Người đàn bà bất hạnh bị cháu của chồng bạo hành

( PHUNUTODAY ) - Bà Thanh từng bị cháu dâu đánh, Trường chứng kiến từ đầu tới cuối nhưng không lên tiếng can ngăn vợ mà bỏ mặc cho bà Thanh bị đánh, phải nhờ tới sự hỗ trợ của dân làng mới thoát.

Không yêu nhưng cảm thông với người đàn ông nghèo, quanh năm đau ốm quặt quẹo do di chứng từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, bà Đỗ Thị Thanh (SN 1959, khu 2 Nội Đồng – Đại Thịnh – Mê Linh) nhận lời về chung sống chăm sóc ông Nguyễn Bá Linh (đã mất) những mong có được một mái ấm. Nhưng rồi người đàn bà bất hạnh đó đã phải gánh chịu bao đau đớn ê chề...
[links()]
Mâu thuẫn dai dẳng

Theo lá đơn kêu cứu của bà Đỗ Thị Thanh (SN 1959, khu 2 Nội Đồng, Đại Thịnh, Mê Linh) về việc bà bị cháu đích tôn của chồng là Nguyễn Xuân Trường (SN 1986, cùng địa chỉ) vô cớ đánh đập, gây thương tích nặng phải nhập viện cấp cứu, chúng tôi có mặt tại nơi xảy ra sự việc.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái ngói ẩm thấp, dột nát, xiêu vẹo không chỉ có bà mà còn tập trung đủ hai người em trai chồng, cô con gái chồng và các cháu, chắt nội nhà chồng cùng đồng lòng kêu cứu giúp người đàn bà bạc phận.

Trên khuôn mặt gầy gò, hốc hác của bà Thanh vẫn còn hiện rõ bằng chứng ngược đãi của đứa cháu đích tôn bất hiếu, đó là những mũi khâu chi chít trên trán còn chưa kịp tháo chỉ, cùng nhiều vết bầm tím khác…

Lẽ ra bà Thanh vẫn đang phải tiếp tục nằm viện theo dõi sức khỏe, nhưng vì nhà neo người, ở viện lâu sợ ảnh hưởng tới anh em nhà chồng phải cắt cử nhau ra chăm sóc, nên bà đành xin về dưỡng thương ở nhà, khỏi làm phiền đến người khác.

Trước mặt gia tộc nhà chồng, bà Thanh chia sẻ: “Vì góc nhà, nơi thùng đựng thóc bị dột nên tôi đã tự mình lên đảo ngói. Vừa xong việc, vào nhà tạm ngồi nghỉ vài phút thì anh Trường, là cháu đích tôn của ông nhà tôi, từ đâu lao vào tát tôi liên tiếp. Sau đó túm cổ áo, hung hãn tấn công làm tôi bị thương nặng không còn biết gì nữa… Tỉnh lại đã thấy mình đang nằm trong viện”. 

Bà Đỗ Thị Thanh
Bà Đỗ Thị Thanh với vết thương trên mặt do đứa cháu của chồng gây ra.

Bà Thanh cho biết: “Trước đây Trường ngoan ngoãn chứ không đổ đốn cờ bạc, như bây giờ. Thời gian gần đây anh ta mới thành ra như vậy. Từ tháng 5/2011, Trường lừa chiếm đoạt hết số tiền Nhà nước đền bù đất ruộng nông nghiệp mang tên ông nhà tôi…”

Để có đủ giấy tờ hợp lệ, Trường đã ngon ngọt với bà Thanh. Người đàn bà thật thà đã đồng ý chuyển đủ giấy tờ cho cháu trai. Không ngờ cầm được giấy tờ, Trường ngang nhiên tuyên bố: “Tài sản của ông bà tôi là của tôi, bà lấy ông tôi chỉ là vợ ông tôi thôi, không có quyền gì cả…”.

Không dừng lại ở đó, Trường cho vợ sang dằn mặt bà Thanh. Bà Thanh từng bị cháu dâu đánh, Trường chứng kiến từ đầu tới cuối nhưng không lên tiếng can ngăn vợ mà bỏ mặc cho bà Thanh bị đánh, phải nhờ tới sự hỗ trợ của dân làng mới thoát.

Ngậm ngùi thân phận “đơn thương, độc mã” trên đất nhà chồng nên bà Thanh tủi nhục mà không dám lên tiếng nửa lời, nín nhịn mọi lời xúc phạm, chọc ngoáy, khinh miệt của vợ chồng cháu đích tôn nhà chồng.

Để tránh mâu thuẫn không đáng có xảy ra, vào ngày giỗ tổ, trước đông đủ họ hàng, bà Thanh đã xin phép được mở cửa ngách, đi lối khác, không dám đi chung cửa với gia đình người cháu trưởng nữa.

Biết chuyện, Trường vội vã ôm di ảnh bố đẻ mình là liệt sỹ, hy sinh tại chiến trường Hoàng Liên Sơn năm 1986 và tấm bằng “Tổ Quốc ghi công” lên gian nhà thờ, “chiếm giữ” một chỗ, thắp hương và khấn trước mặt đông đủ họ hàng, nội tộc: “Bố ơi, bố ở đây giữ nhà, giữ cửa cho con kẻo lũ chó nó cướp mất”.

Sững sờ trước hành động ngang ngược, hỗn hào của đứa cháu trai nhưng chẳng ai nói gì, chỉ ngậm ngùi nuốt nước mắt nhận lại bát hương và di ảnh của người liệt sỹ tội nghiệp để ngày ngày hương khói cho người đã khuất bớt tủi hổ.

Tuy nhiên, mọi việc không dừng lại ở đó, ngay khi bà Thanh vừa cho người đặt những viên gạch đầu tiên xây tường rào, Trường đã hùng hổ chạy sang kéo đổ, ngăn cản không cho làm. Anh Nguyễn Văn Tuấn, chú ruột của Trường thấy cháu mình ngang ngược quá đã lên tiếng dậy dỗ cháu trai.

Nào ngờ mâu thuẫn vượt ngoài tầm kiểm soát và đã phải trả giá bằng bản án 18 tháng tù để đổi lấy việc giúp bà Thanh mở cửa đi lối khác tránh va chạm. Và dù bà Thanh đã mở được cửa đi lối khác thì mẫu thuẫn không vì thế mà lắng xuống.

Lấy oán báo ơn

Cố nén nỗi uất hận trong lòng, ông Nguyễn Văn Khẩn, em chồng bà Thanh ngậm ngùi nhớ lại ngày Trường vừa được 7 ngày tuổi thì bố hy sinh. Nhận được tin dữ mẹ Trường lẳng lặng thu dọn quần áo trở về nhà mẹ đẻ, để lại hai chị em Trường cho gia đình nhà nội chăm sóc.

Chẳng còn sự lựa chọn nào khác, ông bà nội oằn mình nuôi thêm hai cháu nhỏ, các cô chú Trường lúc ấy còn bé cũng phải vẹo sườn bế cháu. Tới năm Trường được 10 tuổi, ông bà ngoại mới đưa con gái về xin lỗi, xin phép được quay trở về nhà chồng chăm con.

Hai người em chồng bà Thanh nghẹn ngào cho biết: “Chẳng biết gia đình chúng tôi đã gây ra tội lỗi gì mà phải chịu quả báo nặng nề tới vậy. Lòng tham đã làm mờ mắt cháu tôi, nó quay lưng với anh em, họ hàng.

Thậm chí, ngay người cô ruột từng vẹo sườn bế cháu cũng bị Trường cho vợ đánh, chửi gây thương tích vì dám… bênh bà Thanh, mắng vợ Trường không được hỗn hào với người già”. Cũng từ đấy người cô ruột của Trường trở thành cái gai trong mắt cháu dâu, đi đâu cũng bị cháu dâu chửi rủa, cạnh khóe dù không có va chạm gì.

Bà Thanh xót xa: “Nếu không vì nội tộc, con cái nhà chồng ngoan ngoãn, tình cảm, tôi đã bỏ đi ngay từ ngày ông ấy mất. Nhưng vì tình vì nghĩa, vì lời ông dặn trước lúc mất:

Nay mai tôi chết, bà làm cho tôi cái nhà thờ, để con cháu tôi tới sum vầy. Nếu hòa thuận thì hương khói xong hạ xuống cùng ăn liên hoan, vui vẻ đầm ấm. Nếu không hòa thuận thì của đứa nào đứa ấy mang về nhà mà ăn”, nên bà Thanh quyết tâm ở lại, tìm đủ cách chạy vạy xây nhà, xây cửa để tới ngày giỗ người đã khuất có chỗ mà về.

Nói về chuyện nhà cửa, ông Khẩn cho biết: “Bà chị dâu tôi đây vốn là người hiền lành. Quả thực mà nói từ ngày về đây bà chịu khổ nhiều, ngày vui không là mấy. Anh tôi lấy chị về cũng là để có người chăm sóc mà thôi.

Cái nhà cái cửa có làm, chết chị tôi cũng không mang đi được, đều là để lại cho con, cho cháu nhà chồng. Vậy mà phải chịu đựng cảnh này thì thật là quá khổ...”

Ông Phạm Văn Tứ, Phó trưởng Công an xã Đại Thịnh cho biết: “Chuyện mâu thuẫn giữa bà Đỗ Thị Thanh và cháu nội chồng Nguyễn Xuân Trường là có thật. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn giữa Trường và bà Thanh là do tranh chấp tiền đền bù đất ruộng, thuộc khu vực thu hồi, đền bù, chuyển sang xây dựng dự án xây trường học cấp hai Đại Thịnh...”.

Nói về bà Thanh, ông Tứ cho hay: “Bà Thanh là một người phụ nữ hiền lành, thật thà, chất phác. Chính vì thế, bà Thanh được anh, em bên gia đình chồng rất tôn trọng và quý mến. Nhất là những người con riêng của chồng.

Ngày ông chồng còn sống, bà hết lòng chăm sóc, cứu chữa bất kể tốn kém thế nào. Đó chính là lý do khiến bà Thanh trở thành “con nợ” của làng mà không hề tính toán.”

Nhưng đáp lại tấm chân tình đáng trân trọng của bà Thanh là bản tính côn đồ, hung hãn, lấy oán trả ân của Trường. Theo lệ thường, thấy bà Thanh đảo ngói cho đỡ dột, thì Trường phải xông vào làm mới đúng đạo. Nhưng ngược lại, Trường đã hành hung bà Đỗ Thị Thanh tới mức bà phải khâu 6 mũi, khắp người bầm tím và gãy một chiếc răng hàm…”

Ông Đỗ Đăng Khoa, Trưởng Công an xã Đại Thịnh cho biết thêm: “Tìm hiểu thực tế từ chính quyền địa phương thôn và quần chúng nhân dân, có thể khẳng định Trường có chơi cờ bạc và nợ nần. Đối với những trường hợp này, chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, theo đúng pháp luật, kiên quyết không bao che…”

  • Kim Hoa
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn