Nhiều dịch vụ y tế có khả năng tăng giá trong năm nay

07:14, Thứ năm 19/04/2018

( PHUNUTODAY ) - Trong thời gian tới, giá dịch vụ y tế sẽ có điều chỉnh tăng thêm do việc sẽ có kết cấu thêm chi phí như chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định vào giá dịch vụ y tế.

Ngày 17/4, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân căn (ĐHQG Hà Nội) phối hợp cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo “Truyền thông về chính sách BHXH và BHYT: Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả”. Đây là lần đầu tiên một hội thảo khoa học về truyền thông chính sách BHXH, BHYT được tổ chức với sự tham gia của 3 giới chuyên môn nhằm đánh giá các phương thức và hiệu quả truyền thông về chính sách BHXH, BHYT hiện nay, cũng như đề xuất các giải pháp phù hợp đáp ứng yêu cầu xã hội.

Ông Lê Văn Phúc- Phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (ảnh: Trịnh Giang)

Ông Lê Văn Phúc- Phó trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (ảnh: Trịnh Giang)

Thạc sĩ Dương Ngọc Ánh - Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông (BHXH Việt Nam) cho hay, tính đến hết tháng 2.2018, số người tham gia BHXH đạt 13,79 triệu người, tham gia BHTN (thất nghiệp) đạt 11,69 triệu, tham gia BHYT đạt 80,55 triệu, đạt tỷ lệ bao phủ gần 86% dân số cả nước.

Số người tham gia BHXH, BHYT đạt kết quả tích cực trong các năm gần đây nhưng chưa đạt mục tiêu. Một trong những nguyên nhân là công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả thực hiện chưa cao.

Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam cho biết giá dịch vụ y tế sắp tới sẽ có điều chỉnh tăng thêm.

“Cơ quan BHXH và Bộ Y tế sẽ có sửa đổi để điều chỉnh, tinh giản một số giá dịch vụ y tế trong thời gian tới. Những dịch vụ y tế này đã được ban hành nhưng còn bất cập về vấn đề mức giá”, ông Phúc lý giải.

Theo ông Phúc, quỹ BHYT sẽ chi trả chi phí điều trị kháng vi rút HIV từ năm 2019. “Chúng ta cũng biết là hiện nay thuốc ARV điều trị HIV đang được tài trợ bởi các tổ chức quốc tế. Đã có nhiều quỹ rút khỏi Việt Nam. Vì vậy, đến năm 2019, quỹ BHYT phải thanh toán”, ông Phúc nói.

Trong tương lai, khi hết sự tài trợ của quốc tế, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ phải tham gia BHYT để được điều trị. “Thời gian vừa qua, tỷ lệ người tham gia BHYT của nhóm bệnh nhân HIV/AIDS đã tăng lên rất nhiều. Trước đây chỉ đạt 30-35%, nay đã lên đến 60-70%”.

Ông Phúc cũng đặt vấn đề lượng bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tham gia sẽ tạo nên những gánh nặng quỹ BHYT. “Tuy nhiên đây là vấn đề nhân văn, quy định của chính phủ và cơ quan BHXH phải tổ chức triển khai thực hiện để đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT nói chung và nhóm bệnh nhân HIV/AIDS nói riêng”, ông Phúc khẳng định.

Về vấn đề nâng cao khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, ông Phúc cho biết Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân theo 3 chiều, bao gồm vấn đề tiếp cận dịch vụ y tế, vấn đề cung cấp, vấn đề tài chính cho y tế phải được đảm bảo.

Theo đó, Bộ Y tế phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở bằng việc tăng cường đội ngũ nhân lực, tăng thêm các trang thiết bị cho các trạm y tế xã để đảm bảo người dân đến khám và chăm sóc sức khỏe ban đầu được thực hiện tốt như tuyến huyện.

Cũng theo ông Lê Văn Phúc, hiện nay tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đều được kết nối liên thông với cơ quan bảo hiểm xã hội. Toàn bộ dữ liệu của bệnh nhân khám chữa bệnh bằng BHYT hằng ngày được chuyển lên cổng thông tin giám định của BHYT để theo dõi, kiểm tra. Việc liên thông dữ liệu đã hạn chế được tình trạng lạm dụng BHYT để trục lợi, tăng tính minh bạch trong việc sử dụng BHYT.

Tại hội thảo, ông Phúc cũng cho biết, trong năm 2017-2018, BHXH Việt Nam đã tiến hành đổi thẻ BHYT với mã số định danh, trùng với số tham gia BHXH. Người tham gia BHYT có thể dễ dàng truy cập thông tin cá nhân, tình trạng tham gia BHYT, BHXH của mình.

“Thẻ BHYT hiện nay cho biết thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục. Khi đủ 5 năm liên tục cộng với thời điểm mà chúng ta đã đồng chi trả chi phí khám bệnh đủ 6 tháng lương cơ sở thì từ đợt khám sau sẽ không phải chi trả nữa. Đặc biệt có lợi ích khi chữa bệnh ung thư hoặc các bệnh có chi phí lớn”, ông Phúc nêu.

“Cơ quan BHXH có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. Bên cạnh đó, người tham gia phải tự giám sát quyền lợi của mình. Muốn tự giám sát thì phải hiểu được quyền lợi và thủ tục như thế nào”, ông Phúc nói.

---------------------------------------------

Ông Lê Văn Phúc cũng đặt ra vấn đề ứng xử giữa bác sĩ và bệnh nhân hiện nay thông qua vụ việc người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) gây xôn xao dư luận.

“Rõ ràng khi chúng ta xem clip thấy bác sĩ ngồi rất lâu. Thay vì việc ngồi giải thích thì hãy đem cháu bé đi đi cấp cứu, đi khâu vết thương. Không ai cổ súy cho việc hành hung hay có những lời lẽ không hay với bác sĩ nhưng chúng ta cũng phải nói lại là bác sĩ cần phải ứng xử với bệnh nhân như thế nào để tránh những câu chuyện như vậy”, ông Phúc nói.

(Theo motthegioi.vn)

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: Tran Thi Lan Huong