Dù được quảng cáo là giữ ấm cơ thể, nhưng miếng dán giữ nhiệt lại có thể đạt tới nhiệt độ gần 70 độ C, có thể gây bỏng. Thậm chí, nhiệt độ của nó tỏa ra làm chín trứng khi ủ trong 6 tiếng.
[links()]
Làm chín trứng gà
Cơ quan chức năng TP. Côn Minh (Trung Quốc) vừa phát hiện, đa số miếng giữ ấm bán trên thị trường có nhiệt độ lên đến 69 độ C, tức là người sử dụng có nguy cơ bị bỏng rất cao.
Miếng dán giữ nhiệt đạt nhiệt độ cao nhất là 69 độ C. |
Cơ quan chức năng đã thử nghiệm với hai loại miếng giữ ấm khác nhau đều được ghi là dùng công nghệ của Nhật Bản. Một loại dùng dán lên quần áo mặc trong, giữ ấm được 8 giờ. Loại thứ hai dùng giữ ấm cho tay, có thể giữ ấm 20 giờ. Hai loại này cũng không có giấy chứng nhận chất lượng.
Các miếng giữ nhiệt này đều có thành phần bột sắt, bột Các-bon, Natri clorua, nhựa cây, cát... Những thành phần này ở trong trạng thái phong kín không khí thì “vô hại”, nhưng một khi mở túi ra, tiếp xúc với không khí sẽ sinh phản ứng, tạo nhiệt lượng.
Thực nghiệm nhiệt lượng tỏa ra từ hai túi giữ ấm trong điều kiện nhiệt độ bên ngoài từ 6 - 12 độ C cho thấy: Sau 5 phút bóc túi giữ ấm, nhiệt độ đạt tới 36 độ C; 40 phút sau nhiệt độ là 55 độ C, 70 phút là 62 độ C, 90 phút là 65 độ C, sau 120 phút nhiệt độ đạt tới 69 độ C thì không tăng lên nữa. Thực nghiệm miếng giữ ấm nhãn hiệu khác, nhiệt độ cũng cao đến 68 độ C.
Khi bọc trứng trong miếng dán giữ ấm, sau 6 tiếng bỏ ra, vỏ quả trứng rất nóng, không cầm trên tay được. Đập quả trứng ra đã thấy trứng bắt đầu chín, lòng trắng và lòng đỏ đều đông lại, lòng đỏ chín vàng, không khác gì luộc trứng trong nước bình thường.
Các chuyên gia khẳng định nếu tiếp xúc lâu với các túi giữ ấm này chắc chắn sẽ bị bỏng, bởi thân nhiệt bình thường là khoảng 37 độ C, nhưng bề mặt da chỉ 35 độ C, trong khi miếng giữ ấm đạt tới 69 độ C.
Sau khi quấn trứng gà trong miếng giữ nhiệt khoảng 6 tiếng, nó đã làm chín quả trứng. |
Các chuyên gia khuyến nghị, người có chướng ngại trong tuần hoàn máu, người bị bệnh tiểu đường, người có da nhạy cảm thấp, người già đều không không thích hợp sử dụng loại sản phẩm này trong thời gian dài.
Phụ nữ mang thai cũng không nên dùng, đặc biệt không được dán ở vị trí tử cung hoặc gần tử cung, vì như thế có thể làm cho tử cung thu co, ảnh hưởng vị trí thai, thậm chí sẩy thai…
Tràn ngập tại Việt Nam
Tại Việt Nam, các loại miếng dán giữ nhiệt cũng được bày bán ở khắp nơi, với hai loại miếng giữ nhiệt đều được quảng cáo có xuất xứ từ Nhật Bản, một dùng dán lên quần áo giữ ấm cơ thể, một loại dùng để dán giữ ấm bàn chân.
Miếng dán giữ ấm cơ thể có giá từ 100 - 130 nghìn đồng/túi 10 miếng, miếng dán giữ ấm chân có giá khoảng 200 nghìn đồng/túi 20 miếng (một số nơi giá chỉ 100 nghìn đồng/túi). Không ít cửa hàng còn đẩy giá gốc lên gấp đôi rồi quảng cáo khuyến mại giảm 50%.
Theo quảng cáo trên các trang điện tử, chúng tôi tìm đến cửa hàng trong ngõ 1194/61 Đường Láng (Đống Đa, Hà Nội), nhân viên ở đây lấy chúng tôi xem những miếng dán giữ nhiệt hiệu KIKO, xuất xứ Nhật Bản, với giá 130 nghìn đồng/túi 10 miếng.
Miếng dán giữ nhiệt hiệu KIKO được giới thiệu là nhập về từ Nhật Bản. |
“Đáng lẽ giá bán một túi phải 280 nghìn đồng, nhưng đang trong chương trình khuyến mại của cửa hàng nên giá được giảm 50%. Cái này dùng được cho cả người lớn và trẻ em, đặc biệt với các cụ lớn tuổi và trẻ em khi đi học, dùng ấm lắm”, nhân viên ở đây quảng cáo.
Theo nhân viên này, miếng giữ nhiệt này có thể duy trì ấm trong nhiệt độ từ 50 - 63 độ C, trong thời gian từ 12 - 16 tiếng.
“Với thời tiết rét như hiện nay miếng dán giữ nhiệt giúp các bé khi đi học hoặc đi ngoài đường tránh được cảm cúm và giá lạnh rất tốt, càng lạnh càng cảm thấy ấm, lại không hại đến cơ thể vì mình dán trên quần áo”, nhân viên cửa hàng quảng cáo thêm.
Không chỉ tại các cửa hàng, trên các trang bán hàng trực tuyến các loại miếng dán giữ nhiệt cũng được chào bán rất phổ biến, tất cả đều khẳng định là hàng nhập về từ Nhật Bản.
Được biết, các chất chính có trong miếng dán giữ nhiệt gồm: Bột sắt, nước, clorua kali, than hoạt tính, muối… Chúng hoạt động theo nguyên tắc thẩm thấu ôxy qua màng ngăn với những lỗ li ti để thực hiện phản ứng ôxy hóa bột sắt sinh nhiệt, sau đó dùng túi đóng gói để cách ly hoàn toàn với không khí.
Theo các bác sĩ, đã có một vài trường hợp bị bỏng vì dùng miếng dán giữ nhiệt, nhưng nhiệt độ cơ bản của miếng dán giữ nhiệt không cao, nên chỉ bỏng ở nhiệt độ thấp, da sẽ xuất hiện tấy đỏ, phồng rộp, tróc da hoặc nhợt nhạt.
Thông thường chỉ cần da tiếp xúc với nhiệt độ khoảng 50 độ C trong thời gian lâu sẽ gây bỏng, nhiệt độ gần 60 độ C liên tục trên 5 phút cũng có thể gây bỏng, còn tiếp xúc 70 độ C liên tục trong 1 phút sẽ bị bỏng.
Vì vậy, các bác sĩ khuyên chỉ nên dùng miếng dán giữ nhiệt cho người lớn khi nhiệt độ môi trường xuống rất thấp. Không nên dán trực tiếp vào da, nên dán qua một lớp áo, tránh sử dụng ở một vị trí trong một thời gian dài…
- Lê Việt