Samuel từng nói: "Thế giới như một tấm gương, bạn cau mày với nó, nó sẽ cau mày lại với bạn; bạn mỉm cười với nó, nó cũng sẽ mỉm cười với bạn."
Người có tâm tính tốt thì cả đời sẽ thuận lợi và may mắn! Trong cuộc sống, để có thể trải qua những ngày tháng tươi đẹp, điều quan trọng nhất là giữ được tâm trạng lạc quan, vui vẻ. Nhiều khi, chỉ cần mỉm cười, bạn sẽ nhận ra rằng những lo âu, phiền muộn thực ra không lớn như bạn nghĩ.
Khi gặp thiệt thòi, hãy bình thản mà mỉm cười.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng như ý muốn, có đến tám, chín phần những điều ta mong đợi đều không xảy ra. Những vấn đề về cơm áo gạo tiền, mâu thuẫn nơi công sở, hay thậm chí là những chuyện bạn bè không thành thật với nhau, đều là những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt hàng ngày.
Trải qua những ngày như vậy, việc chịu thiệt thòi là điều không thể tránh khỏi. Nhiều người vì thế mà luôn so đo, tính toán chi li, trở nên u sầu, tinh thần sa sút và thường xuyên lo lắng, mất ngủ. Nhà văn Dương Giáng từng nói: “Nhân tình thế thái, hãy coi như sách mà đọc, như kịch mà xem.” Đôi khi, chịu một chút thiệt thòi lại là điều tốt. Nếu cứ mãi tranh giành, đến cuối cùng sẽ chẳng đạt được gì.
Câu chuyện "Sở Vương mất cung" kể về Sở Vương trong thời Xuân Thu, khi đi săn đã vô tình đánh rơi cây cung quý. Dù các quan ra sức tìm kiếm nhưng không thấy, Sở Vương chỉ cười và bảo: “Ta mất, người nước Sở nhặt được, chẳng thiệt đi đâu mà.” Khổng Tử nghe chuyện, thở dài: “Cần gì phải phân biệt người nước Sở hay không, mất của ai thì người khác sẽ nhặt được.”
Người có thể mỉm cười khi chịu thiệt thòi là người có lòng khoan dung, độ lượng. Họ hiểu rằng “chịu thiệt thòi cũng là phúc.” Khi ta tự thắp sáng niềm hy vọng cho mình, thì điều tốt đẹp sẽ tự đến. Chỉ cần nhẹ nhàng mỉm cười và chấp nhận, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu hơn.
Tấm lòng rộng lượng giúp ta bao dung mọi điều, và tinh thần lạc quan sẽ giúp ta bớt đi những phiền muộn. Trong cuộc sống, chỉ khi ta học cách sống tích cực, bao dung với mọi người, thì mới có thể đạt được sự an yên và hạnh phúc.
Khi bị hiểu nhầm, hãy mỉm cười
Cuộc đời giống như một dòng sông, ai cũng phải trải qua bao thăng trầm, gian nan để tìm được bến bờ yên bình. Trên hành trình đó, chúng ta phải đối mặt với khó khăn, thử thách, và dù có kiên trì vượt qua tất cả, cảm giác bị hiểu nhầm vẫn luôn là điều dễ khiến ta tủi thân, uất ức.
Những công sức bỏ ra không được ghi nhận, những nỗ lực âm thầm không ai thấu hiểu, hay tình cảm chân thành không được đáp lại… dần dần, ai cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi, oan ức.
Kinh Phật dạy rằng: “Vật tùy tâm chuyển, cảnh do tâm tạo, phiền não cũng từ tâm mà ra.” Khi ta không để những hiểu nhầm ấy quá lớn trong tâm trí, chúng sẽ không còn là gánh nặng nữa. Nếu biết mỉm cười trước mọi chuyện, thì những vấn đề lớn sẽ trở nên nhỏ, và những vấn đề nhỏ sẽ dần tan biến.
Xưa kia, có một vị thiền sư đã tu luyện mười năm trên núi. Khi trở về chùa, ông vẫn thường ngồi thiền và niệm kinh mỗi đêm. Một ngày nọ, tiền công đức trong hòm biến mất, và vì chỉ có mình ông ở đại điện vào ban đêm, mọi người bắt đầu nghi ngờ rằng ông là kẻ trộm. Trước những lời đàm tiếu, vị thiền sư vẫn thản nhiên cười, không hề kêu oan hay cảm thấy uất ức, vẫn tiếp tục sinh hoạt như bình thường.
Sau bảy ngày, trụ trì mới tiết lộ rằng tiền công đức không hề mất, chỉ là một thử thách để xem sau mười năm tu hành, ông đã đạt đến cảnh giới nào.
Cuộc sống vốn dĩ đầy rẫy những oan ức và thiệt thòi. Như câu đối chùa có viết: “Đại đỗ năng dung, dung thiên hạ nan dung chi sự. Khai khẩu tiện tiếu, tiếu thế gian khả tiếu chi nhân.” (Tấm lòng bao dung có thể chứa đựng những điều mà thế gian không thể, nụ cười có thể đối diện với mọi điều bất công trong đời.)
Khi bị hiểu nhầm, hãy mỉm cười. Đó không chỉ là sự tự vệ, mà còn là một biểu hiện của sự tu dưỡng. Mỉm cười trước những nỗi oan ức giúp bạn vững vàng, và khi tâm hồn bạn vững mạnh, phiền muộn sẽ không còn chỗ để bám víu.
Gặp chuyện không thuận lợi, hãy bình thản nở nụ cười
Trong cuộc sống, không ai có thể luôn gặp may mắn hay thuận lợi mãi mãi. Khi đối mặt với những điều không như ý, người chiến thắng là người biết giữ bình tĩnh, không hoảng sợ. Họ không cáu giận, cũng chẳng oán trách, mà thay vào đó, đối mặt với khó khăn một cách kiên cường và ung dung.
Giống như Đồng Hòa, một vị đại thần nổi tiếng thời nhà Thanh, từng nói: “Những bậc thánh hiền từ xưa đến nay, càng gặp phải chuyện lớn lao nguy hiểm, lại càng giữ tâm tĩnh lặng như nước.” Đây không chỉ là một phong thái cao quý, mà còn là một dạng rèn luyện tâm trí.
Câu chuyện về Vương Tâm Nghi, một cô bé nghèo khó sống tại Hà Bắc năm 2018, là một minh chứng rõ ràng cho điều đó. Trong bài văn về sự nghèo khó, em không phàn nàn hay trách móc số phận, mà thay vào đó, cảm ơn vì nghèo khó đã dạy em sự kiên cường và giúp em trưởng thành. Kết quả là cô bé ấy đã đạt 707 điểm trong kỳ thi đại học, ghi tên mình vào khoa Văn của Đại học Bắc Kinh, tự tay thay đổi cuộc đời mình.
Người xưa có câu: “Lộ man man kỳ tu viễn hề, ngô tương thượng hạ nhi cầu sách.” Nghĩa là, cuộc hành trình dù xa xôi thế nào, nếu có lòng kiên định thì sẽ luôn tìm được con đường đúng.
Vì thế, hãy đối diện với cuộc sống một cách lạc quan, vui vẻ. Cuộc đời ngắn ngủi, đừng làm khó bản thân. Hãy mang theo tâm lý tích cực, nở nụ cười trước mọi thử thách. Khi ấy, cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu và tốt đẹp hơn nhiều so với việc chìm đắm trong lo lắng, mất niềm tin vào cuộc đời.