Ngày hạnh phúc cố quên con đánh giết mẹ cha

07:04, Thứ hai 24/06/2013

( PHUNUTODAY ) -

Rất nhiều người Việt thường hay tự hào, khẳng định Việt Nam là đất nước hạnh phúc bởi những chỉ số như hành tinh hạnh phúc hay tỷ lệ gia đình văn hóa của nước ta luôn được đánh giá rất cao.

Theo bảng đánh giá Chỉ số hành tinh hạnh phúc (HPI) được công bố hôm 14/6/2012, Việt Nam đã vinh dự đứng ở vị trí thứ hai thế giới.

Bên cạnh đó, tỷ lệ gia đình văn hóa của nước ta cũng rất cao, báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000 - 2010) đã cho biết, phong trào xây dựng Gia đình văn hóa đã thu hút trên 90% gia đình tham gia, từ gần 8,7 triệu hộ được công nhận Gia đình văn hóa năm 2000, tới năm 2010 đã tăng lên hơn 16 triệu hộ (cả nước có tổng số hơn 22,6 triệu hộ gia), đạt tỷ lệ 70,8%.
 
Về phong trào xây dựng làng, tổ dân phố văn hóa, từ gần 18.000 làng (bản, thôn, ấp…) và tổ dân phố (khu phố, khu dân cư) văn hóa được công nhận năm 2000, đã tăng lên gần 58.300 đạt danh hiệu văn hóa năm 2010 (trên tổng số gần 87.000 làng, tổ dân phố trên cả nước), đạt tỷ lệ 67%. Đã có 1,2 triệu Người tốt, việc tốt được suy tôn ở các cấp (trong đó cấp tỉnh trên 249.000 người, cấp huyện trên 239.000 người, cấp xã trên 712.000 người).

Năm 2010, hơn 70% số hộ cả nước đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, mục tiêu từ nay tới năm 2015 là tiếp tục giữ vững kết quả này.
Năm 2010, hơn 70% số hộ cả nước đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, mục tiêu từ nay tới năm 2015 là tiếp tục giữ vững kết quả này.


Với những con số biết nói một cách tích cực ấy, quả nhiên người Việt hoàn toàn có thể tự hào về đất nước, con người cũng như sự hạnh phúc của mình. Đơn giản bởi người ta có thể nghèo khó về vật chất, nhưng nếu giàu văn hóa và biết hài lòng, cuộc sống luôn có thể trở nên ý nghĩa và hạnh phúc vô cùng.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng những con số ấy không hề phản ánh điều gì thậm chí việt Nam không hề là nước hạnh phúc như nhiều người vẫn nghĩa bởi tại sao trên một đất nước có chỉ số hạnh phúc cao, không thể có việc hàng ngày báo chí vẫn liên tiếp đăng tải các thông tin về những vụ án giết người đẫm máu và vô cùng đau xót.

Chỉ vừa mới đây, một vụ án con trai dùng búa đánh chết bố, đánh mẹ nhập viện đã khiến dư luận cả nước vô cùng xôn xao, bức xúc. Sự việc xảy ra vào khoảng 10h30 phút ngày 14/6, tại xã Cát Tân, huyện Như Xuân (Thanh Hoá). Nạn nhân là ông Lê Cẩm Minh (52 tuổi) và bà Bùi Thị Lan (50 tuổi). Theo đó, đang ngồi ăn cơm trưa, do mâu thuẫn với bố mẹ, Quynh đã dùng búa đinh bổ nhiều nhát vào đầu cả bố và mẹ khiến ông bố chết ngay tại chỗ, người mẹ nguy kịch vì thủng hộp sọ.

Trước đó, những vụ việc như vì tranh chấp đất đai, nhà cửa, con cái sẵn sàng đẩy bố ra chuồng lợn, ra vỉa hè nằm, thậm chí còn kiên quyết đòi tòa xử mẹ già đã 81 tuổi ở tù…cũng liên tục được báo chí đăng tải đã khiến không ít người phải đau lòng.

Người ta vẫn hay nói "một gọt máu đào hơn ao nước lã", quan hệ trong gia đình thường là những mối quan hệ bền chặt, tình cảm nhất trong xã hội. Ấy vậy mà những vụ án con cái bạo hành, đang tâm giết chết cha mẹ vẫn diễn ra thường xuyên khiến không ít người phải tự đặt câu hỏi gia đình có còn là nơi liên kết, gắn bó con người với nhau? Và văn hóa ở đâu, hạnh phúc ở đâu khi người ta có thể đang tâm ra tay với những người thân yêu nhất của mình?

Liệu gia đình văn hóa ở Việt Nam có thật sự hạnh phúc?
Liệu gia đình văn hóa ở Việt Nam có thật sự hạnh phúc?


Một vấn đề khác cũng rất đáng chú ý là trong khi tỷ lệ gia đình văn hóa cao, thì tỉ lệ ngoại tình cũng như số lượng các vụ ly hôn ở Việt Nam cũng không hề thấp. Theo kết quả điều tra của Bộ VH-TT&DL (phối hợp với Tổng cục Thống kê) năm 2010 cho thấy tỉ lệ ngoại tình ở nước ta lên tới 28%, một con số rất đáng báo động bởi việc tồn tạo các mối quan hệ khác ngoài tình cảm vợ chồng sẽ khiến cuộc sống gia đình không còn hạnh phúc và có thể là nguyên nhân chính khiến gia đình tan rã.  

Cuộc điều tra do Bộ VH-TT&DL, phối hợp với Tổng cục Thống kê, với sự hỗ trợ của UNICEF cho thấy, số vụ ly hôn đang tăng nhanh. Nếu năm 2000 chỉ có 51.361 vụ ly hôn thì năm 2005 đã tăng lên 65.929 vụ.  Theo số liệu tổng kết của TAND Tối cao năm 2010, số vụ ly hôn trong cả nước đã lên đến 88.591 vụ. Người vợ đứng đơn ly hôn hiện gấp 2 lần so với người chồng đứng đơn.

Người người văn hóa, nhà nhà gia đình văn hóa, nhưng những số liệu về ly hôn, ngoại tình được công bố đã khiến không ít người bất ngờ và phải giật mình tự hỏi liệu trong các gia đình văn hóa có chuyện ngoại tình và có thể ly hôn? Những gia đình ấy có hạnh phúc thật sự hay chỉ trên giấy tờ?

Vẫn biết số liệu dù sao vẫn chỉ là những con số, người ta không thể nhìn vào những số liệu rồi đưa ra suy đoán chuyện ngoại tình, ly hôn hay bạo hành thường xuyên diễn ra trong các gia đình văn hóa bởi như thế thì đâu còn gì gọi là "văn hóa" nữa.

Tuy nhiên, những số liệu ấy cũng đủ để đưa ra cảnh báo về hạnh phúc và văn hóa thật sự. Chúng ta có nhất thiết phải cố gắng để có những con số thật đẹp để rồi từ đó không thể nhìn thấy bản chất, những vấn đề đáng lưu ý của các gia đình Việt?

Mới đây, nhằm hưởng  ứng “Ngày Hạnh phúc 20/3” của Liên Hiệp Quốc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ra quyết định lấy ngày 20/3/2014 là “Ngày Hạnh phúc” Việt Nam. Theo đó, chương trình nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, đồng thời tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam.

Trong tình trạng các mối quan hệ liên kết giữa gia đình ngày càng trở nên đáng lo ngại, những chương trình như thế này có thể rất cần thiết. Vấn đề là liệu những người làm chương trình có thể giúp cho các đối tượng tiếp nhận thông tin hiểu thực tế hạnh phúc và văn hóa của gia đình Việt hay lại tiếp tục lên gân, giơ khẩu hiệu làm đẹp các số liệu thống kê của nước ta để rồi đẩy mọi việc ngày càng xa rời thực tế?

  • Hồng Anh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc