“Không phải chưa từng một lần chị mong muốn một cuộc sống riêng cho bản thân mình. Mong muốn có một người đàn ông yêu thương bên cạnh và những đứa con do chính mình dứt ruột sinh ra luôn là mơ ước của bất cứ người phụ nữ nào. Nhưng nếu phải lựa chọn, chắc chắn một điều tình thương yêu của chị đối với những đứa con không lành lặn mình đang nuôi dưỡng lớn hơn tất cả mọi điều, lớn hơn cả ngay chính bản thân con người chị…”
Những đứa con không lành lặn
Chị Trần Thị Thanh Hương tự nhận mình không phải là một bà tiên bước ra từ chuyện cổ tích, không phải là người nhân từ tới mức những ý nghĩ về một gia đình nuôi những đứa trẻ không lành lặn xuất hiện ngay từ những ngày đầu tiên.
Chị nói mọi chuyện đều diễn ra như một số phận đã được sắp đặt trước và ngày tháng qua gia đình của chị cứ lớn dần lên. Có thời điểm trong nhà có tới 166 đứa con.
Chúng có thể khuyết tật ở những bộ phận khác nhau trên cơ thể, ở những lứa tuổi khác nhau, sinh ra trong những hoàn cảnh chẳng giống ai. Có đứa còn cha, còn mẹ, có đứa cả cha mẹ đều đã mất. Nhưng khi đã trở thành con trong gia đình Thiện Giao, chúng đều có một điểm chung đó là chúng đều gọi chị Trần Thị Thanh Hương là mẹ.
Nhớ những ngày đầu tiên, đó là vào năm 1972, khi chị tới đoàn an dưỡng 253, có 2 đứa trẻ được gửi nhờ chị mang tới đoàn. Hai đứa trẻ ấy là Hằng và Lạc. Chị Thanh Hương đã từng công tác tại đoàn 198 – quân khu 7 miền Đông Nam Bộ, sau này chuyển về quân đoàn 125.
Chị Thanh Hương cùng các con |
Con của chiến sĩ là con của mình. Không đủ thủ tục nhập đoàn, chị đem hai con về nhà chăm sóc. Chị chăm sóc cho hai đứa trẻ khiến chúng cũng quấn quýt mẹ Hương không muốn rời xa. Là phụ nữ chưa chồng mà lại xuất hiện trẻ con trong nhà, điều tiếng cũng là điều chẳng tránh được.
Sợ hàng xóm láng giềng, người quen biết không hiểu đặt điều tiếng xấu, gia đình chị hết sức phản đối. Nhưng mỗi lần chị định giao lại con thì những đứa trẻ lại oà khóc bám lấy chị. Tình mẫu tử trong con người chị không nỡ để các con phải rời xa và cứ lần lữa hết lần này qua lần khác.
Sau năm 1975, các chiến sĩ thương binh mỗi lần đi khám bệnh hoặc có việc lại gửi con tới chỗ chị nhờ chị trông giúp. Lúc bấy giờ có rất nhiều người phải hứng chịu những di chứng của cuộc chiến tranh tàn khốc.
Những đứa trẻ sinh ra chẳng được như người bình thường. Đứa thì liệt tay, liệt chân, đứa thì thiểu năng trí tuệ, đứa thì là con liệt sĩ hoàn cảnh khó khăn.
Những ngày đầu chăm các con, chị vô cùng đau lòng khi chúng bị ném gạch, ném đá và chế nhạo. Chỉ cho tới khi vụ việc chất độc màu da cam được công bố, người ta mới hiểu và lúc ấy mấy mẹ con chị mới thở phào nhẹ nhõm.
Hiện nay tới gia đình Thiện Giao tại phường Ngọc Xuyên, thị xã Đồ Sơn người ta có thể thấy một gia đình ấm áp, dù còn nhiều khó khăn nhưng lúc nào cũng tràn ngập tình thương. Để có được như ngày nay, có lẽ đó là cả một quá trình vừa dài mà lại vừa ngắn.
