Theo thông tin trên báo Tiền Phong, chiều 24/9, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Ủy ban về Các vấn đề xã hội đã giải trình việc phân bổ nguồn lực và cơ chế điều hành thực hiện chính sách giảm nghèo rất sôi động và thú vị. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng các chính sách giảm nghèo vẫn mang tính bao cấp nên không giúp đồng bào thoát nghèo bền vững, Chính xác hơn, phải nói rằng các quyền lợi để xóa nghèo như một thứ lộc giời cho, có tên trong danh sách hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo, tỉnh nghèo....đồng nghĩa với việc được hưởng lộc giời!
Tự dưng được tiền thì ai chả muốn, thế nên mới có sự nghịch dị xảy ra trái với văn hóa 'sĩ diện' cao hơn núi của người Việt từ xưa tới nay: Thích nghèo chứ không thích giầu, thích nghèo để được hưởng tiền xóa nghèo! Mà giời ạ, số tiền giúp xóa nghèo ấy đến tay hộ nghèo có đáng là bao và cũng chẳng thể biết trước thời điểm nào trong năm thì được lĩnh? Đúng là lộc đến thình lình không báo trước cho nên cái sự mừng rỡ của người nghèo còn được nhân đôi!
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, ông Nguyễn Văn Tiên còn nhận thấy rằng: "phải giám sát, theo dõi dòng tiền hỗ trợ người nghèo, để tránh việc tiền hỗ trợ người nghèo bị “đọng lại” ở khâu trung gian mà không tới được người nghèo. Bởi có một thực tế , cứ mỗi chương trình nào liên quan tới người nghèo, người yếm thế, lợi ích lại không đến tay họ mà lại đọng ở khâu trung gian. Như chương trình nhà thu nhập thấp, nhưng người nghèo không mua được".
Chà, thế mới oách xà lách chứ! Hóa ra không chỉ dân nghèo thích được là hộ nghèo mà các quan phụ mẫu của chúng ta cũng...thích nghèo đấy nhé, các công bộc của dân chia sẻ cái nghèo với dân bằng cách cùng hưởng lộc giời phát chẩn cho dân nghèo. Nói đâu xa, cái gói 30 ngàn tỉ hỗ trợ dân nghèo mua nhà ở xã hội mà thực chất là cứu các đại gia BĐS đấy thôi: gói tiền thì khá to, người nghèo dĩ nhiên là khá nhiều nhưng có mấy ai được sờ đến đồng tiền mà chính sách dành ưu tiên cho mình đâu? Chỉ dăm ba đại gia BĐS được sờ mó cái gói 30 ngàn tỉ đó thôi và dĩ nhiên, các đại gia BĐS này cũng nằm trong danh sách phải xóa nghèo, cấm có được hiểu sai đấy nhé!
Thích nghèo như người Việt Nam |
Thế nên thông tin Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền cho biết tỷ lệ hộ nghèo từ 58% dân số năm 1993, đến nay đã giảm xuống còn khoảng 7,8% được coi là...tin buồn, bởi lẽ điều đó cũng ngang với việc số người thích nghèo không được hưởng tiền xóa nghèo nhiều như trước nữa, là đói thật chứ chả đùa! Nghĩa là nghèo thật ấy.
Nghĩ mà xem, nghèo sướng lắm chứ bộ, nhất là trong thời buổi giá xăng tăng, giá điện, giá của tất cả các mặt hàng từ chợ cóc tới siêu thị đều chạy maraton như hiện nay thì việc mình nghèo là may mắn là hạnh phúc. Viện nghiên Cứu kinh tế Trung ương đã chỉ ra rằng hộ nghèo mỗi tháng chính phủ đã hỗ trợ họ hơn 40 nghìn đồng tiền điện. Tiền được tính trả theo tháng cũng y như các công bộc của dân cứ cuối tháng là được lĩnh lương, cho nên suy ra cứ nghèo thì được...lĩnh lương; mà lĩnh lương từ ngân sách thì gọi là công chức, viên chức thế nên người nghèo cũng là công chức, viên chức, rất chi là oách nhé.
Càng ngẫm càng thấy thú vị không chịu được: chẳng ở đâu trên trái đất này mà dân và công bộc của dân lại thích nghèo và cái nghèo lại được tôn trọng, được thèm thuồng như ở ta. Nghèo thì lợi cho nên ta tạm gọi là: Nghèo vị lợi để phân biệt với cái nghèo rớt mồng tơi mà chẳng được cái cóc khô gì, thí dụ như cái nghèo của bố con ông Thanh người rừng hàng mấy chục năm không biết đến đồng tiền chẳng hạn.
Nói đến nghèo, người viết chợt nhớ ra câu chuyện của bạn Huyền Chíp. Dư luận mấy ngày qua xôn xao vì câu chuyện cô gái 9X bỏ có 700 USD mà đi được tận 25 nước. Ngay sau khi cô gái khoe về chuyến đi của mình Huyền Chíp đã nhận được cả rổ đá từ các bạn trẻ cũng như bạn đọc. Những người từng cho là mình giàu thì nghĩ rằng Huyền Chíp chém gió không biên giới. Tuy nhiên, trong trường hợp này có thể Huyền Chíp có tiền cũng không tiêu vì cô là người Việt thuần chủng như chúng ta nên cô có quyền nghĩ nghèo là vui, nghèo là thành tích. Đến thời điểm này, chuyến du lịch "nghèo" của Huyền chíp có thể xếp vào kỷ lục Việt Nam được rồi. Ấy vậy mà, có nhiều kẻ ghen tị với cái nghèo của Huyền chíp hoặc đố kỵ với thành tích vang dội của cô nên cứ nằng nặc đòi xem hộ chiếu rồi visa của em ý chỉ để chứng minh rằng em ý không có vinh dự được nghèo như mình! Kể cũng lạ thật.
Ơ hay, em ý đã trình bày rõ ràng những chuyến đi của mình như giả làm người Ấn Độ để hưởng vé tham quan của người Ấn Độ, hay như trong thâm tâm em trước khi lên tàu luôn có ý nghĩ làm thế nào để trốn vé, không mất tiền vé tàu.... Cái tâm lý này thì hầu như người Việt nào chẳng có? Giống như bao nhiêu người nghèo đang có sổ hộ nghèo khác, Huyền chíp cũng đang xin được gia nhập vào hộ những người du lịch nghèo nàn. Chấp nhận ăn bờ, ở bụi nhưng miễn sao được nghèo, được cả nước biết đến mình nghèo như thế này. Huyền chíp chắc gì đã không có tiền mà em ý chỉ không muốn thoát nghèo như bao người dân Việt đó thôi.
Xấu hổ gì chứ, ngay chúng ta đây, lên xe bus có vài nghìn đồng nhưng không bao giờ chủ động trả, tránh mặt được gã soát vé thì tốt nhất, còn nếu gã quắc mắt hỏi vé đâu thì mới xùy tiền ra mua đó thôi? Ấy vậy mà người ta cứ trách Huyền chíp, ném đá vào chuyến đi xứng đáng đoạt huy chương vàng về độ tiết kiệm và danh dự cao tuyệt của cái nghèo này. Tự hào quá đi chứ, cái nghèo muôn năm!