Việt Nam lần đầu tiên ghép phổi thành công từ người hiến chết não

( PHUNUTODAY ) - Ngày 16/3, BV Trung Ương Quân đội 108 cho biết, từ nguồn tạng hiến tặng, BV đã ghép hai phổi cứu sống bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn giai đoạn cuối.

Người được ghép thành công là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh (56 tuổi, quê Nam Định). Anh Hanh bị suy hô hấp nặng, thường xuyên phải cấp cứu, thở máy, thở ôxy liên tục. Tình trạng rất nghiêm trọng, và chỉ có ghép phổi là cơ hội duy nhất để giành lại sự sống cho anh.

Bệnh nhận Trần Ngọc Hanh được ghép phổi thành công (ảnh: vnexpress)

Bệnh nhận Trần Ngọc Hanh được ghép phổi thành công (ảnh: vnexpress)

Người cho tạng là một người đàn ông 45 tuổi bị chết não, gia đình đã đồng ý hiến tạng. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận 2 lá phổi, một quả thận và giác mạc để tiến hành phẫu thuật ghép tạng cho bốn bệnh nhân. Trái tim và quả thận còn lại được chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy bằng đường không một cách cẩn trọng để ghép cho 1 bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối và 1 thận ghép cho bệnh nhân suy thận. 

Bệnh viện thực hiện cùng lúc ca ghép phổi, thận và giác mạc, huy động hơn 60 y bác sĩ tham gia lấy tạng hiến. 20 y bác sĩ tham gia ca ghép phổi với sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu về gây mê hồi sức và ghép phổi của Pháp, Bỉ. 2 ê kíp song song nhau, một bên lấy phổi, cắt lọc và bơm rửa phổi đã lấy từ người hiến tạng; bên còn lại chuẩn bị sẵn sàng để ghép cho bệnh nhân Hanh.

Ngày 26/2, các ca ghép được tiến hành. Ca ghép phổi kéo dài gần 8 giờ. Sau phẫu thuật ghép, anh Hanh được chuyển về phòng hồi sức để theo dõi và điều trị cách ly. Hiện nay, sau 20 ngày từ khi diễn ra ca ghép, bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc tốt, có thể tự thở và tự đi lại trong phòng; huyết động ổn định, hai phổi sáng, hòa nhập ổn với cơ thể người nhận.

Ca phẫu thuật được thực hiện tại BV Trung Ương 108 (ảnh: vnexpress)

Ca phẫu thuật được thực hiện tại BV Trung Ương 108 (ảnh: vnexpress)

“Tôi đã khỏe hơn trước nhiều. Cảm ơn các y bác sĩ đã giúp tôi có thể sống”, anh Hanh chia sẻ. Còn anh Nguyễn Hùng Mạnh, con trai bệnh nhân cho biết, sức khỏe của cha anh đã phục hồi 70-80%, có thể tự thở được và đang tập phục hồi chức năng. Anh cũng chia sẻ, "Khi gia đình đang băn khoăn giữa các phương án thì chính bố tôi là người quyết định đồng ý ghép phổi”.

Trước đó, BV Quân y 103 (ở quận Hà Đông, Hà Nội) đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên của Việt Nam từ người cho sống trong khoảng 11 giờ. Bệnh nhân được ghép là cháu bé 7 tuổi từ người cho là bố bé (28 tuổi) và bác ruột (30 tuổi) của bé. Sau mổ, sức khỏe của cả 3 người với các chỉ số sinh tồn đều ổn định.

Theo đánh giá từ các chuyên gia, ghép phổi được đánh giá là kỹ thuật khó nhất bây giờ bởi tính chất phức tạp, khẩn trương và kỹ thuật chuyên sâu, sự điều phối nhịp nhàng; cơ sở trang thiết bị... Ghép phổi từ người cho sống đã khó, ghép phổi từ người cho chết não còn khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều lần. Để chuẩn bị cho ca ghép phổi đặc biệt này, Bệnh viện 108 đã có sự chuẩn bị kỹ càng trong ba năm đồng thời cử các bác sĩ sang Pháp, Nhật, Hàn Quốc... để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm thêm.

Cấu tạo của phổi gồm hai buồng, trong đó buồng bên trái gồm hai thùy, buồng bên phải có ba thùy. Khi chỉ còn một thùy, phổi vẫn có thể giãn nở chiếm đầy khoang phổi (có thể cắt một thùy bên trái hoặc bên phải), các chức năng phổi phục hồi rất nhanh. Hiện nay trong điều trị, các bác sĩ thường cắt một bên thùy phổi. Với trẻ em, chỉ cần ghép một phần phổi của người lớn là đủ giúp bé phát triển bình thường.

TAGS:
Theo:  khoevadep.com.vn