Người vợ tuyệt vời của cố Trung tướng Vương Thừa Vũ

( PHUNUTODAY ) - Bà đã từng mặc chiếc áo có nhiều miếng vá nhất làng để dành tiền nuôi chồng bị địch giam trong tù. Khi đã là vợ của 1 vị Trung tướng, bà vẫn đạp xe ra chợ Hàng Da để xin rau thừa về nuôi lợn.

(Phunutoday) - Bà đã từng mặc chiếc áo có nhiều miếng vá nhất làng để dành tiền nuôi chồng bị địch giam trong tù. Khi đã là vợ của 1 vị Trung tướng, bà vẫn đạp xe ra chợ Hàng Da để xin rau thừa về nuôi lợn.

Là vợ của một vị Tướng, nhưng bà đã sống một cuộc đời giản dị hơn cả một người phụ nữ bình thường. Ngày ông mất, bà dọn nhà từ ngôi biệt thự trên phố Hoàng Diệu về Liễu Giai sống, những người lính của ông trước đây đến dọn nhà giúp bà vẫn sững sờ về những gì họ nhìn thấy: tất cả những tài sản có giá trị nhất trong nhà ông bà chỉ là một chiếc giường đã bị mối ăn mọt chân, phải kê bằng gạch, một chiếc tủ đứng nhỏ, một bộ bàn ghế đơn sơ và một chiếc tivi đen trắng 12inch.

Đến khi bà mất vào đầu năm 2011 vừa qua, đồ đạc bà để lại cho con cháu vẫn vẹn nguyên như thế. Có rất nhiều câu chuyện nhỏ, kỳ lạ và cảm động về cuộc đời bà, về nhân cách sống của bà và những cái mà tôi vừa kể trên đây chỉ là một phần rất nhỏ trong những câu chuyện đó.

Người vợ lặng thầm hi sinh phía sau cuộc đời một vị Tướng

Ngôi nhà của bà Lê Thị Hợp – phu nhân của cố Trung tướng Vương Thừa Vũ là ngôi nhà giản dị nhất trong ngõ 19 Liễu Giai – nơi bà đã sống suốt mấy chục năm cuối đời sau khi ông mất. Khi đứng trước ngôi nhà đó, tôi đã rất ngỡ ngàng, vì không thể nghĩ rằng vợ của một vị Trung tướng lại sống bình dị đến thế.

Nhưng chị Nguyễn Thị Vân – con dâu của bà – đã nói với tôi rằng nếu tôi gặp bà lúc bà còn sống, nếu tôi bước vào bên trong căn phòng mà bà đã ở những ngày cuối đời, thì mới hiểu đến tận cùng sự giản dị và mộc mạc của bà.

Những tính cách đó đã ăn sâu vào máu thịt của bà từ khi bà còn là một cô gái tuổi ngoài đôi mươi, một nách nuôi mấy đứa con và nuôi chồng bị địch bắt trong tù cho đến tận lúc bà trở thành bà nội, bà ngoại, thành vợ của 1 vị Trung tướng quyền uy.

Mối lương duyên của vợ chồng Trung tướng Vương Thừa Vũ là do cha mẹ hai bên sắp đặt.

 Cha mẹ của ông bà đều là người Việt xa xứ, vì cuộc sống mưu sinh mà phải lưu lạc ở Trung Quốc làm ăn, buôn bán. Quen nhau trên đất khách quê người, vừa quý nhau bởi tình đồng hương, vừa mến nhau bởi tính cách, nên họ đã nguyện ước sẽ trở thành thông gia khi con trai, con gái đến tuổi trưởng thành.

16 tuổi, bà Nguyễn Thị Hợi trở thành vợ của Trung tướng Vương Thừa Vũ theo hẹn ước trước đó của hai bên gia đình. Dù đến tận lúc nên vợ, nên chồng mới biết mặt nhau, nhưng suốt mấy chục năm sau này, tình yêu và sự hi sinh mà bà dành cho ông đã khiến bất cứ ai chứng kiến cũng phải cảm động và ngưỡng mộ.

Ngày trẻ, Trung tướng Vương Thừa Vũ là học sinh của Trường Võ bị Hoàng Phố (Trung Quốc). Dù sống xa quê hương, nhưng lúc nào ông cũng ấp ủ ước mơ về nước để cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì thế ngay sau khi tốt nghiệp Trường Võ bị Hoàng Phố, ông đã trở về Việt Nam, tham gia vào hàng ngũ cách mạng. Khi đó, dù đang một nách nuôi 2 con nhỏ, bà Lê Thị Hợp vẫn theo chồng về Việt Nam, từ bỏ cuộc sống hạnh phúc, no đủ ở xứ người.

Chị Vương Mỹ Việt (con gái Trung tướng Vương Thừa Vũ) kể: “Những năm đầu trở về quê cũ ở Thanh Trì, Hà Nội là những năm tháng vô cùng khó khăn với mẹ tôi. Cha tôi vừa về nước hoạt động cách mạng đã bị địch bắt giam vào nhà tù Hỏa Lò. Vừa về nước, còn chưa hết bỡ ngỡ, mẹ tôi đã phải học buôn bán để nuôi hai con nhỏ và nuôi chồng trong tù”. Ngày đó, dù đã có 2 con, nhưng ở độ tuổi 20, bà Lê Thị Hợp vẫn là một người phụ nữ có nhan sắc rực rỡ.

Mỗi lần đến nhà tù thăm chồng, bà đều phải lấy nhọ bếp bôi đen lên mặt để bọn lính gác khỏi để ý, trêu ghẹo. Suốt mấy năm trời chồng bị địch bắt giam, đưa đi hết từ nhà tù này đến nhà thác, từ Hỏa Lò lên trại tù Căng Bá Vân (Thái Nguyên) rồi lại lên trại Nghĩa Lộ (Yên Bái), bà vẫn kiên trì gồng gánh con lên thăm nuôi ông đều đặn như thế.
 

 Hình ảnh bà một bên gánh con, một bên gánh hàng xén đi bán để kiếm tiền nuôi chồng và đi theo chồng từ nhà tù này đến nhà tù kia đã trở thành câu chuyện được nhiều người làng ông ở Thanh Trì nhắc tới cho đến tận sau này. Những người dân ở quê ông vẫn nói, ngày đó, bà là người mặc chiếc áo có nhiều miếng vá nhất làng. Bởi cứ kiếm được đồng tiền nào, ngoài phần để dành nuôi hai đứa con nhỏ, bà lại đi thăm chồng.

 Bà tiếc cả tiền mua tấm áo lành lặn mặc cho mình, bằng lòng với tấm áo vá chằng vá đụp, để dành dụm thêm được chút tiền thăm nuôi ông trong tù. Sự hy sinh và tình yêu thương mà bà dành cho chồng khiến cả những người lính coi ngục ở trại Căng Bá Vân (Thái Nguyên) cũng phải cảm động.

 Có lần khi bà lên thăm ông, vì thương cảnh bà lặn lội đường xa hết lần này đến lần khác để gặp chồng, có một người lính coi ngục đã đổi quần áo cho ông và tình nguyện thế chỗ của ông trong nhà tù 1 đêm, để vợ chồng ông bà có thời gian hàn huyên, trò chuyện sau mấy năm xa cách. Người con trai thứ 3 của ông bà cũng được thai nghén từ cái đêm hội ngộ đầy đáng nhớ ở trại tù Căng Bá Vân lần đó.

Việc chồng đi tù mà bỗng mang thai khiến bà phải chịu không biết bao điều tiếng suốt một thời gian dài. Nhưng bà không kêu ca, than vãn dù chỉ một tiếng. Bà đặt tên con trai là Vương Thiết Căng để kỉ niệm cuộc gặp mặt ở Căng Bá Vân rồi lẳng lặng làm lụng chờ chồng đi tù về, cam chịu mọi lời dị nghị của xóm làng mà không một lời giải thích. Mãi sau năm 1945, khi ông trở về, bà mới được giải oan.

Khi ông đi tù, bà nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi ông. Ngay cả đến lúc ông trở thành một vị Tướng uy quyền, bà vẫn một lòng hi sinh vì chồng như thế. Mỗi buổi trưa sau khi ăn xong, bà không ngủ trưa mà luôn đứng ở gần cái cửa sổ căn phòng nơi ông ngủ, chỉ để canh xem có con gà nào đến gần là đuổi, bởi bà sợ tiếng gà gáy sẽ làm ông thức giấc.

Suốt nhiều năm trời, trưa nào cũng như trưa nào, chỉ đến khi biết ông đã tỉnh giấc, bà mới yên tâm đi làm việc khác. Sự hi sinh, tận tụy của bà khiến ông lúc nào cũng cảm động và trân trọng. Lúc về già, ông vẫn thường kể cho con cái nghe về sự hi sinh của bà với tất cả sự yêu thương và biết ơn mà ông dành cho người vợ của mình.

Trong gia đình Trung tướng Vương Thừa Vũ, con cái ông bà đã học được rất nhiều cách cư xử của cha mẹ mình. Ngay cả ở thời điểm giữ những cương vị quan trọng trong quân đội, Trung tướng Vương Thừa Vũ vẫn luôn là người sống gần gũi, tình cảm.

Mỗi lần ông về thăm quê ở Thanh Trì vào dịp cuối tuần, ông đều dừng xe ở ụ pháo phía cuối làng rồi xuống đi bộ, băng qua cánh đồng hơn 1km để về nhà, bởi ông không muốn những người làng nghĩ mình quan cách. Tuy sống ở Hoàng Diệu và chỉ về quê vào dịp cuối tuần, nhưng ông vẫn thân thiết với tất cả những người dân làng ông, từ người già cho đến trẻ nhỏ.

Bất cứ chuyện gì xảy ra trong làng, từ chuyện vui đến chuyện buồn, ông đều biết và đều đến chia sẻ có trước, có sau. Nhiều người làng ông vẫn nói: “Không biết khi ra ngoài ông ấy là ông to bà lớn thế nào, chứ khi về làng, ông ấy chưa bao giờ thể hiện mình là một vị Tướng”.

Chị Nguyễn Thị Vân – con dâu ông bà - kể: “Bố mẹ tôi cư xử rất có trước, có sau với những chú cần vụ và bảo vệ cho ông. Đáng lẽ ra khi đã là vợ Tướng, mẹ tôi có quyền được đi chơi, được nghỉ ngơi, nhưng mẹ tôi không làm thế. Ngày nào bà cũng đạp cái xe đạp cũ, chở chiếc làn bằng sắt thật to do bố tôi làm, để ra chợ Hàng Da xin đồ thừa về nuôi lợn. Bà cứ nuôi cho đến Tết rồi lại thịt, để chia cho các chú cần vụ và bảo vệ cho bố tôi như một món quà tết.

 Trong năm mỗi khi bà mổ lợn, bà đều chia phần cho các chú, để các chú mang về cho vợ con, cải thiện bữa ăn gia đình. Số tiền bán mỗi lứa lợn, bà chẳng dám tiêu mà để dành tiết kiệm ki cóp từng chỉ vàng để cuối đời làm của hồi môn cho con cháu. Tuy là Tướng, nhưng bố tôi không bao giờ tỏ ra xa cách với những người lính dưới quyền mình.
 

Chiều nào ông cũng chơi bóng bàn với các chú cần vụ, vừa chơi vừa cười nói vui vẻ. Những lúc đó, ranh giới giữa một vị Tướng và một anh lính bình thường không còn quan trọng. Bình thường ông rất hiền, không bao giờ biết giận con cái, ông sống hòa đồng và tình cảm với cả con trai, con gái cũng như con dâu, con rể.

Nhưng khi sống với ông, có những nguyên tắc mà các con ông nhất định phải tuân theo, đó là không được kiêu căng, khoe khoang, cậy quyền chức của bố. Điều mà ông dạy dỗ các con nghiêm cẩn nhất chính là cách cư xử với những người lính dưới quyền ông. Có lần hồi mới cưới nhau, hai vợ chồng tôi đi chơi về khuya.

Biết chuyện, ông đã rất giận chúng tôi. Ông nói ông giận chúng tôi về muộn một, thì giận chúng tôi đã làm phiền chú bảo vệ mười. Việc chúng tôi phá giấc ngủ của chú bảo vệ sau một ngày làm việc mệt nhóc, khiến chú ấy nửa đêm phải dậy mở cửa, là điều khiến ông vô cùng không hài lòng”.


Sống với ông bà nhiều năm trời, nhưng chưa bao giờ những người con của ông bà thấy cha mẹ mình to tiếng. Con cái có bất cứ chuyện gì muốn xin ý kiến ông, ông cũng bảo hỏi ý kiến bà. Ông nói: “Chỉ cần mẹ đồng ý, bố sẽ đồng ý”. Ngay cả khi về già, ông bà vẫn sống với nhau rất tình cảm. Ngày nào trước khi đi làm, có một việc không bao giờ ông quên là ôm hôn tạm biệt bà.

Ông luôn giữ một thói quen là mỗi lần trước khi đi công tác xa, ông đều lần lượt hôn lên trán bà, rồi đến lượt các con trai, con gái, con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại. Đó là một cử chỉ ấm áp mà ông dành cho cả gia đình, đó là cách mà ông thể hiện tình yêu thương của mình với những người thân, đặc biệt là bà – người vợ chịu thương, chịu khó đã cùng ông đi qua những năm tháng khó khăn, gian khổ nhất của cuộc đời.

Ngay cả bây giờ, khi cả ông và bà đều đã mất, những người con của vợ chồng Trung tướng Vương Thừa Vũ vẫn nhớ cách cư xử đầy tình cảm mà cha mẹ mình dành cho nhau với sự ngưỡng mộ tuyệt đối. Biết ông thích hoa hồng leo, nên tuần nào bà cũng về tận quê ở Thanh Trì cắt một làn hoa hồng lên, cắm vào lọ hoa bày trong phòng ông. Khi lọ hoa chưa kịp héo, bà đã kịp thời thay bằng một lọ hoa khác.

Sau này khi ông mất, bà vẫn giữ thói quen một mình đạp xe đạp ra nghĩa trang Mai Dịch để thăm mộ ông mỗi tuần, mỗi lần ra thăm ông, trong những thứ mà bà mang đến không bao giờ thiếu những bông hồng leo phơn phớt hồng.

Những lúc đó, bên cạnh lọ hồng leo mà ông thích, bà ngồi nhớ ông và nhớ về những kỉ niệm xưa cũ mà ông bà đã cùng nhau trải qua. Bà giữ tất cả những bộ quần áo mà khi còn sống ông vẫn mặc và coi nó như một thứ tài sản vô giá. Những bộ quần áo đó, bà chia cho con cái mỗi người một bộ, còn bà giữ một bộ, như một cách bà giữ gìn những kỉ niệm về ông.

Chị Nguyễn Thị Vân kể: “Nhiều năm sau khi bố tôi mất, tôi vẫn nhiều lần chứng kiến mẹ tôi thắp hương, trò chuyện với di ảnh của bố tôi, không khác gì khi bố tôi còn sống. Bà giữ thói quen đó rất nhiều năm trời. Mỗi khi gia đình có chuyện gì, bà lại thắp hương kể với ông. Khi thì bà bảo ông ơi, con mình vừa sinh cháu. Khi thì bà thông báo: “Ông ơi, Tết năm nay, con cái sẽ tụ họp cả về đây ăn Tết” hay “Ông ơi, con mình được kết nạp Đảng”.

Lúc bà còn sống, bà đã luôn mơ ước một điều rằng tất cả các con mình sẽ trở thành đảng viên. Thương mẹ, tất cả chúng tôi đã phấn đấu để ước mơ của mẹ thành sự thật. Mỗi lần thông báo cho bố tôi tin về một đứa con mới được kết nạp Đảng, là mỗi lần tôi biết mẹ rất vui. Cái chết của bố tôi đã để lại nỗi trống trải, mất mát không thể diễn tả được trong lòng mẹ.

Những ngày cuối cùng của cuộc đời, bố tôi nằm trong Bệnh viện Quân y 108, mẹ tôi luôn túc trực bên cạnh ông từng giờ, từng phút, con cái có bảo về nghỉ cũng kiên quyết không chịu. Sau này bố tôi không còn nữa, mỗi khi mẹ tôi ốm nặng, mỗi lần chúng tôi ngỏ ý đưa mẹ vào Viện 108 là mỗi lần mẹ gạt phắt đi.

Mẹ bảo với chúng tôi đừng bắt mẹ vào đó, vì mỗi lần vào đó, mẹ sẽ nhớ đến bố, nhớ đến những ngày chăm bố trong viện, nhớ đến nỗi đau mất bố. Chỉ đến khi ốm quá nặng, không còn sức để phản đối con cháu, mẹ mới chấp nhận để chúng tôi đưa vào viện điều trị”.

Những câu chuyện về nhân cách tuyệt vời của một người vợ Tướng lĩnh

Tuy là phu nhân của Trung tướng Vương Thừa Vũ, nhưng dù khi ông còn sống hay lúc ông đã qua đời, bà Lê Thị Hợp vẫn sống như một người phụ nữ bình thường. Không bao giờ bà cho mình cái quyền được đòi hỏi điều này, điều kia, dù là vợ của một vị Tướng. Trước ngày ông mất, gia đình bà ở ngôi biệt thự 36 Hoàng Diệu. Nhưng ngay sau khi ông mất, bà đã nằng nặc xin rời khỏi đó.

Bà bảo ngôi biệt thự đó, lúc ông còn sống, còn làm nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, thì bà ở. Giờ ông không còn, nhà đó phải để dành cho những người khác đang tiếp tục làm nhiệm vụ thay ông, nên bà nhất quyết không ở. Bà đã rời khỏi ngôi biệt thự nằm trên con phố đẹp nhất Thủ đô, để dọn đến sống trong căn nhà nhỏ bé ở Liễu Giai, cái thời mà phố Liễu Giai vẫn còn vô cùng hoang vu, vắng vẻ, chứ chưa sầm uất như bây giờ.

Những người đã từng giúp bà chuyển nhà từ Hoàng Diệu về Liễu Giai năm đó (trong đó có Thiếu tướng Chu Phác – từng là thư ký của Trung tướng Vương Thừa Vũ trong nhiều năm) đều có cảm giác nghèn nghẹn khi chứng kiến sự giản dị, mộc mạc trong lối sống của ông bà.

Đến tận lúc đó, tài sản mà bà mang về Liễu Giai chỉ có một cái giường đã bị mối mọt cắn gẫy chân, phải kê bằng gạch; 1 cái tủ đứng cũ kĩ, một bộ bàn ghế salon đơn giản và một ti-vi đen trắng 21 inch. 20 năm sau, những ngày cuối cùng trước lúc đi xa, nằm trong bệnh xá của Bộ Quốc phòng, bà vẫn mang theo bên mình chiếc ti-vi đó.

Nhiều năm trời sau khi dọn về Liễu Giai, bà vẫn nằm ngủ trên chiếc giường phải kê chân bằng gạch đó, vẫn ngồi uống nước trên bộ bàn ghế salon cũ kĩ đó. Chiếc tủ đứng giản dị của bà, bà trải một tấm khăn trải bàn lên rồi dùng nó làm bàn thờ ông. Con cái muốn thay cho bà chiếc giường, bà từ chối. Con cái đề nghị thay một chiếc tủ khác và dựng bàn thờ đẹp hơn cho ông, bà cũng kiên quyết không chịu.

Bà đã giữ nguyên vẹn tất cả những đồ đạc đó, cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay. Sau đám tang bà, những món đồ cũ kĩ đó được những người con của bà giữ lại, như một cách để tưởng nhớ bà.

Lúc còn sống, bà là một người phụ nữ nổi tiếng mạnh mẽ, can đảm và cứng rắn. Bà luôn tỏ ra kiên cường trước mặt những người xung quanh, ngay cả trong những lúc đau thương và mất mát nhất. Khi người con trai của bà – Vương Thiết Căng – hi sinh, bà không hề rơi một giọt nước mắt trước mặt chồng và các con, các cháu.

 Nhưng trước ngày tổ chức lễ truy điệu cho con trai, bà đã về quê 3 ngày, ở một mình trong căn nhà nhỏ và khóc vùi trong nỗi đau mất con. 3 ngày sau, bà trở về nhà, lại tiếp tục kiên cường, mạnh mẽ như bà vẫn luôn thể hiện thế. Đầu những năm 1990, một người con trai nữa của bà công tác trong lực lượng không quân cũng hi sinh tại miền Nam, trong một tai nạn máy bay.

Ở tuổi ngoài 70, bà mất đi người con trai thứ hai. Khi nhận được tin dữ, bà đã lặn lội đi từ Hà Nội vào miền Nam để đón con. Trong buổi lễ truy liệu con trai, dù đau đớn đến thắt ruột, thắt gan, nhưng bà vẫn đứng trước toàn bộ đơn vị con trai mình và tâm sự những điều chân tình nhất với những người đồng đội của con bà.

Ngày hôm đó bà nói: “Con trai tôi đã không còn và đây chỉ là một tai nạn. Dẫu vậy, tôi vẫn mong các cháu, những người đồng đội của con tôi sau này sẽ không gặp phải tai nạn đáng tiếc như con tôi. Mong các cháu ở lại vững vàng, tích cực trau dồi năng lực chuyên môn, cẩn trọng khi làm nhiệm vụ, để không còn những tai nạn như thế này, để không còn gia đình nào phải chịu nỗi đau như gia đình tôi hôm nay”.

Khi đó, bà đã dặn dò những người đồng đội của con trai mình ân cần như một người mẹ dặn dò những đứa con trai mà mình mang nặng đẻ đau.

Trước khi viết bài viết này về bà, tôi đã từng được nghe những câu chuyện cảm động khác về bà và viết về câu chuyện đó trong một bài báo khác. Nhưng tôi vẫn muốn nhắc lại câu chuyện mà tôi đã từng viết, vì tôi nghĩ, nếu thiếu nó nghĩa là thiếu đi một phần vô cùng cao đẹp trong con người bà. Tôi đã nghe chính con dâu bà – chị Nguyễn Thị Vân – kể về bà với sự yêu thương, kính trọng còn hơn cả tình ruột thịt. Tôi đã nghe chính chị kể lại câu chuyện cảm động về việc bà đã đi gả chồng cho con dâu.

Sau khi người con trai Vương Thiết Căng mất, bà đã dùng tất cả tình yêu thương của mình để bù đắp cho con dâu và cháu nội. Thương con dâu còn trẻ đã phải chịu cảnh góa bụa, sau 3 năm để tang chồng, bà bảo chị đi lấy chồng mới.

 Khi mẹ đẻ của chị không đồng ý cho chị đi bước nữa, bà đã kiên trì đạp xe mỗi buổi trưa, từ phố Hoàng Diệu về Thanh Trì, trong nhiều ngày liên tục, để thuyết phục bà thông gia đồng ý gả chồng cho con dâu. Thuyết phục bà thông gia không được, bà thẳng thắn tuyên bố: “Nó đã là dâu nhà tôi, thì cũng nghĩa là đã trở thành con tôi. Bà không gả nó, tôi sẽ gả nó”.

 Và bà đã gả chồng cho con dâu mình, với tấm lòng và tình thương không khác gì của người mẹ dành cho con gái ruột.

Bà chào đón những đứa con của con dâu mình với người chồng sau này ra đời với sự hạnh phúc của một người bà chào đón những đứa cháu ruột thịt của mình. Bà đạp xe đến tận nhà hộ sinh để đón, đưa con dâu và các cháu về nhà sau mỗi lần sinh nở. Dù con dâu đã đi bước nữa, bà vẫn yêu thương con dâu như con gái ruột của mình, vẫn nhắc về con dâu với tất cả tình cảm yêu thương và trìu mến.

Và trong di chúc của bà trước lúc chết, bà đã chia đều những tài sản mà mình có, cho những người con ruột của mình, và cho cả người con dâu đã đi bước nữa của mình.

Tất cả những điều mà bà đã làm lúc còn sống, dường như là một lời nhắn nhủ: bà coi con dâu chẳng khác gì con gái ruột của mình. Đó là một câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu hiếm có, dù là ở bất cứ thời đại nào. Một câu chuyện mà chỉ cần qua đó, dù chưa từng được gặp bà, nhưng bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được nhân cách và tấm lòng của bà – người vợ giản dị và tuyệt vời của cố Trung tướng Vương Thừa Vũ.

Hương Thảo Nguyên
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn