“Tất cả cứ để yên như vậy đi, ai chết, không chết được tự nhiên thì tìm cách tự tử đi, còn mang tiếng được tăng lương một mà vật giá tăng 3 thì sợ lắm” - Nghệ sĩ Chí Trung trăn trở về đồng lương công chức.
Táo Giao thông thay lời... Bộ trưởng Thăng |
PV: - Vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung – Ngọc Huyền đều thuộc biên chế của Nhà hát Tuổi trẻ. Nếu như, anh chị không tất bật chạy show bên ngoài và làm thêm các công việc khác nữa thì cuộc sống gia đình công chức của anh sẽ như thế nào?
NS Chí Trung: - Sẽ chết sau một tuần!
PV: - Như vậy thì nếu anh chị an bài với cuộc sống công chức thì ước mơ nhà lầu, xe hơi… sẽ mãi là ước mơ xa xỉ?
NS Chí Trung: - Nếu an bài với cuộc sống công chức thì nhà lầu, xe hơi không bao giờ có được cả. Bởi vì, đã chết từ lúc nào rồi thì làm sao mà tồn tại được ô tô với cả xe máy.
Đấy là nói đúng nghĩa cuộc sống chỉ biết trông chờ vào mấy triệu đồng tiền lương một tháng của Nhà nước.
Bản thân vợ chồng tôi phải nuôi hai đứa con, cộng thêm tiền điện, nước, điện thoại,… chi phí cho mọi thứ để tồn tại còn khó, nói chi đến phát triển để có được những thứ quý giá trên.
NS Chí Trung: Nếu sống bằng lương công chức, cuộc sống gia đình anh sẽ chết sau một tuần... |
Hiện tại, các phương tiện mà gia đình tôi đang sử dụng như ô tô, hai chiếc xe máy… chúng tôi có được do nhiều nguyên nhân, nhiều yếu tố.
Chẳng hạn, ngoài việc chơi đồ cổ theo sở thích tôi cũng tranh thủ buôn bán chúng luôn, hay vợ tôi giờ mở thêm cửa hàng bán quần áo thời trang cho trẻ em…
Ngoài giờ diễn trong Nhà hát, vợ chồng tôi cũng tranh thủ chạy show bên ngoài, đi quay phim, chụp ảnh, lồng tiếng, thu đài,… như vậy thì mới đảm bảo được cuộc sống cho gia đình, còn nếu cứ trông chờ vào lương Nhà nước thì sống thực vật còn khó nói chi...
PV: - Cụ thể về mức lương công chức Nhà nước hiện nay của vợ chồng anh là bao nhiêu?
NS Chí Trung: - Trước đây, tổng thu nhập của vợ chồng tôi là hơn 8 triệu đồng một tháng, gần đây lương tăng thì nhỉnh hơn một tí.
PV: - Với mức này, phục vụ được bao nhiêu phần trăm chi tiêu hàng tháng trong gia đình anh?
NS Chí Trung: - Đây! Tôi vừa đi lấy lương tháng này của hai vợ chồng về được hơn 10 triệu đồng, số tiền này chỉ phục vụ được tối thiểu sinh hoạt gia đình tôi khoảng 10 ngày.
Hiện giờ, vợ chồng tôi đang chu cấp cho cậu con trai học trường quốc tế trong Nam rất tốn kém, cộng chi phí, điện nước trong nhà…. nên tốn đủ đường.
Tuy nhiên, tôi sợ “các ông ấy” tăng lương lắm, bởi lương tăng một thì vật giá tăng 3. Tăng lương là ban phát bằng biện pháp hành chính nhưng bên ngoài, cái ban phát thực tế lại bằng quyền lực của đồng tiền, nên tôi sợ tăng lương lắm, kinh lắm, chẳng thà đừng tăng…
Tất cả cứ để yên như vậy đi, ai chết, không chết được tự nhiên thì tìm cách tự tử đi, còn mang tiếng được tăng lương một mà vật giá tăng 3 thì sợ lắm.
PV: - Nếu cứ để như vậy thì xã hội lại đứng im?
NS Chí Trung: - Xã hội muốn phát triển phải cơ cấu lại ngành nghề, phát triển bằng kinh tế như Thủ tướng vừa đứng ra xin lỗi và đề cập đến. Khi tất cả các ngành nghề phát triển, kinh tế được đẩy mạnh thì đời sống xã hội sẽ thăng hoa theo.
Còn tăng lương như thế chẳng khác nào nhỏ viên thuốc B1 vào miệng thằng hành khất thôi; hoặc cứu đói một bát cơm cho người lỡ đường chứ làm sao thay đổi được cuộc sống của người ta…
Muốn thay đổi, phải thay đổi cả cơ cấu, đón được những người hành khất ấy về nuôi, cũng như là làm sao để cải tạo được cuộc sống của xã hội chung.
NS Chí Trung: "Ngoài giờ diễn trong Nhà hát, vợ chồng tôi cũng tranh thủ chạy show bên ngoài, đi quay phim, chụp ảnh, lồng tiếng, thu đài,… như vậy thì mới đảm bảo được cuộc sống cho gia đình." |
PV: - Anh có thể chia sẻ về những khó khăn mà vợ chồng anh đã trải qua khi mà cuộc sống chưa thật sự ổn định như ngày hôm nay?
NS Chí Trung: - Trước đây, tôi buôn bán ở chợ Trời, mà dường như cả nước đều biết tôi lăn lộn đủ nghề. Có người còn nói vui, tôi là con buôn nghệ sĩ.
Để tồn tại được như bây giờ, tôi luôn tự hào về những chặng đường gian khó mà vợ chồng tôi đã trải qua. Chính sự từng trải đã tạo lên cho tôi một trái tim hun đúc, bản lĩnh vững vàng, chẳng sợ “bố con thằng nào” (cười).
Tôi từng buôn xe máy, buôn xe đạp, buôn gạo, buôn điện tử,… sau này là buôn đồ cổ. Tôi còn nhớ nhất những năm trước đây, mà phải nói là trong hàng chục năm trời, đêm giao thừa pháo nổ vang trời, khói bay mù mịt, nhà nhà đang sửa soạn cúng vái thì tôi vẫn đang tơi tả đạp xe đạp, chở cassette, tivi đi rao bán, bởi lúc ấy người ta mới có tiền sắm sửa, mình mới bán được hàng.
Đây là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên về những khó khăn, lăn lộn với cuộc sống trên từng con phố dài như thế.
Rồi khi đứa con đầu tiên chào đời, hàng đêm, rời sân khấu nhà hát, tôi về nhà lọ mọ ngồi ép săm xe đến tận ba rưỡi sáng. Ngày ấy, tôi thường mua những chiếc săm xe ô tô bị vỡ, về cắt ra, ép lại thành săm xe thồ.
Đến sáu rưỡi sáng, tôi ngủ dậy, chở những chiếc săm ấy xuống Ba La, Hà Đông để giao bán cho các cửa hàng bán săm xe thồ.
Tâm huyết của tôi với nghệ thuật thì rõ ràng rồi, còn tất cả những công việc khác chẳng qua là để tồn tại.
PV: - Đã qua giai đoạn sống để tồn tại, hiện giờ, anh hưởng thụ cuộc sống của mình như thế nào?
NS Chí Trung: - Tôi hưởng thụ cuộc sống bằng những bộ phim hay của Anh và Mỹ, tôi không bao giờ xem phim mình đóng, không bao giờ xem phim Việt Nam.
Tôi hưởng thụ cuộc sống bằng âm nhạc, bằng vài trận bia hơi trong tuần với bạn hữu, facebook…
NS Chí Trung: "Tất cả cứ để yên như vậy đi, ai chết, không chết được tự nhiên thì tìm cách tự tử đi, còn mang tiếng được tăng lương một mà vật giá tăng 3 thì sợ lắm." |
PV: - Làm nghệ thuật luôn đòi hỏi sự lao động kiên trì, bền bỉ, thậm chí để có một tác phẩm hay người nghệ sĩ phải đồ mồ hôi trên sàn tập, gian nan vất vả vô cùng... Theo anh, đời sống cho nghệ sĩ cần phải quan tâm như thế nào để người ta sẵn sàng lao động nghệ thuật?
NS Chí Trung: - Tôi chả muốn nói nữa, vì đã nói nhiều quá rồi, bây giờ bảo xin tôi cũng chả xin nữa vì tôi đã xin nhiều lần nhưng cuộc sống của người nghệ sĩ vẫn vậy, chẳng thay đổi được gì.
Tôi nghĩ, tất cả mọi ngành nghề đều vất vả, không riêng gì những người nghệ sĩ chúng tôi.
PV: - Vì đồng lương Nhà nước quá bèo bọt, anh có lo ngại sẽ có lúc nhiều nghệ sĩ rời xa nghệ thuật để tìm một cuộc sống khác?
NS Chí Trung: - Hiện nay, tất cả các nghệ sĩ đều phải làm thêm nhiều nghề khác để duy trì cuộc sống.
Còn những người không “trụ” được thì họ cũng đã từ bỏ ánh đèn sân khấu để mưu sinh với nhiều ngành nghề khác.
Đa phần các nghệ sĩ đang còn tồn tại là họ phải mở thêm cửa hàng, quay phim, thu đài, chạy thêm show ngoài…
PV: - Đồng tiền có khiến người nghệ sĩ xao nhãng với trách nhiệm nghệ sĩ trên tư cách “người của Nhà nước” hay không?
NS Chí Trung: - Chẳng có ai xao nhãng cả, đến với Nhà hát, ai cũng biết sẽ nghèo và xác định rõ ràng chỉ sống bằng khát vọng.
Được hào nào của Nhà nước thì mừng quá, còn không thì cố gắng để tồn tại.
Có những diễn viên, khi đến đoàn tập mặt cứ tái mét đi, hỏi ra mới biết sắp đến ngày phải nộp tiền thuê nhà.
Anh em trong đoàn cũng chỉ biết lắc đầu, cảm thông chứ hoàn cảnh giống nhau cả thì lấy tiền đâu mà giúp đỡ nhau.
Nhưng khi lên sân khấu, mọi sự lo toan đều tan biến hết, họ vẫn diễn hăng say, thăng hoa như thường.
Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!
- Phương Trịnh (thực hiện)
[links()]