Sài Gòn của những chàng “hiệp sĩ”
Thời gian gần đây, câu chuyện về những chàng “hiệp sĩ” Sài Gòn đã lấy đi rất nhiều nước mắt của biết bao người. Giữa thời đại mà con người ngày càng trở nên vô cảm trước tai nạn, khó khăn của người khác, câu chuyện về những chàng “hiệp sĩ” như một làn sóng khiến nhiều người từ bàng hoàng đến thức tỉnh, và sự ra đi của các anh lại càng khiến những người ở lại day dứt, xót thương.
Sau 4 ngày điều trị, bệnh nhân Trần Văn Hoàng – Đội trưởng đội hiệp sĩ Tân Bình, đã tiếp xúc tốt và có thể sớm được rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, đưa xuống trại, để tiếp tục theo dõi điều trị.
Bệnh nhân đã bắt đầu thở khí trời từ ngày 16/5, không còn dấu hiệu khó thở, hô hấp tốt và bác sĩ đã cho rút ống dẫn lưu ổ bụng.
Phòng Công tác xã hội BV Nhân dân 115 liên tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho hiệp sĩ Trần Văn Hoàng và 2 hiệp sĩ đã tử vong là Nguyễn Văn Thôi, Nguyễn Hoàng Nam.
Tới sáng hôm nay, số tiền phía BV nhận được cho 3 hiệp sĩ là gần 140 triệu đồng, trong đó hiệp sĩ Hoàng là 103 triệu, tiền viếng hiệp sĩ Thôi là 18,2 triệu, hiệp sĩ Nam là 16,4 triệu đồng.
Tiền viếng 2 hiệp sĩ đường phố bị đâm chết, bệnh viện sẽ nhờ một tổ chức thuộc Thành ủy TP.HCM gửi tới 2 gia đình.
Đó là hành hiệp của những con người dám xả thân, dám quên mình, là tấm gương điển hình “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Dù là mô hình tự phát nhưng lại là mô hình rất đẹp. Các hiệp sĩ làm việc không vụ lợi, không tính toán gì, không màng lợi ích, thậm chí không xin xỏ người được giúp đỡ.
Sài Gòn của những điều miễn phí, từ thiện.
Ở Sài Gòn, người ta học được cách tương hỗ, chẳng cần thân quen, chẳng cần biết mặt, họ vẫn đối xử với nhau chân thành và tận tình như người nhà vậy. Sài Gòn hay lắm, chẳng đợi đến khi giàu có, cuộc sống đủ đầy, dư dả thì mới giúp nhau. Kể cả một người nghèo khổ, cơm có thể chẳng đủ ăn nhưng họ vẫn có thể dạy cho bạn bài học về sự sẻ chia trong cuộc sống: những tủ bánh mì từ thiện, bình nước từ thiện, cơm từ thiện, xe ôm từ thiện, bơm vá sửa xe từ thiện…. Những điều ấy, có khi chẳng phải của tổ chức nào to lớn, mà chính là tấm lòng của người lao động bình dân ở Sài Gòn. Họ chia sẻ và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn như chính cách mà họ cũng từng được Sài Gòn cưu mang vậy.
Giữa chốn phồn hoa đô thị, giữa những mưu sinh xô bồ, nơi mà những người lao động nghèo đến cả miếng cơm cũng phải chật vật mới có được, người ta thường bảo tình người ở đó xa xỉ lắm, người ta còn bảo con người ở đó dễ vội vã lướt qua nhau lắm. Thế nhưng, Sài Gòn tử tế và dễ thương vẫn hiện hữu xung quanh chúng ta mỗi ngày đó thôi. Đâu cần phải cao xa, đâu cần phải hào nhoáng phô trương, chỉ cần những điều miễn phí bình dị như vậy thôi cũng đủ để ta thấy thật ấm lòng những những điều quá đỗi Sài Gòn.