Người mang mật danh F5 “giả gái” trong biệt đội tình báo Thiên Nga (I)

09:40, Thứ tư 14/09/2011

( PHUNUTODAY ) - Có một thanh niên của quê hương Đồng Khởi Bến Tre, vì căm thù giặc mà quyết “hy sinh đời trai” để “giả gái” trà trộn vào tổ chức nữ tình báo Thiên Nga của Bộ Tư lệnh Cảnh sát chính quyền Sài Gòn (trước năm 1975) hoạt động suốt 5 năm mà không chút sơ hở nào.


Nhưng cho đến một ngày nọ, chuyện oái oăm đã xảy ra: con trai của Đại tá, Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) đem lòng yêu say đắm và đòi làm đám cưới với "cô nữ" biệt đội tình báo Thiên Nga giả gái làm anh vô cùng lúng túng, khó xử. Anh sợ nhiều chuyện bất lợi xảy ra khi bị lộ là một “mỹ nữ có râu” nên báo cáo tổ chức xin rút…

Ngày đất nước hòa bình, thống nhất, một lần nữa anh phải rất khó khăn để “làm lại đàn ông” bình thường. Đó là giai đoạn nhiều lo lắng, đấu tranh trong lòng anh, còn hơn cả việc ngày xưa “chuyển giới tính” bằng một liều thuốc tiêm. Và điều kỳ diệu đã đến: anh cưới vợ và sinh cả thảy 5 người con.

Hiếm có ai như anh, từng chuyển từ cực dương sang âm và trở về điểm xuất phát. Từ một thanh niên biến thành một cô gái rất xinh đẹp, sinh hoạt, giao tiếp với biệt đội tình báo Thiên Nga của địch nhiều năm liền mà không ai biết. Khi hoàn thành nhiệm vụ, đúng vào lúc chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, anh thoát hiểm an toàn, trở về với người đàn ông ban đầu.

Trải qua bao nhiều cơ cực, nghèo khó tha phương cầu thực tròn 10 năm, một ngày kia anh bỏ quê Dừa lên rừng Mã Đà (Đồng Nai) để khai hoang, lập nghiệp. Giờ đây, sau hơn 15 năm tạo dựng, anh có trong tay một cơ ngơi đàng hoàng, ăn nên làm ra. Người chiến sĩ tình báo “giả gái” năm xưa nay là một tỷ phú của rừng Mã Đà - Trị An. Câu chuyện về đời anh nghe cứ như một chuyện thần kỳ, thần thoại giữa đời thường.

Anh là chiến sĩ tình báo Huỳnh Văn Thắng (Năm Thắng) từng có 5 năm mang tên một cô gái Huỳnh Thị Thanh - là đội viên biệt đội Tình báo Thiên Nga, Phượng Hoàng của địch.

Biệt đội tình báo Thiên Nga - Đội quân gián điệp chân dài

Thiên Nga là tổ chức nữ tình báo do Bộ Tư lệnh cảnh sát chính quyền VNCH thành lập tháng 8/1968 dưới sự cố vấn của CIA với nhiệm vụ thu thập tin tức, xâm nhập và phá vỡ các đường dây cơ sở cách mạng. Các đội viên biệt đội được tuyển lựa, huấn luyện rất công phu, toàn là những cô gái trẻ đẹp như tiên nữ tuổi từ 18 đến 25.

Hoạt động của tổ chức nữ tình báo này được triển khai tại tất cả các tỉnh thành Miền Nam, đặc biệt tại các tỉnh thành có phong trào đấu tranh cách mạng mạnh như Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bến Tre, Tây Ninh, Bình Thuận, Kiên Giang…

Sau cuộc Tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu Thân, Chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) tăng cường lực lượng Cảnh sát bảo vệ an ninh mục đích là để ngăn chặn sự xâm nhập vào các đô thành miền Nam bằng đường bộ và đường thủy của các lực lượng tình báo, biệt động cách mạng.

