“Báo cáo tình hình chính tả văn bản tiếng Việt” do Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty CP truyền thông và công nghệ VieGrid công bố ngày 28/7/2010 cho thấy tỉ lệ lỗi chính tả trung bình của văn bản tiếng Việt là 7,79%, cao gần tám lần so với chuẩn 1%.
Chữ Quốc ngữ là hệ thống chữ viết chính thức của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên theo ý kiến của GS.TS Đinh Văn Đức: "Chưa có bất kỳ văn bản nào của Nhà nước (cấp quốc gia) công nhận đó là quốc tự. Ngay cả tiếng Việt cũng chưa được ghi trong hiến pháp là ngôn ngữ quốc gia...". |
Chính vì vậy mà qua gần 400 năm hình thành và phát triển, Việt Nam hầu như vẫn chưa có chuẩn chính tả thống nhất cho chữ quốc ngữ. |
Một thực tế đau lòng là người ta có thể dễ dàng bắt gặp các dòng chữ sai chính tả hoặc sử dụng chữ cái không thống nhất ở khắp mọi nơi như: báo chí, băng rôn, biểu ngữ, quảng cáo... |
Qua khảo sát thực tế từ 120 biển hiệu các cửa hàng tại phố Mã Mây, Hà Nội, TS Nguyễn Hồng Cổn cho biết chỉ tính riêng việc viết địa chỉ cơ sở trên biển hiệu, ông đã ghi nhận có đến 23 trường hợp không thống nhất về chính tả. |
Thực tế này được TS Cổn gọi là đáng báo động, và ông đề xuất nên có quy định thống nhất về cách sử dụng ngôn ngữ trên biển hiệu, cũng như quy định chính tả cho ngôn ngữ biển hiệu dựa trên chuẩn chính tả chung. “Chúng ta vốn đã lộn xộn trong kiến trúc rồi, nay các biển hiệu cũng lộn xộn về ngôn ngữ nữa thì bộ mặt xã hội không đẹp” - ông nhấn mạnh. |
Với cách tiếp cận gần tương tự TS Nguyễn Hồng Cổn, ThS Đinh Xuân Hảo tiến hành khảo sát các “bảng truyền thông” (bảng hiệu, bảng quảng cáo, bảng thông tin, yết thị, biểu ngữ) và đưa ra báo động về lỗi chính tả trong các trường hợp này. |
Ví dụ thực tế về sai chính tả, từ những lỗi nho nhỏ xuất phát từ cách phát âm vùng miền như “hoa quả rầm”, “quà niu niệm” đến những lỗi lớn khó chấp nhận như dòng chữ “Văn phòng HĐND tỉnh Bạc Liêu đang khuẩn trương hoàn tất các công việc...”. |
Theo “Báo cáo tình hình chính tả văn bản tiếng Việt” do Viện Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty CP truyền thông và công nghệ VieGrid công bố ngày 28/7/2010 cho thấy tỉ lệ lỗi chính tả trung bình của văn bản tiếng Việt là 7,79%, cao gần tám lần so với chuẩn 1%. |
Ngay cả Bộ GD-ĐT cũng bất nhất với quy định của chính mình. Chẳng hạn, Thông tư 53/2012/TT-BGDĐT (ban hành ngày 20/12/2012) của bộ “Quy định về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và cổng thông tin điện tử…” có chỗ viết: “Tên miền của cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục là tên đăng ký sở hữu của cơ sở đó…”. Theo quy định của bộ thì đúng ra “lý” phải viết thành “lí” và “ký” thành “kí”. Tương tự là câu “thông tin trên các trang web được truyền tải bằng kỹ thuật đa phương tiện…”, “kỹ” lẽ ra phải viết là “kĩ”! |
Thậm chí hiện tượng sai chính tả đã lan sang cả lĩnh vực giáo dục, trong trường học... Mới đây nhất là chuyện "Vở luyện viết lớp 1 sai chính tả". |
Học sinh, sinh viên viết sai chính tả, không thống nhất trong các bài viết của mình là rất thường xuyên. |
Tuy nhiên, có một hiện tượng đáng lo ngại là các bậc phụ huynh vì muốn con cái theo kịp thời đại, hòa nhập với thế giới thường chỉ tập trung đầu tư cho con cái học tiếng Anh mà ít quan tâm đến tiếng Việt. Việc trình độ tiếng Việt của học sinh ngày càng thấp, hiện tượng sai chính tả ngày càng phổ biến thật sự rất đáng lo ngại. |
Hy vọng các cơ quan chức năng sớm có những quy định cụ thể và hợp lý để làm quy chuẩn chỉnh sửa những sai sót trong quá trình đọc, viết của người Việt, nhằm giải quyết một vấn nạn bấy lâu nay cho cả nước. (Tổng hợp) |