Ngân hàng sở hữu chéo làm khuynh đảo thị trường

16:09, Thứ bảy 08/06/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) – Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng đang làm khuynh đảo thị trường. Trong khi, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng ở mức hơn 5 triệu đồng/lượng.

Đời sống) – Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng đang làm khuynh đảo thị trường. Trong khi, giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục nới rộng ở mức hơn 5 triệu đồng/lượng.
Ngân hàng sở hữu chéo

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng”, trong đó giao Ngân hàng (NH) Nhà nước xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo giữa các NH.

Trong bài trả lời trên tờ Tuổi trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nói: “Sở hữu chéo thể hiện qua việc các NH và doanh nghiệp có sở hữu chồng chéo lẫn nhau. Cụ thể, NH A lập công ty con, rồi công ty con lập ra công ty cháu để mua cổ phiếu của NH B và ngược lại là rất phổ biến trong nhiều NH. Cứ như thế qua nhiều tầng nấc trung gian thì việc sở hữu không phải là trực tiếp nữa mà chồng chéo lẫn nhau”.

ts-nguyen-tien-hieu-Phunutoday.vn.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu. Ảnh: TTO.

Các quy định hiện hành đều có khống chế việc sở hữu vốn điều lệ của một NH, tuy nhiên, theo TS Hiếu, một số NH Việt Nam lại bất chấp quy định này mà bằng cách này cách khác để sở hữu chéo lẫn nhau gây rủi ro rất lớn cho nền kinh tế.

“Tôi nghĩ các cơ quan chức năng nắm được hết thực trạng ai nắm bao nhiêu cổ phần của NH trên giấy trắng mực đen thôi, còn phần chìm tức là họ nhờ đứng tên chắc chắn là không thể giám sát được. Do vậy, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống NH vẫn là bóng đêm đối với nhiều người”, TS. Hiếu nói.

Nói về rủi ro từ sở hữu chéo gây ra như thế nào cho nền kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cái giá phải trả cho việc này là con số về nợ xấu lên tới hàng trăm ngàn tỉ đồng. Nếu vẫn cứ để như hiện nay, hoặc xử lý mà không quyết liệt, hoạt động NH sẽ luôn có vấn đề, đó là thiệt hại đầu tiên mà nền kinh tế, người dân phải chịu... do tình trạng sở hữu chéo gây nên.

Vì mục đích của tình trạng sở hữu chéo là để tạo ra lợi ích giúp một cá nhân, tổ chức có thể nắm nhiều NH, doanh nghiệp. Qua đó, cá nhân và tổ chức đó có thể thâu tóm thị trường làm khuynh đảo một hoặc nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế - xã hội vì lợi ích của bản thân họ. TS. Hiếu dẫn chứng, lãi suất cho vay có thể bị đẩy lên khiến chi phí vốn của hoạt động sản xuất kinh doanh toàn xã hội cao hơn. Rồi tiền huy động của dân chúng sẽ chỉ phục vụ mục đích kinh doanh của những đối tượng này.

Để xử lý, theo TS Hiếu, phải biết rõ được thực trạng của tình trạng này qua việc NH Nhà nước thanh tra, giám sát tại các NH. Quy định hiện hành đã có rồi, các NH phải thực hiện nghiêm việc này. Còn anh nào làm sai, đầu tư quá tỉ lệ cho phép thì phải buộc thoái vốn qua việc bán cổ phần, cổ phiếu. NH Nhà nước cần có một lộ trình cụ thể để các NH thực hiện. Cần phải có chế tài như xử phạt hành chính, thậm chí nếu không chấp hành nghiêm thì có thể bị truy tố...

Cũng theo TS Hiếu, không nên cho NH quyền vừa được cho vay vừa được đầu tư, vì đây là nguyên nhân gây ra tình trạng sở hữu chéo khi thể chế tài chính của chúng ta cho phép NH đa năng. Nhiều NH dùng vốn huy động của dân chúng, của xã hội đáng lẽ là cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh nhưng lại ủy thác cho các công ty con đầu tư ximăng, hải sản, bất động sản, chứng khoán, mua cổ phiếu... và nhiều ngành nghề rủi ro khác.

“Ở Việt Nam tới thời điểm này, theo tôi được biết thì chưa có một nghiên cứu để thấy các lĩnh vực đầu tư của NH hiệu quả ra sao, thất thoát như thế nào... Chúng ta chỉ biết số nợ xấu. Đây là lỗ hổng rất lớn trong hệ thống NH hiện nay”, TS Hiếu nhận định.

Vàng trong nước đắt hơn thế giới 5,3 triệu đồng

Trong khi đó, trên thị trường vàng, giá vàng thế giới mất gần 30 USD/oz trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/6) tại New York, nhưng giá vàng trong nước sáng nay (8/6) chỉ giảm hơn 100.000 đồng/lượng, làm chênh lệnh giá vàng trong nước và thế giới lên gần 5,3 triệu đồng/lượng.

Tờ VnEconomy cập nhật, cuối giờ sáng nay (8/6), giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI là 40,65 triệu đồng/lượng (mua vào) và 40,77 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm tương ứng 120.000 đồng/lượng và 140.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều qua.

quan-ly-thi-truong-vang-Phunutoday.vn
Khoảng cánh vàng nội và ngoại tiếp tục duy trì ở mức hơn 5 triệu đồng/lượng.

Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC cùng thời điểm theo báo giá của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) là 40,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 40,75 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 210.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 140.000 đồng/lượng ở chiều bán.

Mức giảm của giá vàng trong nước sáng nay không thấm vào đâu so với mức giảm gần 2,1% vào đêm qua của giá vàng thế giới. Nếu giảm đúng theo giá thế giới, giá vàng trong nước sáng nay phải giảm khoảng 800.000 đồng/lượng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay tại New York giảm 0,3% trong tuần này. Phiên giảm giá mạnh vào ngày thứ Sáu đã xóa sạch thành quả tăng của những phiên trước đó. Lúc đóng cửa phiên thứ Sáu, giá vàng giao ngay tại New York giảm 29,1 USD/oz, tương đương giảm khoảng 2,1%, chốt ở mức 1.385,6 USD/oz.

Trong khi đó, giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 21.240-21.250 đồng (mua vào) và 21.270-21.280 đồng (bán ra), giá mua tăng 50 đồng, giá bán tăng 40 đồng so với sáng hôm qua.

Quy đổi theo tỷ giá này, giá vàng thế giới hiện tương đương 35,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán lẻ trên thị trường gần 5,3 triệu đồng/lượng.

Từ cuối tháng 3 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức tổng cộng 28 phiên đấu thầu vàng miếng, bán ra tổng cộng 27,3 tấn vàng.

  • P.V (tổng hợp)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc