Nguy cơ không có lương hưu

14:13, Thứ sáu 23/08/2013

( PHUNUTODAY ) - Những lao động về hưu sau năm 2021 sẽ gặp vấn đề với việc nhận lương hưu của mình do quỹ Bảo hiểm hưu trí bắt đầu thâm hụt và đến năm 2034 sẽ mất khả năng chi trả nếu các chính sách về bảo hiểm xã hội không thay đổi.

Đây là dự báo vừa được tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và bộ Lao động – thương binh và xã hội khẳng định trong buổi công bố báo cáo dự báo về quỹ bảo hiểm xã hội sáng ngày 22/8 tại Hà Nội.

Nguy cơ rõ ràng

Với hệ thống các quy định pháp luật hiện thời, quỹ Bảo hiểm hưu trí đang đối mặt với nhiều vấn đề và chắc chắn việc thâm hụt, mất khả năng chi trả sẽ xảy ra trong tương lai gần.

Quỹ Bảo hiểm hưu trí đang đối mặt với nguy cơ mất khả năng chi trả trong tương lai gần, nên cần gấp rút sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội với mục đích tăng thu cho quỹ.

Thách thức lớn nhất trong việc cân đối quỹ này là mức đóng – mức hưởng bảo hiểm hưu trí chưa tương xứng với nhau. Theo quy định, mỗi người lao động, nếu đóng bảo hiểm trong vòng 28 năm, đóng với tỷ lệ 22% tiền lương cơ bản (theo lương tối thiểu) sẽ được hưởng lương hưu từ 20 – 25 năm, với số tiền bằng khoảng 70 – 75% tiền lương. Tuy nhiên, từ thời điểm đóng tới thời điểm hưởng và đến lúc nhận lương hưu, lương tối thiểu đã tăng liên tục khiến cho mức chi trả nhiều hơn mức đóng. Cộng thêm việc quản lý quỹ Bảo hiểm hưu trí chưa thực sự hiệu quả, sẽ dẫn tới thâm hụt quỹ.

Bà Nguyễn Thuý Nga, vụ trưởng vụ Bảo hiểm xã hội (bộ Lao động – thương binh và xã hội) khi đánh giá về việc thực hiện luật Bảo hiểm xã hội đã thừa nhận, hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ Bảo hiểm hưu trí chưa cao, lãi suất từ đầu tư chưa bảo tồn được giá trị của quỹ. Bình quân giai đoạn năm 2008 – 2012, lãi suất bình quân của quỹ chỉ thu được dưới 10%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng tới 13,4%. Việc chi phí quản lý quỹ của tổ chức Bảo hiểm xã hội cũng chưa phù hợp, mà chi phí này được lấy từ tiền đầu tư tăng trưởng của quỹ.

Kể từ năm 2012, Việt Nam cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hoá dân số. Theo giám đốc ILO Việt Nam Gyorgy Sziraczki, bắt đầu từ năm 2012, Việt Nam bước vào thời kỳ này, nghĩa là nhóm người trên 60 tuổi chiếm hơn 10% tổng dân số, sớm hơn năm năm so với dự kiến. Với số lượng thanh niên trong độ tuổi lao động giảm đi và chế độ lương hưu “hào phóng”, quỹ lương hưu sẽ cạn kiệt nếu quá trình cải cách không đưa ra được những biện pháp cấp thiết.

Việc chậm mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong khi bảo hiểm xã hội tự nguyện lại phát triển chậm khiến cho nguồn thu tăng thêm của quỹ chậm tăng trưởng. Đến nay, quỹ này mới bao phủ khoảng 20% lực lượng lao động và bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chiếm khoảng 0,22% đối tượng tiềm năng tham gia loại hình này. Mặc dù nguồn thu bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 6,3 ngàn tỉ đồng năm 2001 lên 89,6 ngàn tỉ đồng năm 2012, nhưng chỉ 47% tổng số doanh nghiệp đóng bảo hiểm bắt buộc (trong năm 2010).

Tăng tuổi nghỉ hưu lên 65?

Nhiều giải pháp đang được bộ Lao động – thương binh và xã hội nghiên cứu với sự hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính của ILO nhằm nhanh chóng cải thiện tình hình. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự đến đâu thì vẫn chưa ai trả lời được. Ở góc độ kỹ thuật, ông Gyorgy Sziraczki đưa ra hai khuyến nghị chính, đó là nâng độ tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ giới lên 65, và đóng bảo hiểm xã hội dựa trên thu nhập thay vì dựa trên lương cơ bản như hiện nay. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng số người lao động đóng bảo hiểm xã hội và giảm số người nhận lương hưu. Đóng bảo hiểm xã hội dựa trên thu nhập cũng sẽ góp phần cải thiện mức lương hưu của người lao động, tăng thu cho quỹ và giảm thiểu các tác động của việc tăng lương tối thiểu hàng năm đối với việc thâm hụt quỹ.

Những khuyến nghị từ ILO đang được bộ Lao động – thương binh và xã hội đặc biệt lưu ý. Ở trách nhiệm của mình, bộ này cũng đang gấp rút sửa đổi luật Bảo hiểm xã hội với mục đích tăng thu cho quỹ như: tiếp tục mở rộng diện tham gia, tăng tính thực thi của luật pháp với các đối tượng trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, tăng hiệu quả quản lý quỹ Bảo hiểm xã hội… Việc bắt buộc phải cân đối được quỹ này để đảm bảo người lao động về hưu sau năm 2021 sẽ nhận được lương hưu một cách bình thường là yêu cầu đặt ra với các nhà quản lý. Tuy nhiên, người lao động vẫn đang phấp phỏng chờ đợi hiệu quả từ các giải pháp này.

Việc người lao động về hưu sau năm 2021 có nguy cơ không có lương hưu vì vỡ quỹ đã khiến không ít người liên tưởng đến những lo lắng trước nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế vào năm 2012. Sau đó ngành y tế đã vừa tăng giá viện phí, vừa đề nghị tăng phí bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn cho quỹ này.

Và vì vậy, người lao động hoàn toàn có quyền lo lắng việc các cơ quan chức năng sẽ tăng mức đóng phí Bảo hiểm xã hội để giải quyết khó khăn hiện nay. 

Cũng khó có lựa chọn nào khác bởi quỹ không thể vỡ, người lao động lại càng không thể không có lương hưu. Vì thế có lẽ chúng ta cũng cần phải chuẩn bị tinh thần tăng phí bảo hiểm xã hội để thể hiện trách nhiệm trong việc góp phần đảm bảo ổn định xã hội.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc