Người lính ’quên’ lấy vợ, an bình trong tiếng súng

06:18, Thứ hai 26/11/2012

( PHUNUTODAY ) - Gặp Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, vừa khâm phục, vị nể người lính bình dị, lặng thầm một đời cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, vừa có gì đó xa xót cho tuổi già bóng xế.

Nói về Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, nhà thơ Thu Bồn vừa hào sảng, vừa ngậm ngùi: “Có một nhân vật xuyên suốt vài chục trường ca tôi viết trong 30 năm qua mà các bạn không hề thấy xuất hiện ở 1 dòng nào. Đó là 1 nhân vật bằng xương bằng thịt mà tôi tâm đắc, vừa yêu thương, vừa giận, vừa muốn gần gũi, vừa muốn xa lánh, vừa tâm sự, vừa cãi vã…
[links()]
Tôi thường xuyên gọi tên anh là người chạy trốn ra phía trước hoặc người an bình trong tiếng súng…và cuối cùng gọi anh là Ghe Chevara Việt Nam… Nguyễn Chí Trung có một trí nhớ tuyệt vời, nhưng quên thì cũng không ai sánh kịp. Anh đã quên lấy vợ mà không biết, mặc dù nay anh đã cận kề cái tuổi cổ lai hy…”.

Những lời ngỏ ấy thôi thúc tôi tìm gặp Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung vào một buổi chiều đầu đông khi miền Bắc đổi mùa. Ngôi nhà chung cư nhỏ ở tầng 8 hun hút gió trở nên thênh thang đối với một người già sống lẻ bóng một mình.

Nhưng, vị tướng già cười hiền hậu, ông bảo, ông không cảm thấy đơn độc, bởi xung quanh ông có sách, có cây bút, và có những “người dưng” ông sẵn sàng trao tặng yêu thương.

Ghe Chevara của Việt Nam

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung
Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung tên thật là Thái Nguyên Chung, tham gia bộ đội từ năm 1945. Cuối năm 1946, ông làm thư ký cho ông Trần Mai Ninh. Khi Trần Mai Ninh qua đời, ông làm thư kí cho Tổng bí thư Lê Duẩn.

Khi ông Lê Duẩn vào Nam bộ, ông được đồng chí Nguyễn Chánh gọi về liên khu V làm tờ báo Vệ Quốc Đoàn và tạp chí Vệ Sáng. Có lúc ông phụ trách đoàn văn công vũ trang tuyên truyền… Trải qua nhiều đơn vị chiến đấu, bất cứ ở vị trí nào, ông đều hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần xả thân vì đất nước.

Thời gian tập kết ra Bắc, khi ấy ông mới là anh chính trị viên một đại đội thuộc sư đoàn 305. Trong chiến dịch Bắc Hưng Hải làm đê Mai Lâm, anh được báo Nhân dân ca ngợi: “Xưa bà Nữ Oa đội đá vá trời/ Nay có Thái Nguyên Chung đội đá cho đời người yên vui…”.

Bằng sức mạnh của trí tuệ và hai cánh tay, anh nâng kỉ lục đội đá nhất công trường Bắc Hưng Hải. Khi tập trung chuẩn bị huấn luyện để đi vào Nam, anh được đổi tên là Nguyễn Chí Trung. Anh lăn lộn với chiến trường Campuchia đến từng đơn vị, và các phum sóc hẻo lánh.

Hầu như các đơn vị Việt Nam và Campuchia đều biết tên anh, đến các phân đội trực thăng đều quen mặt anh. Có lần anh bay ra sân bay Pô Cheng Tông trễ, máy bay cất cánh đảo một vòng thấy Nguyễn Chí Trung đưa nón cối vẫy, máy bay liền hạ cánh đón anh.

Tết năm 1985, anh đem một cành hoa đào từ Hà Nội vào tặng một đơn vị chốt sát biên giới Thái Lan đúng vào ngày mồng 1 Tết. Bạn bè yêu mến anh bởi sự giản dị, chân chất, thật thà, hết lòng vì tập thể, đại cục. Cấp trên tin tưởng anh bởi sự trung thành, chu đáo, hiểu biết.