Do đó, tháng 8/1968, Bộ Tư lệnh Cảnh sát QG VNCH thành lập một tổ chức toàn là phụ nữ có tên là Biệt đội tình báo Thiên Nga, trực thuộc Khối Đặc Biệt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát QG VNCH, tổ chức này hoạt động độc lập. Nhiệm vụ của Biệt đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức, chỉ điểm các tổ chức Việt Cộng, xâm nhập và phá vỡ các đường dây liên lạc, tình báo của Việt Cộng tại đô thành Sài Gòn và các địa phương.

Biệt đội Thiên Nga Thủ Đô gồm mười một quận của Đô Thành, có văn  phòng tại Bộ Chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Thủ Đô và Cảnh sát Quốc gia ở các Quận.  Ngoài ra còn có Biệt đội Thiên Nga Vùng I, Vùng II, Vùng III, Vùng IV tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Các đội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nhân viên gửi về Sài Gòn, Biệt Đội Thiên Nga Trung ương gửi đi thụ huấn các khóa học tình báo tại Trường Tình báo Trung ương ở đường Cộng Hòa, Sài Gòn. Các chị em thành viên biệt đội Tình báo Thiên Nga ít nhất phải có bằng Trung học Đệ Nhất cấp, trừ quả phụ của Cảnh sát thì không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng Tiểu học. Các sĩ quan tình báo Thiên Nga thì phải có bằng Tú tài hoặc cao hơn.

Các nhân viên được tuyển lựa gồm các chị em ở mọi lứa tuổi, ưu tiên các thiếu nữ chưa lập gia đình, có chiều cao, trẻ đẹp và mọi thành phần khác nhau trong xã hội, từ người bán hàng rong, bán cá dạo, mua bán hàng trên ghe tàu, xe cộ cho đến  thư ký văn phòng hay cô giáo, vũ nữ… các nữ nhân viên tình báo lần luợt được học qua các lớp “tình báo căn bản” bốn tuần,  khóa “ theo dõi” sáu  tuần và “cán bộ điều khiển” tám tuần…
1
Năm Thắng giả gái

Trùm biệt đội này là tên Nguyễn Thị Thanh Thủy, mang hàm thiếu tá. Xuất thân từ một gia đình nhà giáo ở đất Mỹ Tho. Lớn lên theo học trường Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho), sau đó thi vào Đại học Y khoa Sài Gòn, học dở dang thì nghỉ vì lý do sức khỏe. Sau đó Thủy theo học trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt và tham gia vào khóa huấn luyện tình báo do CIA Mỹ lập ra, thành lập tổ chức Thiên Nga. Năm 1975, Thủy bị bắt cải tạo 14 năm, sau ra tù xuất cảnh sang Mỹ định cư theo diện HO.

Từ sau tết Mậu Thân 1968 đến 1971, liên tục nhiều tổ chức cán bộ của ta hoạt động trong lòng địch bị lộ. Nhiều cán bộ bị bắt giam và bị giết hại. Đặc biệt tại các vùng tạm chiếm, ấp chiến lược, rất nhiều cán bộ điệp báo, quân báo Cách mạng bị bắt tù đày…tất cả do tổ chức mật thám chỉ điểm này gây ra.



Từ nhỏ đến khi lớn lên, Năm Thắng có vóc dáng điệu bộ rất ẻo lả, thêm màu da trắng như bông bưởi nên khó mà phân biệt được gái hay trai. Có người gọi là bóng, gọi vậy thôi vì thời trước hiện tượng này không nhiều, không ai để ý. Hàng ngày, Năm Thắng thường mặc áo quần bà ba đi bán bánh bò, bánh dừa, bánh chuối dọc các bến xe, chợ Ngã Năm, bến đò, ai cũng biết, cũng thương.

Con nhà nghèo, mấy anh tham gia Cách mạng từ nhỏ, nên Năm Thắng phải đầu tắt, mặt tối phụ mẹ nuôi em nên không cần sĩ diện, mắc cỡ gì cả. Người dân ở quê không độc miệng như người thành thị. Biết Năm Thắng là con nhà nghèo, chịu khó buôn gánh bán bưng là rất thương và quí mến. Dù sao vẫn hơn nhiều đứa tơ hớ, bảnh bao suốt ngày mà lông nhông phá làng, phá xóm hoặc làm tay sai cho giặc.

Năm 1968, trong một bữa đi bán bánh dạo về sau dịp Tết đánh nhau dữ dội, Năm Thắng chứng kiến sự hy sinh anh dũng của người anh thứ ba Huỳnh Văn Tác và đồng đội anh, trong lòng Năm Thắng nuôi ý chí căm thù bọn giặc rất sâu sắc. Anh nghiến chặt răng thề sẽ trả thù cho anh trai.

Năm Thắng tức điên lên, nhảy chồm chồm đòi lấy dao chặt dừa tìm bọn cảnh sát VNCH chém chết cho hả giận. Bà mẹ mấy lượt can ngăn, ôm anh vào lòng an ủi, phân tích thiệt hơn. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Định Thủy, Mỏ Cày kiên cường, quật khởi, từng là cái nôi của cuộc Đồng Khởi 1960, người dân Đồng Khởi rất hiểu biết nên đấu tranh, chống lại kẻ thù bằng phương pháp gì có hiệu quả, thành công nhất.

Năm đó 17 tuổi, Năm Thắng được xã cử đi học lớp cứu thương mấy tháng liền để phục vụ cứu thương binh và cũng chính thức từ đó anh trở thành chiến sĩ tình báo. Học xong, Năm Thắng được giao đi làm liên lạc, lấy tin tức của Đài Tiếng nói Việt Nam từ Hà Nội và Đài Phát thanh Nam Bộ phục vụ cho các đơn vị tuyên huấn, bộ đội địa phương kịp thời nắm bắt tình hình chiến sự và chiến trường cả nước đánh Mỹ- VNCH. 

Cùng thời điểm này, tại thị trấn Mỏ Cày và các xã, lực lượng tình báo Thiên Nga của địch đã hoạt động khá mạnh, cài cắm sâu vào hàng ngũ ta, nhiều tên chỉ điểm tại căn cứ và những vùng giáp ranh, giúp bọn địch phát hiện bắt bớ và thủ tiêu nhiều cán bộ của ta. Nhiều mối lo âu, hoài nghi nhưng chưa thể tìm ra nguồn gốc từ đâu vì bọn này được huấn luyện, trà trộn rất tinh vi, xảo quyệt.

Làm sao ai ngờ được, cô gái xinh xắn luôn vồn vã, tươi cười bán trái cây đầu chợ là biệt đội viên tình báo Thiên Nga? Làm sao nhận được gã chạy xe máy xồng xộc lao vào mọi con rạch để bán hàng rong, mua đường mía, hành nghề thiến heo, chích ngừa là thám báo của địch? Chỉ cần một sự bất cẩn rất nhỏ, lập tức cơ sở bị lộ ngay.

Tình hình đó, Ty Công an Bến Tre đã được chỉ thị cấp trên, phải tìm cách cài người mình vào trong lực lượng biệt đội tình báo Thiên Nga với mục đích tìm hiểu, phát hiện những kẻ chỉ điểm, thám báo mà Thiên Nga đã cài cắm để tiêu diệt, ngăn chặn tội ác mà chúng gây ra.

Tình cờ, vào đầu năm 1970, trong một lần Năm Thắng chăm sóc sức khỏe cho ông Ba Hội- Trưởng Ty Công an Bến Tre, đang về Định Thủy, Mỏ Cày thành lập tổ chức tình báo. Nhìn thấy dáng vẻ như con gái, nghe giọng nói nhẹ nhàng của anh, một ý nghĩ lóe sáng trong đầu vụt lên, đột nhiên ông Ba Hội ngồi dậy hỏi anh: “Tao thấy mày trắng trẻo, xinh xắn, nhìn như …con gái. Hay là mày “giả gái”vô làm trong đội Thiên Nga đi Năm Thắng?”.

Hôm sau, ông Ba Hội, ông Sáu Đạo (Phó Ty Công an) và ông Đặng Tấn Phong - cán bộ Ty được cử về địa bàn tìm người xâm nhập tổ chức tình báo Thiên Nga dụng kế “lấy độc trị độc” gặp riêng Năm Thắng giao nhiệm vụ.

Nhận lệnh cấp trên giao, Năm Thắng vừa mừng vừa lo lắng rất nhiều. Anh kể lại: “Cấp trên giao cho tui trong vòng 6 tháng phải tìm cách lọt được vào đội Thiên Nga, vì thế tui phải về nhà để má tui dạy làm…con gái. Lo tiền “đút lót” để được vào biệt đội Thiên Nga”.

Sẵn tính “bong bóng”, nên Năm Thắng không lo lắng nhiều về hình dáng, điệu bộ, nhưng lo nhất chỉ hai việc: giọng nói con gái 100% và giới tính. Nhất là sau này tiếp cận chị em Thiên Nga khác, lại phải lo việc sinh hoạt, ăn ngủ chung với nhau.

Những ngày sau đó, Năm Thắng bắt đầu tập luyện chuyển “giới tính”, anh phải tập đi giày cao gót, học nhảy đầm, ăn uống điệu nghệ, nâng ngực mặc áo ngực, để tóc dài, gội đầu bồ kết… Quen chân dép lê lệch bệch đầu đường xó chợ nên tập đi giày cao gót, Năm Thắng ngã trẹo chân mấy lần. Tìm hiểu mấy chị em nhà giàu thường xài hàng nội y hiệu gì, nước hoa hãng nào, Năm Thắng mua về tập mặc vào người…cho giống một thiếu nữ sang trọng, quý phái khác hoàn toàn con nhỏ bán bánh dừa.

Khó khăn nhất là việc “hy sinh đời trai” để biến thành con gái. Năm Thắng từng nằm vật vã cả ngày đêm để suy nghĩ chọn lựa. Nghe mấy chú, mấy anh nói bác sĩ có loại thuốc khi chích vào sẽ làm “teo” bộ phận sinh dục đàn ông lại, do đó việc sinh hoạt chung, ăn ngủ với các mỹ nữ trong đội tình báo Thiên Nga không sợ “tính dàn ông” trỗi dậy bất thường thì sẽ bại lộ.

Dự liệu này chỉ là phòng hờ trong những trường hợp bất khả kháng, bình thường các thành viên như anh chỉ tụ tập nhận lệnh, nghe kế hoạch rồi trở về với thúng hàng rong làm tai mắt che đậy hoạt động.
Ông Năm Thắng
Ông Năm Thắng
Ngày đó, Năm Thắng chưa hình dung chính xác việc này sẽ ra sao, hậu quả lâu dài là gì, anh chỉ nghĩ duy nhất một việc: nếu trả được thù, góp công cho Cách mạng diệt giặc thì anh quyết sẽ làm. Nhớ lại chuyện này, Năm Thắng bồi hồi: “Phải mất nhiều ngày đêm suy nghĩ, giằng xé lương tâm. Sợ sau này mình vĩnh viễn không làm được đàn ông thì sao? Nhưng nghĩ đến cái chết của anh Ba và nhiều cán bộ khác, lòng căm thù lại thôi thúc quyết tâm hy sinh đời trai để trả thù giặc, vì nước quên thân”.


Cụ bà Trương Thị Chánh, mẹ của Năm Thắng được biết nhiệm vụ tối mật này. Bà Chánh trở thành người thầy gần gũi nhất dạy cho Năm Thắng cách làm... "con gái". Cụ kể lại: “Hồi đó tui phải hướng dẫn đường đi, nết ở, dạy nó cách gội đầu bằng lá sả, lá hương nhu, bồ kết cho tóc mượt, cách mặc áo ngực, rồi thì trong giỏ xách lúc nào cũng phải có những cuộn băng vệ sinh phụ nữ... Trong 5 năm, tui đã vay mượn tổng cộng 7 cây vàng để làm vốn cho "con gái"… đi buôn.”

