Sáng 20/5, ông Phan Văn Ngọc (Phú Yên) đưa hai con trai đến tiêm vắc xin ngừa quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa. Sau khi chích ngừa, ông nhặt vỏ lọ từ sọt rác, phát hiện sản phẩm đã hết hạn sử dụng.
[links()]
Trước đó ông được nhân viên y tế hướng dẫn đóng 228.000 đồng để tiêm 2 liều vắc xin Trivivac (còn gọi là văcxin 3 trong 1 ngừa quai bị, sởi, sốt Rubella). Khi nhân viên Phạm Quốc Pháp lấy vắc xin định tiêm cho con mình, ông Ngọc không cho vì thấy nhân viên này còn quá trẻ, không đeo bảng tên. Ông Ngọc đề nghị bà Nguyễn Thị Khánh, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh, tiêm cho con ông.
Sau khi tiêm cho người con 16 tuổi của ông Ngọc, bà Khánh ném vỏ lọ vắc xin vào sọt rác. Ông Ngọc nghi ngờ nên tìm vỏ lọ, nhặt lên thì phát hiện lọ này đã hết hạn sử dụng nên không cho tiêm tiếp đứa con còn lại. “Trong khi tôi vừa bất ngờ, vừa lo lắng vì con tôi bị tiêm vắc xin hết hạn thì họ không giải thích gì mà vội vàng lấy vỏ lọ đem giấu rồi bảo cha con tôi đi về. Một nhân viên của trung tâm bảo đồng nghiệp: 'Trả lại tiền cho ổng, bữa nào thuốc về thì bảo ổng đưa con đến chích lại'. Khi tôi làm căng, họ mới chịu nhận lỗi”, ông Ngọc kể.
Bà Nguyễn Thị Khánh, Phó khoa Kiểm soát dịch bệnh Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, đã sử dụng hộp văcxin hết hạn tiêm cho cháu bé. |
Theo các chứng từ do Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa cung cấp, liều vắc xin hết hạn trên nằm trong lô hàng số QLVX 029809 gồm 10 hộp Trivivac (mỗi hộp 5 lọ, tức 5 liều) do trung tâm mua từ Công ty CP Y tế Đức Minh (xã Xuân Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội) ngày 22/4 để tiêm dịch vụ.
Ông Đoàn Hùng Ánh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, cho biết trung tâm đã sử dụng hết 9 hộp, liều hết hạn tiêm cho con ông Ngọc nằm trong hộp thứ 10. Bên ngoài hộp vắc xin này ghi ngày sản xuất là 3/10/2011, hạn sử dụng đến tháng 4/2013. Trong 5 liều vắc xin của hộp thứ 10, ngoài con ông Ngọc, Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa đã tiêm cho hai người khác. Tuy nhiên, ông Ánh thừa nhận hiện chưa xác định đã tiêm cho ai, vào ngày nào.
Ngoài ra, 9 hộp với 45 liều vắc xin đã sử dụng có quá hạn hay không, đã tiêm cho những ai, vào thời gian nào hiện cũng chưa xác định vì trung tâm không lưu hộp, vỏ lọ. Trong khi đó, theo quy định, cơ sở y tế phải lưu vỏ lọ trong 14 ngày sau khi sử dụng.
Giải thích sự việc tiêm vắc xin hết hạn sử dụng trên, ông Phan Dinh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa, nói: “Người tiêm có sai sót là không kiểm tra hạn sử dụng của vắc xin trong khi đây là một quy trình bắt buộc”. Còn ông Đoàn Hùng Ánh thanh minh: “Do hạn sử dụng trên hộp vắc xin ghi bằng chữ số La Mã, trong khi người tiêm là chị Khánh đã lớn tuổi nên… đọc nhầm”.
Ngay trong sáng cùng ngày, lực lượng cảnh sát kinh tế Công an TP Tuy Hòa đã làm việc với những người liên quan để điều tra vụ việc. Sở Y tế tỉnh Phú Yên cũng cử ngay đoàn cán bộ đến Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa làm rõ nguồn gốc số vắc xin quá hạn trên.
Các chứng từ cho thấy trong hóa đơn mua bán giữa Công ty CP Y tế Đức Minh và Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa cũng như trong “phiếu nhập kho” của trung tâm, lô hàng 50 liều vắc xin Trivivac không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng; riêng “phiếu xuất kho” của trung tâm có ghi hạn sử dụng là 30/6/2013. Đối chiếu với hộp vắc xin thứ 10 còn lại, các lọ dung môi trong hộp ghi hạn sử dụng là tháng 6/2013, riêng các liều văcxin đựng chung hộp này đều có hạn sử dụng là tháng 4/2013. Ông Phạm Ngọc Chương, Trưởng phòng Quản lý Dược - Sở Y tế tỉnh Phú Yên, nói: “Dung môi và vắc xin sản xuất trên hai dây chuyền khác nhau nên hạn sử dụng thường khác nhau, trong đó hạn sử dụng của dung môi thường xa hơn vắc xin”.
Trên hộp vắc xin ghi rõ hạn sử dụng là tháng 4/2013. |
Trả lời câu hỏi “liệu Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa có nhập vắc xin hết hạn sử dụng?”, ông Đoàn Hùng Ánh nói: “Tôi không phụ trách mảng này. Người trực tiếp kiểm tra, nhập thuốc đang nghỉ sinh nên chưa rõ ra sao”. Tuy nhiên, ông Ánh cho rằng nhiều khả năng văcxin hết hạn bị đánh tráo nhưng trung tâm không phát hiện.
Ông Trần Ngọc Dưng, Trưởng phòng nghiệp vụ y Sở Y tế tỉnh Phú Yên cho rằng, con ông Ngọc cũng như những trường hợp đã bị tiêm vắc xin hết hạn khác, hiện chưa lường được sẽ bị phản ứng thế nào. Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa đang theo dõi tình trạng sức khỏe của cháu bé, đồng thời sẽ xin ý kiến Viện Pasteur để tiêm bổ sung cho cháu.
Trước đó, hiện tượng này cũng đã xảy ra tại Trung tâm tiêm phòng của Viện Vệ sinh dịch tễ TW vào tháng 2/2012 khi một số phụ huynh phát hiện được và phản ánh với báo chí.
Theo phản ánh của chị Lê Thị Quỳnh Trang (tập thể Thông tấn xã VN, phố Bùi Ngọc Dương, Hà Nội), ngày 7/2 chị đưa con gái Đinh Hà Phương (2 tuổi rưỡi) đi tiêm phòng vắc xin Tetraxim bạch hầu-ho gà-uốn ván và bại liệt (mũi nhắc lại cho trẻ trên 2 tuổi) tại trung tâm tiêm phòng của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (131 Lò Đúc, Hà Nội).
Tại đây, sau khi vào sổ và nghe tư vấn, chị đưa con gái đến chỗ y tá để tiêm. Theo thói quen, sau mỗi lần tiêm phòng cho con chị đều cầm hộp thuốc lên để xem hạn sử dụng. Đến lúc đấy chị mới tá hỏa vì thấy con vừa được tiêm loại vắc xin đã hết hạn từ ngày 1/2/2012.
Hoảng hốt, chị quay lại hỏi y tá và bác sĩ thì nhận được câu trả lời “ghi hạn như thế nhưng 1-2 tháng sau tiêm cũng không có vấn đề gì”. Đến chiều 8/2, con gái chị bắt đầu hơi sốt, kêu đau chân, không gập đầu gối được (vắc xin được tiêm vào bắp chân). khiên gia đình chị vô cùng lo lắng.
- An Khanh (Tổng hợp từ VNE, Phunutoday)