Thông tin bất ngờ
Sự việc đau lòng xảy ra vào sáng ngày 20/11/2011 tại gia đình của anh Đoàn Văn Minh ở thôn 6, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Vào thời điểm đó, cả gia đình anh Minh đều vừa từ nương hái cà phê về thì nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh. Vội vã chạy vào nhà, họ thấy chị Đoàn Thị Trúc (SN 1979, em ruột của anh Minh) đang quằn quại nằm trên vũng máu. Thủ phạm gây ra những vết thương cho chị Trúc chính là chồng chị - Nguyễn Văn Lâm (SN 1976). Ngay sau khi gây án, Lâm đã bỏ trốn.
Lập tức, chị Trúc được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Theo chẩn đoán của bệnh viện, chị Trúc bị nhiều vết chém ở vùng cổ, lưng, bả vai, bị đứt lìa ngón cái và ngón trỏ trên bàn tay trái, sứt bánh chè đầu gối trái...
Chị Trúc trình bày về nội tình sự việc. Theo đó, chị Trúc lập gia đình với Nguyễn Văn Lâm vào năm 1999, và đã có hai người con trai. Trong khoảng thời gian chị đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài (2004 - 2007), Lâm ở nhà chỉ lo ăn chơi, cờ bạc nên nợ nần chồng chất. Khi chị về nước, số tiền tích cóp trong ba năm ở xứ người phải trả nợ cho chồng gần hết, từ đó vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn.
Chị Trúc trên giường bệnh |
Do bị chồng hành hạ, chửi bới, đánh đập từ nhiều năm nay nên gần đây, chị Trúc đã chủ động xin ly hôn. Không những không chấp nhận ly hôn, Nguyễn Văn Lâm còn đánh đập vợ nhiều hơn, thậm chí còn dọa giết chị. Do vậy, ngày 18/11, chị Trúc bế đứa con thứ hai vào Đắk Nông ở với anh ruột là Đoàn Văn Minh để lánh nạn. Nhưng ngay hôm sau, Lâm đã đi máy bay vào Đắk Nông, tìm đến nhà anh Minh, chờ cơ hội sát hại chị.
Một người chồng đã lặn lội cả nghìn cây số, đường xá khó khăn vất vả chỉ để chém vợ, đó không còn là sự điên loạn nhất thời nữa, mà chắc hẳn có uẩn khúc sâu cay nào bên trong.
Đường đến với xóm Đền, xã Quân Chu, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi vợ chồng Lâm sinh sống xa hun hút và như lạc vào chốn thâm sơn cùng cốc. Con đường độc đạo nhỏ tí xíu và quanh co lên xuống đưa chúng tôi đến nơi cần đến sau khi ròng rã qua hơn 20km đi bộ dưới những tán keo xanh rì.
Xã Quân Chu nghèo, thuộc diện nằm trong chính sách 135 của Chính phủ. Ngoài những rừng cây keo bạt ngàn cho chất lượng gỗ thấp chỉ để làm gỗ tạp, xã chẳng có gì ngoài độ mươi, mười lăm hộ dân bám lấy đường chính là có vẻ tươm tất. Còn lại tất thảy đều đặc sệt quang cảnh của một vùng miền núi nghèo đói.
Con người vùng sâu vùng xa thường quý người, câu ấy thật đúng với những gì xảy ra ở Quân Chu. Biết chúng tôi đến để tìm hiểu về vụ việc xảy ra với gia đình nhà chị Trúc, tất thảy lực lượng cán bộ xã đều ra tiếp chuyện, quây kín căn phòng khách nhỏ bé để mong chúng tôi có thật đầy đủ thông tin xung quanh vụ việc chấn động.
Tuy nhiên, khác hẳn với những gì chúng tôi đã hình dung trên suốt quãng đường gần 100km từ Hà Nội về, Lâm chẳng hề tệ bạc mà thậm chí còn rất tử tế, thương yêu vợ con và hết mực trách nhiệm với gia đình.
“Ngay hôm xảy ra vụ việc, ban công an xã chúng tôi cũng đã nhận được yêu cầu từ cấp trên để phối hợp điều tra sự việc. Vẫn biết chuyện anh Lâm làm với chị Trúc là sai rồi, tuy nhiên thông tin chị Trúc nói với báo chí như vậy là không đúng đâu.
Ở đây, chúng tôi thưa người, chẳng ai lạ gì anh Lâm. Anh ấy tốt lắm. Rượu không uống, cờ bạc, gái gú lại càng không... Cả ngày chỉ quần quật lao động để nuôi vợ con. Anh Lâm làm nghề đi rừng khai thác gỗ keo, ngay cả trong việc đóng thuế anh ấy cũng rất đúng hạn và nghiêm chỉnh. Ngần ấy cũng đủ nói lên tính cách của anh ấy” - ông Đặng Hoàng Nhâm - phó chủ tịch xã Quân Chu - trầm ngâm trao đổi với phóng viên.
Ảnh cưới của vợ chồng Lâm Trúc |
Theo ông Nhâm, tình hình kinh tế của vợ chồng Lâm cũng thuộc loại “tàm tạm” so với mặt bằng chung của bà con trong xã. Lâm làm nghề lái xe tải chở gỗ keo, vợ Lâm phụ giúp chồng. Gia đình có đã có hai cháu trai, cháu lớn 10 tuổi còn cháu nhỏ mới 1 tuổi.
Tuy nhiên, điều đáng thương nhất chính là sức khỏe của Lâm. Theo ông phó chủ tịch xã, Lâm đang mang trong mình trọng bệnh di truyền từ gia đình và chắc chắn sẽ chẳng sớm thì muộn sẽ qua đời: “Gia đình anh Lâm bị bệnh lao. Bố mẹ anh này đều mất sớm vì bệnh lao, anh trai Lâm trước vốn là cán bộ văn hóa xã Quân Chu cũng đã chết vì lao khi chưa được 40 tuổi. Lâm cũng bị lao từ bé, đã thế lại còn bệnh tim bẩm sinh nên thân thể cứ quắt queo, phản ứng đi lại rất chậm chạp”.
Nói đến đây, bỗng ông Triệu Hồng Nguyên (Trưởng Công an xã Quân Chu) xin phép được cắt lời. Ông Nguyên kể, ngay hôm nhận được tin báo, ông đã cố liên lạc với số điện thoại của Lâm nhưng không được, ông đành nhờ bạn bè của Lâm khuyên anh này ra đầu thú vì thực sự mọi người đều rất thương cho hoàn cảnh của anh ta.
Khoảng vài tiếng đồng hồ sau, người bạn của Lâm gọi điện cho ông Nguyên rồi nhắn lại lời Lâm rằng: “Các chú thương cho cháu, cháu mà bị bắt giam thì chắc cháu cũng chết trong trại giam mất. Cứ để cháu sống thêm được tí nào hay tí ấy”. Nói rồi, ông Nguyên thở dài thương cảm: “Nó (Lâm – PV) chắc sống được vài tháng nữa là cũng khó qua khỏi, nhà nó cứ đến tầm ấy là chết hết”.
Tuy bệnh tật là vậy, Lâm vẫn hết lòng yêu thương vợ con và vun vén cho gia đình. Không chấp nhận cuộc sống khốn khó, Lâm bắt đầu xoay xở mua công nông chạy gỗ. Năm 2008, khi công nông bị cấm, Lâm vay mượn mua được chiếc xe tải Trung Quốc rồi ngày ngày lên rừng đốn cây chở đi bán. Vợ Lâm - chị Đoàn Thị Trúc - ở nhà phụ giúp chồng sổ sách.
“Ở làng trên xóm dưới, chẳng ai chê trách vợ chồng nhà ấy nửa lời. Họ sống đầm ấm và hòa thuận lắm. Năm 1999, chị Trúc chẳng ngại bệnh tật, kết hôn với anh Lâm, ai cũng thương và xúc động cho mối tình ấy. Rồi chị ấy đi Đài Loan về được chút ít cũng gom góp làm ăn chứ anh ấy có chơi bời gì mà phải trả nợ. Thế nên cái thông tin kia là sai lắm, chúng tôi rất muốn đính chính để đỡ oan cho anh ấy” - ông Nhâm quả quyết nói.
Nguyên nhân tại kẻ thứ ba?
Rồi tai họa ập xuống gia đình bé nhỏ của Lâm, chuyện này Lâm chẳng muốn làm to, nhưng theo tháng ngày, nó cứ âm ỉ lan ra ngoài dư luận. Chính vì vậy, chẳng những đội ngũ lãnh đạo xã Quân Chu mà hầu hết người dân sống ở đây đều biết nguyên do dẫn đến sự đổ vỡ của gia đình vốn rất được lòng bà con chòm xóm ấy.
Theo họ, người đáng trách nhất trong chuyện này là anh Phạm Quốc T. - vốn là bạn làm ăn của anh Lâm. “Anh T. trước là công an viên của xã, cũng là bạn làm gỗ với anh Lâm. Ngay khi sự việc vỡ lở, anh T. đã chủ động rút khỏi đội ngũ công an xã và bỏ xuống Quảng Ninh làm nghề lái xe. Thế nhưng, hình như anh ta với chị Trúc vẫn thường xuyên liên lạc qua điện thoại khiến anh Quân đau đớn lắm, từ đấy mới phát sinh ra việc cãi vã vợ chồng” - ông Triệu Hồng Nguyên xác định thông tin về người đã có thời gian là cấp dưới của mình.
Để chúng tôi hiểu rõ hơn sự tình, ngay sau đó, đội ngũ lãnh đạo xã đã cử cán bộ đưa chúng tôi xuống tận nhà của cặp vợ chồng bất hạnh. Vừa đi, người cán bộ vừa nói: “Tôi sẽ đưa các anh đến cả hai bên gia đình để xác minh sự việc chúng tôi vừa cung cấp”.
Tại căn nhà tuềnh toàng và xác xơ của vợ chồng Lâm bên bãi đá, bà Đào Thị Duyên (SN 1960, dì ruột của Lâm) khóc ngất, thương đứa cháu bệnh tật giờ không biết đang chui lủi nơi nào. Thắp vội lên ban thờ có đủ ảnh của bố, mẹ và anh trai anh Lâm, bà Duyên nghẹn ngào than khóc: “Cháu tôi côi cút, bây giờ còn mỗi vợ và con nên nó yêu vợ nó lắm. Ngay cả chuyện vợ nó trai gái rồi đẻ ra thằng thứ hai giống người ta như lột mà nó vẫn nhất định không chịu tin. Ai nói là nó chửi, nhất nhất tin vợ”.
Rồi bà Duyên trải lòng, nói rằng vợ chồng Lâm vốn yên ấm lắm. Sự việc thực sự mới vỡ lở cách đây khoảng ba tháng. Khi Lâm đang ngủ trên gác hai thì thấy bóng một người đàn ông mò vào tầng một nhà mình, nơi chị Trúc đang nằm ngủ. Giật mình, Lâm mò xuống thì phát hiện ra đó chính là anh T. Thấy động, T. chạy trốn mất. Ngay đêm hôm đó, Lâm đọc điện thoại của vợ thì thấy có tin nhắn chị Trúc gửi cho nhân tình với nội dung: “Nó ngủ rồi, anh vào đi”.
“Con Trúc lăng loàn thế, như người khác thì nó đánh chết từ lâu rồi. Cháu tôi nó lành tính, vẫn bỏ qua. Hôm sau, nó gọi cả hai bên nội ngoại báo cáo sự việc. Ngay tại cuộc họp gia đình, con Trúc cũng nhận tội và xin được tha thứ. Thằng Lâm nói sẽ tha thứ và lúc này mới đòi đưa thằng bé thứ hai xuống Hà Nội xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, con Trúc nhất định không đồng ý. Thằng Lâm vẫn bỏ qua, nói là con ai thì nó vẫn cứ coi như con” - bà Duyên nghẹn ngào tâm sự.
Cũng liền sau hôm đấy, Lâm chấm dứt làm ăn với T. rồi bán luôn xe công nông và nhờ người sang trả toàn bộ tiền vốn của T. đã gom góp. Và cũng từ đó, gia đình nhỏ bé của Lâm bắt đầu gặp sóng gió. Đau đớn với người vợ phụ bạc, Lâm đã không ít lần thượng cẳng chân, hạ cẳng tay vợ ngay trước mặt những người con khiến các cháu bé khiếp sợ.
Nói về việc này, ông Đoàn Văn Quyết (SN 1954, chú ruột của chị Trúc) cũng lên tiếng xác nhận những thông tin trên là đúng sự thật. Về việc tại sao Lâm đi tới cả nghìn cây số để truy sát vợ, ông này khẳng định đó là kết hợp của cả hai yếu tố, một là sự uất ức về tinh thần và thứ hai là cũng do sự túng quẫn.
“Vợ chồng nó đã rạn nứt tình cảm vì thằng T. phá đám rồi, nay lại thêm chuyện làm gỗ ngày càng khó khăn nên thằng Lâm quẫn trí. Sau hôm con Trúc bỏ vào Đắk Nông, thằng Lâm cũng đến vụ thu hoạch rừng. Tuy nhiên, vì đó vốn là đất rừng anh trai tôi bán lại mà chưa sang tên đổi chủ nên mẹ con Trúc mới gây khó dễ không cho khai thác. Theo cảm quan của cá nhân tôi, chắc là thằng Lâm mục đích vào đấy để khuyên nhủ vợ về, vừa cốt để hàn gắn vừa để xong xuôi thủ tục với nhà vợ. Chắc con Trúc không về nên nó mới quẫn trí mà làm liều, chứ nó vốn là đứa ngoan hiền lắm”.
Dã Liên