Theo ý kiến của các luật sư, việc nhà mạng để xảy ra tình trạng nháy máy để lừa người dùng di động gọi lại và trừ cước phí là hình thức lừa đảo, người dùng di động có thể khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường.
[links()]
Trước tình trạng có một số công ty, nhà cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng thường xuyên dùng các số điện thoại cố định để nháy máy – tạo cuộc gọi nhỡ với người dùng di động để họ gọi lại và mất phí, Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và Cộng sự cho rằng, người dùng di động có thể kiện nhà cung cấp dịch vụ theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Các thuê bao nháy máy tới khách hàng để "mồi" khách hàng gọi lại là bị trừ cước phí rất cao. |
PV: - Nháy máy thuê bao di động để chủ thuê bao gọi lại và trừ tiền cước phí, nhà mạng biết mà không làm gì, vậy có vi phạm luật kinh doanh không thưa luật sư?
Luật sư Bùi Quang Hưng: - Có chứ, tôi cho đấy là hành vi trộm cước viễn thông.
Chính tôi, trong một buổi tối thấy có số lạ gọi nhỡ vì lịch sự tôi đã gọi lại, khi đó đầu dây bên kia trả lời “bạn được người tặng bài hát…” nghe đến đó là tôi tắt ngay, hiểu ra là mình bị lừa mắc vào một cái bẫy của cá nhân hoặc công ty nào đó.
Nếu các nhà mạng tiếp tục để tình trạng các đầu số nháy máy lừa đảo để lấy tiền cước như vậy, tôi nghĩ rằng trên nguyên tắc là vi phạm, hành vi đó là các nhà mạng đang tiếp tay cho công ty dịch vụ ăn trộm cước của người dùng di động.
Đấy là hành vi cần được ngăn chặn.
PV: - Khách hàng đã phản ánh tới nhà mạng nhưng nhà mạng vẫn không có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, tình trạng nháy máy vẫn diễn ra. Trường hợp này chủ thuê bao di động có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
Luật sư Bùi Quang Hưng: - Cái này theo quy định của người tiêu dùng, vì tôi nghĩ khi họ nháy vào hàng ngàn thuê bao như thế thì chắc chắn sẽ có ít nhất là vài trăm người gọi lại, mỗi ngày họ nháy máy vài nghìn thuê bao như vậy, trong khi cả nước có vài triệu thuê bao, thì các công ty dịch vụ sẽ kiếm được số tiền rất lớn.
Cái này người tiêu dùng có thể khiếu nại lên nhà cung cấp đầu số, hoặc khiếu nại theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng.
Số tiền mỗi một lần gọi lại như vậy có khi chỉ 15 - 20 nghìn đồng, tuy không lớn, nhưng nếu nhiều người cùng bị lừa, số tiền cộng lại sẽ không hề nhỏ. Mất số tiền đấy người dùng di động cũng không để ý lắm, nhưng chính vì cái không để ý như vậy đã làm thành cái bẫy, họ sẽ lấy số lượng người như thế cộng vào và thu siêu lợi nhuận.
Trường hợp khiếu nại nhà mạng vẫn không có tác dụng, thì chủ thuê bao di động có thể khởi kiện theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, trộm cước của khách hàng ngoài ý muốn, vì anh đâu có thông báo cho khách hàng biết là ai gọi, hay gọi lại số đấy sẽ mất bao nhiêu tiền?
Phải công bố cước rõ ràng, chẳng hạn gọi lại sẽ mất 15.000 đồng, biết vậy anh vẫn gọi thì đấy là sự đồng thuận, mất tiền anh tự chịu. Còn ở đây anh đã tạo ra một số ảo để người ta gọi đến là nhà cung cấp thu được tiền cước.
PV: - Vậy theo ông, ông có đề xuất gì trong những trường hợp này?
Luật sư Bùi Quang Hưng: - Dịch vụ viễn thông quốc tế không chặn được thì không sao, nhưng bản thân người Việt với nhau, trong nội bộ, trong công ty cung cấp dịch vụ viễn thông được nhà nước cho phép mà làm những dịch vụ đó thì tôi cho rằng đấy là điều vo lý.
Bản thân công ty viễn thông cũng phối hợp với nhà cung cấp dịch vụ để ăn trộm tiền điện thoại của khách hàng là không được. Thậm chí, các nhà mạng đã cùng bắt tay nhau mới thực hiện.
Theo tôi, hợp lý nhất là phải thông báo cho khách hàng biết là gọi vào số X nào đó thì phải tra bao nhiêu tiền, đấy là sự cam kết, và người gọi trên tinh thần tự nguyện. Còn nếu gọi lại mà ngay lập tức bị trừ tiền là không được.
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Quang, Công ty Luật hợp danh V.I.P cho rằng: “Việc để xảy ra tình trạng nháy máy và lừa tiền cước người dùng di động nhà mạng hoàn toàn chịu trách nhiệm. Người dùng có thể kiện nhà mạng, yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. |
- Lê Việt