Mượn bướm, dê để tranh sủng và muôn vàn thủ đoạn nham hiểm câu dẫn Hoàng đế của phi tần Trung Hoa

19:48, Thứ hai 25/03/2019

( PHUNUTODAY ) - Thị tẩm vốn được ví như canh bạc đổi đời, để có thể được sủng ái, không ít phi tử đã nghĩ ra trăm phương ngàn kế để câu dẫn Thiên tử, thậm chí còn không ngại mượn lực từ hoa lá và có đôi khi là cả động vật.

Tranh sủng nhờ xe dê - chuyện thật tưởng như đùa trong hậu cung nhà Tấn

Vào thời nhà Tấn, vị Hoàng đế khai quốc Tấn Vũ Đế từng nổi tiếng là người sở hữu trong tay một hậu cung đồ sộ. Theo sử liệu ghi lại, số phi tần và cung nữ trong cung của vị vua này có thời điểm lên tới gần 15 ngàn người. 

Chính số lượng thê thiếp đông đúc và đồ sộ ấy đã khiến Tấn Vũ Đế ngày nào cũng gặp phải phiền não. 

Nếu như thường dân bách tính mỗi khi tối đến thường băn khoăn không biết bữa nay ăn gì, ngày mai làm gì, thì Tấn Vũ Đế mỗi khi mặt trời lặn đều đau đầu không biết đêm nay mình sẽ thị tẩm vị mỹ nhân nào.

Đối mặt với vấn đề nhìn qua thì đơn giản nhưng lại khó giải quyết như vậy, Tấn Vũ Đế đã nghĩ ra một phương pháp đi trước thời đại bằng cách thuận theo tự nhiên.

Theo đó, mỗi ngày nhà vua sẽ ngồi trên một chiếc xe dê, để cho con dê kéo xe tùy ý đi lại trong hậu cung. Chiếc xe dê  ấy dừng trước cửa cung của mỹ nhân nào thì buổi tối Hoàng đế sẽ nghỉ lại đó. Đây cũng chính là điển cố "dương xa vọng hạnh" được truyền lại cho tới ngày hôm nay.

1dd-1553318093304853588683-1553318103889567658145-crop-1553318128079531908368

Theo lý thuyết, cách lựa chọn ngẫu nhiên của Tấn Vũ Đế được xem là hết sức công bằng. Thế nhưng các phi tần chốn thâm cung lại ngấm ngầm dùng trăm phương ngàn kế để thu hút xe dê của Hoàng đế.

Vì biết loài dê vốn thích mùi của nước muối, có vị phi tử thông minh đã rải nước muối lên con đường dẫn tới cung mình, người thì lại để thức ăn yêu thích của là cành dâu ở trước cửa cung. Xe dê của nhà vua vì vậy mà ngày nào cũng tới những nơi này, có khi còn ở lì tại đó ăn uống mà không đi.

Có ý kiến cho rằng, biện pháp của Tấn Vũ Đế nhìn qua tưởng như ngẫu nhiên, nhưng thực chất lại là một mũi tên bắn trúng ba đích. 

Cách làm này vừa giúp nhà vua giải quyết vấn đề chọn người thị tẩm, vừa khiến các phi tần động não để rèn luyện trí óc, lại có thể giải quyết nhu cầu ăn uống của con dê kéo xe một cách đơn giản, gọn lẹ.

Từ đó có thể thấy, đôi khi những phi tần cao tay trong chốn hậu cung thực chất cũng chỉ là một vài quân cờ trên bàn cờ mua vui đầy thâm sâu của Thiên tử.

Phi tần nhà Đường và những chiêu bài câu dẫn Hoàng đế nhờ mượn tay hoa, bướm

Vào giai đoạn hưng thịnh của triều nhà Đường, vị vua nổi tiếng Đường Huyền Tông cũng từng gặp phải nỗi phiền não giống Tấn Vũ Đế năm xưa. Thế nhưng sự thực là hậu cung của vị vua này thậm chí vượt xa Vũ Đế, tương truyền số cung nhân mỹ nữ thời bấy giờ có lúc lên tới cả 40 ngàn người.