Dài là bởi nuôi dưỡng, giáo dục một đứa trẻ bình thường không phải là điều dễ, tập luyện cho một đứa trẻ khiếm khuyết về chi biết đi là chuyện khó, dạy cho một đứa trẻ khiếm khuyết về trí tuệ biết sống độc lập còn khó hơn rất nhiều lần.
Những cũng có thể nói quãng đường ấy là ngắn, bởi mới ngày nào số đứa trẻ được nuôi nấng trong gia đình chỉ là 2 mà giờ đã lên đến con số hàng trăm.
Chị Thanh Hương trong chương trình “Người đương thời” |
Mới ngày nào chị còn là cô gái mong ước có một mái ấm gia đình trọn vẹn, mải chăm các con của đồng đội đã bước qua lứa tuổi 30 và giờ đã nhiều lần đối mặt với ranh giới sự sống cái chết.
Cũng có những người quan tâm và ngỏ ý với chị. Nhưng tiếc thay chẳng có ai muốn cùng chung con đường với chị, cùng chăm sóc những đứa con của chị. Và nếu bắt chị phải đứng trước sự lựa chọn, chẳng bao giờ chị từ bỏ những đứa trẻ của mình.
Một mình kiên trì với những đứa con không lành lặn, có lúc chị cảm thấy cô đơn vô cùng. Đó chính là những lúc trái gió trở trời bị ốm đau, chị chỉ ước bên mình có một bờ vai mạnh mẽ để tựa vào. Lúc ấy, chị chỉ biết úp mặt vào gối khóc thật khẽ để các con không nghe thấy hay chạy ra một nơi vắng vẻ hét lên cho thoả nỗi lòng.
Nhưng chỉ cần qua giây phút ấy, chị lại cảm thấy bình thường, lại quay trở lại với các con thân yêu. Chị đã từng ngâm lên những câu thơ rằng: Cái chữ mẹ trong yêu và tình nghĩa/Cấu xé đời ta, giết chết hồn ta/Ở hai phía bên nào cũng đúng/Theo bên nào cũng thấy ta sai.
Khoảng chục năm về trước, chị gặp lại một người đàn ông yêu thương mình trong khoảng thời gian chiến tranh trước đó, mặc dù chị không dành tình cảm cho người ấy. Người ấy đã ở bên chị chung tay xây dựng ngôi nhà chung và được các con trong gia đình yêu mến gọi bằng Bố.
Nhưng những năm ấy cũng là những năm cuối đời của người đàn ông mà sau này chỉ tới khi anh mất đi vì căn bệnh ung thư, chị mới nhận ra rằng thứ tình cảm trong mình dành cho người đàn ông ấy dường như chính là tình yêu.
Bản thân chị cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, phải đi cấp cứu ở bệnh viện rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ đánh gục được người phụ nữ mạnh mẽ ấy. Có lần chị phải cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp, mấy hôm sau cũng là sinh nhật chị, các con kể cả những người đã trưởng thành, thành công và có cuộc sống riêng đều tìm đến chúc mừng sinh nhật mẹ.
Ngày ấy cả căng tin của Bệnh viện Việt Tiệp đều đông kín bởi đại gia đình của chị, đó là sinh nhật đẹp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời chị.
Cho con nhảy hiphop để chữa chân, 5 năm mới biết quét nhà hoàn chỉnh
Chị Trần Thị Thanh Hương cho người ta cảm giác đầu tiên là một người phụ nữ vô cùng mạnh mẽ. Mà chắc chắn phải có một sự mạnh mẽ tuyệt vời, một tình yêu thương bao la vô bờ bến mới khiến người phụ nữ ấy có thể làm được tất cả, làm mẹ, làm thầy trong một gia đình đặc biệt như thế.
Chị dạy các con con chiến sĩ phải có tinh thần chiến sĩ, phải biết tự đứng dậy, tự sống mà không phải nhờ vả vào bất cứ ai. Trong gia đình Thiện Giao có 40% trẻ bị thiểu năng trí tuệ, con lại là trẻ khiếm khuyết chân tay.
Cá biệt có những đứa còn bị cả về thần kinh, cả về cơ thể. Chị Thanh Hương phải tìm những cách đặc biệt để dạy những đứa trẻ đặc biệt ấy.
Như cậu bé có tên Lương, sau khi mổ chân phải luyện tập sử dụng đôi chân. Không có thời gian lúc nào cũng ở bên cạnh con động viên việc luyện tập, chị sáng kiến cho con đi tập cùng nhóm nhảy hiphop ở gần đó.
Trước đây Lương đi 5m là ngã, giờ đã trở thành nguồn nhân lực chính mỗi khi cần xây sửa nhà, xách hai xô vữa chạy băng băng. Hay như cô bé Thêm chị phải kiên trì mất 5 năm để dạy con biết quét sân.
Lúc bảo quét thì Thêm chẳng chịu quét, lúc biết quét rồi thì trời mưa cũng ra quét. Mãi 5 năm sau Thêm mới biết phân biệt trời mưa và trời nắng, trời mưa thì không quét sân và khi trời nắng ráo, Thêm mới cầm chổi ra sân làm việc nhà.
Rồi đến việc dạy chữ cho các con, chẳng tìm được thày cô đến tận nơi dạy học, cũng chẳng đủ kinh phí cho tất cả các con đi xe buýt đi đến lớp học dành cho những người cùng hoàn cảnh, chị tìm cách tự dạy ở nhà.
Dạy theo kiểu truyền thống không được, chị nghĩ ra cách dùng điện thoại di động, thứ mà lũ trẻ luôn tỏ ra thích thú mỗi khi được cầm vào. Bắt đầu bằng cách nhắn tin. Các cô cậu đến tuổi cập kê thích nhắn tin cho chúng bạn và bắt đầu học dần các con chữ cái.
Thế là có gì chưa biết lại ra hỏi mẹ. Người biết nhiều dạy cho người biết ít. Trong gia đình trừ một số người bị tổn thương thần kinh, còn lại ai cũng có thể ra đường và đọc bất cứ tên của biển hiệu nào.
Bên cạnh những sự giúp đỡ hỗ trợ của mọi người xung quanh, không phải không có những người đặt điều xấu về chị: nào là lợi dụng sức lao động của các em, nào là bỏ bùa mê thuốc lú nên bao người đến giúp không công cho mình.
Nhưng chị biết đó chỉ là lời nói của những người chưa một lần đến với Thiện Giao, chưa thực sự hiểu gia đình của chị. Chị dạy các con kỹ năng sống, sinh tồn và tự lao động. Điều tuyệt vời nhất chị được học hậu cần quân đội và ở đâu cũng có thể tìm ra cách để tự chăn nuôi, trồng rau sinh sống.
Khi ấy, những đứa con của chị cũng học được cách tồn tại: đứa thiểu năng trí tuệ học cách tưới rau, đứa bị liệt thì lết ra làm cỏ, chọc lỗ trồng cây.
Điều hạnh phúc nhất của chị là mỗi một đứa con trưởng thành, có thể tự mình lo được cuộc sống riêng và không ít đã tìm được những thành công nhất định. Những lúc ấy các con lại quay về gia đình Thiện Giao và tiếp tục góp chút ít công sức cho gia đình chung của mình.
Những năm gần đây chị Thanh Hương đã chuẩn bị đào tạo sẵn một nhóm lãnh đạo bởi chị biết mình không thể sống mãi trên cuộc đời này cùng các con. Mỗi ngày chị dành 1 tiếng để đọc sách, học hỏi thêm cho bản thân mình và truyền thêm nhiều sức mạnh cho các con của mình.
Trong chị luôn mong ước và tâm niệm về việc xây dựng Thiện Giao thành nơi của những người khuyết tật tự làm tự nuôi và hy vọng những đứa con của mình sẽ được đóng bảo hiểm, được sống như những người bình thường khác.
Và có một điều ở Thiện Giao, những đứa trẻ có thể bất hạnh hơn những đứa trẻ bình thường khác nhưng có một điều chúng không bao giờ thiếu tại nơi đây, đó chính là tình yêu thương và lòng nhân ái của con người.
- Khánh Phong
[links()]