Người có khả năng nổi trên mặt nước như ... người cá

06:47, Thứ năm 08/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Miền Tây Nam Bộ là vùng sông nước chằng chịt nên hầu như từ trẻ con tới người già đều học bơi và biết bơi. Điều đặc biệt là tại đây cũng có những “người cá” có khả năng nổi bồng bềnh tự nhiên trên mặt nước hàng giờ.

(Phunutoday) - Miền Tây Nam Bộ là vùng sông nước chằng chịt nên hầu như từ trẻ con tới người già đều học bơi và biết bơi. Điều đặc biệt là tại đây cũng có những “người cá” có khả năng nổi bồng bềnh tự nhiên trên mặt nước hàng giờ. Nhờ khả năng đặc biệt này, các “kỳ nhân” đã cứu được người thân trong lúc thập tử nhất sinh, có người được xác lập kỷ lục vì khả năng kỳ lạ và độc đáo đó.

Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã gặp qua khoảng chục người có khả năng kỳ lạ nổi trên mặt nước. Họ đều là những người dân bình thường, quanh năm lao động vất vả, có người thì hoàn toàn tỉnh táo, song cũng có người lại có “vấn đề” về thần kinh, có khi là cậu bé mới lên 9 lên 10 tuổi.

Trong khi đó, vẫn chưa có một nghiên cứu hay lý giải nào thỏa đáng về khả năng đặc biệt của những “người cá” này từ các nhà khoa học. Những ngày giữa tháng 7 mưa ngâu rả rích, tôi lại khăn gói lên đường làm một chuyến hành trình đi khắp miền Tây Nam bộ để được hội ngộ các “kỳ nhân”. Họ được mệnh danh là “người cá” vì có khả năng nổi trên mặt nước một cách tự nhiên, không cần “động tay, động chân” và làm cách nào cũng chẳng bị … chìm.

Cứu chồng thoát chết trong tai nạn chìm xuồng nhờ nổi trên mặt nước

Người chúng tôi được gặp đầu tiên là bà Văn Thị Lẻo (71 tuổi, ở ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Vừa nghe hỏi đến tên bà Lẻo, nhiều người trong xóm đã vây quanh, nhao nhao hỏi: “Có phải cậu muốn tìm bà “Chín nổi” không?”.

Người dân ở đây cho biết, gia đình bà lão không phải hạng giàu có, mà chỉ là những người nông dân lao động bình thường, chỉ đủ ăn, đủ xài nhưng lại vô cùng nổi tiếng vì khả năng nổi lềnh phềnh trên mặt nước như một chiếc phao. Sau một lúc lao nhao tranh nhau kể về bà “Chín nổi”, đám đông cử ra một cậu bé dẫn đường cho tôi đến nhà bà Lẻo.
Nhờ khả năng nổi trên mặt nước, bà Văn Thị Lẻo đã từng cứu chồng thoát chết trong tai nạn chìm xuồng.
Nhờ khả năng nổi trên mặt nước, bà Văn Thị Lẻo đã từng cứu chồng thoát chết trong tai nạn chìm xuồng.
Khi đến nơi, bà Lẻo không có ở nhà vì đã đi hái rau muống trên đồng từ buổi sáng. Người nhà bà Lẻo kêu tôi ngồi nghỉ, cố chờ chút xíu bà sẽ về đến rồi sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng khả năng đặc biệt của “người cá” già nhất xóm này.

Ông Lê Văn Khen, tỏ ra khiêm tốn, không nói nhiều về khả năng kỳ lạ của vợ mình nhưng trông ông hãnh diện, hạnh phúc khi nhắc đến “người cá” của mình. Trong lúc đang trò chuyện, nghe có tiếng lộp cộp phía sau nhà, ông Khen bảo vợ mình đã về tới.

