Mua phải hợp kim siêu nhái vàng, sẽ thiệt hại 10 triệu/cây

22:03, Thứ sáu 20/05/2011

( PHUNUTODAY ) - Ông Vũ Minh Châu, TGĐ Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu, Ủy viên Hiệp hội vàng Việt Nam chiều 20/5 khẳng định kim loại “độn” vàng mà dư luận lo ngại thời gian qua chính là vonfram.


Thời gian gần đây trên thị trường vàng tại Hà Nội, TP.HCM, Lào Cai, Ninh Bình và Cao Bằng xôn xao về việc vàng miếng có hợp chất lạ gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp vàng bạc, đá quý. TS Vũ Đức Lợi, Trưởng phòng hóa phân tích, Viện hóa học Việt Nam khẳng định hợp chất độn vào vàng trong thời gian gần đây không phải vonfram. Tuy nhiên, ông Vũ Minh Châu lại khẳng định đó là hợp chất mà vonfram chiếm tỷ lệ lớn nhất, báo VTC News cho biết.

Theo ông Châu, Bảo Tín Minh Châu đã gửi mẫu bột tới 2 phòng thí nghiệm khác nhau ở hai nước khác nhau.

Theo VnExpresss, kết quả phân tích tại các phòng thí nghiệm nước ngoài cho thấy chất lắng cặn này có thành phần chủ yếu là Vonfram, một dạng kim loại rất cứng và nặng, có độ nóng chảy cao hơn rất nhiều so với vàng. Ông Châu cho biết, giá một chỉ Vonfram tinh khiết hiện chỉ vào khoảng 100.000 đồng. Và với tỷ lệ pha trộn 10-30% Vonfram, kẻ gian có thể bớt được 1-3 chỉ trong mỗi lượng vàng. Giá vàng miếng 4 số 9 hiện trên 37 triệu đồng một cây, nếu mua phải loại vàng trộn này, doanh nghiệp người tiêu dùng có thể thiệt hại tới 10 triệu đồng mỗi cây.

Ông Châu cho biết nguồn gốc của các miếng vàng độn này không rõ ràng nhưng hầu hết đều từ nước ngoài được mang vào Việt Nam dưới dạng xách tay. Hiện không có cơ sở khẳng định vàng đến từ nước nào mà chỉ biết vàng có đóng dấu của nhiều hãng tên tuổi, thậm chí có vàng miếng được đóng mác từ Thụy Sĩ.
1
Túi bột màu xám phía trên ảnh là hỗn hợp kim loại với thành phần chính là Vonfram. Bên dưới là hai mẫu vàng pha kim loại nặng (trái) và vàng nguyên chất (phải), chúng không khác nhau về hình thức bên ngoài. Ảnh: VNE


Ông Châu cho biết thêm, cho tới thời điểm này, mới chỉ các doanh nghiệp mua phải vàng độn, còn người tiêu dùng chưa ai mua phải. Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng người tiêu dùng đã mua phải vàng độn nhưng chưa phát hiện ra.

Ngoài ra, ông Châu khuyến cáo các doanh nghiệp và người dân không nên mua vàng không rõ nguồn gốc mà chỉ nên mua của các doanh nghiệp uy tín trong nước bởi quy trình sản xuất vàng của các doanh nghiệp này thường được quản lý chất lượng khá ngặt nghèo từ khâu nhập vàng, chế tác cho đến phân phối.

Hơn nữa, khi mua vàng của các doanh nghiệp vàng uy tín, khách hàng đều được lấy hóa đơn biên nhận, trong đó có ghi số seri của vàng miếng, mã hiệu tuổi vàng của sản phẩm và doanh nghiệp. Đây chính là cơ sở để người dân có thể tự bảo vệ mình khi có sự cố. Trong trường hợp nếu thấy nghi ngờ về sản phẩm, người dân hoàn toàn có thể mang vàng và giấy biên nhận đến các nơi mà mình đã mua yêu cầu thẩm tra và kiểm định. Ông Châu cho biết phí kiểm định của Bảo Tín Minh Châu rất thấp, gần như bằng 0.

Cuối năm 2010, thông tin về vàng giả siêu cấp gây xôn xao thị trường Hong Kong, nơi cung ứng một lượng lớn vàng miếng cho khu vực châu Á. Loại vàng này được trộn với 7 kim loại khác nhau và rất khó phát hiện bằng mắt thường cũng như máy móc. Các doanh nghiệp vàng lớn trong nước lúc đó khẳng định vàng giả Hong Kong rất khó vào Việt Nam.

Vonfram được trộn vào vàng theo 2 cách phổ biến, một là trộn bột Vonfram vào vàng đang nóng chảy, hoặc dùng vàng nóng chảy đúc bao quanh một khối Vonfram ở bên trong.

Vàng trộn Vonfram rất khó phát hiện bằng mắt thường cũng như máy móc. Vì vậy người tiêu dùng được khuyến cáo nên mua vàng thương hiệu uy tín, có hóa đơn, biên nhận trong đó có ghi số seri, mã hiệu tuổi vàng, nhằm bảo vệ chính mình khi có sự cố.

Một số cách phân biệt giữa vàng hàm lượng cao với vàng độn Vonfram:

- Cán mỏng và đánh bóng cho đến khi xuất hiện những hạt kim loại lạ nổi lên lấm tấm. Vàng thật không có hiện tượng này

- Vàng nguyên chất bẻ cong sẽ thấy mềm hơn, khi gõ vào vật cứng khác sẽ phát tiếng kêu cạch cạch và đục. Trong khi vàng độn khó bẻ cong vì cứng, gõ vào vật cứng khác sẽ có tiếng kêu ngân

- Xi chảy tại một điểm bất kỳ trên miếng vàng độn sẽ thấy váng đỏ loang ra, và sẽ tạo thành sạn khi nguội chứ không bóng trở lại như vàng miếng

- Phân kim: Sau quá trình phân kim, nếu là vàng độn Vonfram, sẽ còn một lớp bột màu xám lắng ở đáy bình.

PL (Tổng hợp)
[links()]
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc