Chiều muộn, nhiều vỏ chai đã lăn lóc dưới gầm bàn nhưng bia vẫn tiếp tục được rót ra, những chiếc cốc vẫn giòn tan chạm nhau. Lúc đầu anh còn cương quyết không say không về, thế mà vừa kết thúc cuộc điện, anh đã đứng lên “Thôi, các chiến hữu tha lỗi, tôi phải về, con bé lại mè nheo rồi”. Âm lượng điện thoại khá lớn, nên chúng tôi đều biết anh vừa nói chuyện với con gái. Nếu thấy giọng vợ anh hẳn là cả hội sẽ ùa vào châm chích “ông chồng chất lượng cao” để anh nổi máu sỹ diện ngồi lại nhưng biết là công chúa bé nhỏ giục bố về thì chẳng ai lỡ…
Đôi khi, giữa giờ làm việc, lúc hoàn toàn tỉnh táo, anh tâm sự “Từ khi có con bé, mình về sớm hơn hẳn. Nghe giọng dẻo kẹo dỗi hờn của nó, không thể cầm lòng được. Có lần về muộn, nó dỗi không ăn cơm chứ. Nếu vợ gọi, có khi cáu lên quát, dù biết sai mà vẫn cáu ấy chứ. Nhưng là con mà lại con gái, nghe giọng nó, cảm giác lạ lắm. Về nhà mà vợ đợi, dỗi không ăn cơm có khi tự ăn rồi bảo vợ dở hơi, nhưng là con đợi dỗi không ăn cơm mình thấy ăn năn vô cùng”.
Nhiều bà vợ nghe thế, hẳn là sẽ tự ái lắm, vì hóa ra những ông chồng như anh đang vì con, đặt con ở vị trí quan trọng nhất chứ không phải vợ, hóa ra vợ chồng không thống nhất được với nhau, hóa ra lời vợ không có trọng lượng, hóa ra phải dựa vào con mới giữ được chồng, hóa ra vợ chồng không thực sự hiểu nhau, hóa ra....
Nhưng quy luật tâm lý con người thì có những điều cứ tự nhiên, đừng cố giải thích, đừng cố lý giải hay cố sắp xếp ai vị trí số một, ai vị trí số hai thì tốt hơn. Có lẽ vợ anh là người hiểu sâu sắc và an bằng chấp nhận, thậm chí “lợi dụng” tốt quy luật ấy.
Thế nên chị rất khéo kéo con về phía mình, những gì chị muốn anh làm nhưng biết mình nói ra thì thiếu trọng lượng, chị sẽ có cách dẫn dụ đưa lời nói đó lên môi con. Mà các ông bố rất dễ “tan chảy” khi nghe con nói, nhất là với con gái.
Anh là người nghiện thuốc, khi stress căng thẳng càng đốt nhiều thuốc. Lời nói từ khuôn môi của anh đều tử tế nhưng chị không thể yêu nổi đôi môi ấy vì mùi thuốc lá. Có lần anh trở về nhà, ghé tai nói đôi ba câu mà chị phải chạy vào nhà vệ sinh vì mùi bia pha trộn mùi khói thuốc. Ngày yêu nhau, anh cũng từng bỏ thuốc nhưng chưa được tuần lại quay quắt thèm rồi hút lại. Khi vợ có bầu cũng định bỏ nhưng vẫn không bỏ được, thỉnh thoảng lại chạy ra ngõ đốt điếu thuốc. Chỉ tới khi con gái bập bẹ nói “Bố bỏ thuốc đi, Nhi sợ mùi thuốc lắm đó” rồi ho vài tiếng thì anh quyết tâm bỏ. Hóa ra cứ ở bên con chị lại dạy con tác hại của thuốc lá khói thuốc, rồi bảo “bố hút thuốc sẽ hại sức khỏe lắm, hại sang cả nhà nữa”…
Anh mê tốc độ và thích chạy xe phân khối lớn. Điều đó khiến chị và bố mẹ anh liên tục cảm thấy bất an, nhất là khi anh cùng nhóm bạn tổ chức phượt đường dài bằng phân khối lớn. Chỉ đến khi con gái nói “Bố về rồi, mẹ ơi bố về rồi. Nhi lo cho bố lắm, mẹ cũng lo, hai mẹ con không ngủ đấy…”, thì anh mới thực sự thấy day dứt về chuyến đi của mình. Anh bảo “Khi có con rồi niềm vui của mình cũng cần điều tiết, sự an toàn của mình không chỉ dành cho mình mà cho con”. Thế nên tốc độ xe của anh được giảm xuống, những chuyến đi cũng ít hơn, có chọn lọc hơn.
Mỗi bữa tụ tập ăn uống, những người vợ khác cứ liếc mắt nhìn chồng khi thấy các anh ép nhau, còn chị vẫn vờ như mình thoái mái lắm. Thực tình là bởi lúc đó con gái bé bỏng lại lân la ngồi bên cạnh bố rồi dẻo kẹo “Bố đừng say nhé, bố phải đưa Nhi về nữa đấy, Nhi là công chúa của bố đấy”. Không chỉ anh, mà lúc ấy nhiều chú bác khác cũng phải dè chừng hơn trước đôi mắt đầy tha thiết của cô bé.
Tất nhiên chẳng bao giờ trước mặt chồng mà chị lại hớ hênh bảo con hãy nói thế này, thế kia đi. Tất nhiên con gái chị cũng thật là đáng yêu. Cứ thế thì không may lỡ bước lệch khỏi quỹ đạo gia đình, hẳn là anh sẽ day dứt lắm, sẽ vội đưa chân về vì có thể phản bội vợ nhưng làm sao có thể “phản bội” những đứa con đáng yêu dễ thương thế kia!