Được điều về công tác tại trường Thiếu sinh quân, ông Hòe lại tiếp tục sự nghiệp trồng người, ươm mầm cho thế hệ nối tiếp mai sau. Nhưng như một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ, ông lại tiếp tục trở thành giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp đứng giảng cho con của những “học trò” cũ.
[links()]
Tình cảm thầy trò – đồng chí giữa ông và sáu vị tướng ngày càng gần gũi, thắm thiết. Ngoài giờ học, giờ làm, các ông lại mời thầy đến nhà trò chuyện, tâm sự, xem nhau như tri kỷ.
Cứ năm nào cũng vậy, đến dịp ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam (20-11) hàng năm, các vị lại tổ chức một bữa cơm thân mật kèm theo những món quà nhỏ để tặng người thầy kính yêu.
Trong hồi ức của ông vẫn còn nguyên vẹn những tình cảm thầy – trò khó phai và hôm nay ông kể lại với giọng nghẹn ngào “Hôm đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề nghị tổ chức một bữa cơm thân mật gồm tất cả thành viên trong gia đình sáu người cùng thầy giáo đến dự.
Các anh ấy tặng quà, mấy hộp xà bông, chiếc khăn mặt, hộp kem đánh răng… rồi quay sang mời rượu cho tôi say túy lúy. Đến lúc về, anh Thanh và anh Đạo, hai người hai bên nắm lấy tay tôi tiễn ra cổng.
Ba thầy trò đi bên nhau một đoạn đường dài. Đến lúc ra cổng, thấy tôi đi khuất bóng, hai anh mới quay trở vào. Những tình cảm thân thiết đó, tôi mãi không thể nào quên” Kể về những năm tháng đáng nhớ này, ông xúc động đọc cho chúng tôi nghe bài thơ:
“Tướng và tôi gọi nhau bằng anh – thầy giáo/Kính trọng – Thương yêu – Thân thiết – Tự hào/Thương các Anh dở dang đường học vấn/Tuổi cao còn trở lại buổi thư sinh… Nhớ anh Phạm Kiệt trả bài trôi chảy/Anh ôm tôi hôn nóng hổi/Nước mắt già lắng đọng ấm tâm tôi…”.
Dù 80 tuổi, nhưng thầy giáo già vẫn nhớ như in những kỷ niệm về sáu vị học trò “đặc biệt” năm ấy. |
Gắn bó với nhau được gần 2 năm, năm 1966, ông được lệnh đi B (vào chiến trường Quảng Trị) làm công tác chính trị và tổ chức văn hóa tại mặt trận. Ngày chia tay, sáu thầy trò ôm hôn nhau thắm thiết, không rời.
Ai cũng rơm rớm nước mắt hẹn ngày sớm gặp lại. Ông lại tiếp tục xách ba lô theo đoàn xe vận tải trở lại chiến trường.
“Khi đoàn xe 32 chiếc do tôi dẫn đầu, chỉ huy tiến vào địa phận tỉnh Thanh Hóa thì phát hiện máy bay địch bổ nhào ném bom. Chúng tôi không kịp đưa xe vào rừng giấu nên tất cả 32 chiếc đều bị dội tan tành, gần 40 chiến sĩ hy sinh trong trận ấy.
Tôi may mắn chỉ bị thương nhẹ ở tay nên tìm cách đi bộ vào khu IV để báo sự việc nhưng bị lạc giữa rừng gần một tuần lễ” – ông Hòe kể lại Việc đoàn xe của ông bị mất liên lạc đã khiến Thượng tướng Song Hào lo lắng, đứng ngồi không yên.
Ngay trong đêm, ông đã điện thoại vào khu IV hỏi thăm tình hình về người thầy của mình đang đi trên chuyến xe đó. Phía khu IV báo ra tất cả đoàn xe 32 chiếc đều bị trúng bom, hy sinh. Nhận được tin dữ, tướng Song Hào giàn giụa nước mắt thông báo cho năm vị “đồng môn”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh lúc bấy giờ đã chỉ đạo cho Tư lệnh quân khu IV phải tìm bằng được xác của các chiến sĩ hy sinh, trong đó có thầy giáo Doãn Mậu Hòe. Nhưng gần một tuần đào bới mà vẫn không tìm thấy, tin ông hy sinh được chuyển về miền Bắc.
Vị giáo già kể thêm “Khi tôi được một giao liên dẫn đến khu IV thì lãnh đạo chạy ra tay bắt mặt mừng, điện ngay cho tướng Song Hào là tôi vẫn còn sống. Ông ấy đã yêu cầu tôi vào trực tiếp nghe máy và trò chuyện một hồi lâu”.
Chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị được gần hai năm thì ông được lệnh ra Bắc về công tác tại Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi.
Những sự trùng hợp ngẫu nhiên
Được điều về công tác tại trường Thiếu sinh quân, ông Hòe lại tiếp tục sự nghiệp trồng người, ươm mầm cho thế hệ nối tiếp mai sau. Nhưng như một sự trùng hợp ngẫu nhiên kỳ lạ, ông lại tiếp tục trở thành giáo viên chủ nhiệm, trực tiếp đứng giảng cho con của những “học trò” cũ.
Đó là: Liệt sĩ Võ Văn Dũng (con trai của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt), Liệt sĩ Tiến Quân (con trai Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên), Hoàng Quốc Hùng, Hoàng Quốc Trinh (con trai tướng Hoàng Văn Thái)… Dưới mái trường này, nhiều học trò được ông dạy dỗ cũng đã thành danh, thành tướng.
Trong đó, có Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Đại tá Võ Minh Ấn – nguyên Phó Cục trưởng Cụ kỹ thuật Quân khu V, Thiếu tướng Bùi Quang Vinh… Nheo đôi mắt hằn sâu vết chân chim, ông hồi tưởng về một thời đã xa, nói giọng ngậm ngùi:
“Trong quãng thời gian 5 năm từ 1965 – 1970, Trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi đã đào tạo hơn 1.200 học sinh, trong đó có hơn 800 sĩ quan cao cấp hiện đang công tác tại các binh chủng, học viện, trường quân đội…
Nếu kể cả số được đào tạo bên ngoài thì trường có hơn 1.000 học sinh có trình độ Đại học, 100 học sinh có học hàm, học vị là Tiến sĩ, giáo sư.
Nhớ về cậu học trò cưng, liệt sĩ Võ Văn Dũng, ông Hòe hai mắt hoen lệ “Dũng là cậu học sinh thông minh, lém lỉnh. Ngoài giờ học, Dũng và Tiến Quân thường đến phòng của tôi để đọc sách và học thêm. Ba thầy trò chúng tôi đi đâu cũng có nhau, rất tâm đầu ý hợp.
Dù chưa kết thúc khóa học nhưng Dũng đã khăng khăng đòi ra trận đánh giặc. Nếu không cho sẽ bỏ trốn khỏi trường và tìm cách vào Nam. Tôi phải mất gần hai tuần lễ thuyết phục, động viên, Dũng mới nhận ra và đồng ý ở lại tiếp tục học tập, rèn luyện”.
Năm 1968, Dũng tốt nghiệp và xung phong vào miền Nam chiến đấu. Ngày chia tay, hai thầy trò ôm nhau khóc nức nở. Thế rồi, năm 1972, trong khi đang giảng bài tại trường, ông nhận được tin Dũng hy sinh tại Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang) trong một trận đụng độ với Mỹ - Ngụy.
“Lúc đó, tôi gần như khuỵu ngã, chạy nhào ra anh bảo vệ hỏi lại thông tin cho rõ. Anh nói chỉ nhận lệnh đi thông báo chứ không rõ sự tình. Tôi lập tức cho lớp nghỉ học sớm, chạy đến Tổng cục chính trị để xem có đúng sự thật là em Dũng đã hy sinh hay không? Họ trả lời rằng:
Đã có thư báo tử từ đơn vị Dũng gửi về kèm theo một số kỷ vật cho gia đình ở ngoài Bắc” – ông kể về nỗi đau khi mất đi một người học trò cưng xảy ra gần nửa thế kỷ. Kể đến đây, hai mắt người thầy giáo già đã ướt nhòe.
Thương cậu học trò nhỏ, ông cùng lứa học sinh khóa sau đã lập bàn thờ, dựng bia. Phải đến sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975) ông mới được tự tay thắp lên mộ học trò một nén nhang.
Ông Hòe ngậm ngùi “Trong số các học sinh các khóa tôi dạy năm ấy, có 28 người đã hy sinh anh dũng cho độc lập, tự do của đất nước. Nhiều em vào chiến trường nhưng vẫn thường xuyên gửi thư từ về hỏi thăm thầy giáo.
Tôi cũng viết thư động viên các em vững vàng chiến đấu, thắng lợi sắp đến gần. Nhưng không ngờ kẻ đầu bạc lại tiễn người đầu xanh, chiến tranh thật quá khóc liệt và tàn nhẫn”.
Sau năm 1975, ông tạm biệt phố phường Hà Nội để về công tác tại trường Quân sự Quân khu V. Ngày chia tay ông hôm ấy có đầy đủ những lớp học trò của nhiều thế hệ và hai vị tướng Hoàng Văn Thái và Thượng tướng Song Hào. “Trong sáu vị học trò ngày ấy đã mất hai, chỉ còn bốn người.
Nhiều em đến hôm ấy là thương binh, bệnh binh bị cụt tay, cụt chân phải ngồi xe lăn khiến tôi nước mắt lưng tròng. Các em vẫn nhìn tôi tươi cười động viên: ‘Không sao thầy ạ!, mình đã thắng và còn may mắn sống sót trở về, vẫn hạnh phúc hơn các anh em đã nằm xuống ngoài chiến trường nhiều’.
Bữa tiệc chia tay hôm ấy thấm đẫm nước mắt giữa kẻ ở, người đi. Lúc tôi lên xe, anh Hào và anh Thái còn lên xe tiễn tôi ra khỏi Hà Nội” ông nhớ lại. Về công tác tại Quân khu V, nhưng ông vẫn thường xuyên liên lạc với các học trò cũ để hỏi thăm tình hình, sức khỏe.
Đến năm 1979, tin dữ lại đến với ông khi cậu học trò Tiến Quân hy sinh ở mặt trận biến giới phía Bắc năm 1979. Ngay trong đêm ấy, ông lên đường trở ra miền Bắc để “gặp” lại cậu học trò lần cuối. Nhưng do đường sá đi lại khó khăn, khi ông tới nơi thì gia đình và đơn vị đã mai táng liệt sĩ Tiến Quân.
Một nén nhang muộn màng thắp lên phần mộ người học trò yêu dấu, ông dâng tràn nước mắt “Trước một ngày, em Quân ra chiến trường vẫn liên lạc với tôi để hỏi thăm sức khỏe thầy. Em nói ngày mai sẽ theo Sư đoàn lên chiến trường biên giới phía Bắc. Không ngờ em hy sinh….”.
Rồi những năm sau đó, những học trò như: Tướng Song Hào, Hoàng Văn Thái, Phạm Ngọc Mậu… cũng lần lượt ra đi. Tiếc thương những học trò “đặc biệt” năm xưa, ông đã viết bài thơ: “Thấm đậm chân tình”.
Trong đó có đoạn “Ba vị tướng đã thành người thiên cổ/Bao năm rồi tôi vẫn nhớ như in/Nhớ Hà Nội – con đường Hoàng Diệu thân quen ấy/Có tướng Hoàng Văn Thái sống nơi đây/Nhớ phố Lý Nam Đế hàng cây rợp bóng/Gặp cuộc đời tướng Phạm Kiệt, Nguyễn Chí Thanh…
Trong suốt hơn 47 năm khoác trên mình áo lính, có hơn 35 năm ông làm thầy giáo trực tiếp giảng dạy, đào tạo văn hóa cho các chiến sĩ, sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Với ông, những năm tháng đứng trên bục giảng là quãng đời tươi đẹp nhất, ân tình thầy trò sống mãi với thời gian.
Người thầy của sáu vị tướng trong Quân đội Việt Nam )
- Hạ Dương