Đây là một phần trong dự án hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ - dự án đang gây nhiều tranh cãi.
Một số nhà lập pháp và các chuyên gia bác bỏ nỗ lực trên vì cho rằng đó là một sự lãng phí tiền bạc khổng lồ, hơn nữa có thể gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí với Nga.
Nhưng các chỉ huy trưởng và giới chức chính phủ quả quyết bom nguyên tử B61 trọng lực hạt nhân cần phải được duy trì để loại bỏ các vũ khí lỗi thời và để đảm bảo duy trì sức mạnh quân sự của Mỹ.
Bom nguyên tử B61 sẽ được nâng cấp trong thời gian tới.
Trong phiên điều trần với Quốc hội Mỹ tuần trước, Tướng Robert Kehler, Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược của Mỹ nhấn mạnh: “B61 là loại vũ khí duy nhất trong kho vũ khí đáp ứng được cả các nhiệm vụ chiến thuật lẫn chiến lược”.
Được thiết kế như một vũ khí “chiến thuật” tầm ngắn nhằm ngăn chặn các lực lượng Liên Xô tràn ngập từ Tây Âu, quả bom B61 đã phục vụ trong Không quân Mỹ từ năm 1970.
Quả bom có 5 phiên bản được chế tạo với sức công phá từ 0,3 đến 360 kiloton, tương đương với 360.000 tấn thuốc nổ TNT.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Washington đã loại bỏ hàng ngàn vũ khí hạt nhân chiến thuật ra khỏi châu Âu, nhưng vẫn giữ lại 180 quả bom B61 tại các căn cứ của NATO ở Đức, Bỉ, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Dưới kế hoạch nâng cấp của Tổng thống Barack Obama, phiên bản bom hạt nhân mới với tên gọi B61-12 sẽ có trọng lượng nhỏ hơn và độ chính xác cao hơn.
Theo các quan chức, bộ phận đuôi sẽ được gắn thêm vào quả bom cho độ phóng chính xác hơn và do đó làm giảm số lượng bom nguyên tử cần thiết để phá hủy mục tiêu.
Lầu Năm Góc cho biết cần thực hiện nâng cấp vì các vũ khí đã lão hóa và bị hư hỏng.
Tướng Kehler cho biết, “B61 có độ tuổi trung bình là hơn 25 năm tuổi, có công nghệ lạc hậu và đòi hỏi phải được bảo trì thường xuyên”.
Giới chức cũng cho hay, quá trình hiện đại hóa giúp chính phủ Mỹ cắt giảm kho vũ khí hạt nhân của mình, trong đó có việc khai tử B83, loại bom nguyên tử mạnh nhất hiện nay.
Một số đại biểu Quốc hội tỏ mối quan ngại trước số tiền dự kiến dành cho việc nâng cấp B61. Theo Lầu Năm Góc, số tiền này có thể lên đến từ 10-12 tỉ USD.
Đối với những người hoài nghi, dự án có vẻ trở nên quá tham vọng khi tại thời điểm quốc gia này cần thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” thì lực lượng không quân lại lên kế hoạch chi tiêu lớn cho chiến đấu cơ F -35 mới, máy bay ném bom tầm xa và tên lửa hành trình mới.