Hoàng Xuân Chiến tuổi mới đôi mươi đã mang tội danh giết người. Những ngày cuối cùng ở trại tạm giam trước khi chuyển sang trại cải tạo, Chiến đã có những phút trải lòng về kỉ niệm, kí ức, sai lầm dẫn tới kết cục bi đát như hiện tại…
[links()]
Chưa có bờ vai nào vững chãi, mênh mông như bờ vai cha
Trời Đà Lạt mỗi lúc một lạnh hơn. Qua song cửa sắt hẹp nhỏ nhoi, cảnh mưa sụt sùi loang loáng, dầm dề thu vào tầm mắt càng khiến lòng tôi nhói buốt. Những nỗi niềm hoài cảm, những u uẩn về tội lỗi hiện về ai oán như mới ngày hôm qua càng trở nên trĩu nặng.
Đặc biệt, mùa Vu lan báo hiếu, mùa của mẹ, của cha, mùa của tổ tiên, gia tộc; mùa mà những đoá hoa hồng đỏ thắm nở trên áo của những ai còn cha mẹ, những đoá hoa hồng trắng nhạt sẽ nở trên áo của những ai bất hạnh sớm mất mẹ hiền, cha trọng… càng khắc sâu nỗi muộn phiền, tự trách bản thân.
Trớ trêu ở chỗ, tôi chính là người tự cài lên ngực mình một bông hoa trắng. Chính tôi đã cướp đi mạng sống của cha – người đàn ông tôi kính trọng và yêu thương nhất cuộc đời.
Mùa Vu Lan đâu chỉ có một mùa, mà nó trải dài trong suốt hành trình sống của mỗi con người, và trong hành trình dài rộng phía tương lai, tôi tự hỏi: liệu, tôi có thể tha thứ cho tội lỗi tày trời của chính bản thân mình được hay không? Và nỗi đau tôi gây ra cho mẹ, cho các anh chị và cho chính bản thân mình, bao giờ sẽ nguôi ngoai?
Trên tôi có 7 chị gái, vì thế sự ra đời của tôi và một người anh song sinh là niềm hạnh phúc, hãnh diện lớn lao của cha mẹ. Khó khăn và chịu rất nhiều sức ép từ phía ra đình, cuối cùng, “cố mãi” cha mẹ tôi cũng sinh được con trai để nối dõi tông đường cho gia đình nhà nội.
Tuyệt diệu hơn, không chỉ là 1 cậu con trai mà hẳn 2 đứa giống hệt nhau, cùng khoẻ mạnh, kháu khỉnh. Mẹ kể, ngày đón vợ con từ trạm xá, bố lần lượt ôm ấp anh em tôi và nước mắt trào ra vì hạnh phúc. Ai nấy đều chúc phúc cha mẹ chúng tôi và tấm tắc khen họ có phước, sự nỗ lực, kiên trì được đáp đền xứng đáng.
Phạm nhân Hoàng Xuân Chiến |
Hạnh phúc trọn vẹn của gia đình tôi giống như đoá hoa quỳnh nở muộn giữa đêm, hương hoa ngát thơm chỉ dành tặng cho những ai thực sự kiên định và khao khát được chiếm lĩnh chúng.
Tôi và anh trai song sinh tên Hiếu lớn lên trong sự bao bọc, yêu thương, chiều chuộng của cha mẹ. Vì là cặp song sinh, dường như có một sợi dây vô hình nào đó, chúng tôi thường có những hành động, trạng thái tương đối giống nhau.
2 đứa con song sinh, khi ốm cùng ốm, khi đói ăn cùng khóc lóc đòi sữa mẹ…vì thế, nuôi cả 2 anh em cùng 7 cô con gái là nỗ lực lớn của trụ cột gia đình. Từ khi ý thức được mọi thứ xung quanh, tôi chưa bao giờ thấy bố tự sắm sửa cho mình một tấm áo mới.
Mái tóc ông bạc trắng, làn da đen đúa, nhăn nhúm như bồ hóng gác bếp trông lúc nào cũng khắc khổ. Nhỏ tuổi nhất nhà, tôi thường được cha ưu tiên “công kênh” lên cổ trong mỗi lần đi chơi. Tôi từng nghĩ, đôi vai cha tôi rộng bao la giống như những triền cà phê tít tắp gối đầu lên nhau trải dài về tận cuối chân trời.
Và lần nào, ngồi trên cổ cha, tôi cũng thấy cả một thế giới tuyệt diệu phía trước theo đường chỉ tay của cha. Và chỉ khi ngồi trên đôi vai ấy, tôi mới có dịp quan sát và phát hiện, chiếc áo nào của cha mặc cũng bị sờn rách hết phần cổ áo.
Mặc dù được mẹ khéo léo đệm lót bằng một miếng vải khác, phải rất tinh ý mới thấy được, nhưng sự ngây thơ của đứa trẻ lên 4, lên 5 khi ấy vẫn không lý giải được vì sao cha mặc xấu xí vậy.
Câu hỏi từng đeo đẳng suốt một thời ấu thơ ấy bị tôi bỏ rơi phía sau lưng khi trở thành một chàng trai phổng phao, bóng bẩy, mải mê vuốt ve vẻ bề ngoài và chạy theo những mốt sành điệu hiện thời.
Trái ngược hoàn toàn với tôi, anh trai song sinh lại giản dị, khiêm nhường và biết chăm chút cho gia đình, đỡ đần cha mẹ. Có lẽ, đó là niềm an ủi lớn lao dành cho tôi khi ngồi sau song sắt, mỗi phút bồi hồi nhớ về gia đình nhỏ bị chính tay tôi phá hoại, đẩy vào sóng gió, bi kịch.
Rượu đã hại chết tuổi trẻ của tôi và tôi đã hại chết cha ruột của mình
Bi kịch gõ cửa vào đúng ngày 27/1/2012 (tức là ngày mùng 5 Tết). Đó là một buổi chiều muộn, các anh chị tôi tập trung ở nhà cha mẹ cùng nấu nướng, ăn uống, gia tăng thêm tình đoàn kết, sự gắn bó. Cả ngày đi chơi cùng tụi bạn, rượu chè la đà ròng rã từ sáng cho tới chiều, thành thử khi trở về nhà, trong người tôi đã không còn tỉnh táo.
Trong lúc đợi bữa, tôi rủ anh rể chơi tá lả giết thời gian. Có lẽ, do mải chơi lại sẵn đãi bôi, anh gật gù hưởng ứng. Thấy vậy, tôi lật đật chạy đi tìm bộ bài, định rằng rủ thêm vài “cạ” cho đủ “chân” tá lả. Nhưng khi quay trở lại, chưa kịp ngỏ lời thì anh rể lại “góp ý”: “Cậu lớn rồi, không chịu làm ăn. Suốt ngày chỉ bài bạc”.
Câu nói vui của anh rể trở thành lời dạy dỗ, “lên lớp” trong cảm nhận ngông cuồng của kẻ đã ngấm hơi men, tôi lao vào bếp giật lấy con dao và định lao tới “dạy” cho anh rể một bài học nhớ đời.
Trong bóng tối nhập nhoạng, trong khi tay lăm lăm cầm con dao nhỏ, tôi giật mình thấy một bàn tay vững chắc ôm chặt lấy người tỏ ý ngăn cản, không chần chừ, tôi đâm mạnh 2 nhát vào người đó, vì đinh ninh đó là anh rể.
Tiếng kêu la vang động khoảng sân nhỏ, tôi mới biết mình vừa đâm nhầm cha ruột. Thấy cảnh anh em tàn sát nhau, ông lao vào can ngăn và lĩnh trọn hai nhát dao sắc lẹm của đứa nghịch tử. Tiếng anh trai hốt hoảng gào thét: “Mày giết cha rồi” khiến tôi bừng tỉnh.
Mẹ và các anh chị đưa cha tôi đi cấp cứu ở bệnh viện huyện, còn tôi nhấp nhỉnh ngồi ở xó nhà, bần thần chờ đợi từng tin nhắn, cuộc điện thoại của người nhà báo về. Lúc sau, anh rể quay trở về nhà đón tôi lên viện, vì bác sĩ thông báo cha bị mất máu rất nhiều, cần phải truyền máu gấp mới mong cứu cha khỏi lưỡi hái tử thần.
Ngồi sau lưng anh rể, chiếc xe máy lọc xọc chạy qua những đoạn ổ gà không át nổi tiếng nỉ non, sợ hãi của gã trai vừa gây nên đại hoạ. Tới nơi, chị gái tôi báo tin cha đã tỉnh và tôi không thể cho cha máu được, bởi trong nồng độ cồn trong máu của tôi quá cao.
Trở về nhà trong bao nhiêu nỗi lo âu ngổn ngang, đúng lúc Công an huyện Lâm Hà tới nơi, yêu cầu tôi lên trụ sở Công an huyện làm việc.
Run rẩy nghĩ tới việc phải ngồi tù, như có ma xui quỷ khiến, tôi nói dối hai cán bộ xin phép ra ngoài hiên lấy chiếc áo khoác nhưng thực chất để chạy trốn. Tôi nhằm vào đêm tối, lao chạy điên cuồng với tất cả sự sợ hãi, hèn nhát và yếu đuối ngập tràn trong mớ cảm xúc hỗn độn.
Tôi cắm đầu chạy mải miết, lấp loá trong đêm là ánh đèn xe đặc chủng của các anh công an lùng sục phía sau. Với hi vọng chạy lên rẫy có cơ may thoát thân, cả đêm tôi lẩn trốn trong rẫy cà phê thuộc xã Đan Phượng 3, rúm ró nương nhờ tán cây cà phê, tránh cơn mưa rừng vội vã.
Cả đêm ngồi ở đó, nước mắt tôi chảy dài. Ngay cả việc tỉnh rượu lúc nào cũng chẳng hay. Lần lượt từng sự kiện vừa xảy ra ồ ạt chảy về, tay tôi ôm chặt đầu như sợ nó sẽ nổ tung lúc nào chẳng hay.
Chưa bao giờ cái cảm giác xót xa, đau đớn chạy dọc trong từng tế bào trong cơ thể rõ ràng như lúc ấy. Càng tỉnh bao nhiêu, tôi càng hối hận và thương cha bấy nhiêu.
Tinh mơ sáng hôm sau, lúc gà gáy từ quả đồi bên kia vọng lại, ánh nhập nhoạng phả lẫn hơi sương dồn ứ từng mảng đặc quánh không khí, vẳng lại tiếng kèn trống đám ma, dự cảm có điều gì chẳng lành, một sự thôi thúc vô hình, tôi hốt hoảng chạy vội về nhà.
Nỗi lo sợ suốt dọc đường của tôi đã hoá thành sự thật. Đám ma kia dành cho cha. Ông đã không qua khỏi bởi mất máu quá nhiều.
Vừa thấy tôi xuất hiện với bộ dạng thảm thương, bẩn thỉu với bùn, đất đỏ bê bết áo quần, anh trai tôi và các anh rể ùa đến định “cảnh cáo” tôi một trận. Tôi quỳ xuống bên cạnh linh cữu cha, đôi mắt ông nhắm nghiền, gương mặt vẹn nguyên nỗi khắc khổ chưa được hoá giải. Đôi vai ông phẳng lặng, bất động – bờ vai mà tôi vẫn thường dựa vào và được ngồi lên trên đó suốt một thời thơ bé. Tôi oà khóc nức nở.
Mẹ lắc mạnh đôi vai tôi, thổn thức: “Mẹ xin con hãy ra đầu thú. Đừng lẩn trốn như một kẻ hèn nhát bởi con không thể trốn chạy cả đời. Chỉ có đầu thú, con mới có cơ hội được hưởng khoan hồng của Pháp luật, sớm trở về bên mẹ và các anh chị của con.” Ngay sáng hôm ấy, anh rể chở tôi lên Công an huyện Lâm Hà đầu thú.
Với tội danh giết người, tôi bị xử phạt 18 năm. Tôi đã tự tay đánh rơi tuổi trẻ, tương lai của bản thân chỉ vì một phút chấp nhặt nhỏ mọn và bị ma men khống chế.
Nhưng, cơ hội làm lại cuộc đời của tôi vẫn còn dài ở phía trước, chỉ có điều, cha - người tôi kính trọng nhất, người chỉ dạy cho tôi những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống, người yêu thương, đặt nhiều kỳ vọng vào bản thân tôi… đã phản bội niềm tin của ông và báo hiếu ông bằng 2 nhát dao lạnh lùng.
Tôi có cơ hội làm lại cuộc đời, nhưng vĩnh viễn, tôi không bao giờ có cơ hội tìm lại bờ vai vững chãi của cha, tìm lại bàn tay gầy guộc, nứt nẻ chai sạn của cha và tìm lại được một người để tôi gọi 2 tiếng “Cha ơi!” bằng tất cả trái tim.
- Trang Đỗ Miêu (ghi theo lời kể phạm nhân Hoàng Xuân Chiến, trại tạm giam Công an tỉnh Lâm Đồng)