Gặp khách lạ, bà Lẻo vui vẻ chào. Khi được hỏi về khả năng “người cá”, bà Lẻo kể: “Tôi phát hiện mình có thể nổi tự nhiên như một chiếc phao trên mặt nước vào năm lên 8 tuổi. Vì nhà ở cặp bờ sông, sợ con bị… chết nước nên cha mẹ đã tập tôi bơi trên sông. Thế nhưng, khi tôi vừa xuống nước, chưa kịp cựa quậy gì thì cả thân hình bỗng đã nổi… lềnh phềnh. Cha mẹ tôi cũng hết sức ngạc nhiên, rồi họ dạy tôi cách dùng chân đạp nước, chỉ một lúc sau là tôi bơi được dễ dàng như như người đã biết bơi thuần thục vậy”.

Bà Văn Thị Lẻo cho biết thêm, từ nhỏ đến lớn không hề nghe trong gia tộc nói đến khả năng nổi trên mặt nước của các tiền nhân. Và kể cả tới đời con bà, tất cả 9 người nhưng cũng không ai được di truyền “gen người cá” của mẹ. Bà Lẻo nói, với khả năng đặc biệt của mình, bà tận dụng nó để đi làm việc.

“Gia đình tôi nghèo, làm thuê làm mướn quanh năm. Mùa khô thì đi gánh đá, chẻ đá mướn, mùa nước nổi (mùa lũ ở ĐBSCL) thì tôi đi hái rau, bắt ốc bán kiếm sống hàng ngày. Cùng hành nghề hái rau với tôi còn có mấy chị em bạn già trong xóm nhưng tôi khác họ là không cần tới xuồng mà vẫn có thể tự bơi trên mặt nước để hái rau hàng giờ đồng hồ. Với công việc này, trung bình mỗi ngày chỉ kiếm được từ 20.000- 25.000 đồng, dù ít ỏi nhưng không phải tốn tiền mua một chiếc xuồng tốn bạc triệu”, bà Văn Thị Lẻo nói.

Bà Lẻo bảo vì tôi là khách đường xa nên bà sẽ biểu diễn cho xem. Mặc nguyên bộ đồ vừa đi hái rau muống về còn dính đầy bùn đất, bà Lẻo chộp lấy chai dầu gội và đi xuống bến sông.

Vừa bước xuống bến, do thời điểm này nước lũ ở thượng nguồn sông Mê Kông đã bắt đầu đổ về nên mực nước dâng cao, ngập mất chiếc cầu.

Bà Lẻo dò dẫm từng bước một rồi bỗng hụt chân té nhào cả người xuống nước. Nhưng cả người bà vừa đổ nhào thì cũng liền nổi trên mặt nước ngay sau đó. Đứng trên bờ sông bên cạnh tôi, ông Lê Văn Khen, 77 tuổi, chồng bà Lẻo cho biết từ khi ông cưới bà về làm vợ thì ông thấy bà... đã biết nổi rồi. Mỗi khi vợ chồng xuống sông tắm, ông luôn ngạc nhiên khi tận mắt chứng kiến vợ mình cứ nổi trên mặt nước. Những lần đầu thấy vợ như thế, ông Khen nghĩ bà bị bệnh nên vội đưa đến bệnh viện khám. Thế nhưng, lần nào bác sĩ cũng bảo cơ thể bà không hề có một vấn đề hay triệu chứng gì khác lạ.

Về phần mình, bà Lẻo khẳng định hàng ngày bà vẫn ăn uống bình thường. Từ trước đến giờ bà ít khi đau ốm. Hơn nữa, càng về già bà càng cảm thấy cơ thể nhẹ nên nổi nhiều hơn so với thời con gái. Với tư thế nằm ngửa mặt lên trời bà Lẻo có thể vừa nổi lềnh bềnh vừa… ngủ suốt mấy giờ liền. Ngoài ra, bà cũng có thể nổi ở tư thế ngồi xếp bành, co hai chân trên mặt nước để gội đầu, hái rau muống, bắt cua, ốc... được nhiều người xem tỏ ra thích thú.

Ông Lê Văn Khen nhớ lại cái lần thoát chết vì tai nạn chìm xuồng trên sông Hậu, mà vị “ân nhân” chính là bà Văn Thị Lẻo, vợ mình. Ông Khen kể, lần đó, cũng vào mùa nước nổi cách đây độ 4 năm, vợ chồng ông dùng xuồng máy đuôi tôm chở cây gỗ đi cưa ở thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Chiếc xuồng nhỏ chòng chành do ông Khen cầm lái cố vượt qua đoạn sông Hậu nước đang chảy xiết.

Khi đó, bà Lẻo ngồi trước mũi xuồng cũng cảm thấy bất an, còn ông Khen thì vã mồ hôi hột vì chiếc xuồng liên tục bị chao đảo, khiến ông không tài nào điều khiển được. Khi chỉ còn độ 15m nữa là vào được tới bờ nhưng vì đang ở ngay giữa khúc cua nên một luồng nước xoáy đã nhấn chìm xuồng của vợ chồng ông.

Vẻ mặt ông Khen vẫn còn tái mét khi nhớ lại cơn “thập tử, nhất sinh” ấy vì tuổi đã già, sức yếu, ông chới với tuyệt vọng vẫy vùng yếu ớt trong làn nước xoáy mà không gào nổi một tiếng kêu cứu giúp.

Phần bà Lẻo, cho hay: “Lúc đó tôi cũng vô cùng hoảng loạn, chiếc xuồng chìm tôi cũng lo sợ không bơi được vì nước xoáy dữ quá mà quên mất khả năng đặc biệt của mình. Đến khi thấy mình không hề bị chìm tôi mới sực tỉnh mà bơi lại cứu ổng. Ổng cứ việc bám lấy tôi, tôi bơi vào bờ an toàn mà không cần ai giúp”.

Kể từ lần thoát chết đó, mỗi khi gặp người quen là ông luôn miệng khoe về vợ mình đầy niềm kiêu hãnh. Ông bảo đi đâu với vợ bằng xuồng trên sông nước thì lúc nào cũng yên tâm vì cứ nghĩ bên mình có hẳn… chiếc phao cứu sinh, không còn lo đến chuyện… chết đuối.

Mấy người hàng xóm ông Lê Văn Khen, bà Văn Thị Lẻo thấy bà biểu diễn nổi bồng bềnh trên mặt nước cho khách chụp hình liền túa lại xem chật ních. Nhiều người cho biết, với khả năng kỳ lạ của mình, bà Lẻo thường được mời biểu diễn trong những lần lễ hội tại địa phương. “Không chỉ biểu diễn nổi bồng bềnh bình thường, bà Lẻo còn đồng ý để vật nặng khoảng 3 kg lên bụng, lên người. Tuy vậy, cơ thể bà vẫn cứ nổi bồng bềnh chẳng khác gì nằm trên một chiếc phao, làm cách nào cũng không chìm”, ông Tám Phong, một hàng xóm bà Lẻo quả quyết như thế.

Vừa nổi trên mặt nước vừa đờn ca tài tử

Chưa hết ngạc nhiên với khả năng độc đáo của bà Văn Thị Lẻo, tôi được một đồng nghiệp cho hay đang có một “kỳ nhân” khác “công lực” cũng “thâm hậu” vượt bậc so với bà Lẻo, đang biểu diễn tại dịp cúng đình Bình Thủy, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Vội vã chia tay gia đình bà Lẻo và ông Khen, tôi tức tốc lên đường mong được diện kiến “kỳ nhân”.
f
Ông Hứa Hoàng Cương và người cháu là anh Hứa Tây Hạ, vừa nổi trên mặt nước vừa đờn ca vọng cổ.
Chưa đến nơi đã nghe tiếng người dân truyền tai nhau rằng mau mau kéo đến xem một lần cho biết “người ta vừa nằm trên nước vừa đờn ca tài tử, hay lắm”. Nghe vậy, tôi mừng thầm trong bụng và theo những người dân nơi đây đến hiện trường.

Giữa trưa nắng nóng, trời oi bức nhưng hàng ngàn người vẫn đứng bên bờ sông ven quốc lộ 91, đoạn từ khu vực chợ Trường đến bến đò đình Bình Thủy để xem biểu diễn. Khúc sông Hậu đi qua khu vực này bỗng dưng đông đúc, nhộn nhịp khác thường, ghe xuồng đang ngon trớn cũng tắt máy dừng lại xem một lần cho biết.

Trên bờ, phía hành lang sát bờ sông Hậu, khuôn viên đình Bình Thủy, hàng ngàn con người dõi mắt nhìn xuống dòng sông, nơi người đàn ông ôm chiếc đàn ghi-ta vừa gẩy vừa thánh thót ngân vang câu vọng cổ.

Vừa dứt lời ca, tiếng vỗ tay vang rền, ông ấy bèn ngồi xổm dậy ngay trên mặt nước để… lấy hơi, nghỉ lấy sức. Mỗi màn trình diễn hết một bài ca vọng cổ mất khoảng 10 phút là ông ngồi dậy một lần. Hàng ngàn người dân hiếu kỳ đứng cặp hai bên bờ sông cứ nài nỉ, yêu cầu ông biểu diễn thêm vài bài hát nữa. Đáp lại họ tình nguyện đóng góp mỗi người một ít tiền để gọi là làm… lộ phí cho ông.

Sau khi biểu diễn xong bài hát “Dòng sông quê em”, cũng là bài vọng cổ thứ 5 trong một buổi biểu diễn, “kỳ nhân” đã xin phép khán giả được lên bờ, nghỉ ngơi và ra về vì đường còn xa. Tranh thủ lúc ông đang dùng khăn lau khô nước trên người, tôi tranh thủ tiếp cận và được biết ông tên là Hứa Hoàng Cương, 47 tuổi ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. 

Theo lời của ông Cương, ông chỉ tình cờ phát hiện khả năng nổi bồng bềnh tự nhiên trên mặt nước của mình khoảng 1 năm về trước. Ông kể, lần đó, sau khi đi làm đồng về, ông nhảy xuống sông tắm rửa. Khi đó, một chiếc ca nô chạy qua, sóng lớn đã cuốn ông trôi ra gần giữa sông, song ông thấy lạ là người cứ nổi bồng bềnh trên mặt nước như khúc gỗ khô.

Quá bất ngờ, ông quyết định tự “kiểm chứng” khả năng kỳ lạ này bằng cách nằm bất động trên mặt nước rồi thả trôi theo dòng chảy trên sông đi xa hàng km, với thời gian hàng giờ đồng hồ. Sau lần đó, mỗi lần làm về, khi xuống sông tắm ông Cương đều thử kiểm chứng khả năng kỳ lạ của mình. Sau rất nhiều lần nổi được như thế, ông Cương mới đem chuyện nói cho người thân biết. Lúc đầu, chính những người trong gia đình như vợ con ông cũng không hề tin điều đó cho tới khi tận mắt thấy ông biểu diễn nổi trên mặt nước.

Tuy nhiên, cũng theo lời ông Hứa Hoàng Cương, không biết do trước đó ông không hề phát hiện khả năng độc đáo của mình. Còn kể từ ngày phát hiện đến nay, cứ hễ nhảy xuống nước thì tự dưng cơ thể ông giống như một chiếc phao hay một chiếc can nhựa bên trong chứa đầy áp suất nên cứ nổi bồng bềnh, dù có cố làm đủ mọi cách để nhấn chìm như dùng tay nhấn xuống nhưng khi buông tay thì ông lại… nổi lên.

Không chỉ có một mình ông Hứa Hoàng Cương, khi biết em mình có khả năng độc đáo và kỳ lạ, ông Hứa Văn Bạch, 63 tuổi, anh trai ông Cương cũng thử kiểm tra xem mình có thể làm được như em hay không. Điều bất ngờ là ông Bạch cũng có thể nổi bồng bềnh trên mặt nước. Rồi đến lượt con trai ông Hứa Văn Bạch là anh Hứa Tây Hạ, 29 tuổi, cũng phát hiện mình có được khả năng nổi trên mặt nước như cha và chú.

Nhiều người khác trong số anh em ông Cương, ông Bạch tỏ ra vô cùng thích thú nên cũng tham gia kiểm chứng cơ thể mình. Song, ngoài ông Cương, ông Bạch và anh Hứa Tây Hạ, không có ai trong gia tộc họ Hứa có được khả năng kỳ lạ ấy nữa.

Ông Hứa Ngọc Kiến, em trai ông Hứa Hoàng Cương, nói rằng ông đã thử rất nhiều lần và rất mong muốn mình được nổi trên mặt nước giống 2 anh trai và đứa cháu nhưng không làm được. Nhiều lúc cố sức muốn “nổi” cho bằng được, ông Hứa Ngọc Kiến lại bị “chìm” sâu xuống lòng sông và uống đầy… một bụng nước.

Từ khi biết gia tộc họ Hứa có khả năng kỳ lạ, nhiều người dân hiếu kỳ ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và khắp nơi trong tỉnh Cà Mau đã ùn ùn kéo đến tận nhà các “kỳ nhân” để xin “rửa mắt”. Trước tấm lòng ngưỡng mộ của nhiều người, ông Hứa Hoàng Cương đã phải liên tục biểu diễn thả nổi mình trên mặt nước hàng giờ.

Ngoài ra, anh Hứa Tây Hạ cũng phối hợp vô cùng nhuần nhuyễn với chú mình khi anh nhận vai trò người hát vọng cổ, còn ông Hứa Hoàng Cương chịu trách nhiệm đánh đàn. Sau mỗi lượt biểu diễn, tiếng vỗ tay tán thưởng, reo hò phấn khích của khán giả lại vang lên.

Ông Cương tâm sự: “Tự dưng trở thành người nổi tiếng làm chi cho khổ sở. Bây giờ, có ngày ăn cơm nước cũng không yên vì khách cứ kéo tới đòi xem biểu diễn. Vì họ là khách đường xa, ái mộ mình nên tôi bấm bụng … phơi mình trên mặt nước hàng giờ. Bây giờ hễ đi đâu, kể cả đi thăm ruộng, làm vuông  tôm cũng được yêu cầu… vừa nổi trên mặt nước vừa đờn ca tài tử. Nhiều khi công việc đồng áng trễ nải vì phải… biểu diễn suốt ngày”.

Có lần ông Hứa Hoàng Cương khăn gói từ Cà Mau lên TP Bạc Liêu thăm người anh ruột là ông Hứa Văn Bạch đã bị nhiều người phát hiện và yêu cầu ông biểu diễn. Không thể từ chối, ông Cương cùng người cháu Hứa Tây Hạ đã đến khu du lịch Hồ Nam biểu diễn suốt nhiều giờ liền.

Chứng kiến ông Cương “biểu diễn”, ông Trần Ngọc Phương - Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cho biết, trường hợp này rất hiếm ở nước ta. Đây là hiện tượng lạ, các nhà khoa học cũng chưa chứng minh được vì sao cơ thể con người lại tự nổi trên mặt nước như thế. Riêng ông Cương tự nổi trên mặt nước trong thời gian dài, có thể đề nghị các cơ  quan chuyên môn thẩm định, xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam.

Ngay sau đó, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đã gửi hồ sơ cho Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings, vì ngay trên địa bàn họ có đến 2 người có khả năng tương tự ông Cương là ông Bạch và anh Tây Hạ. Sau khi cho chuyên viên về tận địa phương để thẩm định, kiểm tra, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam – Vietkings đã chính thức xác lập kỷ lục “Gia đình có nhiều người nổi trên mặt nước nhất”.

Và kể từ ngày được công nhận kỷ lục, ông Cương rất đắt sô biểu diễn khắp nơi trên cả nước. Lịch mời biểu diễn của ông dày kín, đến nỗi ông phải gác lại chuyện ruộng đồng và mấy vuông tôm để lưu diễn khắp nơi.

Những cậu bé nổi bồng bềnh như “người cá”

Một ngày, cả xã Mỹ Tú A, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng xôn xao trước tin cậu bé Võ Minh Thống vừa hơn 7 tuổi có khả năng nổi trên mặt nước. Thậm chí em Thống còn vô tư thực hiện một số sinh hoạt thường ngày như gội đầu, ăn quà vặt... như đang ở trên bờ khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên.

Những người được tận mắt chứng kiến thì trố mắt vì ngạc nhiên và miệng trầm trồ khen ngợi rồi truyền tai nhau khiến tin tức lan nhanh khắp làng khắp xã. Thế là từ người già tới trẻ con đều kéo nhau ra dòng sông trong xã để mong được tận mắt chứng kiến cảnh tượng lạ lùng ấy. Cha mẹ của Thống không ngần ngại đồng ý để cậu con trai trổ tài. Thế rồi, cậu bé cứ thoải mái “nằm”  bồng bềnh trên mặt nước.

Theo lời cha mẹ em Võ Minh Thống thì cậu bé đã sớm thích nghi với môi trường nước từ thuở lên 5. Do nhà gần sông nên cứ chiều đến là vợ chồng, con cái lại xuống bến cầu tắm mát. Tuy thấy con còn nhỏ nhưng cha của Thống vẫn muốn dạy cho con tập bơi để đề phòng bất trắc. Điều lạ là, khi thử buông tay ra, cơ thể bé Thống cứ nổi lềnh bềnh, còn tay chân bé cứ tự do cựa quậy mà cơ thể cứ phóng tới như người biết bơi thuần thục vậy.

Do khả năng đặc biệt này, một thời gian sau, Thống đã có thể bơi sấp, bơi ngửa, và là đứa trẻ biết bơi sớm nhất trong làng. Thấy Thống có khả năng kỳ lạ như vậy, bạn bè cùng trang lứa đã nhiều lần bắt chước nhưng không ai có thể nổi được.

Con sông chảy qua xã Mỹ Tú sâu hơn 3m, rộng gần 100m ngay cả người lớn tuổi, bơi giỏi đôi khi cũng còn phải ngán, đối Võ Minh Thống thì con sông ấy trở thành “ngôi nhà” thứ hai vô cùng thân quen từ nhiều năm nay. Ngay trên con sông ấy, hàng ngày Thống vẫn “phơi bụng” bồng bềnh trên dòng nước nên dân trong làng đã quen thuộc với cảnh tượng này.

Chị Nguyễn Thị Thêu (mẹ Thống) kể: “Thằng bé Thống có thể tắm và nằm ngửa trên mặt sông hàng giờ không chán, đến nỗi khi phần bụng, mặt và tay chân nổi lên bị nắng làm khô rám đi mà vẫn chưa chịu thôi. Đã mấy lần khi nằm ngửa trên mặt nước như vậy, cháu bị trôi một đoạn khá xa, vài người trên ghe tàu đi qua đã hốt hoảng la toáng lên vì tưởng cháu gặp chuyện chẳng lành”.

Năm nay Thống đã đi học và vẫn duy trì khả năng đặc biệt của mình. Cô Nguyễn Hồng Phượng - giáo viên của em cho biết: “Ở lớp Thống học khá giỏi, ngoan ngoãn và không biểu hiện gì bất bình thường ngoài chuyện... không chìm xuống nước”. Cha em Thống thì nói rằng cậu bé rất thích nước, khoái bơi lội và ao ước trở thành vận động viên chuyên nghiệp ở bộ môn này trong tương lai. Anh bảo, sẽ cố gắng để ước mơ của con trai thành hiện thực.
Cháu Trần Thịnh Tiến đang nổi bồng bềnh trên mặt nước.
Cháu Trần Thịnh Tiến đang nổi bồng bềnh trên mặt nước.
Ngoài trường hợp của em Võ Minh Thống, chúng tôi còn phát hiện một “tài năng” nhí khác là em Trần Thịnh Tiến, 8 tuổi ở thị trấn Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Em Trần Thịnh Tiến cũng có khả năng nổi bồng bềnh trên mặt nước nhiều giờ liền. Anh Trần Đức Thịnh, cha của Tiến cho biết: Mỗi tuần vào ngày chủ nhật anh lại đưa con về cù lao Thới Sơn để tập bơi cho con.

Những ngày đầu tháng 5/2009, anh vô tình phát hiện con mình không chỉ bơi giỏi mà còn có thể nổi tự nhiên trên sông nhiều giờ liền trong tư thế nằm ngửa mặt lên trời. Theo anh Thịnh kể thì anh hoàn toàn bất ngờ khi nghe bé Tiến nói: “sao tự nhiên con nổi trên mặt nước mà không cần bơi nè”.

Nói xong, cháu nằm duỗi thẳng hai tay và chân ra rồi nổi bồng bềnh trên mặt nước như đang ngủ. Người dân vùng sông nước ở cù lao Thới Sơn cho biết, nhiều người bơi lội rất giỏi, nhưng lại không tự nổi trên mặt nước được như bé Tiến. Nhiều người đứng xem còn cho rằng đâu phải ai muốn nổi thì nổi, có người biết bơi biết lội hẳn hoi nhưng lại không nổi được khi nằm dang tay, dang chân như thế.

Khi chúng tôi đến nơi để kiểm chứng khả năng này của bé, anh Trần Đức Thịnh liền vui vẻ đưa bé ra sông, Anh Thịnh cho biết, bé Trần Thịnh Tiến cao 1,1 m, nặng 25 kg, đang học lớp 3 trường tiểu học Tân Hiệp. Vừa đến bờ sông, bé Tiến đã reo mừng thảng thốt như “cá gặp nước”. Để nguyên quần áo, cậu bé liền lao xuống dòng sông nước đỏ ngầu. Cu cậu cứ trong tư thế nằm ngửa, thả lỏng người, thỉnh thoảng lại dùng chân đạp nước đẩy người ra xa khỏi bờ sông hơn 10 m.

Bé Tiến vô tư biểu diễn, hết chắp tay theo tư thế đang “lạy Phật” lại dang rộng cả 2 tay 2 chân rồi gối 2 tay lên đầu mà thả nổi trên mặt nước. Do thời điểm này nước trên các con sông Tiền, sông Hậu đều đã đổi từ màu xanh sang màu nâu đỏ nên dù cả cơ thể bé Tiến nổi bồng bềnh trên mặt nước cũng rất khó nhìn thấy trọn vẹn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quan sát rất kỹ, cậu bé cứ vô tư giơ chân, giơ tay lên khỏi mặt nước rồi bỏ xuống và nằm như đang ngủ.
c
Bé Trần Thịnh Tiến vô tư đùa giỡn trên mặt nước như … người cá.
Sau hơn nửa giờ khuấy động sông nước, bé Tiến được cha gọi vào bờ để về.

Trong lúc trò chuyện, anh Trần Đức Thịnh tiết lộ một điều kỳ lạ khác liên quan đến khả năng “tự nổi” của con trai mình. Đó là bé Trần Thịnh Tiến chỉ có thể nổi được trên các con sông, kênh rạch dù lớn hay nhỏ, nơi có con nước lớn, nước ròng, nước chảy. Còn ngược lại, khi bé bơi trong các hồ bơi nhân tạo, nước có xử lý hóa chất thì lại bị … chìm, không thể nào nổi được.

 “Điều này tôi đã kiểm chứng rất nhiều lần rồi, vào các hồ bơi không lần  nào bé Tiến nổi được, mà cũng bị chìm như bao nhiêu trẻ con khác. Ngay khi đó, tôi tức tốc đưa con ra một con kênh gần đó thì bé lại “nổi” bồng bềnh như những lần trước”, ông Trần Đức Thịnh khẳng định với tôi.

Gia Bảo
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc