Năm 1964, Nhà tình báo Tư Cang từ miền Bắc vào đến miền Nam, được giao nhiệm vụ làm cụm trưởng cụm tình báo H63 thay cho ông Mười Nho phải ra Bắc chữa bệnh. Kể từ đây, Phạm Xuân Ẩn, Tư Cang và tiểu thư Mỹ Nhung cùng sát cánh hoạt động bên nhau trong nội thành, cùng trải qua những nguy hiểm, những giờ phút cận kề sinh tử. Là người phụ nữ bản lĩnh hiếm thấy, tiểu thư Mỹ Nhung đã âm thầm thi tuyển vào Bộ Tư lệnh Hải quân địch và hoạt động tình báo ngay trong cơ quan đầu não này.
Vỏ bọc hoàn hảo của nữ tình báo trong lòng địch
Sau khi từ chiến khu trở về năm 1953, Mỹ Nhung (Tám Thảo) đã bắt đầu đi học tiếng Anh, để chuẩn bị cho nhiệm vụ cách mạng sau này. Thời cơ đến khi cụm trưởng cụm tình báo H63 là Tư Cang chính thức vào thành hoạt động, trực tiếp chỉ đạo lưới điệp viên Phạm Xuân Ẩn, Tám Thảo và một vài đầu mối quan trọng khác, nhưng Phạm Xuân Ẩn vẫn là điệp viên quan trọng nhất.
Ngày đó, cô tiểu thư Mỹ Nhung là một mắt xích quan trọng trong cụm tình báo H63. Gia đình Mỹ Nhung chính là nơi trú ẩn an toàn cho cụm trưởng Tư Cang.
Lợi thế của Mỹ Nhung là ngoại ngữ rất khá, lại xinh đẹp, con nhà giàu có. Với một bản lý lịch “sạch” như thế, cụm trưởng Tư Cang đã gợi ý cho Mỹ Nhung thi vào làm việc ở Bộ Tư lệnh Hải quân của địch. Mỹ Nhung đã phải mất mấy chục ngàn đồng – một số tiền lớn lúc đó, để nhờ người giới thiệu vào Bộ Tư lệnh Hải quân.
Vài hôm sau đó, cô đến phỏng vấn. Người phỏng vấn cô là một tay Thiếu tá người Mỹ mới ngoài 30 tuổi, nhưng rất sắc sảo. Cả hai trò chuyện về phim ảnh, về hội họa, về nghệ thuật, về địa lý, về các vấn đề thời sự, xã hội…
Tiểu thư Mỹ Nhung (Tám Thảo) khi trẻ |
Sau 30 phút nói chuyện, Mỹ Nhung được nhận làm thư ký dịch tài liệu ở Bộ Tư lệnh Hải quân của địch – một vị trí trong mơ mà chính cô cũng không dám nghĩ tới. Nhờ vị trí này, Mỹ Nhung có thể tiếp cận với nhiều nguồn tài liệu mật của địch.
Làm việc ở Bộ Tư lệnh Hải quân – một trong những cơ quan đầu não quan trọng của chính quyền địch, Mỹ Nhung đã có cả một chiến lược để xây dựng cho mình một vỏ bọc hoàn hảo.
Tiểu thư Mỹ Nhung luôn nói với đồng nghiệp: nhà tôi rất giàu. Tôi đi làm vì vui, vì muốn được giao tiếp và học theo phong thái của người Mỹ. Lấy lý do nhà giàu, nên Mỹ Nhung luôn thể hiện sự đài các, cao sang trong từng hành động. Khi cấp trên của Mỹ Nhung đề nghị cô làm thêm giờ, cô từ chối vì…không cần tiền.
Nhưng thực chất là vì cô muốn dành thời gian cho những hoạt động khác của cách mạng. Chính vỏ bọc tiểu thư cũng giúp cô rất nhiều trong việc che giấu thân phận mình.
Năm 1969, khi Bác Hồ mất, 1 tháng trời Mỹ Nhung chỉ mặc đồ trắng, như một cách cô – một người dân miền Nam, để tang vị cha già của dân tộc. Tên Thiếu tá chỉ huy của cô thấy thế vô cùng thắc mắc. Cô liền trả lời:
“Nhà tôi kinh doanh vải. Má tôi may cho tôi rất nhiều áo váy. Tôi mặc hết màu trắng rồi sẽ mặc sang màu khác” . Tên Thiếu tá Mỹ nghe vậy chỉ biết lắc đầu lè lưỡi về sự “chịu chơi” của cô tiểu thư Sài Gòn.
