Mối tình hy hữu của cụ già 81 tuổi

( PHUNUTODAY ) - Ông nói về mối tình già của mình: “Cũng gian nan lắm đấy. Bà ấy tưởng tôi đùa nên cáu lắm. Cuối cùng tôi phải qua nói chuyện mấy lần bà ấy mới thông cảm, mới đồng ý về ở cùng với tôi đấy”.

Tại xã Nga Thanh, Nga Sơn, Thanh Hóa có một câu chuyện tình cổ tích vừa được viết nên, nhưng không phải tình yêu của chàng Từ Thức và nàng Giáng Hương thuở trước, mà là mối tình già hy hữu của cụ ông đã qua 81 xuân xanh và cụ bà hơn 60 tuổi.


Mối tình rổ rá cạp lại

Những ngày tháng 7 âm lịch rả rích mưa ngâu, tiết trời se lạnh, nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm cúng khi bước vào ngôi nhà nhỏ của ông Phạm Văn Tôn – tác giả viết nên câu chuyện tình yêu trên. Bà Đào – người bạn tuổi già của ông do hăng hái với công tác đoàn thể nên không có nhà.

Tiếp chuyện tôi là một cụ ông với mái tóc bạc phơ, bước đi chậm rãi, hàm răng chỉ còn khấp khểnh vài ba chiếc nhưng trên môi luôn nở nụ cười phúc hậu. Ông năm đã nay 81 tuổi, cháu chắt đề huề, con cái lập gia đình, làm nhà ra ở riêng hết.

“Khi mẹ chúng mất, đứa nào cũng muốn đón tôi về ở cho vui cửa vui nhà, nhưng tôi quen nếp sống ở cái nhà nhỏ này rồi” – ông bảo.

Không đón được cụ vào phụng dưỡng, con cháu cắt cử nhau nay người này, mai người khác vào cơm nước, giặt giũ, ngủ cùng ông để phòng những lúc trái gió trở trời. “Con chăm cha sao bằng bà chăm ông được, cô nhỉ?”, ông nói vậy rồi cười khà khà, bởi theo ông, lớp trẻ làm sao hiểu được những suy nghĩ của người già.

Biết ý ông như thế, lũ trẻ nháo nhác hết cả lên, “Cứ như là tôi vừa phạm vào tội khi quân” - một điều gì khủng khiếp, không thể chấp nhận được. Cháu chắt bé xíu thì cười hi hí với nhau, con cái đứa thì khóc, đứa thì giận, thậm chí có đứa không nhịn được còn nói nặng lời với bố…

Ông Tôn đang say sưa kể về hạnh phúc của mình
Ông Tôn đang say sưa kể về hạnh phúc của mình

Tôi cũng buồn lắm, chẳng nói năng gì”, ông từ tốn chia sẻ. Từ một người hóm hỉnh hay nói hay cười, ông quay ra khoảnh tính, trầm ngâm, cơm ăn cũng chỉ qua loa cho xong bữa.

Ông bảo, thật tình cũng chẳng phải ông muốn làm thế để ép con ép cháu, mà tâm trạng thật của ông là như vậy. “Cô nghĩ ngần ấy tuổi như tôi muốn đi bước nữa làm gì? Trai gái chẳng phải, chỉ là muốn có người bầu bạn, tâm tình tuổi già cùng nhau thôi. Chắc lúc ấy chúng không hiểu cho tôi nên mới khiến tôi giận như thế”.

Chẳng biết có phải do thương cha, hay do “trời không chịu đất thì đất chịu trời”, cuối cùng con cháu ông cũng có phiên họp nho nhỏ, để biểu quyết ý kiến đồng ý cho bố đi bước nữa hay không.

Khi được ông cho biết người sẽ trở thành người tri ân tri kỷ cùng ông không ai khác, chính là bà Đào, nhà ngay kế bên thì các con ông không còn phản đối nữa. Bởi lẽ họ nghĩ là ai mới phải băn khoăn, chứ người phụ nữ ấy thì con cháu ông đều biết cả và không phàn nàn gì

Bà vốn là một người phụ nữ hiền hậu, nết na, nhưng chẳng may bố mẹ mất sớm nên từ tấm bé đã đi ở với ông bác, thêm vào đó lại bị tật ở bàn tay, bàn chân nên chẳng bén duyên được cùng ai, đâm ra thành quá lứa lỡ thì.

Năm nay bà đã 61 tuổi. Ông trầm ngâm: “Tôi chọn bà vì chắc chỉ có bà ấy mới đồng ý về ở với tôi, hơn nữa là hàng xóm nên hiểu được cái tính ăn nết ở của nhau. Nhìn bà ấy cũng như tôi, cứ lọ mọ một thân một mình trong túp lều gianh trông thương lắm”.

Con cái tán thành, nhưng dở một nỗi là ông chẳng biết bắt đầu ngỏ lời với bà như thế nào. Già rồi, chẳng nhẽ lại tán tỉnh như thời trẻ thì nhố nhăng quá. Cuối cùng ông đành nhờ người mai mối đánh tiếng tới bà.

“Cũng gian nan lắm đấy. Bà ấy tưởng tôi đùa nên cáu lắm. Cuối cùng tôi phải qua nói chuyện mấy lần bà ấy mới thông cảm, mới đồng ý về ở cùng với tôi đấy”.

Tình quên tuổi…

Ông bảo với tôi không chút đắn đo: “Từ ngày có bà ấy, tôi trẻ hẳn ra”. Bởi người xưa nói, một đời người nhưng có tới hai lần trẻ con, và bây giờ ông đang trẻ lại, có lẽ cả bà Đào cũng như thế.

Trong mái nhà đơn sơ ấy, hàng ngày bà lo cơm nước, giặt giũ, ông thì chăm nuôi đàn gà, vịt để cải thiện bữa ăn. Có bàn tay người phụ nữ, ông bảo nhà cửa khác hẳn, lúc nào cũng ngăn nắp, tinh tươm.

Vốn là một thầy giáo cấp 1, dạy học chữ quốc ngữ trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nhưng từ ngày vợ ông qua đời, ông chẳng chắp bút làm thơ bao giờ.

Ấy thế mà giờ đây, bà Đào như nguồn cảm hứng, ông viết chẳng kịp, thành thử thơ cứ chép nguệch ngoạc rồng rắn trên tường. Toàn thơ vui, thơ viết tặng bà, thơ viết về những ước mơ với những bữa cơm, với những chiếc xe 4 bánh…

Khi đến tuổi già, người ta cũng không còn dùng từ yêu để bộc lộ tình cảm nữa, ông chỉ bảo “thích” bà. Ông cứ hỏi dò: “Bà ấy không đẹp cô nhỉ, nhưng mà tôi thấy bà ấy duyên lắm, nhất là khi bà ấy cười là tôi thích lắm”– ông nói xong cũng đúng lúc bà tất tả đạp xe về sau ngày làm đồng vất vả.

Thấy khách, bà cười hồn hậu, những nếp nhăn xô lại trên gương mặt người phụ nữ đã qua cái dốc bên kia của cuộc đời mới được làm vợ ấy.

Làm việc gì ông cũng muốn có bà cùng làm, để đỡ đần nhau, nhưng những công việc đồng áng, việc thôn xã, bà cứ đạp xe đi thoăn thoắt thì ông đành chịu. Ông ở nhà đợi bà về, ông nói như người có lỗi: “Tôi không muốn bà ấy đi đâu, cứ nhìn thấy mấy thằng trai trẻ nói chuyện với bà ấy là tôi ghét lắm”.

Bà nói như trách: “Chẳng biết già thế còn ghen làm gì cô? Nhưng chẳng bao giờ ông ý nhận là mình biết ghen đâu. Mà đó có phải là ghen không nhỉ?”. Tôi khẽ cười vì cũng không biết nên trả lời bà thế nào.

Ông ấm ức cũng chỉ nhẹ nhàng như thế, để rồi đến khi bà về, ông lại lật đật chạy ra đón, hỏi han bà đi có vui không, có mệt không. Hai người già, nhưng tâm hồn họ chẳng khác gì những người trẻ tuổi.

Có chứng kiến cách họ quan tâm, họ “chành chọe” nhau mới hiểu hết được ý nghĩa câu nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông”.  

Nhân văn bản tình ca cuối

Ban đầu bà cũng chỉ nghĩ về ở với ông cho đỡ buồn, có người ra người vào nói chuyện với nhau cho vui. Nhưng nào ngờ “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, cái duyên toát ra từ con người ông cứ làm mê mẩn lòng bà.

Bao nhiêu năm cô quạnh, bà cảm thấy giờ đây như đang được ông bù đắp. Bà bảo có lúc nằm nghĩ rồi lấy tay lau những giọt nước mắt khóc vì hạnh phúc.

Bà Đào thỏ thẻ với tôi rằng: “Người ta thường đùa tôi là gái già theo không trai già, có những lúc chợt nghĩ mình về với ông ấy cũng chỉ có vài ba nâm cỗ qua quýt chứ chẳng có hôn thú gì.

Nhưng sau đó tôi cứ cười mình sao có lúc lại nghĩ thế, một ngày cũng là cái nghĩa trăm năm. Không có giấy má mà cứ vui vẻ như vầy tôi cũng cam lòng”.

Về phần con cháu của ông Tôn, sau khi bà về ở cùng, chúng thấy ông trở lại tính hoạt bát, tinh thần vui vẻ hơn xưa thì đứa nào cũng quý mến mẹ kế ra mặt. Còn với bà, đã qua cái tuổi để thực hiện thiên chức làm mẹ nên với những đứa con của người bạn đời, bà đều đối xử như chính mình dứt ruột đẻ ra.

Cháu chắt không còn cười châm chọc ông như trước, mà đứa nào cũng hớn hở mong chờ ngày cuối tuần để được ùa vào chơi với ông bà.

“Nhiều khi tôi muốn cảm ơn ông ấy vì đã cho tôi một gia đình thật sự, nhưng chẳng biết phải nói như thế nào nên lại thôi. Chỉ mong cho ông ấy khỏe để vui sống cùng tôi, đừng để tôi lại tiếp tục những tháng ngày cô quạnh, thế là tôi mang ơn giời phật lắm rồi”.

Riêng với ông Tôn, nghe bà bảo thế thì ông nheo mắt mắng yêu: “Bà nói dở hơi, ơn với huệ…”, nhưng ông lại chùng giọng, khẽ nói những câu tình tứ:

“Bà sẽ là người phụ nữ cuối cùng trong cuộc đời tôi. Bà cả chắc linh thiêng phù hộ thì cả hai chúng ta mới mạnh khỏe, hòa thuận còn con cháu mới làm ăn mát mẻ như thế này. Yên tâm tôi còn sống dài dài…”.

Dường như trong ngôi nhà đơn sơ ấy chưa bao giờ vơi tiếng cười. Dẫu cuộc sống thường nhật chỉ rau cháo qua bữa, nhưng họ sống với nhau bằng một thứ tình rất đẹp, đúng nghĩa với câu ca “một túp lều tranh hai trái tim vàng”.

Tình yêu như thế bây giờ hiếm lắm, hoặc cũng có thể họ đã qua cái tuổi phải phải lo toan, gánh vác những gánh nặng cuộc đời.

Tôi không tranh cãi về điều đó, nhưng có một điều tôi chắc chắn, rằng đây là một khúc vĩ thanh rất hay, rất xúc động về tình yêu của hai mảnh đời già cả gần như chuối chín cây. Chẳng biết ngày nào trời nổi gió, chỉ biết rằng trái tim họ chưa bao giờ nguôi khát vọng yêu thương.

  • Thiên Kim

[links()]

TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn