Có nhận biết được bệnh van tim không?
Phần lớn các van tim không đóng khít hoàn toàn. Trong các trường hợp mắc bệnh ở mức độ nhẹ và vừa, các buồng tim có xu hướng giãn ra để tống được một lượng máu nhiều hơn vì một phần lượng máu tim bơm ra khắp cơ thể bị trào ngược trở lại qua van. Cơ chế bù trừ này khá hiệu quả trong trường hợp này nên người bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng nào.
Trong trường hợp hở van tim tiến triển nặng hơn và gây rối loạn chức năng bơm máu của tim, dẫn đến rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ não, nếu không được điều trị tốt. Khi bị bệnh van tim nặng có thể gặp một hoặc nhiều triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, choáng ngất, hồi hộp, đánh trống ngực, đau thắt ngực, phù mắt cá chân hoặc bàn chân. Khó thở khi gắng sức là một triệu chứng gợi ý quan trọng khi tim bị suy.
Nên làm gì khi có các dấu hiệu bị van tim
Bệnh hở van tim có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe nếu không được chú ý phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên đa số bệnh nhân mắc phải ở giai đoạn đầu đều không nhận biết rõ được biểu hiện và triệu chứng gây ra bệnh, gây khó khăn trong việc điều trị sau này.
Khi bản thân hoặc người nhà mắc bệnh van tim hoặc đã được điều trị bằng cách sửa chữa hay thay thế van, điều quan trọng nhất sau đó là để bảo vệ mình khỏi các vấn đề về tim có thể gặp trong tương lai. Để làm được điều này cần biết mức độ và tình trạng hiện tại của van tim; thông báo với bác sĩ điều trị và nha sĩ về bệnh van tim của mình trong mỗi lần khám, chữa bệnh; khi xuất hiện các triệu chứng của nhiễm trùng như viêm họng, sốt, đau nhức mình mẩy cần được điều trị chống nhiễm trùng; cần vệ sinh răng miệng thường xuyên, loại bỏ cao răng, chăm sóc tốt răng và nướu răng; dùng thuốc kháng sinh trước khi làm các thủ thuật có thể gây chảy máu; sử dụng thuốc đúng chỉ định để kiểm soát các triệu chứng của bệnh và giúp tim của bạn bơm máu hiệu quả hơn; tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.
Một số lời khuyên về lối sống dành cho người bị van tim hở:
- Kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.
- Ăn lạt, ăn ít muối: làm giảm việc giữ nước của cơ thể, tránh cho tim phải gắng sức và không làm tăng huyết áp. Ăn thức ăn ít chất béo và kiểm tra nồng độ mỡ trong máu thường xuyên để phòng ngừa bệnh mạch vành vì bệnh mạch vành ảnh hưởng tới cơ tim, đưa đến tăng mức độ van tim hở.
- Thường xuyên đi khám sức khỏe tim mạch định kỳ ít nhất 6 tháng/lần
- Điều trị ngay khi mắc bệnh viêm họng, nhiễm trùng răng đề phòng thấp tim.
- Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá
- Tăng cường hoạt động thể chất, lựa chọn bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe tim mạch.
- Không uống cà phê: hở van tim có thể kèm theo tình trạng rối loạn nhịp. Cà phê sẽ làm nặng thêm rối loạn nhịp (nếu có). Không uống rượu: tương tự cà phê, rượu cũng làm xấu hơn tình trạng rối loạn nhịp. Ngoài ra, uống rượu nhiều có thể gây bệnh cơ tim, ảnh hưởng tình trạng hở van.
- Tránh để quá cân vì tình trạng quá cân là một gánh nặng cho tim khi co bóp. Tập thể dục mỗi ngày. Sinh hoạt điều độ, tránh hoạt động gắng sức.