Nghệ sĩ Hồng Chương – Bà ấy từng ’chê’ tôi già

13:01, Thứ tư 21/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Kém chồng một giáp nên bà Mỹ là “trợ lý” đắc lực cho chồng về chuyện ăn uống, trị bệnh nhưng duy chỉ có chuyện nghiện thuốc lào thì ông không bỏ được. Mấy lần ông quyết “chôn điếu xuống” nhưng lại “đào điếu lên”.

Ngồi nói chuyện với tôi nhưng cứ mươi, 15 phút ông lại làm một điếu thuốc lào để rồi lại ho sù sụ. Bà Mỹ tỏ ý không hài lòng kể tội chồng bao lần đã quyết “chôn điếu xuống” nhưng cũng phải “đào điếu lên”, trong khi đó ông cười rất hóm hỉnh phân trần: “Bỏ thuốc còn mệt hơn là hút…”.
[links()]
Khóc vì phá nhà để… làm nhà cho con

77 tuổi nhưng nghệ sĩ Hồng Chương như một ông bụt với tóc và râu trắng như khói và nụ cười hiền từ, như một đặc điểm riêng biệt để người ta nhớ tới ông trên ti vi. Vì lẽ đó mà dù khó khăn khi tìm đến nhà ông nhưng nếu hỏi người dân ở giếng thôn Đông, ngõ Bồ Đề, Minh Khai thì mọi người ai cũng nhiệt tình chỉ nhà nghệ sĩ râu tóc bạc phơ ấy.

Bên trong cái cổng ngõ ngót 100 năm tuổi của nhà nghệ sĩ Hồng Chương là ngôi nhà cao tầng với cây ổi và giàn hoa nào lan, nào kiểng khiến cho ngôi nhà chẳng khác nào như một biệt thự vườn giữa cảnh thôn quê Bắc Bộ vậy.

Thế mà mới vài năm gần đây thôi, ông già tóc bạc ấy đã mất ăn mất ngủ tới thành bệnh mấy tháng trời khi quyết định phá ngôi nhà cổ để xây nhà mới.

Nghệ sĩ Hồng Chương sinh năm 1934, người làng Hoàng Mai, Hà Nội, ông là người con thứ 5 trong gia đình 6 anh chị em. Khi Hồng Chương lên 3 tuổi thì cha mất, 5 tuổi mẹ cũng qua đời, Bà cô ruột không lấy chồng đón các cháu về nuôi.

 Nghệ sĩ Hồng Chương
Nghệ sĩ Hồng Chương

Năm 1955, khi học hết lớp 7, Hồng Chương xung phong đi làm công nhân ngành đường sắt. Làm công nhân “tà vẹt” được mấy năm thì năm 1960, Trường Trung học Sân khấu Điện ảnh, sau này là Đại học Sân khấu Điện ảnh tuyển khóa diễn viên đầu tiên, Hồng Chương về Hà Nội thi tuyển lớp diễn viên sân khấu và trúng tuyển vào trường. Kể từ đó, cuộc đời ông chuyển sang một hướng khác.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ nên anh thanh niên Hồng Chương thường tự ti với hoàn cảnh thiệt thòi và thiếu thốn của mình. Nghệ sĩ thời ông rất nghèo, tiền lương chỉ đủ chi dùng chứ nghĩ gì đến lấy việc nuôi vợ con nên ông cứ khất lần chuyện lập gia đình tới tận năm 34 tuổi.

Năm 1965, khi đó Hồng Chương theo đoàn về “chỉnh huấn” ở xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Trong những buổi lao động tập thể, Hồng Chương đã “mê như điếu đổ” cô nữ đội trưởng sản xuất thôn tên Trịnh Thị Mỹ.

Tuy nhiên, khi đó bà Mỹ mới 21, ông Chương đã 33 nên ban đầu, bà có ý “chê” ông già quá. Không chỉ vậy, công đoàn của cơ quan ông cũng phản đối vì sợ rằng trai Hà Nội lấy vợ ở quê dễ bề chia tay thì “khổ con gái nhà người ta”.

Chưa hết khó khăn khi chính gia đình bà Mỹ không tin vào sự chung thủy của kẻ vốn mang nghề “xướng ca vô loài” nên cũng phản đối kịch liệt. Thậm chí, người chú ruột của bà Mỹ còn nghi ngờ Hồng Chương đã có vợ ở quê nhà.

Vào một ngày, bỗng người chú mời ông vào nhà uống rượu với mình, rồi tuyên bố một câu xanh rờn khiến ai cũng thắc mắc: “Ngày mai, 2 đứa mày muốn thì ra xã đăng kí kết hôn cũng được”. Hóa ra là người cậu ruột đã bí mật lên tận nhà hát kịch TW để điều tra lí lịch, nhân thân của Hồng Chương thật rõ ràng thì người cậu mới “ung dung” về nhà cho cháu gái mình lấy chồng.

Dù cuộc sống của vợ chồng nghệ sĩ Hồng Chương trải qua không ít những vất vả nhưng rất hạnh phúc, dù cả 2 vợ chồng có những sự khác biệt trong nghề nghiệp và tính cách.

Hồng Chương là người khá dễ tính, xuề xòa, hay “thông cảm” cho người khác kể cả trong việc nhà cửa nên tính bà Mỹ phải trở nên cẩn thận, tháo vát bù lại để thu vén cho gia đình.

Nhất là khi có người chồng là nghệ sĩ phải xa nhà đi diễn, thậm chí mấy tháng trời vào tận chiến trường miền Nam nên mọi việc ở nhà bà Mỹ lo toan chu đáo dù sức khỏe của bà không được tốt.

Nghệ sĩ Hồng Chương và vợ
Nghệ sĩ Hồng Chương và vợ

Chuyện sinh nở, nuôi con của bà cũng gặp nhiều khó khăn vất vả. Khi bà mới sinh người con trai đầu thì bà đổ bệnh, vì mới sinh xong lại phải tiêm thuốc kháng sinh quá nhiều nên tai bà ù, khiến cho 2 tai thành ra khó nghe khi mới 23 tuổi

Sinh ra trong gia đình Hà Nội có gia phong lễ giáo nên nghệ sĩ Hồng Chương là người cháu rất có hiếu đễ, ông cư xử với người trong gia đình, nhất là người cô đã nhận chăm sóc anh chị em ông như mẹ ruột, dù có chuyện gì cũng một nhịn, hai nhường.

Khi bà Mỹ về nhà chồng, bà đã không dám đi làm ở đâu để chiều ý chồng ở nhà chăm sóc người cô chồng. Bao nhiêu năm làm chồng, nghệ sĩ Hồng chương có đi đâu, làm gì vẫn luôn yên tâm vì ở nhà, vợ ông luôn đảm đang, tháo vát tất cả mọi việc, không để một lời ra tiếng vào ảnh hưởng tới gia đình.

Vốn côi cút từ bé nên Nghệ sĩ Hồng Chương luôn dành tình yêu hết mực cho gia đình, nhất là khi vợ ông mắc bệnh khó nghe, rồi lại thêm bệnh huyết áp, tim mạch, còn 2 con đầu của ông do sức khỏe sinh ra đã không được tốt nên ông thương con lắm.

Ngôi nhà ngói 5 gian của cha mẹ ông để lại, cả gia đình ông ở chúng quay quần với nhau mấy chục năm nay. Căn nhà cổ gắn bó với ông gần cả cuộc đời dù đã sập xệ nhưng ông vẫn không nỡ phá đi.

Nhưng rồi nghĩ đến gia đình, đến các con sau này ông đành bán một phần mảnh đất hương hỏa ông bà để lại, phá căn nhà đi để xây nhà cho các con ra ở riêng. Ông phân trần với tôi mà rưng rưng:

“22 năm làm diễn viên nhà hát kịch TƯ, lương của ông cũng cọc cạch mấy triệu đồng thôi cháu ạ, muốn xây nhà ông phải bán đi một phần mảnh đất mới có nầy tiền để giúp xây nhà cho 2 con trai. Khi phá nhà này, ông không cầm được nước mắt ”.

Người đàn ông có gương mặt của một ông bụt

Còn nhớ lần đầu tôi gặp nghệ sĩ Hồng Chương ở trường quay Đông Ngạc, khi ông đang vào vai diễn cụ Cố tổ trong bộ phim “Số đỏ”. Thấy ông đến sớm hơn so với giờ quy định, ông bảo người hóa trang lấy quần áo cho ông thay rồi ngồi đó chờ tới lượt mình diễn.

Mặc dù dễ tính trong cuộc sống nhưng trong công việc, ông lại là người cẩn thận, chuyên nghiệp và không muốn làm phiền người khác. Trong công việc, giờ giấc làm việc, quay phim phải nghiêm chỉnh đúng giờ, đúng hẹn.

Nhiều khi đoàn làm phim đã chuẩn bị hết phục trang nhưng ông vẫn cẩn thận mang thêm một bộ quần áo mà tối qua ông chạy đi mượn để diễn.

Mỗi khi có bạn bè đến đón đi chơi hay đoàn làm phim cho người tới đón ông đến trường quay thì y như ngày hôm đó, ông không đi đâu, thậm chí cũng không dám ngủ trưa vì sợ ngủ quên. Có khi để chắc chắn, ông còn ra sớm hơn giờ hẹn nửa tiếng đồng hồ cho người khác khỏi phải chờ mình.

Ông rất nhiệt tình và độ lượng với người khác. Bà Mỹ kể rằng: Hồi mới về hưu, ông bắt đầu trồng mấy cây cảnh, những cây cảnh công phu cắt uốn bao nhiêu năm trời mới được nên ông quý lắm. Có ai đó lỡ may làm gãy một ngọn, một cành nhỏ của cây cảnh thôi thì coi như cây cảnh xem như vứt đi, ông tiếc mà mất ngủ đến 3, 4 đêm.