Vào sâu hang ổ truy ra kẻ chỉ điểm và nhẫn nhục chịu trận

Chỉ qua mấy tháng khổ luyện, cuối cùng Mỏ Cày đã xuất hiện cô gái Năm Thanh (Căn cước mang tên Huỳnh Thị Thanh mật danh là F5) duyên dáng, nước da trắng trẻo, cao 1m70, chuyên nghề bán hàng rong từ khu vực Vàm Nước Trong đến bến Dừa Cháy. Hàng ngày, khi thì cùng xe trái cây, khi thì gánh xôi chè, bánh dừa, cô Năm Thanh đã đi khắp các nơi, có khi còn cố tình đi lộn đường, vào tận trụ sở của đội Thiên Nga để bán, tìm cách gây chuyện, làm quen.

Hồi này, ở Mỏ Cày ai cũng biết người đàn bà nổi tiếng bán trái cây tên Sáu Dung là đội trưởng biệt đội Thiên Nga ở Mỏ Cày, đội lốt buôn bán. Chị ruột Sáu Dung là Năm Mỹ, vợ của trùm mật thám Mười Râu nổi tiếng độc ác. Có ít nhất 4 cán bộ cốt cán ở trong vùng bị bọn Thiên Nga chỉ điểm, bị bắt và sát hại, khiến mọi người căm hận và lo âu thắc thỏm.

Sáu Dung hàng ngày buôn bán nhưng tai mắt khắp nơi. Gần đây, Sáu Dung chú ý đến con nhỏ bán hàng rong khá xinh xắn, dẻo miệng, hay la cà, buôn chuyện, nước da trắng trẻo. Nhìn thấy con mồi khá ngon, Sáu Dung chủ động làm quen, hỏi han rất ân cần như một người chị hiền.

Một hôm, nhân vụ Năm Thanh cố tình cãi nhau với mấy thành viên nữ trong đội Thiên Nga về chuyện làm đổ nồi chè của cô, Sáu Dung nhìn thấy ra can ngăn và kêu Năm Thanh vào trong phòng riêng. Sáu Dung ôn tồn khuyên bảo: “Em bán hàng rong lời lãi được bao nhiêu đâu. Nghe chị, vô đội Thiên Nga vừa nhàn hạ vừa có tiền nhiều”.

“Nhưng đâu phải tụi nó nhận tui liền đâu”- Năm Thắng kể. Để tạo niềm tin với bọn mật vụ, phải qua nhiều lần thử thách, xác minh lai lịch rất kỹ càng. Nhờ mấy chú lo khá đầy đủ, chu toàn nên bọn đàn em Sáu Dung, Mười Râu xác minh rất ưng ý.

Được tổ chức chỉ đạo, Năm Thanh còn chủ động cung cấp thông tin vài vụ việc “nóng” mang tính mật báo cho chúng khá chính xác để lấy lòng như: “Tối nay, tui nghe nói Việt Cộng sẽ đánh ở Ngã Ba” thì y như rằng đêm đó súng ống nổ rầm trời ở Ngã Ba. Hôm khác, Năm Thanh bí mật báo chị Sáu Dung hay: “Tối nay sẽ có du kích phục kích ở mé đồn”… thì quả thực sáng hôm sau bọn lính kiểm tra thấy có nhiều dấu vết du kích mai phục.

Vài lần Năm Thanh lấy lòng cấp trên thành công, Đội trưởng Sáu Dung, Mười Râu có vẻ tin tưởng vào Năm Thanh về sự chính xác, giỏi khai thác thông tin nên Sáu Dung đề xuất cho Năm Thanh chính thức được gia nhập biệt đội tình báo Thiên Nga. Nhiệm vụ các thành viên Thiên Nga vào các buổi sáng là tập trung tại trụ sở để báo cáo, lên kế hoạch hành động và nhận chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên. Phần thời gian còn lại hàng ngày, các đội viên trở lại vị trí cũ. Năm Thanh vẫn bán hàng rong, đi lại trong xã Định Thủy, tìm hiểu các thông tin về Việt Cộng.

