Giữa vô số cua ghẹ nhìn đâu cũng tươi ngon bắt mắt, không phải ai cũng biết cách chọn được con thật sự chắc thịt, béo ngậy. Nhiều người thường mắc sai lầm khi chỉ chọn con to, mà quên mất những dấu hiệu quan trọng để nhận biết “hàng chất”. Kết quả là mua phải cua rỗng, ít thịt, vừa tốn tiền vừa mất ngon. Vậy làm sao để chọn được cua ghẹ ngon đúng chuẩn, không lo bị “hớ”?
1. Nhìn phần “tam giác” ở bụng dưới để chọn cua chắc thịt
Đừng chỉ chọn cua ghẹ dựa vào kích thước! Một trong những mẹo quan trọng nhất là quan sát phần bụng dưới – nơi có hình tam giác nhỏ.
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu phần này có màu trắng sáng, ấn vào thấy cứng tay, đó là cua hoặc ghẹ chắc thịt, tươi khỏe. Ngược lại, nếu phần bụng có màu sẫm, đen hoặc mềm nhũn khi chạm vào, rất có thể bạn đang cầm phải con gầy, ít thịt – "hàng mã" đấy!

2. Phân biệt cua đực, cua cái và kiểm tra độ chắc thịt qua “rốn”
Phần “rốn” dưới bụng cua/ghẹ (còn gọi là yếm) là nơi giúp phân biệt giới tính và chất lượng thịt:
-
Cua cái có rốn tròn. Nếu vào đúng mùa (thường từ tháng 10 trở đi), cua cái có nhiều gạch béo ngậy. Dùng tay bóp nhẹ phần yếm, nếu cứng là cua đầy thịt, còn nếu mềm nhũn là dấu hiệu cua rỗng, ít thịt. Ngoài ra, nếu yếm có màu sẫm hoặc ngả đen thì khả năng cao là cua có nhiều gạch.
-
Cua đực có rốn nhọn. Cua đực thường không có gạch nhưng bù lại nhiều thịt, chắc và ngọt. Vẫn áp dụng mẹo bóp nhẹ yếm – nếu thấy chắc tay, bạn đã chọn đúng con ngon!
Hãy nhớ: Quan sát kỹ phần bụng và yếm sẽ giúp bạn chọn được cua ghẹ vừa tươi, vừa chắc thịt – không lo tốn tiền oan.

3. Tránh chọn cua cái đã nhả trứng
Khi đi chợ, bạn có thể bắt gặp những con cua cái với phần trứng vàng cam lộ ra ở bụng. Nhiều người nghĩ rằng cua như vậy là béo, nhiều gạch, nhưng thực tế không phải vậy. Những con cua đã nhả trứng thường đã mất đi phần dinh dưỡng quan trọng, phần gạch cũng giảm và thịt thường không còn chắc.
Ngoài ra, trứng lộ ra ngoài dễ bám bụi bẩn, vi khuẩn, không đảm bảo vệ sinh. Nếu có thể, nên chọn cua cái có phần bụng cứng, rốn đen – đây là dấu hiệu cho thấy cua còn nguyên gạch và chất lượng thịt tốt hơn.
4. Nhìn màu vỏ để chọn cua chắc thịt
Một mẹo đơn giản nhưng hiệu quả để phân biệt cua ngon là quan sát màu vỏ. Những con cua có vỏ màu sẫm thường là cua đã trưởng thành, chắc thịt, ngọt và nhiều dinh dưỡng hơn. Trong khi đó, cua có vỏ màu nhạt thường là cua mới lột xác (cua mềm), thịt còn nhão, ít và không ngọt bằng.
Khi so sánh hai con cua cùng kích thước, hãy chọn con nào có màu vỏ đậm và cầm lên thấy nặng tay – đó là cua già, thịt chắc, không bị “hụt” khi chế biến.
Bí quyết hấp cua ghẹ ngon, giữ trọn vị ngọt tự nhiên
Chọn được cua ngon là một bước, chế biến đúng cách mới giúp món ăn giữ được hương vị đặc trưng. Cách hấp cua ghẹ đơn giản nhưng chuẩn vị như sau:
Bước 1: Làm sạch kỹ Dùng bàn chải hoặc bàn chà mềm chà sạch bùn đất và chất bẩn bám trên vỏ cua/ghẹ. Không nên ngâm cua trong nước quá lâu, tránh làm cua chết.
Bước 2: Chuẩn bị hấp Đun sôi nước trong nồi, đặt giá hấp lên, xếp cua ghẹ đã rửa sạch lên giá, phần bụng hướng lên trên để giữ được gạch bên trong.
Bước 3: Thêm gừng Đặt vài lát gừng lên bụng cua ghẹ. Gừng giúp khử mùi tanh, tăng hương thơm tự nhiên và cân bằng tính hàn của hải sản.
Bước 4: Hấp đúng thời gian Sử dụng lửa lớn, hấp khoảng 15 phút. Khi cua ghẹ chuyển sang màu đỏ cam đẹp mắt, có mùi thơm bốc lên là có thể tắt bếp. Vớt ra, ăn khi còn nóng sẽ ngon nhất.