Có một kỉ niệm đáng nhớ, khắc ghi sâu đậm trong lòng những người bạn của anh. Đó là ngày 29/3/1986, vào một buổi chiều trên dòng sông Chiniteh (có nghĩa là Bà yêu thương), Nguyễn Chí Trung mải cùng một phân đội giang thuyền tiến sâu vào sào huyệt bọn Pôn Pốt, trúng ổ phục kích.

Một viên đạn quân thù xuyên qua phổi đi tiếp làm gãy cánh tay phải của anh. Người chỉ huy giang thuyền lấy lá cờ chiến thuyền mới băng nổi máu trào ra từ ngực anh. Chết hụt là vậy, nhưng niềm lạc quan, yêu đời chưa bao giờ mất đi trong con người này.

Anh đau ốm, nhưng không quên lo từng miếng ăn giấc ngủ, căn hầm tránh đạn bom cho đồng đội. Anh nuôi từng con gà, thúc cho nó đẻ trứng để bồi dưỡng cho những người bạn văn của anh có sức khoẻ mà viết. Nhìn anh thức giữ ánh sáng cho gà ăn, kích thích cho gà đẻ… mà những người đồng đội ấy từng rưng rưng xúc động.

Đó là những năm đói hãi hùng, anh đã từng cõng từng yến quế, vượt đồn Trà Bồng để bán lấy tiền mua mắm, muối, vải về để đổi sắn đồng bào dân tộc nuôi sống đồng đội, bạn văn.

Vì những điều phi thường, tuyệt diệu ấy, anh được nhà thơ Thu Bồn nói riêng và bạn bè, đồng đội cũ kính trọng và gọi bằng cái tên trìu mến: Ghe Chevara của Việt Nam.

Những bóng hồng lướt qua trong đời

Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung chưa từng lập gia đình, nhưng nơi thẳm sâu trái tim ông, đã có những bóng hồng lướt qua trong đời. Dù không duyên, không phận, nhưng đã để trong ông những cảm xúc đặc biệt, mà có thể, khi đã gần đi hết cuộc đời, mỗi lần nhớ lại vẫn đủ khiến ông rưng rưng.  

Là anh cả trong một gia đình nghèo khó có 4 anh em, sinh ra dưới thời loạn lạc, đất nước bị chiếm đóng, cậu bé Thái Nguyên Chung phải chịu nhiều thiệt thòi.

Gia đình nghèo, mẹ buôn bán nhỏ, ngày cắp thúng đầu chợ, tối quẩy mẹt cuối chợ buôn con cá, lá rau nhưng cuộc sống vẫn vô cùng thiếu thốn, không đủ sức nuôi bầy con nhỏ. Cậu bé Chung được gửi sang ở nhờ bà nội, cho tới năm 6 tuổi, kinh tế gia đình càng khó khăn, Chung được bố mẹ gửi tới ở nhờ nhà chú ruột ở Quảng Bình.

Ở chưa được bao lâu, chú qua đời, cậu bé Chung được gửi ra Vinh ở cùng người bác. Trước Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Chung trở về với gia đình. Tuy cuộc sống xê dịch, nay đây mai đó là thế, nhưng tinh thần hiếu học, ham học chưa bao giờ mất đi trong cậu bé.

16 tuổi, Chung đòi mẹ cho đi bộ đội. Ông còn nhớ như in, buổi chiều hôm ấy, mẹ ông cắp chiếc nón mê tả tơi ở nách, lẽo đẽo đi theo sau cậu con trai, nằn nì con đợi cứng cáp thêm một chút thì tham gia cách mạng, nhưng ý Chung đã quyết, không ai có thể ngăn cản.

Sau này, nhớ về hình ảnh mẹ liêu xiêu, nhỏ bé cắp chiếc nón mê đi theo cậu con trai, có gì đó nơi phía sau lồng ngực nhói buốt, khắc khoải không yên. Đó cũng là lần cuối cùng cậu gặp mẹ. Cậu từng nghĩ, học phỏng có ích gì khi nước mất, nhà tan, đó là lý do cậu xếp tạm bút nghiên lên đường theo tiếng gọi non sông.

Nhưng, dù ở bất cứ chiến trường nào, tài năng văn chương, văn nghệ của cậu cũng được lãnh đạo chú ý và nó có ý nghĩa nhất định, giống như dòng suối mát lành xua tan cuộc chiến tranh vốn vô cùng khốc liệt.

Nhớ về các bóng hồng đi qua trong đời, Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung cười hiền hậu: “Những kí ức tuyệt đẹp, những cảm xúc trong trẻo như nắng mai buổi sớm khiến chúng tôi tạm quên đi bom mìn, khói lửa.

Mối tình đầu của tôi là một mối tình đơn phương giấu kín. Lúc ấy tôi mới 18 tuổi, thuộc đơn vị tiểu đoàn 40, sau chuyển sang tiểu đoàn 79 của sư đoàn 305, phụ trách tiểu ban văn nghệ khu V. Hồi ấy, tôi si mê một cô văn công tên Kính, là con gái của một nhà thơ có tiếng lúc bấy giờ.

Cô ấy có vẻ ngoài mặn mà, tính tình khi dịu dàng, khi sôi nổi, được rất nhiều chàng trai yêu mến. Có một chút gì đó tự ti cố hữu của người đi lên từ lầm than, tôi không dám thổ lộ với cô ấy. Chúng tôi làm việc cùng nhau, thảo luận với nhau các chương trình văn nghệ, nhưng chưa bao giờ tôi dám thổ lộ tình yêu với cô ấy.

Cứ lặng lẽ, âm thầm theo sát mọi hành động, tâm tư của cô ấy như cái bóng, nhưng một lời sau cuối, quan trọng nhất lại không dám mở lời. Sau này, cô ấy theo đoàn tới chiến trường khác, để lại trong tôi cùng nhiều chàng trai đơn vị đó nỗi ngẩn ngơ, luyến tiếc.

Một cảm xúc đủ mạnh để khẳng định đó không phải phù du, nhưng tôi chưa đủ dũng cảm để níu chân người thương ở lại. Yêu đơn phương tình đầu nhiều nỗi buồn và ám ảnh nhiều năm tháng sau này, nhưng không vì thế mà tôi không mở lòng đón nhận tình yêu mới.

Người con gái thứ hai tôi yêu tên Việt. Cô ấy có suối tóc sát đất, mơ màng chảy dài như mùa thu. Việt là văn công, múa đẹp như chim công. Còn tôi lúc ấy là Chính trị viên của đoàn văn công quân khu V.

Hồi ấy, yêu đương là một điều cấm kỵ, bởi kháng chiến những năm 61 đang ở giai đoạn cam go, tình yêu đôi lứa có thể gây xao nhãng nhiệm vụ chung của tập thể, cấp uỷ đơn vị tôi công tác có nghị quyết: không được yêu văn công.

Cô ấy cũng có tình cảm với tôi, nhưng vì rào cản quá lớn, cả hai cùng nén lòng lại. Đoàn văn công của cô ấy ra miền Bắc, hôm liên hoan chia tay, tôi và cô ấy cùng ngồi một mâm, có thêm cả đồng chí Võ Chí Công. Thấy mặt tôi buồn rượi, Võ Chí Công chọc vài câu để khuấy động không khí.

Hôm sau, cô ấy đi thật. Cho tới tận 4 năm sau, chúng tôi mới gặp lại nhau. Nghe đâu cô ấy mới lấy chồng trước khi gặp mặt không lâu. Lúc gặp lại, cả hai chỉ biết cười buồn, ngậm ngùi nhìn nhau trong nuối tiếc. Tôi cũng trải qua vài rung động nữa, nhưng có lẽ phận mình kém duyên nên cánh cửa hôn nhân vẫn chưa tra đúng chìa khoá…”.

Bước qua tuổi thanh niên sôi nổi, tuổi trung niên ùa về lầm lụi, trở thành Phó chủ nhiệm chính trị đoàn 890 đại diện bộ quốc phòng hướng Tây Nam, nhiều năm mải miết ở chiến trường Campuchia, khi trở về cũng là lúc chơi vơi nửa con dốc cuộc đời. Ông không lập gia đình và chọn cho mình tình thương mến người dưng làm của cải.  

Gặp Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, vừa khâm phục, vị nể người lính bình dị, lặng thầm một đời cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, vừa có gì đó xa xót cho tuổi già bóng xế. Cũng may, xung quanh ông có vô vàn bạn bè, đồng đội cũ, có văn thơ làm tri kỷ, tri âm bầu bạn, sẻ chia. Vì lẽ đó, ông luôn cảm thấy mình “giàu có” và “đầy đủ”.

  • Du Mục (Bài viết có tham khảo tư liệu của nhà thơ Thu Bồn)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc