trong khoảng một tiếng nữa để măng mềm đều. Trong quá trình đun, nếu thấy nồi măng cạn nước, cần thêm nước vào sao cho măng luôn phải ngập trong nước.
Khi măng đã chín mềm, vớt măng ra, cho vào rổ để ráo nước và đợi đến khi măng nguội hoàn toàn thì xé măng thành từng sợi mỏng, tiếp tục rửa lại bằng nước sạch. Lúc này, phần măng khô đã sẵn sàng cho việc chế biến các món ăn. Có thể dùng nước vo gạo ngâm măng khô sẽ giúp măng nhanh mềm và chín đều hơn khi luộc.