Người Bru Vân Kiều ở Quảng Bình có nhiều tập tục lạ kỳ, trong số đó có tục “nối dây”. Khi người chồng qua đời thì người vợ không may mắn sẽ lại “kết nghĩa phu thê” với anh trai hoặc em trai trong gia đình chồng. Có những trường hợp anh trai chồng đã thành… già làng, em trai đang còn tuổi đi học, trách nhiệm người vợ vẫn buộc phải mang trâu bò đi hỏi cưới.
[links()]
Tục “nối dây” diễn ra hàng trăm năm qua khiến số phận người phụ nữ rơi vào tận cùng khổ sở. Có một người phụ nữ của bản làng đã dũng cảm đứng lên chống lại với luật tục lạc hậu đó, mang lại cuộc sống ấm no đủ đầy cho bà con dân bản.
Chuyện đời ngang trái
Nhà chị Hồ Thị Con (55 tuổi) dễ dàng tìm nhất xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, vì ai cũng biết đường vào ngôi nhà khang trang, ấm cúng ấy. Nhờ có vị Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam xã Trường Sơn ấy mà dân bản ai cũng được cơm no áo ấm, nhà cửa đường hoàng. Đặc biệt là thoát khỏi lời nguyền “nối dây” lạc hậu có từ bao đời nay.
Tường nhà chị Con treo một dãy bằng khen, giấy khen từ xã đến tỉnh; với chị đó là niềm tự hào lớn lao không dễ gì có được. Mỗi lần được khen thưởng ghi lại dấu ấn thấm đẫm mồ hôi, công sức mà người phụ nữ mẫu mực nhất dân bản trải qua.
Gương mặt đen xạm vì nắng gió vùng cao, chị nói chuyện cởi mở, hết sức vui vẻ vì…mấy khi tiếp chuyện với người đồng bằng lên thăm. Chị Con kể chị theo chân về nhà chống từ khi còn rất nhỏ, năm lên 16 tuổi.
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” ấy, chị có bổn phận phải làm mẹ của những đứa trẻ nheo nhóc. Mỗi ngày chị quăng quật trên nương rẫy cùng chồng chăm hạt bắp củ khoai, kiếm miếng ăn cho ngày đói.
Chị Con vui vầy với con cháu |
Gia đình có đến 6 miệng ăn, thêm hai vợ chồng nữa là 8. Gánh nặng cơm áo càng trĩu ghánh đôi vai hai vợ chồng trẻ tuổi. “Trót lỡ ưng cái bụng nhau rồi nên đành chịu khổ sớm thôi. Sau này con mình đến tuổi cưới vợ gả chồng, mình bắt nó đúng tuổi đã mới cho cưới nhau về” - Hồ Thị Con tâm sự.
Người “đầu ấp tay gối” với chị Con là anh Hồ Văn Cu (sn 1956). Hai vợ chồng rất mực yêu thương nhau, cố gắng làm việc hết sức trẻ để nuôi đàn con thơ. Năm 2001, trong một lần lên cơn sốt rét, anh Cu sức khoẻ yếu dần, da xanh như tàu lá.
Vì miền núi cao, không trạm y tế nên anh Cu đã qua đời, để lại vợ trẻ khóc hết nước mắt, cùng ánh mắt vô hồn của lũ trẻ thơ dại. Chị Con lúc đó mới bước vào tuổi 40.
Chị Con chua xót kể lại: “Theo luật lệ từ hàng trăm năm nay của bản làng, khi người chồng qua đời, người vợ sẽ “làm lễ” để về nhà em chồng, sống với nhau như vợ chồng. Những ai đi ngược lại với lời nguyền sẽ bị Giàng trừng phạt không thương tiếc.
Không chỉ người đó mà cả bản làng cũng bị con “ma núi” về ám hại, khiến cho mất mùa, bệnh tật, thiên tai mà cùng đường sống”. Sau khi mãn tang chồng ba tháng, em gái chị Con là Hồ Thị Còn tất tả chạy sang nhà, gương mặt không dấu hết nỗi lo lắng. Còn than:
“Chị ơi, để giữ dòng giống anh Cu, chị hãy mau “làm lễ” rồi về nhà anh Thực chung sống với em. Làm như rứa mới mong dân bản hết dị nghị, điều ra tiếng vào, đồng thời giữ an toàn cho các cháu có cuộc sống tốt lành vào sau này. Chứ đợi đến khi Giàng buông lời nguyền rủa thì tội lắm!”.
Còn là em gái ruột của chị Con, oái ăm thay cũng là vợ chính thức của Hồ Văn Thực (SN 1966). Thực là em ruột với anh Cu. Tình trạng hai chị em lấy hai anh em vẫn thường diễn ra ở nơi hoang vu rừng núi miền tây Quảng Bình.
Chị Con quá bất hạnh trước cái chết đột ngột của chồng, bây giờ sắp sửa chịu cảnh sống chung với em chồng. Bao đêm nằm ngủ trằn trọc, chị nghĩ nát đầu vẫn chưa tìm ra cách gì để thoát khỏi lời nguyền truyền kiếp.
Tư tưởng của người cán bộ đã thấm vào người chị, cách sống văn minh của người đồng bằng dưới xuôi, nghị quyết của Đảng, lối sống cách mạng “ăn sâu” vào máu chị rồi.
Tuân theo lệ làng là trái với pháp luật. Nhưng trái lệ làng sẽ phải gây bao tại hoạ, rồi dân bản cũng cách ly gia đình chị thôi. Bao luồng tư tưởng tranh đấu cứ cồn cào sóng dữ dậy lên trong tâm trí người cán bộ trẻ.
Lúc này chị Con mới nghĩ ra cách làm kéo dài thời gian thực hiện tục “nối dây”. Chị làm mâm cơm đưa sang gia đình nhà chồng, nhẹ nhàng đề nghị cho chị mãn hạn tang chồng hai năm sau, mới về làm vợ của Thực.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, người phụ nữ nghèo vẫn quăng thân làm lụng trên núi đồi, nuôi con, làm tốt nhiệm vụ của một người cán bộ gương mẫu.
Bước qua hủ tục truyền kiếp
Hai năm đã qua, một ngày cuối tháng năm, chị Con bất ngờ thấy Thực đứng đợi từ rất lâu trước cửa nhà. Lần này, Thực không e ngại nói ra ý định bắt buộc chị dâu về làm vợ với mình. Biết rõ tình thế, chị Con mở giọng mềm dẻo:
“Chú Thực à, chị và các cháu rất quý chú. Ngày xưa anh chú còn sống, anh cũng hết mực thương yêu chú. Ngày anh chị cưới nhau, chú còn nhỏ bằng đứa con gái út của chị. Chị cực khổ bồng bế chú, chăm sóc từ miếng ăn giấc ngủ giống như em trai ruột của chị vậy.
Giờ chị về làm vợ nhà chú, sinh con đẻ cái cùng chú thì khó coi lắm, mần răng mà chấp nhận cho được”. Dường như càng nói, Thực càng có vẻ hiểu ra, nhận thức được điều gì đó sai trái trong luật tục của cha ông để lại.
Anh ta lặng lẽ ra về, sau đó cũng chẳng nói năng gì về chuyện bắt chị dâu về làm vợ. Cứng rắn, mạnh mẽ là vậy nhưng trong thâm tâm chị Con lúc ấy còn mang nỗi sợ hãi mơ hồ, đầy huyễn hoặc từ lời nguyền truyền kiếp.
Mùa rẫy năm sau, bố người chồng quá cố một lần nữa chạy sang nhà chị Con thúc giục. Ông lớn giọng quát: “Nếu mày không chịu nghe theo, trước tiên là bỏ lại con cái, nhà cửa cho vợ chồng tao coi quản và chịu phạt trâu bò với bản làng.
Nếu bản làng mất mùa rẫy, đói kém, tai hoạ, con trâu con bò chết đi…thì mày hãy chịu tội. Con “ma núi” sẽ bắt mày giam cầm dưới chân ngọn A Lâu, cởi bỏ áo quần mày cho nằm trên sông suối tháng này qua tháng khác, đến chết thì thôi”.
Chị Con tay bồng bế đứa con nhỏ, nghe bố chồng nói vậy, chân tay run rẩy như sắp khịu ngã. Nhưng lúc đó có một động lực nào đó hết sức mãnh lực kéo chân chị đứng dậy. Nỗi lo sợ vì sắp phải sống cảnh chung chồng tiếp thêm cho chị sức mạnh.
Chị giải thích: “Người kinh dưới xuôi, khi vợ hoặc chồng mất, ai đời lại làm theo hủ tục như vậy mô. Rứa mà họ vẫn sống, vẫn làm ăn và phát đạt lên. Nếu đã vậy con xin bố mẹ được rút tên ra khỏi họ, ở vậy nuôi đàn con khôn lớn, thờ tự chồng đã mất”.
Chị còn bảo rằng, chị là Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại xã, thường vận động bà con các bản sinh đẻ có kế hoạch, thực hiện nghiêm luật hôn nhân và gia đình.
“Mình về ở với Thực thì sẽ sinh con, mà sinh nhiều thì vỡ kế hoạch. Mình làm cán bộ, thực hiện luật chưa nghiêm chỉnh thì mình nói còn có ai bỏ lọt vào cái lỗ tai, dù chỉ một lời” – chị Hồ Thị Con tâm sự như thế.
Lúc đầu gia đình chồng chống đối, bằng những lý lẻ của pháp luật, chị đã “đả thông tư tưởng” được cho những cái đầu còn nặng nề hũ tục. Chị Con sau đó phải làm con lợn 25 kg chịu phạt có sự chứng kiến của bản làng. Đồng thời gia đình đồng ý tài sản phải chia theo quy định của pháp luật.
Cái tin Hồ Thị Con thách thức chống chọi lại hủ tục khiến dân bản bàn luận xôn xao, người lo lắng, kẻ đàm tiếu thêu dệt ra đủ thứ chuyện. Bỏ ngoài tai tất cả, chị Con vẫn giữu hiếu đạo người làm con, thường qua chăm sóc bố mẹ chồng mỗi lần ốm đau. Gia đình chồng vẫn xem chị như là người con gái trong gia đình.
“Sự kiện” của Hồ Thị Con đã làm dấy lên phong trào chống đối lại hủ tục vốn âm ỉ trong cộng đồng người dân tộc miền núi. Một hủ tục trái lương tâm và đạo đức đã tồn tại hàng trăm năm, khiến bao phận người phụ nữ rơi vào thống khố.
Hiện cả xã Trường Sơn đã có trên 20 chị em có chồng đã mất đã không làm theo tục “nối dây”. Chị Hồ Soan ở bản Trung Sơn phán: “Thấy chị Con sống khoẻ, nuôi con tốt, không bị con ma nó bắt, giờ ai cũng tin chị Con đúng. Mình học theo người Kinh dưới xuôi sống cho văn minh mới được”.
Cạnh nhà chị Hồ Thị Con là nhà chị H’ Le, Hồ Vàng, Hồ Dzoan, Y Viết…đều không may mất chồng đã phá bỏ tục “nối dây”. Cuối cùng vị cán bộ của bản với ý chí sắt đá cũng “làm thủng” cái tai của người miền núi, tầm nhận thức còn hạn chế, đời sống “công xã nguyên thuỷ” đâu đó vẫn còn dư âm, gây hậu quả khó lường.
Năm nay người đàn bà bạo gan dấn thân qua lời nguyền tuổi đã già, chân đã mỏi. Niềm vui lớn của chị Con là con cái đã lớn, cưới vợ gả chồng, ăn học nên người. Điều thật hiếm có vùng đồng bào ở chốn sơn cùng thuỷ tận.
Chị Con ở nhà nuôi gà, thả trâu từng bầy đàn, làm ăn kinh tế hiệu quả. Chuyện xưa rơi vào quá vãng nhưng ảnh hưởng tích cực của nó vẫn tồn tại mãi về đời sau.
- Trường Giang