Đối với số lượng phi tử đông đúc này, việc dùng xe dê để chọn người thị tẩm  đã không còn khả thi, mà "chiêu bài" rắc muối, dùng cành dâu để dụ dê từ sớm đã được nhiều người nằm lòng.

Sau một hồi suy tính, Đường Huyền Tông đã dựa trên cơ sở thuận theo tự nhiên của vua Tấn năm xưa để sáng tạo ra một cách làm mới.

Theo đó, mỗi ngày khi tới giờ chọn người thị tẩm, nhà vua sẽ cho các mỹ nữ đứng xếp thành từng hàng, để họ cài hoa tươi trên đầu. Con bướm trong tay nhà vua đậu vào bông hoa của phi tần nào thì người đó sẽ được thị tẩm.

Để có được ơn mưa móc của Hoàng đế, hậu phi trong cung vì vậy liền ngày đêm suy tính nghĩ cách để… dụ bướm!

Bấy giờ, có phi tần khôn ngoan đã nghĩ ra cách rắc phấn hoa lên trang sức trên đầu. Thế nhưng cách làm này thực chất cũng đem tới không ít rủi ro. Bởi phấn hoa vừa có khả năng gây ra dị ứng, lại vừa có nguy cơ dẫn dụ ong hoặc một vài loại côn trùng khác.

May mắn là phương pháp mượn bướm chọn hoa của Đường Huyền Tông cũng không duy trì quá lâu. Tới khi nhà vua độc sủng Dương Ngọc Hoàn thì những màn chọn lựa cầu kỳ và mưu mô này cũng dần trở nên thưa thớt trong hậu cung Đường triều.

11-1550378715686714078350-15503787228491977496281-crop-15503787390471071683074

Những âm mưu thâm độc giúp phi tử đáng tuổi mẹ Hoàng đế trở thành người độc sủng hậu cung

Vào thời kỳ phong kiến ở Trung Hoa, lần quan hệ chăn gối đầu tiên của các Hoàng đế, Hoàng tử thường do chính cung nữ thân cận của họ hầu hạ. Vì vậy cũng không hề khó hiểu khi Vạn Trinh Nhi có cơ hội trở thành người phụ nữ đầu tiên được Chu Kiến Thâm sủng hạnh.

Thế nhưng sau đêm mặn nồng định mệnh ấy, mối quan hệ nhũ mẫu – chủ nhân tồn tại giữa hai người đã dần dần thay đổi.

Khi Hoàng Thái tử bước vào tuổi thành niên, Vạn Trinh Nhi lúc này cũng đã xấp xỉ 30. Thế nhưng chính khí chất thuần thục và vẻ đẹp mặn mà của người nhũ mẫu đứng tuổi đã khiến Chu Kiến Thâm mê mẩn tới si dại.

Nếu nói trước kia Vạn thị từ thân phận của một cung nữ trở thành nhũ mẫu của Hoàng Thái tử là một cơ duyên ngẫu nhiên, thì cú đổi đời ngoạn mục khiến bà từ vị trí nhũ mẫu trở thành sủng phi lại là kết quả của hàng loạt bước đi đầy mưu mô toan tính.

Ngày 17 tháng 1 năm Thiên Thuận thứ 8, Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn qua đời ở Càn Thanh cung. Hoàng Thái tử Chu Kiến Thâm thuận lợi đăng cơ và trở thành Tân đế của Đại Minh khi mới 16 tuổi, sử cũ gọi là Minh Hiến Tông.

Mặc dù người được sủng ái nhất lúc bấy giờ vẫn là Quý phi Vạn thị, nhưng nhân vật được hiên ngang bước lên ngai vị Hoàng hậu lại là Ngô thị - thiếu nữ bằng tuổi nhà vua và có xuất thân vô cùng danh giá.

