Công an TP Việt trì và Công an huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ vừa tiến hành giải cứu con nợ bị giam giữ vì nợ tiền... cán bộ ngân hàng. Sự việc bắt đầu từ khoảng 2 năm trước khi chị Nguyễn Thị Hồng Thắm (38 tuổi, trú tại khu 3, phường Gia Cẩm, TP Việt Trì) có vay số tiền hơn 2 tỉ đồng của Hoàng Thị Bích Thảo, hiện là cán bộ ngân hàng, (trú tại khu 3, phường Vân Cơ, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).
Sau khi nhờ tới người em họ là Nguyễn Quảng Ba (26 tuổi, trú tại khu 3, xã An Đạo, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đến nhà chị Thắm để gây sức ép thì Thảo đòi được số nợ là hơn 1 tỉ đồng trong tổng số khoảng gần 4 tỉ cả lãi suất.
Nguyễn Quảng Ba tại cơ quan điều tra (Ảnh Dân trí) |
Tuy nhiên, sau đó, Thảo phát hiện chị Thắm có ý định bỏ trốn và mọi việc diễn ra đúng như thế khi chị Thắm nghỉ việc và đột nhiên mất tích. Thảo đã thuê Ba tìm kiếm con nợ của mình với cái giá 130 triệu và được Ba nhận lời.
Sau một thời gian tìm kiếm bằng nhiều cách, Ba đã tìm được tung tích của chị Thắm qua một tài xế taxi thường xuyên chở chị này di chuyển. Sau đó, gã cho người bao vây nhà nghỉ nơi chị Thắm đang ở và bắt chị này ngay khi vừa rời khỏi đây.
Chị Thắm bị đưa về giam giữ ở huyện Phù Ninh và bị những người giam giữ lấy đi 100 triệu đồng, 1,2 cây vàng và một chiếc điện thoại di động bị hỏng. Nhờ thông minh mà chị Thắm giấu đi được một chiếc điện thoại khác, lợi dụng sơ hở của những kẻ giam giữ để nhắn tin cầu cứu em trai mình.
Bằng sự vận động của Công an TP Việt Trì, những kẻ giam giữ đã lần lượt ra đầu thú và con nợ đã được giải cứu khỏi nguy hiểm.
Còn nhớ, tại phiên họp quốc hội hồi cuối năm 2012, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến (tỉnh Long An) đã đề cập đến vấn đề xuất hiện một loại tội phạm mới lợi dụng việc xiết chặt tín dụng của ngân hàng để làm khó doanh nghiệp, không cho đảo nợ, thu hồi nợ trước hạn, tín dụng đen… để mua rẻ, chiếm doanh nghiệp.
Theo bà Yến, một trưởng bộ phận thu nợ của một ngân hàng cổ phần tiết lộ: “Nếu phải dùng đến xã hội đen để đòi nợ thì có thể là cá nhân người của ngân hàng dùng uy tín của mình để tạo điều kiện cho khách hàng được vay vốn. Nhưng khi khách hàng không trả nợ được thì cá nhân đó phải có trách nhiệm thu hồi nếu không muốn bị cách chức, đuổi việc. Do đó sẽ có chuyện cá nhân đó nhờ đến bàn tay của giới giang hồ đi đòi hộ…”.
Tuy nhiên, có những vụ xiết nợ không diễn ra âm thầm như lời bà Yến từng nêu, trái lại chúng gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài.
Cũng vào năm 2012, một ngân hàng thương mại đã thuê hàng chục vệ sĩ bao vây con đường ngang qua Nhà máy cồn Ethanol của Công ty Cổ phần Đồng Xanh (Quảng Nam), không cho bất cứ một người dân nào ra vào, và hút số cồn còn lại trong nhà máy của Công ty Đồng Xanh để bán xử lý nợ quá hạn của công ty này.
Bị người dân ngăn cản không cho phá cửa vào nhà máy, nhóm vệ sĩ đã không ngần ngại xô xát với người dân để gây mất trật tự và khiến cho công an phải có mặt để ổn định.
Do làm ăn thua lỗ nên CP XNK và SX thương mại Âu Mỹ thuộc KCN Quất Động (huyện Thường Tín - Hà Nội) không có khả năng chi trả khoản vay của các ngân hàng. Đứng trước tình thế này, đầu tháng 5/2013, các ngân hàng đã cử bảo vệ, nhân viên của mình xuống tận kho của công ty Âu Mỹ để canh chừng số sắt thép để "tránh" tình trạng nó rơi vào tay các ngân hàng khác.
Với tâm lý "trường kỳ kháng chiến" nên nhiều nhân viên ngân hàng đã huy động cả võng, bàn ghế, phông bạt…nằm vạ vật như đi hầu kiện trước cổng nhà kho của công ty để canh chừng nhau.
Không những thế, một số ngân hàng còn có kiểu xiết nợ mà làm cho "con nợ" có cảm giác như bị trộm đồ. Sự việc xảy ra vào ngày 24/4, khi anh Lê Hưng Thịnh (trú tại Ngọc Thụy, Gia Lâm, Hà Nội) có việc đi Thái Nguyên đến tối mới về thì chiếc xe Huyndai Avante màu đen của mình không cánh mà bay. Tưởng bị mất cắp, anh Thịnh lên công an phường trình báo vụ việc thì công an cho biết ngân hàng đã đến lập biên bản thu hồi chiếc xe.
Trước đấy vào tháng 11/2011, anh Thịnh có thế chấp chiếc xe ô tô trị giá 700 triệu đồng để vay 350 triệu đồng của ngân hàng Bảo Việt với thời hạn 3 năm. Hiện tại, anh Thịnh đã trả 100 triệu, số nợ cả gốc lẫn lãi là 284 triệu đồng.
Vụ việc này cũng gây tranh cãi khi khổ chủ của chiếc xe cho rằng ngân hàng thu hồi xe mà không thông báo là phạm luật. Phía Ngân hàng Bảo Việt - nơi cho anh Thịnh vay tiền, cho hay anh Thịnh đã chậm trả nợ từ tháng 6 năm ngoái tới nay nên khoản vay của khách hàng đã tự động chuyển sang nợ xấu theo quy định trong hợp đồng.