Năm Thanh khôn khéo dựa vào chị kết nghĩa Sáu Dung, nên tránh né được nhiều vụ ve vãn, tán tỉnh của bọn cảnh sát, mật thám. Trong các chị em Thiên Nga ở Mỏ Cày, Năm Thanh là người được Sáu Dung, Năm Mỹ yêu thương, nâng đỡ nhiều nhất. Ngoài công việc, Năm Thanh còn là một đứa em gái ngoan hiền, dễ thương luôn cận kề bên Sáu Dung như vệ sĩ riêng.

Năm 1973, nhờ tỉ tê to nhỏ với chị kết nghĩa Sáu Dung, F5 đã phát hiện hai tên chỉ điểm là Phạm Văn Hương và Nguyễn Văn Tư (Tư Một)-thuộc đơn vị Ty Cảnh sát đặc biệt tỉnh hoạt động ở Ban nam (Tiểu khu Mỏ Cày) do Mười Râu chỉ huy, chuyên nghề bán men rượu và mua mía đường dạo. Chính hai tên này đã chỉ điểm cho địch sát hại 4 cán bộ của ta ở Mỏ Cày trước đó.

Nhân một lần đi họp trên trụ sở về, hai chị em uống cà phê tâm sự, Sáu Dung cao hứng tiết lộ: “Bên ban nam của anh Mười Râu có hai thám báo xuất sắc lập công, giúp tổ chức tiêu diệt 4 tên Việt Cộng, được cấp trên khen thưởng rất lớn. Ban nữ chị em mình phải cố gắng lập công…”.

Năm Thanh làm ra vẻ ngây thơ nói: “Chị Sáu ơi, mấy ảnh bên đó giỏi quá. Chị cho tụi em làm quen học tập mới được. Anh Hương, anh Tư Một hoạt động ở đâu vậy chị? Ảnh có đẹp trai không? Em làm quen để noi gương lập công cho Ban mình mới được.”

Nghe Năm Thanh tán dương, ca tụng và tâm huyết sống còn với nghề nghiệp chỉ điểm Thiên Nga, nên Sáu Dung bàn bạc với Trung úy Mười Râu cho Năm Thanh sang Ban nam một thời gian để học tập kinh nghiệm. Tất nhiên là Mười Râu đồng ý hoàn toàn. Thậm chí hắn còn tỏ ra mừng vui hớn hở. 

Trà trộn qua Ban nam chỉ một thời gian rất ngắn, nhờ nhan sắc và mỹ nhân kế, Năm Thanh đã có trong tay hai tấm ảnh của hai tên chỉ điểm Phạm Văn Hương và Tư Một, lập tức Năm Thanh bí mật gửi cho tổ chức để nhận diện và một số thông tin, lộ trình hoạt động của hai tên nhiều nợ máu này để sớm trừ khử.

Tiếp sau đó là tên chiêu hồi Ba Đằng, sau khi đầu hàng giặc đã hăng hái chỉ điểm lập công. Tất cả bọn chỉ điểm này đều được Năm Thanh báo cáo ra ngoài cho bên ta biết. Bọn này đã bị đền tội vì phản bội, cung khai cán bộ nằm vùng khiến bà con Mỏ Cày hả hê vui mừng. 

Có hôm đi bán hàng dạo, nghe bà con xầm xì chuyện mấy tên mật thám chỉ điểm đã bị đền tội, Năm Thanh giả lả “vậy hả?”: nhưng trong lòng vui sướng vô cùng. Cô đẩy xe trái cây đi xa và mỉm cười sung sướng một mình. Không ai biết được, cô gái bán hàng rong Năm Thanh là người đã lột mặt nạ mấy tên chỉ điểm, bắt chúng phải đền mạng.

Trong suốt 5 năm “giả gái”, Năm Thanh luôn được Sáu Dung và đội tình báo Thiên Nga tin tưởng tuyệt đối, không lộ một chút sơ hở nào. Nhưng Năm Thanh lại gặp quá nhiều áp lực vì nhan sắc xinh đẹp của mình. Suýt nữa là F5 bị lộ.

Một lần, bọn lính tràn vào nhà một bà lão tên Chánh, bắt gà vịt để nhậu. Bà Chánh tiếc của ra mắng chửi và giành giật, chúng đánh đập bà lão lăn quay. Năm Thanh đi bán hàng rong về ngang qua nhìn thấy nên lên tiếng can thiệp. Mấy tên lính hung hãn nhìn cô: “Ê, con nhỏ Việt Cộng kia, mày muốn gì hả? Cả mày tao cũng “thịt” luôn, ai dám làm gì tao”.

Năm Thanh tức giận trình thẻ chứng nhận thành viên biệt đội Thiên Nga và đe dọa: “Tao là Việt Cộng đây, bọn mày báo với chỉ huy, có biết anh Mười Râu (Đội trưởng Ban nam Thám báo Mỏ Cày) là ai không? Tao mà méc anh Mười thì bọn bây liệu hồn đó”. 

Bọn lính hoảng sợ, cầm thẻ biệt đội Thanh Nga mang tên Huỳnh Thị Thanh chạy đi tìm tên chỉ huy nhỏ to báo cáo. Sau đó cả bọn dạ rối rít, xin lỗi rồi rút lui. Nhưng cũng từ sau lần đó, cô bị bà con trong vùng phát hiện Năm Thanh làm tay sai, chó săn cho giặc nên khinh bỉ, mắng mỏ không chừa thứ gì.

Tội nghiệp nhất là bà Trương Thị Chánh mẹ Năm Thắng. Cặp mắt khinh bỉ của mọi người bắt đầu xa lánh bà. Có hôm ra chợ  chọn mua bó rau, vài con cá, bà bán cá giật xuống nói: Tui thà để nó thúi cho chó heo ăn, còn hơn bán cho loại người phản nước, hại dân làm chó săn”. Bà khóc, khóc từ đường về đến nhà mà không nói được nên lời.

Có người còn đến trước cửa nhà, chửi thẳng vào mặt mẹ Năm Thanh với lời lẽ nặng nề: “Chẳng thà bà đẻ hột vịt luộc ăn còn hơn đẻ đứa con làm tay sai cho giặc”. Bà Chánh chỉ còn biết ngồi khóc, không chống chế cũng không buồn giải thích vì yêu cầu phải giữ bí mật tuyệt đối an toàn cho con trai bà và tổ chức giao phó. Duy nhất chỉ có bà là biết rõ, con trai bà đang là chiến sĩ tình báo Cách mạng “giả gái” để hoạt động.

Người xưa có câu rằng: “Tránh vỏ dưa, gặp phải vỏ dừa” câu nói cửa miệng dân gian càng thấm thía hơn với Năm Thanh trong những năm tháng sống trong hang ổ địch đội lốt một thiếu nữ xinh tươi, trẻ trung bên cạnh những con quỉ dữ đói khát, dâm dục và háo sắc.

Làm cách nào để tránh bầy quỷ dữ luôn háo sắc? Nếu không khôn khéo, tinh vi sẽ rơi vào cạm bẫy của chúng và như vậy thân thế Năm Thanh sẽ bị bại lộ. Nhưng nếu từ chối thiếu khôn ngoan sẽ gây mất thiện cảm, hoặc cay cú vì tình càng khó cho hoạt động moi tin của Năm Thanh.

Một câu hỏi không dễ với một tình báo viên là phụ nữ, huống chi Năm Thanh là một “đấng mày râu” tu mi giả gái. Tình thế càng khó khăn hơn rất nhiều lần. Ấy vậy mà Năm Thanh đã vượt qua ải trần đường này một cách nhẹ nhàng, nhờ sự khôn khéo, dịu dàng và dựa dẫm vào tâm lý rất…phụ nữ.

Kỳ 2: Người bán bánh bao dạo trở thành tỷ phú rừng Mã Đà.
  • Hồng Phấn
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc