Đời sống) - "Cần có những chế tài thật mạnh đối với những cá nhân chặt chém du khách, làm xấu hình ảnh quốc gia như cưỡng bức lao động", ông Phan Đình Tân, Phó Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết.
PV: Thời gian vừa qua ngành du lịch đã liên tiếp xảy ra các vụ việc "chặt chém", lừa đảo du khách nước ngoài.... Ông có biết và theo dõi những vụ việc này không? Là người phát ngôn của bộ quan điểm của ông thế nào?
Ông Phan Đình Tân: Ở Bộ VHTTDL có thành lập một tổ điểm báo hằng ngày để đọc các bài báo liên quan đến ngành. Những bài báo tốt để biết, còn những cái gì chưa tốt thì để báo cáo lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng ở Bộ có phương án chỉ đạo xử lý. Do đó những thông tin về các vụ việc taxi, xích lô, khách sạn "chặt chém", lừa đảo du khách, thậm chí nhiều thông tin khác mà dư luận chưa đề cập... chúng tôi cũng đều có kênh thông tin để biết.
Thực ra những hiện tượng này nó cũng phổ biến trên nhiều nước, không riêng gì ở Việt Nam. Nhưng những hiện tượng đó có thể nói không chỉ làm cho du khách khó chịu mà còn làm xấu hổ cho tất cả những người làm kinh doanh trong ngành du lịch. Con sâu làm rầu nồi canh. Những công ty du lịch khác, những hãng taxi khác, xích lô khác người ta làm tốt nhưng vô hình chung cũng bị mang tiếng lây vào những chuyện này.
Ngoài ra, đối với cơ quan quản lý nhà nước như thế cho thấy rằng công tác quản lý cần phải tăng cường mạnh mẽ hơn nữa và cần phải đề xuất những chế tài mạnh hơn để giảm thiểu tối đa những hiện tượng này. Ngoài cơ quan quản lý, trách nhiệm công dân, trách nhiệm nhà báo cũng tham gia vào để góp phần chấn chỉnh lại tình trạng du khách bị lừa đảo, nâng giá vô lối vi phạm luật và đặc biệt vi phạm đạo đức làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh quốc gia.
Và trước những vụ việc này, Bộ Văn hóa đã vào cuộc chấn chỉnh.
Trường hợp du khách Úc tới Hà Nội đi xích lô 5km phải trả 1,3 triệu đồng, đích thân Tổng Cục trưởng Tổng Cục du lịch đến tận nơi xin lỗi. Tất nhiên lỗi đấy không phải trực tiếp là lỗi của Tổng Cục du lịch nhưng đó là hình ảnh cần được ghi nhận. Người đứng đầu cơ quan du lịch đứng ra xin lỗi đó là một thông điệp, đồng thời cũng là nhắc nhở các cơ quan quản lí nhà nước như Sở VHTTDL Hà Nội, thanh tra của Sở VHTTDL Hà Nội cần có những biện pháp chấn chỉnh, rà soát kiểm tra thường xuyên hơn các hãng taxi, xích lô, chấn chỉnh nạn "xe dù", các công ty du lịch, kinh doanh vận tải phải có trách nhiệm quản lý nhân viên của mình. Đồng thời, những công dân phát hiện ra những trường hợp như thế cần cung cấp các thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước để xử lý kịp thời.
Lãnh đạo Bộ tuần nào cũng họp giao ban và luôn luôn nhắc nhở về tình trạng quản lý nhà nước về du lịch cũng như tăng cường công tác quản lý và bám sát hơn những cái công việc cụ thể. Ví dụ năm 2012, nhiệm vụ đột phá được lãnh đạo Bộ giao cho ngành du lịch là phải đảm bảo cho các nhà vệ sinh ở các điểm du lịch phải đạt chuẩn cấp quốc tế. Một việc tưởng nhỏ nhưng không phải nhỏ. Đi du lịch dù một việc khó chịu nhỏ nhất cũng sẽ ảnh hưởng tới tâm lý du khách và hình ảnh quốc gia.
Yêu cầu các đơn vị, các khách sạn nhà hàng niêm yết giá công khai, minh bạch rõ ràng.
Tuy nhiên, không nên trông chờ vào các cơ quan quản lý Trung ương mà các cơ quan quản lý địa phương ở các tỉnh/thành phải có trách nhiệm, cần tích cực, chủ động, trực tiếp phải đi kiểm tra rà soát những địa điểm, hiện tượng mà báo chí phản ánh để chấn chỉnh ngay.
Vai trò của báo chí trong thời gian vừa qua rất là tốt nhưng cũng nên sòng phẳng, một khi báo chí bình luận thì cũng không nên gán ghép cho cơ quan to nhất chịu trách nhiệm chuyện này mà bởi những thu nhập du lịch ở địa phương thì ở địa phương đó người ta quản lý, người ta thu nhập trực tiếp, nên họ phải có trách nhiệm trước tiên trong việc này. Trên địa bàn của Sở nào thì Sở đó, Tỉnh/Thành đó phải chịu trách nhiệm.
Cần có chế tài mạnh như cưỡng bức lao động đối với những cá nhân chặt chém, lừa đảo du khách |
PV: Cá nhân ông thì sao? Đã bao giờ ông rơi vào hoàn cảnh là “miếng mồi” của nạn “chặt chém” khi đi du lịch trong nước?