Thế nhưng chỉ sau vẻn vẹn 31 ngày được ở ngôi "mẫu nghi thiên hạ", Hoàng hậu Ngô thị đã bị Hoàng đế phế truất. Có giai thoại truyền lại rằng bà vì trách phạt Vạn quý phi tội bất kính nên đã bị nhà vua phế bỏ và giam vào lãnh cung.

Một năm sau sự kiện Ngô thị bị phế, Vạn Quý phi lúc này đã 37 tuổi rốt cục cũng được như ý nguyện, thuận lợi sinh cho Minh Hiến Tông một người con trai trưởng.

Nếu thuận lợi trưởng thành, vị Hoàng tử do Vạn Trinh Nhi sinh ra chắc chắn sẽ trở thành Hoàng đế tương lai của Đại Minh. Thế nhưng cổ nhân có câu "mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên", người con trai này đã không may yểu mệnh qua đời, thậm chí tới tên còn chưa kịp đặt.

Vạn Trinh Nhi lúc này cũng đã gần 40, cơ hội sinh đẻ lần nữa là vô cùng khó khăn. Chính những điều này đã khiến Vạn Quý phi càng lúc càng trở nên độc địa, nham hiểm, thậm chí tìm mọi cách để khiến các phi tần khác trong hậu cung không thể sinh con.

Tương truyền rằng, Minh Hiến Tông trong một lần đi vào Nội khố đã vô tình phải lòng và sủng hạnh cung nữ họ Kỷ làm việc ở nơi này. Sau lần thị tẩm ngẫu nhiên ấy, Kỷ thị kia đã may mắn có long thai.

Dĩ nhiên Vạn Trinh Nhi cũng không chịu ngồi yên, vừa hay tin đã lập tức sai người đem thuốc phá thai cho Kỷ thị uống, còn hạ lệnh đưa nàng tới nơi chuyên toàn những cung nữ bệnh tật và già yếu sinh sống.

Tuy nhiên hết thảy những âm mưu của Vạn Trinh Nhi đều không thành, còn Kỷ thị thì đã bí mật dưỡng thai và sinh hạ cho Minh Hiến Tông một vị Hoàng tử. Nhân vật may mắn đó chính là Minh Hiếu Tông Chu Hựu Đường - vị Hoàng đế hiếm hoi duy trì chế độ một vợ một chồng trong lịch sử Trung Hoa.

Vạn Trinh Nhi cả đời dốc hết mưu mô toan tính để có thể độc sủng hậu cung. Thế nhưng có câu "ác giả ác báo", vì thường xuyên hao tâm tổn ý bày mưu hãm hại người khác, Vạn thị đã bị mắc bệnh gan và qua đời vào năm Thành Hóa thứ 23.

Điểm đáng nói nằm ở chỗ, cái chết của vị phi tần đáng tuổi mẹ mình như Vạn thị đã khiến Minh Hiến Tông vô cùng đau lòng. Có giai thoại còn truyền lại rằng, nhà vua từng vì thương nhớ người tình họ Vạn mà than rằng:

"Trinh Nhi đi rồi, ta cũng không còn ở lại nhân thế này lâu nữa…".

Lễ tang của Vạn Trinh Nhi được đích thân Hoàng đế chủ trì theo nghi thức dành cho Hoàng hậu, ban thụy hiệu Cung Túc Hoàng Quý phi. Minh Hiến Tông cũng hạ lệnh không thiết triều trong vòng 7 ngày để tưởng nhớ vị phi tử quá cố.

Đúng như lời tiên đoán mà Minh Hiến Tông dành cho chính bản thân mình, chỉ vài tháng sau khi Vạn thị qua đời, nhà vua cũng buông tay trần thế sau một thời gian dài chìm trong đau buồn u uất.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
TIN MỚI CẬP NHẬT
Tin nên đọc