Một lần, có một nhóm sinh viên trường điện ảnh xin nhờ bối cảnh gian nhà cổ của nhà ông để diễn, mấy thanh niên vô ý làm gẫy cành cây cảnh của ông nhưng ông vẫn nhiệt tình giúp cho một vai diễn, rồi cho các bạn trẻ mượn đạo cụ.

Thậm chí, khi đoàn làm phim về “quên” không chào hay để cám ơn gia đình ông, điều ấy khiến nhiều người biết được tỏ ý không hài lòng thì ông cũng xuề xòa bảo: “Thôi chúng nó còn trẻ”. Nói thế thôi chứ thực ra mấy đêm hôm đó, Nghệ sĩ Hồng Chương tiếc đứt ruột cây cảnh của mình nên cứ ngẩn ngơ không ngủ được những cũng không nói ra với ai.

Từ ngày về hưu, nghệ sĩ Hồng Chương trở nên “đắt” show đóng phim và đường bạn bè. Nhờ “lợi thế” già trước tuổi và quan trọng là bộ râu, bộ tóc bạc phơ màu khói nhìn như ông tiên nên những vai diễn của nghệ sĩ Hồng Chương chủ yếu là những vai chính diện nhân từ hiền hậu, hoặc những người già mang nỗi bất hạnh, uẩn khúc trong cuộc sống.

Ông kể những giai thoại được các đạo diễn ưu ái cho những vai sắp chết và đã chết, thậm chí “trưng” ảnh ông lên “bàn thờ” rồi với một cách vô cùng hóm hỉnh mà chẳng “kiêng cữ” gì. Với Hồng Chương, nghệ thuật là duyên nghiệp, ở tuổi này đóng phim với ông là một thú vui vậy.

Hồi còn chưa về hưu, Hồng Chương chăm chỉ và tâm huyết với sân khấu kịch lắm nhưng kể từ khi “về vườn”, ông năng đọc sách và tham gia hoạt động xã hội nên chẳng mấy khi ông ở nhà. Tính ông vui vẻ, thích chốn đông người, lại là nghệ sĩ nổi tiếng, hay lên ti vi nên bạn bè, thân hay sơ thường mời ông vào hội này hội kia dù chỉ cho “đẹp đội hình”.

Có lần ông đang ốm nhưng bạn bè kéo ông vào CLB ca trù, dù ông chẳng biết một tí mô tê gì cả nhưng ông vẫn vui vẻ nhận lời tham gia. Nhờ tính tình vui vẻ, dễ gần và khuôn mặt hiền lành, đáng tin cậy nên ông luôn được giao cho làm chân ngoại giao của hội.

Tới gặp ông mà không báo trước thì e rằng chẳng gặp được vì ngày nào nhà ông cũng có khách, bạn bè hay tới nhà rủ ông đi chơi. Do vậy mà ông rất sợ ốm, vì ốm thì ông phải ngồi một chỗ, cái chân quen đi không muốn bị bó buộc lại.

Cả đời ông chẳng ốm đau vậy mà năm vừa rồi ông gặp hạn, chẳng may bị ngã gẫy chân, mặt mũi sưng húp, ông phải vào viện 2 tháng điều trị. Dù chân chưa khỏi hẳn, nhưng ông vẫn quyết đi chơi cho đỡ buồn, do vội vàng nên ông quên lời vợ dặn nên cái chân bị gẫy lại, ông lại phải vào viện.

Chẳng may, lần ấy bác sĩ phát hiện ra ông bị tiểu đường mà ông đã giấu nhẹm trước đó mấy năm. Khi bác sĩ hỏi thì ông chối đây đẩy mình không có bệnh này chỉ khi bệnh án đưa ra trước mặt thì ông mới đành chịu ở trong việc điều trị thêm cả bệnh tiểu đường.

Kém chồng hẳn một giáp, bà Mỹ là “trợ lý” đắc lực cho chồng để nhắc nhở ông chuyện ăn uống, trị bệnh nhưng duy chỉ có chuyện nghiện thuốc lào thì vợ có nói bao nhiêu, ông cũng không bỏ được. Mấy lần ông cũng đã quyết “chôn điếu xuống” nhưng cũng phải “đào điếu lên” vì bỏ thuốc còn mệt hơn là hút.

Ở cái tuổi thất thập dù đôi khi ông vẫn nhầm lẫn giữa số ngõ, số ngách nhà mình nhưng ông vẫn tỏ ra là người năng động, ham học hỏi lắm.

“Niềm vui những lúc không bạn bè của ông ấy là đọc sách do con gái út mua về, nên nếu nói chuyện với ông thì có khi cả ngày cũng không hết chuyện”, bà Mỹ vui vẻ nói với tôi trong khi tay cất ống điếu của chồng xuống một góc ghế để cho khuất mắt chồng.

  • Sao Chi
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc