(Phuntoday) - Sau những đổ vỡ của gia đình do bố mẹ gây ra, Nguyễn Văn Dương (SN 1990, ở Hợp Hòa, Tam Dương, Vĩnh Phúc) trở thành kẻ lầm lì, ít nói, học hành sa sút. Cả gia đình Dương còn chưa kịp làm quen với những đổ vỡ, chia tay mới xảy ra thì tai họa lại dồn dập ập xuống.
Trong cái ngày định mệnh đó, thấy toán người lạ xông vào nhà uy hiếp cha, Dương vùng dậy vơ hai con dao chạy lên nhà, đưa cha một con, mình cầm một con. Khi ba người đàn ông nằm sõng soài trên vũng máu, hai bố con Dương mới như sực tỉnh, quay ra nhìn nhau thì đã quá muộn. Cả hai cùng vướng vòng lao lý vì tội giết người. Người cha dù đã cố nhận nhiều trách nhiệm về mình nhưng cũng không thể giúp cậu con trai đang tuổi cắp sách đến trường thoát cảnh tù tội.
Tan đàn xẻ nghé
Được sinh ra và lớn lên trong một mái ấm gia đình có bố mẹ yêu thương nhau, cuộc sống dù không quá đủ đầy về vật chất, song gia đình Dương luôn ngập tràn hạnh phúc. Nhưng rồi vào cái tuổi mới lớn, Dương đã vấp phải cú sốc khi bố mẹ đột ngột chia tay nhau, sau khi mẹ Dương phát hiện ra chuyện bố Dương có người đàn bà khác.
Hôm đó, Dương thấy mẹ nghe điện thoại, ở đầu dây bên kia là giọng nói của một phụ nữ trẻ, cô ta cho mẹ Dương biết về mối quan hệ ngoài luồng bấy lâu của bố Dương và cô ta. Đặt chiếc điện thoại xuống, mẹ Dương chao đảo, ngã quỵ rồi khóc nấc lên. Ngày đó Dương mới 17 tuổi nên cậu chưa hiểu chuyện, chỉ biết đứng trân trân nhìn mẹ khóc mà không biết nói lời an ủi.
Sau ngày hôm đó, bố mẹ Dương liên tục xảy ra cãi vã, mâu thuẫn. Dương nhiều lần phải chứng kiến những giọt nước mắt đắng cay của mẹ giàn giụa chảy, nhưng cậu còn quá nhỏ để hiểu nỗi đau của người mẹ bị bội bạc. Mẹ Dương đã không thể tha thứ cho lỗi lầm của chồng, dù cho bố Dương có hết lời van xin, mong được hàn gắn để giữ lại mái ấm gia đình.
Từ trước đến nay, trong mắt Dương, cha luôn là người mẫu mực và cậu cũng dành nhiều tình cảm cho ông, nên dù chuyện xảy ra, Dương chưa một lần trách cha mình. Trong lúc gia đình gặp sóng gió, bố Dương cũng hay tìm đến cậu để trút bầu tâm sự. Ông nói rất hối hận vì đã làm những điều khiến cho mẹ Dương bị tổn thương, nhưng ông không thể thuyết phục mẹ Dương tha thứ.
Nguyễn Văn Dương |
Nghe bố tâm sự, Dương lại tìm đến mẹ, khuyên mẹ hồi tâm chuyển ý, bỏ qua lỗi lầm cho bố để giữ lại mái ấm gia đình. Những lúc đó, mẹ Dương chỉ khóc và nói Dương còn nhỏ, chưa hiểu hết chuyện. “Em chỉ giận bố mẹ sao không chịu bình tĩnh bỏ qua cho nhau những lỗi lầm, lại đi đến kết cục ly hôn để gia đình tan đàn xẻ nghé”, Dương tâm sự.
Sau khi bố mẹ Dương chia tay nhau vào năm 2006, Dương về ở với bố, còn mẹ và cậu em trai thì dọn ra ở trong căn nhà mà mẹ Dương được cơ quan phân cho ở ngay gần đó. Ngày mẹ cùng em trai dọn đi, mẹ đến bên Dương, nước mắt lưng tròng, nói với cậu: “Mẹ cũng thương con lắm, nhưng không biết phải làm thế nào, mẹ không đủ sức để cùng nuôi cả hai anh em. Con lớn hơn, ở với bố, em con nhỏ cần nhiều hơn sự chăm sóc của mẹ...”.
Sau ngày hôm đó, Dương trở nên lầm lì ít nói, căn nhà chỉ còn lại hai bố con Dương bỗng dưng trống hoác, vắng lặng khiến cậu không còn muốn trở về. Dương bắt đầu sa sút, từ một học sinh khá giỏi, Dương thành kẻ bê trễ học hành, thậm chí đi thâu đêm không về nhà. “Em thường đến nhà những cậu bạn thân ăn và ngủ lại ở đó. Em không muốn trở về căn nhà lạnh vắng chỉ còn lại hai bố con...”, lời tâm sự nghẹn ngào của Dương.
Nhưng chừng đó thôi vẫn chưa đủ, tai họa bắt đầu ập xuống gia đình Dương khi cha Dương, ông Nguyễn Văn Đức (SN 1960), bắt đầu lâm vào cảnh làm ăn khó khăn, thất bát rồi sinh ra nợ nần chồng chất. Bố Dương vốn là một chủ thầu xây dựng, chuyện tình ngoài luồng của ông cũng xuất phát từ việc ông hay phải theo chân các công trình xây dựng đi xa nhà. Vắng bóng vợ con, cô đơn và thiếu thốn tình cảm đã đẩy ông vào mối tình tội lỗi với một cô gái trẻ.
Có lần, nghe bố kể chuyện vừa bị một số người chặn lại ở Việt Trì, ép viết giấy vay nợ, Dương thương bố lắm nhưng một cậu trai mới lớn, chỉ biết đến sách vở nhà trường như Dương thì cũng không thể giúp gì được cho bố mình. Đêm ngày 22/11/2007, khi đó Dương đang ngồi học trong phòng trong thì thấy một toán người hùng hổ xông vào phòng khách nhà Dương rồi lớn tiếng đòi bố Dương phải trả nợ. Toán ba người đứng dậy đe dọa ông Đức: “Nếu ông không trả nợ trong ngày hôm nay thì không xong đâu...” Bị uy hiếp, ông Đức đứng lên hô: “Cướp!”, nghe tiếng hô hoán của bố, Dương đang học cũng phải giật thót mình.
Cậu buông vội sách bút, lao xuống bếp vớ hai con dao, chạy vội ra phòng khách, đưa cho bố một con, còn cậu ta cũng lăm lăm một con trên tay, đưa đôi mắt phòng vệ về phía toán người lạ. Thấy bố con Dương tay cầm dao, ba người đàn ông xông vào thì bị Dương và bố vung dao chém tới tấp. Dương chém làm hai người bị thương, còn bố cậu ta đã sát hại một người. Khi thấy ba người đàn ông kia gục xuống trên vũng máu, hai bố con Dương mới sực tỉnh, quay ra nhìn nhau, buông vội con dao xuống sàn nhà, nhưng đã quá muộn.
Ngã rẽ cuộc đời
Sau ngày hôm đó, cuộc đời Dương đã rẽ sang một hướng khác, tối tăm và mù mịt vô cùng. Hai bố con Dương bị bắt và bị đưa ra xét xử vì tội giết người khi Dương còn đang ở tuổi 17. Ngày hai bố con Dương bị đưa ra tòa, Dương cố nhìn quanh nhưng không tìm thấy bóng dáng quen thuộc của mẹ và em trai đâu. Mẹ Dương vừa phải chịu nỗi đau vì bị chồng phản bội, đã không đủ can đảm để chứng kiến ngày hai bố con Dương phải chịu tội.
Tại tòa, Dương không khai được nhiều, nhìn thấy bố già xọm đi, hai cổ tay cũng như Dương phải đưa vào chiếc còng số tám, Dương chỉ biết khóc vì thương bố, nhớ mẹ, nhớ em. Bố Dương đưa mắt xót xa nhìn cậu con trai và nói: “Bố hối hận vô cùng, nếu hôm đó hai bố con bớt nóng thì đã không có kết cục ngày hôm nay”.
Tại tòa, người cha đã cố nhận thật nhiều trách nhiệm về phía mình, những mong gỡ tội cho con, nhưng ông đành bất lực khi nghe tòa tuyên Dương mức án 11 năm tù giam, còn bản thân ông Đức phải nhận mức án chung thân. Giàn giụa nước mắt nhìn người cha cúi đầu lặng lẽ bước đi giữa hai hàng cảnh sát, đó là lần cuối cùng Dương được gặp cha sau khi cậu phải vào trại giam Vĩnh Quang cải tạo.
Bốn năm hai bố con cùng cải tạo ở một trại giam, nhưng Dương chưa một lần được gặp lại cha. Hai bố con chỉ có thể gặp nhau qua những lá thư. Trong thư, hai cha con gửi cho nhau chỉ toàn những lời hối hận muộn màng, dặn dò nhau cùng cố gắng cải tạo tốt để đường về ngắn lại. Dương khoe, tháng nào mẹ cũng lên thăm cậu, mỗi lần được gặp mẹ Dương lại thấy thương mẹ hơn và thấy lo cho đứa em trai nhỏ ở nhà khi mà bố và anh lâm cảnh tù tội, không biết nó có chán nản mà dễ dàng sa ngã hay không.
Mẹ Dương vốn là người yếu đuối, trong người lại mang nhiều bệnh, nên khi phải cải tạo ở trại giam, điều làm Dương lo nhất là mẹ. Cậu sợ mẹ không vượt qua được cú sốc này mà quỵ ngã thì cậu sẽ ân hận đến hết cuộc đời.
Bốn năm sống trong trại giam, Dương đã chững trạc và trưởng thành hơn trong suy nghĩ. Ngày đầu vào trại, những chán nản bao lấy cậu, khiến cậu như người đi trên dây mà chỉ trực mất thăng bằng, muốn ngã nhào xuống đất. Nhưng được sự động viên của cán bộ trại giam, Dương dần lấy lại tinh thần. Cậu được xếp vào tổ nấu bếp và tỏ ra yêu thích công việc đó. Ngồi trước mặt tôi, gương mặt sáng, lộ rõ vẻ hiền lành, chất phác, cậu cười rất nhiều vì ngày 2/9 là ngày Dương được tha tù trước thời hạn.
Quá bất ngờ vì niềm vui này, Dương không muốn nhắc lại quãng thời gian đau buồn nữa. Gác lại những câu chuyện buồn, cậu kể về những chuyện vui, về cô bạn gái thân với nhau từ hồi còn đi học, nhưng kể từ khi bị đi tù, tháng nào cô bạn đó cũng đến thăm Dương.
“Cuối năm nay là bạn ấy lấy chồng, em cũng mừng cho bạn ấy”, Dương nói. Rồi Dương hồ hởi chia sẻ về những dự định trong tương lai, cậu mong sau khi được ra tù cậu sẽ học thêm một cái nghề nào đó để kiếm sống và làm chỗ dựa cho người mẹ đã phải vì chồng, vì con mà trải qua quá nhiều khổ đau.
Sau khi thoáng gợn một chút lo lắng vì những kỳ thị mà người đời sẽ không dễ bỏ qua đối với một người có quá khứ tù tội như mình, mắt Dương lại sáng ngời hạnh phúc khi nói: “Nhưng em tin là cuộc đời còn dài và em còn nhiều thời gian để làm lại khi em mới 21 tuổi. Điều đầu tiên em sẽ làm khi ra trại là đến thăm bố, đã 4 năm ngồi tù, đó cũng là quãng thời gian rất dài mà bố con em không được gặp nhau...”
Hoài Anh