Ngành học có điểm chuẩn tăng vọt, cơ hội việc làm cao với mức thu nhập khá ‘khủng’

( PHUNUTODAY ) - Trong mùa tuyển sinh năm nay, ngành học này nằm trong top cao ở các trường. Đây là một ngành đầy hứa hẹn, có nhiều nơi săn đón.

Ngành kỹ thuật ô tô luôn được đánh giá rất cao trên thế giới và ở Việt Nam do tính ứng dụng phổ biến trong mọi ngành công nghiệp và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng nhanh về phương tiện cơ giới đường bộ, nhất là đối với ô tô ở Việt Nam đang thúc đẩy mạnh mẽ nền công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ.

Bên cạnh đó, nhu cầu kỹ sư ô tô có năng lực làm việc trong các tập đoàn, liên doanh, nhà máy sản xuất ô tô lớn của thế giới (kỹ sư ô tô toàn cầu) không ngừng được nâng lên. Chính vì vậy mà ngày càng đông các bạn trẻ lựa chọn theo đuổi ngành kỹ thuật ô tô. Điểm chuẩn ngành trong đợt tuyển sinh đại học 2023 cũng theo đó mà trở nên tăng mạnh.

Ngành kỹ thuật ô tô tập trung vào việc áp dụng kiến thức và kỹ thuật để thiết kế, sản xuất, bảo dưỡng và sửa chữa ô tô. Sinh viên trong ngành kỹ thuật ô tô tìm hiểu về cấu trúc, chức năng và quy trình sản xuất ô tô. Đồng thời còn được học về các nguyên liệu và vật liệu sử dụng trong sản xuất ô tô, quy trình gia công và chế tạo, các hệ thống điện tử và cơ khí trong ô tô, quy trình kiểm tra chất lượng và bảo dưỡng ô tô.

Ngoài ra, sinh viên còn được trang bị kiến thức về cơ khí ô tô, điện tử ô tô, kỹ thuật vật liệu, các kỹ năng thực hành như hàn, gia công cơ khí và sử dụng các công cụ và thiết bị chuyên dụng. Sinh viên theo học ngành này có cơ hội thực hành thông qua các dự án và mô phỏng trong lĩnh vực kỹ thuật ô tô.

Sinh viên theo học ngành kỹ thuật ô tô được học các môn học chuyên ngành tiêu biểu và đặc trưng như: Động cơ đốt trong, tính toán ô tô, hệ thống điện – điện tử ô tô, hệ thống điều khiển tự động trên ô tô, công nghệ chẩn đoán, sửa chữa và kiểm định ô tô, Hệ thống an toàn và tiện nghi trên ô tô, Quản lý dịch vụ ô tô,…

Ngành công nghệ kỹ thuật ô tô được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp “đầu tàu”, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác. Vậy nên nhu cầu về nguồn lao động có trình độ chuyên môn là rất lớn trong tương lai gần. Sinh viên tốt nghiệp có nhiều cơ hội việc làm: từ các vị trí tham gia vào các công đoạn lắp ráp ô tô, nghiên cứu phát triển, thiết kế kiểu dáng, điện tử, hệ thống điện, lập trình điều khiển, kỹ thuật sản xuất, kiểm soát chất lượng đến kinh doanh về ô tô và phụ tùng.

Năm nay, điểm chuẩn của ngành nay tăng vọt, có trường tăng hơn 7 điểm. Trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM (UTH) có điểm chuẩn ngành Kỹ thuật ô tô với 2 chuyên ngành Cơ điện tử ô tô và Cơ khí ô tô tăng đột biến đến 6,5 điểm so với năm 2022, từ 19 lên 25,5 điểm, tương đương thí sinh cần 8,5 điểm/môn mới đỗ cho các khối A00, A01, D01 và D07.

Ở Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Kỹ thuật ô tô lấy 26,48 điểm cho tổ hợp A00, A01 tăng nhẹ so với năm 2022 (26,41 điểm). Đại học Giao thông Vận tải cơ sở Hà Nội lấy 24,87 điểm, nằm trong top những ngành có điểm chuẩn cao nhất trường.

Mức lương của kỹ sư kỹ thuật ô tô tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm và khung mức lương của doanh nghiệp. Mức lương khởi điểm của một kỹ sư ô tô sau khi ra trường trung bình là 7-8 triệu, một số công ty có mức lương từ 10 triệu đồng trở lên. Người có năng lực và kinh nghiệm có thể đạt mức thu nhập khá “khủng” từ ngành nghề mình đã chọn, nhất là khi tự sở hữu doanh nghiệp hoặc gara riêng.

Tóm lại, ngành công nghệ kỹ thuật ô tô có mức thu nhập đa dạng dựa trên nhiều tiêu chí. Vì vậy, các sinh viên, học viên nên trau dồi kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để đạt được mức lương như kỳ vọng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link