Nguyễn Cao Kỳ Duyên: ‘Không cuộc tình nào có thể đánh gục tôi được nữa’

( PHUNUTODAY ) - #160; Sau hơn 40 năm sống, yêu, đau khổ và hạnh phúc, MC Kỳ Duyên chia sẻ chân thành về ông bố nổi tiếng, hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, những đứa con và trải nghiệm của đời mình.

(Phunutoday) -  Sau hơn 40 năm sống, yêu, đau khổ và hạnh phúc, MC Kỳ Duyên chia sẻ chân thành về ông bố nổi tiếng, hai cuộc hôn nhân đổ vỡ, những đứa con và trải nghiệm của đời mình.

Kỳ Duyên cười, cái đầu thường nghiêng về một bên và chốc chốc trong cuộc trò chuyện giọng chị lại rổn rang, làm người đối diện hòa vào trong niềm vui đó. Người phụ nữ đã trải qua hai lần đổ vỡ ấy khi được hỏi về nỗi buồn thì mắt lại rực sáng: “’Ai bảo rằng tôi khổ”. 

Tôi chỉ  xin ý kiến bố những chuyện  đặc biệt 

- Tên của chị được sinh ra từ  trọn vẹn tên của bố, chỉ  thêm một chữ Duyên. Xin hỏi cuộc  đời của một Nguyễn Cao Kỳ  Duyên ngày hôm nay có bao nhiêu phần  ảnh hưởng từ người cha nổi tiếng?

- Phải nói thật bố mẹ tôi ly dị cách đây đã lâu lắm, hai mươi năm có lẻ rồi nên cuộc sống hằng ngày và lớn lên của Kỳ Duyên là với mẹ. Tuy vậy, dù ít gặp nhau, không có những cuộc nói chuyện hằng ngày nhưng giữa tôi và bố vẫn có sự cảm thông lạ lùng lắm. Tôi luôn cảm thấy bố như một ngôi sao và mình chỉ việc định hướng và đi theo. Trong cuộc sống tôi ảnh hưởng nhiều từ lối sống và cách suy nghĩ của bố. 

1
Nguyễn Cao Kỳ Duyên. Ảnh: VnExpress

Còn nhớ, khi trẻ tôi có lần hỏi bố: “Người đời thường nói ‘ở hiền gặp lành’ nhưng sao con thấy tất cả những người gian ác trên đời đều sống giàu có, sung sướng vậy”? Bố trả lời tôi: “Con nghĩ họ sống hạnh phúc nhưng khi họ làm việc ác thì buổi tối họ đâu có ngủ được”. Có lần tôi hỏi tại sao bố nghèo, không có nhiều tiền, ông trả lời hóm hỉnh: “Tôi trẻ, tôi lại còn đẹp trai, có con ngoan nữa, nếu có thêm nhiều tiền chắc tôi sẽ chết sớm” rồi cười sảng khoái. Đấy, lâu lâu ông chỉ nói một câu như vậy nhưng những điều đó ảnh hưởng nhiều đến cách suy nghĩ của tôi. Tôi cũng thường nghe những câu nói thủng thẳng đầy triết lý của ông và sống noi theo những điều ấy.

Sống với mẹ nhưng bố mới là người tôi nghĩ hiểu mình hơn. Giờ mẹ vẫn thỉnh thoảng kể cho tôi những chuyện ngày nhỏ. Chẳng hạn khi tôi chơi với bạn, bị bạn ăn hiếp mẹ thường thắc mắc với bố, sao hai đứa chơi với nhau mà đứa kia ăn hiếp con gái mình hoài vậy. Khi đó ông chỉ cười nhẹ: “Em nói như vậy không đúng, thực ra là bé Duyên đang nhường bạn đó”. Ông là như vậy, dù không gặp gỡ hàng ngày nhưng ông hiểu chuyện rất nhanh.

