(Ảnh nóng) - Trong khi nước ngoài cúi mình nhặt rác dưới chân người Việt, thì người Việt lại phải được cho tiền mới không vứt rác bừa bãi.
Sáng nay 3/2 (tức 23 tháng chạp), hầu hết người dân đều ra các khu vực hồ, sông để tiến hành thả cá tiễn ông Táo về trời theo phong tục truyền thống. Tại khu vực hồ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) người dân lấy làm bất ngờ vì mỗi người khi thả cá không vứt túi ni lông xuống hồ sẽ được lì xì. |
Một nhóm thiện nguyện đã có mặt từ rất sớm dựng những khẩu hiệu bảo vệ môi trường dọc quanh bờ hồ và hướng dẫn người dân bỏ rác và túi bóng vào bao tải thay vì vứt xuống lòng hồ gây ô nhiễm và mất mĩ quan. |
Bác Nguyễn Thị Tảo (35 tuổi) một người dân đi thả cá phấn khởi nói: “Đây đúng là một hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, tôi sẽ tuyên truyền cho mọi người dân ở tổ dân phố không nên vứt túi bóng xuống hồ mà thay vào đó sẽ vứt vào thùng rác hoặc những nơi quy định”. |
Người dân vui mừng nhận bao lì xì sau khi thả cá |
Vẫn biết hành động tặng lì xì để người dân vứt rác đúng nơi quy định là rất ý nghĩa, nhưng dường như sự việc cũng dấy lên hồi chuông báo động về ý thức của người Việt. Vứt rác đúng nơi quy định sẽ làm cho môi trường sống của chính họ và gia đình trở nên sạch sẽ, trong lành và đẹp mắt hơn, rõ ràng ai cũng nhận ra đấy là hành động đúng, cần phải thực hiện nhưng không phải ai cũng làm. |
Phải chăng ý thức của nhiều người bây giờ đã đến mức phải được trả tiền để ngừng ném rác bừa bãi vào chính khu vực, thành phố mà mình đang sống, để góp phần giữ gìn mỹ quan, vệ sinh và bảo vệ môi trường? |
Cách đây không lâu, một nhóm người Nhật đã thực hiện hoạt động môi trường ý nghĩa là cứ vào cuối tuần lại cặm cụi nhặt từng mảnh rác quanh hồ Gươm do chính người Hà Nội vứt xuống. |
Ông Ninomiya - người Nhật Bản, giám đốc một công ty có trụ sở tại Hà Nội nhặt rác quanh hồ Gươm đã 1 năm nay. Một tay cầm túi nilon, tay kia một cái kẹp sắt dài, ông Ninomiya cặm cụi gom từng đầu mẩu thuốc lá, cái vỏ kẹo… mà những người Việt Nam vô ý vứt lại. |
Theo ông Ninomiya, tất cả những người Nhật tham gia nhặt rác tại hồ Hoàn Kiếm đều là nhà đầu tư hoặc chuyên gia kỹ thuật đang làm việc tại Hà Nội. |
Trong khi nước ngoài cúi mình nhặt rác dưới chân người Việt, thì người Việt lại phải được cho tiền mới không vứt rác bừa bãi. |
Khi chứng kiến những hình ảnh đối lập này, chắc chắn nhiều người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung sẽ phải thốt lên: Thật xấu hổ! Nhục nhã! |
Nhưng sau những lời đầy bức xúc ấy, mọi thứ dường như lại trở về vị trí cũ, người nhặt rác cứ nhặt, người vứt rác vẫn vứt. (Ảnh tổng hợp) |