(Đời sống) Trong khi Bộ Xây dựng đang tìm hướng đi mới cho bất động sản là xây dựng nhà ở xã hội có diện tích từ 30m2 trở đi thì Hà Nội lại ra quy định diện tích tối thiểu để được làm "người Hà Nội" là 15 m2/người.
Trong kỳ họp HĐND vừa qua, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết “Quy định diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành TP.Hà Nội”, với đa số phiếu tán thành. Đây là nghị quyết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô. Theo đó, diện tích ở bình quân đối với nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở Hà Nội đến hết năm 2015 là 15m2 sàn/người. Ngoài ra, công dân phải đáp ứng điều kiện đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên.
Từ sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế, UBND TP sẽ trình HĐND TP điều chỉnh tăng diện tích ở bình quân nhà thuê ở nội thành để công dân được đăng ký thường trú ở nội thành Hà Nội cho phù hợp với từng thời kỳ. Trong đó, 10 quận ở Hà Nội nằm trong phạm vi áp dụng của Nghị quyết gồm: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên, Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy và các quận mới được thành lập (nếu có sau này).
Muốn làm người Thủ đô mỗi người phải có 15 m2 nhà |
Đặc biệt, UBND TP còn hướng tới mục tiêu quản lý dân cư theo mật độ, phân bố dân cư của quy hoạch xây dựng thủ đô nhằm hạn chế di dân tự phát vào khu vực nội thành Hà Nội.
Trong khi đó, mới đây Bộ Xây dựng cho biết sẽ triển khai nhà ở xã hội dưới dạng căn hộ bé thành từng khu và kết nối hạ tầng đồng bộ có diện tích từ 30 m2 trở lên.
Để căn hộ bé sớm được triển khai một cách bài bản, Bộ Xây dựng cho biết, việc bỏ quy định về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội sẽ không đợi đến lúc ban hành Luật Nhà ở, mà sẽ được điều chỉnh ngay trong Nghị định về quản lý, phát triển nhà ở xã hội cho nhanh. Theo dự kiến, Luật Nhà ở sẽ được Quốc hội đưa ra bàn thảo tại kỳ họp thứ I/2014, dự thảo vào kỳ họp thứ II/2014 và đưa ra Luật mới vào kỳ họp thứ I/2015.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, khoảng đầu tháng 6/2013, Nghị định về Quản lý, phát triển nhà ở xã hội sẽ được ban hành. Theo đó, nhà ở xã hội bao gồm cả dự án nhà ở được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước hoặc các nguồn vốn khác, nhưng được Nhà nước hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất, ưu đãi về vốn vay. Nghị định sẽ quy định rõ là nhà ở làm từ vốn ngân sách sẽ không được bán mà chỉ được thuê, thuê mua, nếu muốn bán phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nếu so sánh với quy định về làm nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng và quy định nhập cư của Hà Nội thì những căn hộ nhà 30m2 chỉ dành cho những cặp tình nhân và những cặp vợ chồng vô sinh vì nhà ở xã hội không được bán, người có nhà nhưng vẫn chỉ là đi thuê nên dù người thành phố dù căn nhà đó dưới danh nghĩa của mình nhưng chỉ được đăng ký tạm trú dài hạn thay vì được nhập khẩu tại đây. Những gia đình một là chấp nhận sống vợ chồng son để được có hộ khẩu Hà Nội, hai là chấp nhận đi xa hàng chục km về ngoại thành thuê nhà rộng để được đăng ký hộ khẩu.
Sau quy định của Hà Nội, nhiều người tỉnh lẻ đang có ước mơ về nhà ở xã hội để trở thành người Hà Nội bỗng dưng sụp đổ vì sẽ có nhiều người không đáp ứng được yêu cầu của quy định. Khi đó, thị trường nhà ở xã hội lại trở thành bài toán khó giải của nhiều chuyên gia bất động sản.
- Trúc Anh