Ông Phan Đình Tân: Bình thường tôi đi taxi đi từ đường Nguyễn Chí Thanh đến Minh Khai cùng lắm cũng chỉ đến 100.000 đồng. Nhưng có hôm tôi đi buổi tối, bận quá vẫy phải xe dù hết hơn 200.000 đồng. Như thế là tăng trên 100%. Gặp những trường hợp như vậy vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, mình phải có thái độ rõ ràng không phải người lái taxi, xích lô nào cũng xấu, có những người có những nghĩa cử cao đẹp lắm.
Hay năm 2007, Tổng cục Du lịch phát động phong trào vệ sinh môi trường ở Sầm Sơn, Thanh Hóa. Có một người ở Tổng Cục du lịch cấp Vụ trưởng đi ra mua một thẻ nạp tiền nhưng cuối cùng cái thẻ ấy người ta dùng rồi sau đó người ta bôi lại để bán.
Buổi chiều tối, tôi ra bãi biển ngồi với anh Giám đốc Sở Thanh Hóa. Chúng tôi thuê 2 cái ghế và mua 2 chai bia. Khi đó họ nói 2 chai bia 2 chiếc ghế ngồi 1 tiếng hết 50.000 đồng. Nhưng đến khi đứng lên thanh toán họ nói 50.000 đồng 1 chai 1 ghế.
Tôi đã nói với anh Giám đốc Sở, bà con ở đây cái họ được thì ít mà cái mất của họ thì nhiều với những hình ảnh như thế. Nhưng theo cơ quan quản lý nhà nước ở Tỉnh nói rất khó quản lý, bởi đa số đều là những người làm ngư nghiệp. Khi cao điểm, họ tranh thủ sau đó lại trở về làm nghề, nên họ không nghĩ gì đến uy tín lâu dài mà chỉ mang tính thời vụ.
Tôi thấy thái độ và cách quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch và của những người kinh doanh du lịch của một số tỉnh vẫn còn yếu, chưa kiên quyết. Những trường hợp đó phải xử phạt nặng hoặc thôi không cho làm, đưa những người khác đến làm với cam kết rõ ràng. Kinh tế khó khăn, làm ra đồng tiền rất khó, kêu gọi du khách đến để người ta mang tiền đến cho mình nên cần phải có thái độ hết sức trân trọng, đối xử trung thực với nhau.
Khi đi công tác trên Bản Lác, Mai Châu Hoà Bình thì tôi lại thấy rất văn minh. Tôi thấy những hình ảnh như thế này khi vào mua hàng lưu niệm, chủ hàng bên phải thấy chủ hàng bên trái đi vắng nếu có khách thì người ta sẽ sang bán hộ, không có hiện tượng chèo kéo khách, khách đi vào cứ thế mua. Đó là những hình ảnh du lịch rất đẹp. Họ rất thân thiện, trung thưc. Tôi nghĩ mô hình du lịch này cần nhân rộng, một số khu du lịch nên đưa bà con lên đó học.
Hay có những làng quê tôi đến 1 lần và rất muốn quay lại nhiều lần, mặc dù ở đó, mức sống kinh tế người ta không cao nhưng người ta sống có văn hóa, sống chân thật giản dị và người ta rất trung thực. Đấy là sản phẩm du lịch. Mình đến đấy mình ăn uống, mua bất kỳ cái gì về mà không suy nghĩ gì kể cả 1.000 đến vài chục nghìn, 100 nghìn hay bao nhiêu chăng nữa mình nghĩ đó là sản phẩm văn hoá có hồn của làng quê trong đó. Bởi giá trị của nó là thật gắn với tình cảm chân thật của người chân quê, một nắng hai sương. Còn khi mình đi đâu mua một cái gì rất hào nhoáng nhưng mình nghĩ tới ở đấy có sự lừa đảo, y như rằng trong đó có bóng dáng của sự lừa đảo, nó không có giá trị gì hết.
PV: Nếu gặp nạn chặt chém, ông có báo với cơ quan chức năng không?
Ông Phan Đình Tân: Tùy theo tình huống. Nếu đi thăm người ốm thì lúc đó đang vội, không có cơ hội để giữ người ta lại, cùng lắm chỉ ghi biển số xe để báo với thanh tra giao thông hoặc cơ quan chức năng để kiểm tra. Nhưng vào nhà hàng, nếu có hiện tượng đó tôi sẽ thông báo với cơ quan chức năng đến để xử lý ngay. Bởi cái xử lý đó không phải là cái việc cho bản thân mình mà là để chấn chỉnh kịp thời ngay để không xảy ra trường hợp như thế đối với các du khách khác, đặc biệt là du khách nước ngoài, khi cơ hội quay lại ít hơn du khách nội địa.
Tôi nghĩ cần có những chế tài thật mạnh đối với những cá nhân chặt chém du khách, làm xấu hình ảnh quốc gia như cưỡng bức lao động, cho đi lao động để cho những người đó nhận thức ra được những việc làm của mình ảnh hưởng tới xã hội và phải trả giá như thế nào.
Bài tiếp: Đại sứ du lịch không là người xin lỗi
Phạm Lý (Thực hiện)
[links()]