Tiến sĩ Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho biết, những trường hợp bị u men răng như trên không phải là hiếm gặp. Mỗi tháng bệnh viện điều trị cho khoảng 5-7 bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân đến trong tình trạng muộn: Sưng vùng mặt ở xương hàm, lung lay, rụng răng. Việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.
[links()]
Thấy mặt tự dưng lệch hẳn sang một bên, anh Văn (37 tuổi, Nam Định) chỉ nghĩ đơn giản là do trúng gió. Đến khi đi khám, anh mới ngã ngửa khi biết mình bị u men răng, một nửa xương hàm dưới đã bị phá hủy.
Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt nửa xương hàm dưới để lấy khối u. Tuy nhiên, các tế bào vẫn tiếp tục phát triển, buộc phải cắt toàn bộ xương hàm dưới của bệnh nhân.
“Tôi có thấy gì bất thường ở răng đâu, ngoài việc bỗng một ngày mặt tự dưng lệch sang một bên, xoa bóp, nắn, bôi đủ mọi loại dầu gió vẫn không ăn thua. Khi đi khám thì đã quá muộn”, anh Văn nói.
Tiến sĩ Phạm Như Hải, Trưởng khoa Răng - Hàm mặt, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho biết, những trường hợp bị u men răng như trên không phải là hiếm gặp. Mỗi tháng bệnh viện điều trị cho khoảng 5-7 bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân đến trong tình trạng muộn: Sưng vùng mặt ở xương hàm, lung lay, rụng răng. Việc điều trị rất khó khăn và tốn kém.
Người dân cần có thói quen đi khám răng định kỳ để phát hiện sớm các bệnh răng miệng. Ảnh VNE |
Phương pháp xử lý duy nhất là phẫu thuật lấy khối u. Nếu bệnh nhân đến sớm thì phẫu thuật đơn giản, tiên lượng tốt, bảo toàn được răng. Trường hợp đến viện quá muộn, điều trị khó, thậm chí còn để lại nhiều di chứng như lép mặt, răng rụng hàng loạt ảnh hưởng đến các chức năng nhai, nuốt, nói...
Nhiều bệnh nhân đã phải cắt hết cả xương hàm và ghép xương hàm bằng xương tự thân hoặc bằng mảnh ghép kim loại và mang hàm giả. Việc tái tạo xương hàm khá tốn kém và phức tạp (khoảng 30-40 triệu đồng), và cũng không thể giúp hồi phục hoàn toàn, tiến sĩ Hải cho biết.
Cũng theo bác sĩ, bệnh rất khó phát hiện bởi khối u không gây đau nhức, bệnh nhân vẫn ăn uống bình thường. Bệnh tiến triển âm thầm, chỉ đến khi người bệnh bị sưng, lệch mặt, răng lung lay... đi khám thì mới phát hiện được. Một khi khối u đã thấy rõ, gây biến dạng khuôn mặt thì xương hàm đã bị hủy hoại.
U chỉ được phát hiện bằng cách chụp X-quang toàn bộ xương hàm. Vì vậy, đã có rất nhiều bệnh nhân được điều trị sai vì các bác sĩ thấy răng bệnh nhân bị lung lay nên chỉ nhổ bỏ răng hoặc mổ u không triệt để, dẫn tới bệnh tiến triển ngày một nặng hoặc tái phát trầm trọng.
Bác sĩ khuyến cáo, u men răng chủ yếu là u lành tính nhưng tỷ lệ tái phát cao nên được coi là u ác tính. Nếu không được điều trị đúng, u không chỉ lan vào các tổ chức xung quanh như phần mềm, xương hàm... mà còn thoái hóa thành u ác tính, di căn vào máu và hệ bạch huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây bệnh nên rất khó có biện pháp phòng ngừa. Người ta nghi ngờ sâu răng, nhiễm trùng răng hoặc chấn thương răng dễ dẫn đến u răng. Vì vậy, để phòng bệnh cần tránh các tổn thương này. Trẻ chậm mọc răng, hàm bị thiếu răng... cần phải đi chụp kiểm tra xem răng nằm ở đâu, có u chèn vào răng hay không.
Đặc biệt, khi có bất kỳ các biểu hiện bất thường nào như: răng lung lay, xương hàm lệch, có biểu hiện viêm xoang, viêm mũi... cũng cần đi chụp Xquang để kiểm tra. Người dân cũng cần lưu ý đi khám răng định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm một lần.
* Tên nhân vật đã thay đổi
- (Theo VNE)