Ở Bộ Tư lệnh Hải quân, Mỹ Nhung là một cô gái rất duyên dáng, xinh đẹp, nên rất được tên Thiếu tá Mỹ nâng niu, chiều chuộng. Khi đi đâu dự tiệc, hắn thường rủ cô đi cùng. Buổi chiều sau khi tan giờ làm, hắn cũng sẵn sang lái xe về nhà.
Buổi sáng cô đi làm, có cụm trưởng Tư Cang đưa đi, buổi chiều về nhà, có Thiếu tá Mỹ đưa về. Có lần khi ngồi sau xe cụm trưởng Tư Cang, cô nói đùa: “Đời em kể cũng hay! Sáng Thiếu tá Tình báo Việt cộng chở đi làm. Chiều Thiếu tá tình báo Mỹ đưa về.
Điệp viên Mỹ Nhung khi đã về già |
Thiếu tá Việt cộng chở bằng honda. Thiếu tá Mỹ đưa về bằng xe Jeep”. Ông “Thiếu tá Việt cộng” nghe câu nói vui vẻ, thản nhiên của người đồng chí, mà thấy lòng mình nhói lên. Ông biết sau câu nói đùa tưởng như vô tư ấy, là những áp lực không nhỏ mà tiểu thư Mỹ Nhung đã phải chịu đựng.
Đại tá tình báo Tư Cang kể rằng, trong thời gian Tiểu thư Mỹ Nhung làm việc ở Bộ Tư lệnh Hải quân, cô đã đưa về rất nhiều tài liệu quý, xếp vào hàng tuyệt mật của địch, cung cấp những thong tin quý giá cho kháng chiến.
Có lần, cô nghe ngóng được một sĩ quan tình báo của mình cài vào lòng địch bị lộ, địch đang chuẩn bị lên kế hoạch bắt, cô đã báo cho cụm trưởng Tư Cang. Người sĩ quan đó ngay lập tức được đưa vào chiến khu.
Có lần khác, được tổ chức yêu cầu phải lấy được sơ đồ và hình ảnh về Bộ Tư lệnh Hải quân, cô đã khôn khéo nhờ viên Thiếu tá Mỹ chỉ huy của mình bấm cho mình vài kiểu ảnh “kỷ niệm” ở các góc trong khu Bộ Tư lệnh Hải quân. Tội nghiệp tên Thiếu tá, không hề biết rằng những việc mình làm đang tiếp tay cho “Việt cộng”.
Công việc chính của tiểu thư Mỹ Nhung ở văn phòng Bộ Tư lệnh Hải quân là dịch tài liệu, bao gồm cả những tài liệu mật. Những buổi trưa, cô thường lấy cớ về nhà ăn cơm, nghỉ ngơi, để tranh thủ đem theo những tài liệu mật về nhà cho cụm trưởng Tư Cang chụp ảnh hoặc ghi lại, đến đầu giờ chiều lại mang vào Bộ Tư lệnh Hải quân, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Bao nhiêu tài liệu đã được Mỹ Nhung cung cấp cho Tư Cang theo cách đó. Nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng suôn sẻ.
Có hôm buổi trưa ở lại Bộ Tư lệnh Hải quân, thấy tài liệu mình dịch có nhiều thông tin quý, có thể giúp ích cho cách mạng, Mỹ Nhung đã bỏ cả giờ cơm trưa, cặm cụi ngồi dịch trong văn phòng. Đúng lúc đó Mỹ Hồng- một phiên dịch khác bước vào.
Cô ta tỏ vẻ nghi ngờ: “bồ làm việc thế này cũng đâu được trả tiền ngoài giờ? Hay bồ lấy tài liệu cho Việt cộng”. Mỹ Nhung cười tươi:
“Bồ đa nghi quá. Có mấy chữ này, mình dịch mãi vẫn không thoát ý, nên đang cố ngồi dịch cho bằng được mới thôi” – nói rồi cô vò nát tờ giấy, vứt luôn vào sọt rác. Người bạn đồng nghiệp không còn lý do gì để nghi ngờ cô.
Thường mỗi khi ra khỏi Bộ Tư lệnh Hải quân, các nhân viên đều phải để bảo vệ ở cổng kiểm tra đồ đạc. Có lần Mỹ Nhung đã khóc lóc, nói với tên Thiếu tá Mỹ rằng: “Việc kiểm tra đó khiến tôi cảm thấy mình như tội phạm”.
Sợ làm người đẹp buồn, viên Thiếu tá Mỹ ra lệnh cho bọn lính canh: “Không được kiểm tra tiểu thư Mỹ Nhung”. Nhờ đó mà nhiều tài liệu đã được cô đưa ra khỏi Bộ Tư lệnh một cách êm ả.
Viên Thiếu tá Mỹ đặc biệt tin tưởng Mỹ Nhung. Hắn tin đến nỗi có người thấy hắn chiều Mỹ Nhung quá bèn nói: “Không sợ cô nàng là Việt cộng hay sao”. Hắn cười: “Tiểu thư Mỹ Nhung mà là V.C thì tất cả nhân viên ở Bộ Tư lệnh Hải quân đều là V.C’.
Nhờ sự khôn khéo của mình, Mỹ Nhung đã tạo được một vỏ bọc hoàn hảo.
Cuộc đấu trí với cái máy phát hiện nói dối
Nhưng không phải lúc nào Mỹ Nhung cũng yên ổn ở Bộ Tư lệnh Hải quân Mỹ. Có một hôm, tên Thiếu tá tình báo Mỹ lái xe đưa Mỹ Nhung đến một biệt thự vắng vẻ rồi bảo cô vào đó, gặp người của hắn. Linh cảm có điều không lành, Mỹ Nhung vừa bước vào biệt thự, vừa thấy chân mình run run.
Ở giữa phòng khách của căn biệt thự, có đặt một cái máy vuông vuông như cái tivi, bên cạnh là mấy tay sĩ quan, bác sĩ, đang đứng đó. Ngay khi nhìn cái máy, Mỹ Nhung đã nghĩ ngay đó là cái máy nói dối. Trước đó không lâu, nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn đã kể với Mỹ Nhung về cái máy nói dối. Phạm Xuân Ẩn nói:
“Không cái máy nào phát hiện ra mình nói thật hay nói dối. Chúng chỉ căn cứ vào nhịp tim của chúng ta để xem chúng ta có nói thật hay không. Vì vậy nếu bị “thử” bằng máy nói dối, điều duy nhất phải làm là phải giữ bình tĩnh, thật sự bình tĩnh”.
Tên sĩ quan Mỹ kiểm tra cô trước khi bắt đầu còn gằn giọng dọa cô: “Cô chỉ được nói yes, or no. Trả lời dài dòng, là tôi coi như cô là Việt cộng”. Nhưng lời đe dọa của hắn không làm Mỹ Nhung mất bình tĩnh.
Tin tưởng vào những gì Phạm Xuân Ẩn nói, nên trong suốt quá trình bị kiểm tra bằng cái máy nói dối, Mỹ Nhung hướng ý nghĩ của mình đến bộ phim “Cuốn theo chiều gió” – một bộ phim vô cùng được yêu thích lúc đó. Cô vượt qua những câu hỏi kiểm tra của chúng 100%.
Ngày hôm sau, khi lên Bộ Tư lệnh Hải quân làm việc, Mỹ Nhung cầm theo cái đơn xin nghỉ việc, rơm rớm nước mắt nói với tên Thiếu tá Mỹ: “Gia đình tôi giàu có. Tôi đi làm không phải vì tiền mà là vì muốn học văn minh của các anh. Không ngờ các anh xúc phạm tôi. Tôi thật thất vọng về cách cư xử của các anh với phụ nữ”.
Tên Thiếu tá Mỹ thấy người đẹp khóc đã rối rít: “Xin tiểu thư đừng giận. Chúng ta làm trong ngành tình báo, việc kiểm tra là tất yếu. Cả tôi cũng đã từng bị kiểm tra. Tôi vừa nhận được kết quả là tiểu thư đã vượt qua được kỳ kiểm tra đó xuất sắc. Tiểu thư hoàn toàn trong sạch”.
Sau lần kiểm tra đó, tên Thiếu tá Mỹ đã hoàn toàn tin cậy Mỹ Nhung. Hắn không ngờ rằng, cả hắn, cả cái máy phát hiện nói dối và cả hệ thống tình báo của CIA ở Sài Gòn đã bị cô tiểu thư giàu có qua mặt. Đó chính là lý do khiến nhiều thông tin của Bộ Tư lệnh Hải quân bị lộ mà chúng không thể lý giải được là do ai.
Năm 1970, Mỹ Nhung được rút ra chiến khu, dù khi đó cô vẫn chưa bị lộ. Lúc đó cô đã nhiều tuổi mà chưa có chồng. Tổ chức thấy vậy đã giới thiệu cô với một sĩ quan thông tin của ta.
Năm 40 tuổi, cô kết hôn với người sĩ quan này. Nhưng vì kết hôn quá muộn, cô không bao giờ có thể có con. Giờ đây, khi người bạn đời của mình đã qua đời, nữ tình báo Mỹ Nhung – Tám Thảo sống trong căn nhà xinh xắn trên đường Nguyễn Trọng Tuyển.
Niềm vui của cô là những buổi gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn thân, những người đồng đội cũ như cụm trưởng Tư Cang.
- PV
[links()]