Còn về  cái tên của ông, tôi nghĩ tôi được thừa hưởng rất nhiều. Vì bắt đầu từ nó, tôi được người ta biết tới rất nhanh và cho tôi nhiều cơ hội trong làng giải trí


- Chuyện tình cảm cá nhân ít khi tôi tâm sự với bố. Khi còn trẻ tôi có tình cảm với một bạn trai người Mỹ và mang về giới thiệu với bố, ông chỉ cười và nói: “con phải nhớ lá rụng về cội, con phải đi với người Việt Nam”. Lúc đó tôi cãi, tôi nói anh ấy người Mỹ nhưng anh ấy thích Việt Nam, yêu Việt Nam và đang học mọi thứ cho giống người Việt. Anh ấy thích ăn nước mắm, mắm nêm đủ thứ hết. Ông cười: “Con à, người Mỹ ăn mắm nêm khác với người Việt ăn mắm nêm”. Những nhận xét về mối quan hệ của tôi ông đưa ra khi chỉ mới nhìn thoáng qua mối quan hệ của chúng tôi. Sau này cuộc tình đó không thành và lý do chính tôi nhận ra là do có những khác biệt về văn hóa. Nhưng dù có đưa ra những ý kiến riêng, bố bao giờ cũng để tôi tự do, ông không bao giờ cấm đoán, ông chỉ nói khi con hỏi.

- Không thấy chị nhắc đến sự hiện diện của ông trong những ngày trọng đại như cưới hỏi hay những khi chị đau khổ vì đổ vỡ. Hay tại ông không có bên chị những lúc này?

- Mấy người đàn ông tôi cưới thì đều có xin phép bố nhưng tôi mang ai tới xin phép bố cũng cũng gật  đầu hết. (cười to)

- Vì  ông tin tưởng hoàn toàn vào sự lựa chọn của con gái hay tại ông ít quan tâm? 

Tôi biết là bố tin mình. Bố đủ biết có nói tôi cũng không nghe nên cách hay nhất là để con gái cứ mắc lỗi đi rồi trở lại. Và khi trở lại ông không bao giờ trách mắng thêm. 

Với mẹ là sự chia sẻ của cuộc sống hằng ngày, tôi có thể về khóc, về cười với mẹ. Còn bố không phải lúc nào cũng ở bên nhưng tôi tin ánh mắt ông vẫn dõi theo mình.

- Chị  có thường xuyên gặp ông không?

- Ở  Mỹ tôi sống cách ông chừng nửa tiếng đi xe nhưng vì cuối tuần tôi thường bay show nên không có nhiều thời gian gặp. Bố cũng hay đi về giữa Mỹ và Việt Nam nhiều nên thành ra thời gian cố định  cho việc gặp gỡ thường xuyên là không có. 

- Không đến những lúc con cần một vòng tay, không xuất hiện vào ngày trọng đại của con mình. Vậy điều quan tâm cụ thể của ông dành cho chị là gì?

- Tôi chỉ  xin ý kiến ông những chuyện thật quan trọng nhưng không phải là chuyện tình cảm mà phải là  chuyện gì đó lớn lao hơn, chẳng hạn chuyến về  Hà Nội lần này. Trước khi về tôi đã xin ý kiến bố, tôi cũng xin bố chỉ cho biết lần đầu tiên về Hà Nội làm show thì nên nói về vấn đề gì. Thực ra tất cả những lời mở đầu trong live show ở Hà Nội là đều do bố chỉ bảo. Bố nói, người Hà Nội rất thích văn chương, họ rất hãnh diện khi nói về văn hiến, đặc biệt nếu con có thể hát chèo một vài câu thì khán giả sẽ càng mê con. Nhưng thật tiếc vì tôi không thể hát chèo được.

- Như  vậy cuộc sống hằng ngày chị chỉ có thể dựa vào mẹ?

- So với bố thì mẹ là người nếu đi xa tôi nhớ hơn rất nhiều. Giờ mẹ đã về Việt Nam mở quán phở nhưng mẹ luôn khẳng định bất cứ khi nào tôi cần, mẹ sẽ bỏ hết việc để trở về. Tôi chỉ nói: “Mẹ ơi kỳ này con đi tour hơn một tháng, mẹ có về được không” là lập tức mẹ bay về ngay với cháu. Chỉ khi có bà ở bên cạnh các con tôi mới yên tâm làm việc.

Thất bại làm nên Kỳ Duyên hôm nay

- Được biết, chị từng bỏ học giữa chừng vì cuộc chia tay của cha mẹ?

Khi bố  mẹ xa nhau, tôi và mẹ dọn ra ngoài ở hẳn và gần như trốn hẳn mọi người. Lúc đó dư luận bàn tán về bố mẹ quá nhiều. Trong khoảng một năm mẹ không cho ai số điện thoại, không liên lạc với người nào, sống biệt lập. Khi ấy tôi rất lo, tự nhắc mình phải học mau để đi kiếm việc làm. Đó cũng là khoảng thời gian tôi thấy mình trưởng thành nhanh nhất. 

Nhưng hình như càng lo học thì lại càng học không vô nên tôi đã nghỉ học ở trường luật để đi làm thuê cho một văn phòng luật sư. Khi đó mọi việc ở đấy đều do một tay tôi làm hết. Tôi trở thành đắc lực giúp ông chủ kiếm vài chục nghìn đô trong mỗi hợp đồng còn mình chỉ được nhận tiền thù lao theo giờ rất rẻ mạt.

Công việc làm thêm lúc đó chính là lý do sau này tôi  đi học trở lại. May mắn là khi trở lại trường, tôi được nhận một suất học bổng nên  đỡ được khoản chi phí lớn. Lúc đó mẹ  cũng qua cơn khủng hoảng rồi, mọi chuyện dần ổn hơn.

- Lúc ấy chị có nhận  được lời giải thích nào từ  phía bố mẹ về sự đổ vỡ?

Không. Thời  đấy bố mẹ đâu nghĩ phải có trách nhiệm giải thích cho con như bây giờ. Nhưng sống trong gia đình, tôi hiểu được những nỗi buồn phiền khiến họ phải chia tay nhau.

- Sau này, chứng kiến cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc của chị, mẹ đã chia sẻ  với chị như thế  nào?

Mẹ không có nói nhiều về những cuộc đổ vỡ  của chính mình nhưng bà là người phụ nữ rất cũ, rất truyền thống. Khi tôi quen người nào đó, đưa về giới thiệu bà cũng nói: “Con nhớ nha, lần này là lần cuối nhé, lấy là phải lấy suốt đời, suốt đời, suốt đời”. Lần nào mẹ cũng nói như vậy. 

Bây giờ  mẹ rất hạnh phúc, mẹ đã có người đàn ông của mình nhưng hai người không chính thức làm  đám cưới. Tuy vậy trong cuộc sống cũng có những lúc mẹ gây lộn với chú, những lúc ấy tôi buồn lắm, tôi thường bảo: “Bây giờ mẹ lớn rồi sao mẹ không ở riêng” và câu trả lời bao giờ cũng là: “Thôi con à, chả lẽ mình cứ thay đổi hoài, thôi mình sống là như vậy rồi thì mình đi nốt vậy”. 


Tôi chỉ  nói với con: Bố mẹ rất thương nhau nhưng bố  mẹ không hợp nhau.  Về bố của Yenli và  Maili tôi luôn nói: bố rất thông mình, bố là  bác sĩ giỏi.

Chị đẹp giống mẹ, chị giống bà cả sự truân chuyên trong đời sống tình cảm. Nhưng chị tự thấy chị và mẹ có điểm chung nào về ngoại hình, tính cách và nỗi đau, sự hạnh phúc?

Ai biết mẹ  tôi lúc trẻ cũng nói mẹ đẹp hơn tôi nhiều, đẹp và sang hơn, tôi rất hãnh diện có một người mẹ đẹp như vậy.

Mẹ là  người của thế hệ trước, được dậy dỗ một cách nghiêm khắc. Hơn nữa mẹ lấy chồng sớm, 23 tuổi đã làm một “phu nhân” đi khắp thế giới. Mẹ được gặp nhiều nhân vật cấp cao nên có nhiều kinh nghiệm sống và chững chạc rất sớm.

Cả mẹ  và tôi đều giống nhau, mạnh mẽ trong tình cảm.  Mẹ tuy có sức chịu đựng và  kiên nhẫn hơn tôi nhiều nhưng đến lúc cần mẹ vẫn  đi. Còn một điều chắc chắn mẹ mạnh mẽ  hơn tôi vì mẹ có "cái lỳ "của người đàn ông khi cần đối phó với những chuyện bất ngờ.  Mẹ bắn súng giỏi lắm, vì thế nếu có ăn trộm vào nhà hành hung thì tôi chắc tới lúc khẩn cấp mẹ sẽ không ngần ngại nổ súng... còn tôi thì eo ơi, chắc vừa run, vừa khóc. 

- Có bao giờ chị trách giận, tại sao cuộc đời mình và mẹ niềm vui lại ít hơn nỗi buồn như vậy? 

(Cười lớn). Câu hỏi này làm tôi bật cười ngạc nhiên vì tôi chẳng bao giờ nghĩ cuộc đời mình đau khổ  cả. Tôi có quá nhiều niềm vui là khác. Đôi khi tôi còn nghĩ: “Chắc kiếp trước mình phải làm cái gì tốt hoặc khéo tu nên kiếp này mình mới  được hưởng như vậy.”  Tất nhiên hạnh phúc hay không là do mình cảm nhận phải không? Và tôi chẳng bao giờ phí thì giờ so sánh cuộc sống của mình với người khác vì người Mỹ có câu “all unhappiness is caused by comparison” (mọi điều đau khổ bắt nguồn từ sự so sánh).  

Tờ giấy hôn thú không làm nên tình nghĩa vợ chồng

- Với Trịnh Hội, một cuộc hôn nhân có thể nói là khá lãng mạn nhưng cũng rất ồn ào. Trước, trong và  sau cuộc hôn nhân ấy chị  còn nhớ xúc cảm của mình như  thế nào? Và chị  đã đối diện với mỗi giai đoạn trong cuộc sống ngắn ngủi ấy ra sao?

Trước và sau đều là tình thương. Nhưng trước và trong hôn nhân là tình yêu, sau hôn nhân là tình bạn.


Thật ra người phụ nữ nào cũng muốn có một cuộc sống gia đình bền lâu nhưng nếu khi nó không được như vậy thì giữa hai sự lựa chọn ở và đau khổ với việc thoát ra một cách nhẹ nhàng không thù hận để cùng nhau đi tìm hạnh phúc mới, trong cái đó tôi cảm thấy mình may mắn khi đã thoát ra được một cách nhẹ nhàng. 

Tôi luôn nghĩ mình hên tại cả hai ông chồng cũ đều là người biết suy nghĩ, thông cảm. Thực tế tôi phải chứng kiến những cuộc chia tay mà hai người quá thù hằn nhau, đến nỗi sau khi thoát khỏi nhau họ chỉ muốn tìm cách giết người kia. Biết đâu mình rơi vào trường hợp đó sẽ không có ngày hôm nay ngồi đây để nói ngon vậy (Cười)


Không, vì  tôi đã xa Hội mấy năm  rồi và không không biết con người Hội bây giờ ra sao, thành ra không thể  nói được gì. Bây giờ chúng tôi rất ít liên hệ với nhau, chỉ khi có việc cần mới email cho nhau.

- Đến lúc này khi đã đi qua nhiều đổ vỡ, nếu nói một chút về cái tạo thành con người Kỳ Duyên ngày hôm nay chị sẽ không thể bỏ qua những điều gì?

Chắc chắn việc ba mẹ chia tay đã tạo ra sự xáo trộn rất lớn trong cuộc đời tôi (năm Kỳ Duyên 16 tuổi). Nhưng nếu nói cái gì tạo ra Kỳ Duyên ngày hôm nay thì tôi nghĩ đó là những thất bại, chính nó làm cho mình ngày càng cứng hơn.

- Nhìn vào nhược điểm của người khác chắc chắn dễ  hơn nhìn vào chính mình. Chị  có bao giờ tự hỏi, lý  do không giữ được hai người đàn ông cũng có phần lỗi  của chính mình?

Khó nhỉ? (cười). Tôi không bao giờ gây lộn và thường không biết nói gì khi có cãi vã ồn ào, thế nhưng cái yếu nhất của tôi là chiều người xung quanh quá. Chẳng hạn, khi mệt tôi không muốn ăn nhưng vì bạn hay người thân, tôi vẫn đi cố gắng đi cùng. Điều này không ảnh hưởng nhiều trong tình bạn, nhưng với tình yêu lại không tốt. Đối phương cứ lấn tới, cứ làm mình tức, mình không nói nhưng một ngày mình bỏ đi. Như vậy đâu có tốt, đúng không?

Giờ  tôi hiểu ra rằng, nếu muốn giữ cái gì mình phải nói thì người kia mới sửa. Và nếu hai người cùng kết hợp, cùng nhau làm mới bền bỉ. Vậy nên có lần tôi nói với bạn trai hiện tại của mình: “Anh gặp em ở thời điểm này là anh hết may mắn rồi đó, vì có điều gì không thích em sẽ nói hết”.

Ảnh: Zing
Ảnh: Zing


Tôi nghĩ  cuộc sống phải học suốt đời. Tôi nghiệm rằng mình sống ở đời và tin có một thế  giới nữa. Người ta hay nói còn có địa ngục và đời sống là nơi tập dượt của mình, nhưng biết đâu có thể đây đã là địa ngục rồi. Thành ra tôi tin có kiếp trước, kiếp sau. Tôi luôn tin những người đến trong cuộc đời mình, những chuyện xảy ra trong cuộc đời mình là những bài học, khi học vượt qua bài học đó rồi mình sẽ không cần học nữa. Nhưng tại sao có rất nhiều người đi với đàn ông xấu nhưng khi họ bỏ người đàn ông xấu đó rồi lại đi với những người xấu hơn và họ cứ bị như vậy hoài. Thực ra, con người chỉ không sai lầm nếu mình nghiệm ra bài học nào đó và không sợ nó thì tự nhiên nó sẽ không đến với mình nữa. 

- Sau hai cuộc hôn nhân tan vỡ, chìa khóa của Kỳ  Duyên trong mối quan hệ mới là: phải nói hết những điều không muốn. Và giờ  chị hạnh phúc chứ?

Tôi rất hạnh phúc.


Chìa khóa  để duy trì hạnh phúc là hai người chưa hoàn toàn thuộc về nhau, nhất là khi chưa chung sống với nhau.  

- Khoảng cách từng là lý do khiến chị  và Trịnh Hội phải chia tay. Giờ anh ấy ở cách xa chị 5 tiếng giờ bay. Có gì chắc chắn là chị sẽ giữ được hạnh phúc này bên mình bền lâu?

Không có  gì chắc chắn cả.  Nhưng chính cái không “chắc chắn” đó mới làm mình cố gắng hơn.  Nếu  làm công việc mà biết chắc ông chủ sẽ không bao giờ sa thải mình, mình có cố gắng làm giỏi không? Trong tình yêu cũng vậy, nếu biết người kia chắc chắn là của mình, liệu mình còn nuông chiều, nâng niu, trưng diện, cố mang đến cho người đó nhiều hạnh phúc hay mình sẽ ỷ lại, xem thường, thậm chí bao nhiêu thói hư tất xấu đều đem ra phơi bày hết?  

Tôi không chắc chắn người ấy sẽ là của mình mãi mãi và tôi cũng không cấm đoán anh ấy không được gặp gỡ những người bạn gái khác.  Tôi chỉ  có một yêu cầu là “Khi nào anh cảm thấy anh yêu một người khác thì cho em biết...để em tính lại...nên dùng dao hay dùng kéo...” (cười thích thú)  Đùa thôi, ai muốn ở thì mình giữ, ai muốn đi thì mình tiễn.  

- Mẹ  chị đã sống với ông Bùi Xuân Hiến hơn 20 năm dù không hôn thú. Có  vẻ ở cuộc tình mới chị  cũng đang có thiên hướng sẽ  chọn con đường giống mẹ? Chị sợ đám cưới như con chim sợ cành cong rồi sao?

Tôi không sợ đám cưới, tôi sợ hôn nhân. Đám cưới để có một buổi tiệc vui với bạn bè là  điều tốt chứ!  Đối với tôi, hôn nhân hay ở  chung với nhau chỉ khác là một mảnh giấy thôi. Bây giờ tôi chưa nghĩ đến chuyện hôn nhân, không phải vì sợ cành cong cành thẳng gì cả mà dản dị vì tôi chưa nghĩ ra được lý do chính đáng nào để kết hôn. Thật sự là có nhiều thủ tục quá, lúc kết hôn cũng như lúc ly dị (ra tòa, thử máu, phân chia tài sản, đổi họ đổi tên...v.v.). Tình nghĩa xây đắp từ những năm chung sống với nhau chứ không phải bằng mảnh giấy hôn thú.

- Trải qua hai lần đổ vỡ, khái niệm vợ chồng trong chị có thay đổi gì không? Giờ đây nếu có một sự kết hợp với người đàn ông nào đó để làm nên khái niệm “vợ chồng” thì nó nên là gì, thưa chị?

Người đàn ông đến với tôi bây giờ cần nhất phải biết thương con của tôi.  Người đó phải hiểu con, mẹ và  tôi là một khối không thể tách rời.  Ngoài ra người đó phải là một người bạn, vui vẻ  có óc khôi hài để tôi có thể thủ thỉ thâm sự mọi chuyện và trong nhà lúc nào cũng có nhiều tiếng cười.  Một điều quan trọng nữa người đó biết lo chuyện nhỏ trong gia đình, chứ không phải chuyên lo chuyện lớn ngoài xã hội.

- Giờ chị sợ nhất điều gì?

Điều làm tôi sợ nhất, đau nhất là phải dính tới con cái. Có con rồi tôi hiểu rằng, chẳng bao giờ tôi có thể tự tử vì tình hoặc vì ai được hết. Giờ không có cuộc tình nào đánh gục ngã được tôi. Bởi các con giờ sống với tôi, tôi phải là cái gì mạnh nhất đứng chống cho con và chống cho chính mình. 

- Hai con chị có hay được gặp bố  không?

Thực ra bọn trẻ rất gần với bên nội, vào mỗi cuối tuần chúng đều đến thăm và ở với bà nội và  tới nhà cô chú. Nhưng với bố thì ít gặp gỡ hơn, nhưng cái này là do phía bố thôi chứ tôi không bao giờ cấm đoán.

- Bà mẹ đơn thân như chị sẽ dạy con gái theo hướng nào?

Con gái lớn Maili đã vào trung học, một hôm cháu mua về một chiếc áo in hình bênh vực những người đồng tính luyến ái, nhân tiện đó tôi giải thích cho con tại sao những người ấy nên được hưởng cuộc sống bình thường. Tôi cũng muốn đầu óc các con được phóng khoáng.

Thực sự  tôi không muốn con quá Việt Nam. Tôi muốn con phải  ý thức giá trị bản thân bằng chính đầu óc của mình. Mai mốt, chẳng hạn con gặp một người nào  đó, nếu con muốn tiến tới gần người đó trước khi đám cưới tôi cũng khuyến khích. Tôi không nghĩ là chồng phải là người đầu tiên con mình biết. Tôi khuyến khích các con nên biết tất cả và có học thức, suy nghĩ để xác định được mọi thứ đến với cuộc đời mình đều là do sự lựa chọn của bản thân chứ không mang mặc cảm hay phải chấp nhận cuộc sống vì lỡ làm chuyện gì đó. 

- Vậy đến bây giờ, có lầm lỡ nào chị muốn làm lại?

Không, nếu  được làm lại tôi vẫn muốn gặp bố của bọn trẻ, vì không gặp anh ấy thì làm sao bây giờ có  hai đứa nhỏ đáng yêu, vẫn muốn gặp Trịnh Hội vì với Hội, tôi có nhiều ký ức tình yêu ngọt ngào. Và người đàn ông bây giờ nữa thì phải càng gặp chứ. Đó, có lý do nào khiến phải làm lại điều gì trong cuộc sống của mình đâu.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Ký ức tuổi thơ

Tôi vẫn mơ ước trở lại căn nhà cũ, mặc dù  tôi không còn nhớ nhiều về khung cảnh ngày xưa. Tôi chỉ nhớ khi đó nhà ở Tân Sơn Nhất, xung quanh toàn là lính. Nhưng hiện những căn nhà  xung quanh đường Tân Sơn Nhất đã phá đi xây dựng lại rồi thành ra tôi không có dịp về thăm lại nữa.

Tôi không có nhiều bạn nhưng những người bạn cùng chơi chung mấy trò như lò cò, nhảy dây thì vẫn nhớ hoài. Con nít 9, 10 tuổi thì dù là  công chúa hay người thường thì cũng chỉ lò  cò, nhảy dây thôi.

Sau này  đi ra hải ngoại, mấy người gặp đều nói, nếu ở Việt Nam có khi chị là công chúa rồi, có người lại thắc mắc sao tôi lại dễ gần đến vậy. Thực tế tại họ quên hoặc không biết là tôi đâu có được hưởng cuộc sống của công chúa hay cái gì tương tự. Có thể mấy người anh lớn của tôi thì có điều kiện trải qua cuộc sống tốt hơn, vì khi ấy các anh đều đã lớn, còn tôi thực sự đã sống một cuộc sống bình thường.

Kim Sen (Tạp chí Mốt và Cuộc Sống)
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn

TIN MỚI CẬP NHẬT