Người con gái nhiễm HIV nuôi mẹ già bị bệnh ung thư

06:34, Thứ năm 16/02/2012

( PHUNUTODAY ) - “Giờ cả ba mẹ con tôi phải nhìn nhau gắng gượng mà sống chứ biết làm sao được. Tôi chỉ lo sau này khi chết đi, không biết ai sẽ thay thế tôi chăm sóc mẹ già và đứa con còn thơ dại”. Mai nghẹn ngào cho biết.

(Phunutoday) - Dù đang mang trong người căn bệnh thế kỷ do chồng lây sang, dù cuộc sống mong manh như ngọn đèn trước gió nhưng chị Nguyễn Thị Như Mai (30 tuổi, trú tại thôn Phú Hiệp 3, xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) vẩn phải lặn lội mưu sinh giữa đời thường để nuôi mẹ già 66 tuổi bị ung thư và cô con gái đang tuổi ăn học…
[links()]
Gia đình tan nát

Nguyễn Thị Như Mai là cô con gái út duy nhất trong một đại gia đình nghèo gồm 4 anh em. Cha mất sớm, một mình mẹ (bà Trần Thị Nhẫn) phải bươn chải đủ nghề từ làm ruộng, thu lượm ve chai đến phụ hồ để nuôi bầy con đói ăn khát uống.

Do hoàn cảnh quá khó khăn nên lần lượt các anh của Mai phải nghỉ học đi làm thêm, đỡ đần cho mẹ. Riêng Mai không cam chịu nghịch cảnh, luôn có gắng tranh thủ ngày đi học, tối làm thêm để không tụt hậu so với các bạn.

Sau khi tốt nghiệp THPT, Mai dự định thi vào ngành Sư phạm để thỏa ước mơ làm cô giáo. Tuy nhiên dự định ấy nhanh chóng tan biến bởi thời điểm ấy mẹ chị bị bệnh nặng, là con gái duy nhất trong nhà, Mai ở nhà để chăm sóc mẹ.
 

Chị Mai đang chăm sóc người mẹ bị bệnh ung thư
Chị Mai đang chăm sóc người mẹ bị bệnh ung thư

Sau khi sức khỏe mẹ dần ổn định, Mai xin vào làm phụ hồ tại công trình văn hóa xã Hòa Hiệp Trung. Tại đây Mai đã gặp gỡ, làm quen với anh Nguyễn Trọng Khánh (SN 1981), là phụ hồ dân gốc An Nhơn, Bình Định. Và định mệnh đời Mai cũng rẽ ngang từ đây.

Năm 2003, Mai và Khánh kết duyên trong niềm hân hoan lẫn những lời chúc tụng của hai bên gia đình và bà con lối xóm. Năm 2004, bé Nguyễn Thị Ngọc Bích ra đời càng làm cho hạnh phúc gia đình chị thêm viêm mãn.

Tuy vậy dù hai vợ chồng cật lực làm việc, cuộc sống vẫn cứ thiếu trước hụt sau. Cuối năm 2004, Khánh nói Mai cứ ở nhà làm thêm nuôi con, còn anh theo đám bạn vào TP.HCM làm phụ hồ bởi “nghe tụi nó nói vào “trổng” làm được rất nhiều tiền”.

Lúc đầu Mai kiên quyết ngăn cản bởi nhiều lý do nhưng do chồng liên tục năn nỉ, cuối cùng cô phải miễn cưỡng đồng ý, chấp nhận cảnh “xa mặt cách lòng”.

Thời gian đầu Mai rất lo sợ nhưng thấy Khánh hằng tháng vẫn đều đặn gửi tiền về, Tết nhất, lễ lạt đều đón xe về sum vầy với vợ con nên lòng Mai yên tâm lắm.

Tháng 2/2006, Khánh trở về nhà trong trạng thái rối bời, sức khỏe suy kiệt, thuốc thang gì cũng không hết. Mai giục chồng đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định chữa bệnh nhưng anh nhất quyết không nghe.

Suốt ngày anh chỉ nằm một chỗ trong phòng kín, dặn dò Mai không được cho bất cứ ai dù lạ hay thân vào thăm. Mai liền gặng hỏi sự tình nhưng trước sau anh chỉ lắc đầu, vừa khóc vừa nói: “Anh có lỗi với mẹ con em rồi. Anh đi, em cố gắng ở lại chăm con…”.

Hơn một tháng sau, Khánh chết. Sau đám tang, trong một lần lục lại đồ đạc của Khánh, Mai tìm thấy một tờ giấy nhỏ trong túi quần của chồng. Khi nhìn thấy những dòng chữ đầu tiên, cô choáng váng muốn té xỉu khi biết chồng mình mắc phải căn bệnh không có thuốc chữa HIV/AIDS.

Cô tức tốc đạp xe đến bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả cho ra dương tính, Mai bắt đầu suy sụp. Còn bà Nhẫn khi biết tin cũng ngất lên ngất xuống mấy hồi.

Hai thân bệnh nương tựa vào nhau

Sau khi chị mất, liệu có ai sẽ thay chị chăm sóc mẹ và cô con gái thơ dại?
Sau khi chị mất, liệu có ai sẽ thay chị chăm sóc mẹ và cô con gái thơ dại?

Sau đó, bà Nhẫn dọn qua sống chung với mẹ con Mai. Bà Nhẫn cho biết: “Tôi qua ở cũng để tiện bề chăm sóc hai mẹ con nó. Nó nằm liệt giường cả tuần, chẳng thiết ăn uống, cứ khóc than cho số phận của mình. Tôi không ở bên, nó nghĩ quẩn lại khổ”.

Lúc đầu, hàng xóm láng giềng chưa ai biết chuyện, họ cứ tưởng chồng Mai chết vì bạo bệnh nên chỉ khoảng vài tuần sau, các chàng trai vốn mê mẩn Mai từ trước “tranh thủ cơ hội” đến nhà để tìm hiểu. Sau một vài lần từ chối không được, Mai liền nói thẳng ra:

“Em bị Si-đa từ chồng lây sang đó, anh liệu có tới được không?”. Nghe đến đây, các chàng nhanh chóng chạy dài… Sự việc vỡ lở, biết bao nhiêu ánh mắt nghi ngại lẫn thương hại, ghê sợ dò xét, rồi những cuộc bàn ngang tán dọc làm mẹ con Mai càng thêm khổ sở.

Vừa thấy cô từ xa, mọi người đang ngồi “tám” liền ngừng câu chuyện và giả tản đi mất; vào nhà ai xin ly uống nước, họ đều tìm cách từ chối khéo bằng cách bảo cô đứng đợi ngoài đường rồi bưng ly nước ra. Khi cô uống xong, vừa quay lưng đi, có người liền đập nát ly hoặc vứt thẳng vào sọt rác.

Mọi người cũng “né” luôn cả bà Nhẫn với lý do: “Con bà bệnh, ai dám chắc bà sống chung không bị lây?”. Điều đáng buồn hơn là ngay cả những người thân dù rất thương chị cũng không để cho mấy đứa cháu tiếp xúc quá gần với chị.

Một lần vô tình nhặt được tờ rơi giới thiệu về điểm phòng chống HIV/AIDS ở TP Tuy Hòa, Mai lộc cộc đạp xe hơn 25 cây số để tìm đến nhưng không gặp. Hỏi thăm, không ít người nhìn chị hết sức lạ lùng rồi buông lời mỉa mai: “Trông khỏe và xinh thế, hóa ra bị bệnh à ?”. Mai buồn bã quay về.

Từ đó trở đi, tinh thần Mai ngày càng xuống dốc, chị nhốt mình trong bốn bức tường, chẳng thiết ăn uống. Do đó mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay bà mẹ già gánh vác. Để có tiền nuôi con và cháu gái, bà Nhẫn nai lưng ra làm bất kể sáng nắng mưa chiều dù trong người mang đủ chứng bệnh tim, thận, gan.

Phải gần 2 tháng sau (tháng 9/2006) lấy lại tinh thần, Mai mới bước chân ra khỏi nhà. Công việc đầu tiên của chị là đưa bé Bích đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên xét nghiệm. Chị và mẹ vui mừng khôn xiết khi biết bé Bích đã thoát “án tử”.

Từ đó Mai cố gắng sống vui sống, bỏ ngoài tai những lời thị phi.

Không chỉ phụ giúp mẹ làm việc nhà, Mai còn tham gia sinh hoạt tại các nhóm đồng đẳng, các buổi tuyên truyền phòng tránh HIV/AIDS và kể lại câu chuyện của chính mình. “Bản thân tôi đã từng bị sốc khi nghe tin mình bị bệnh… nên tôi hiểu tâm trạng “không thiết sống” hay “sẵn sàng trả thù đời” do bị kì thị của những người cùng cảnh ngộ".

Vào một buổi chiều đầu năm 2010, trong lúc đi thu nhặt ve chai, bà Nhẫn bất ngờ ngã qụy, bất tỉnh. Sau khi nhập viện, bà mới biết ngoài các căn bệnh lâu nay bà còn bị ung thư vú. Trong thời gian này, thẻ bảo hiểm y tế của bà lại hết hạn nên gia đình buộc phải thanh toán mọi chi phí phẫu thuật.

Để có tiền chữa trị cho mẹ, Mai phải chạy vạy ngược xuôi để vay tiền. Sau nhiều lần phẫu thuật, các bác sĩ Bệnh viện Ung bứu TP.HCM đã cắt bỏ vú bên phải và nạo hạch của bà nên hiện khỏe bà ngày càng suy yếu, cánh tay phải gần như tê liệt, không còn có thể cử động như trước nên chẳng thể làm được việc gì.

Do đó, việc mưu sinh đều dồn vào một tay Mai. Hằng ngày chị thay mẹ đi mót ve chai để có tiền duy trì cuộc sống ngày hai bữa. Dù bác sĩ khuyên “có làm thì nên làm một buổi” nhưng nhiều khi chị vẫn phải giả tảng quên đi bởi “nếu không làm, cả nhà chết đói”.

  • Lưu Tình
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc