Mã số thẻ bảo hiểm y tế mới là gì?
Mã số của thẻ bảo hiểm y tế mới là một dãy số gồm 10 ký tự từ 0 đến 9, là mã số bảo hiểm xã hội của người tham gia bảo hiểm y tế. Mã số này là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia, được cấp bởi cơ quan bảo hiểm xã hội để ghi trên sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, theo Khoản 1, Điều 3, Quyết định số 1666/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam quy định chi tiết tiêu thức mã số được in trên thẻ BHYT mới như sau: “Mã số: in 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT”
Mã số thẻ bảo hiểm y tế giúp cơ quan BHXH quản lý và theo dõi người tham gia trong suốt quá trình sử dụng bảo hiểm y tế.
Ý nghĩa của 10 ký tự trên mã thẻ bảo hiểm y tế mới là gì?
10 ký tự số là mã số thẻ BHYT có mang 02 ý nghĩa như sau:
1) Mã số in trên thẻ bảo hiểm y tế theo mẫu mới của Bộ y tế ban hành từ ngày 01/4/2021 cũng chính là mã số bảo hiểm xã hội người tham gia bảo hiểm y tế. Đây là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan BHXH cấp để ghi trên sổ BHXH, thẻ BHYT (theo Điểm 2.13, Khoản 2, Điều 2, Quyết định 595/QĐ-BHXH)
2) Mã số thẻ BHYT giúp quản lý và theo dõi người tham gia trong suốt quá trình sử dụng bảo hiểm y tế. Căn cứ vào mã số này, các cơ sở y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc người tham gia có thể dễ dàng tra cứu các thông tin tham gia bảo hiểm y tế của chủ thẻ.
Bên cạnh mã số thẻ BHYT trên thẻ BHYT mới còn được in thêm nhiều thông tin khác nhau cụ thể:
1) Mã mức hưởng BHYT: được thể hiện ở góc phải của thẻ, được in bằng ký hiệu gồm 01 ký tự là số từ 1 đến 5.
Căn cứ Quyết định 1351/QĐ-BHXH, tương ứng với từng ký tự, người tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) theo các mức sau:
- Ký hiệu bằng số 1: Được thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế (VTYT) và dịch vụ kỹ thuật (DVKT) theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán DVKT; chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
- Ký hiệu bằng số 2: Được thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật.
- Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
- Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, VTYT và DVKT theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở.
- Ký hiệu bằng số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển.
2) Mã nơi đối tượng sinh sống: được thể hiện gồm 02 ký tự: K1/K2/K3 ký hiệu nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn/đặc biệt khó khăn và ký hiệu nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.
Căn cứ theo Điều 4, Quyết định số 1351/QĐ-BHXH về việc ban hành mã số ghi trên thẻ của BHXH Việt Nam đã ban hành ngày 16/11/2015 quy định mã nơi đối tượng sinh sống gồm 02 ký tự ký hiệu vừa bằng chữ vừa bằng số:
- Ký hiệu K1: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Ký hiệu K2: là mã nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Ký hiệu K3: là mã nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào thẻ BHYT mới có thể xác định được đối tượng tham gia BHYT thông qua mã thẻ. Có thể xác định được mức hưởng BHYT và nơi sinh sống của chủ thẻ.
Cách để xem thông tin trên thẻ BHYT mới
Mức đóng bảo hiểm y tế năm 2024 ra sao
Với người tham gia bảo hiểm y tế thì việc phải ghi nhớ thông tin thẻ BHYT của mình là điều khó khăn và không ai cũng có thể ghi nhớ được một cách chính xác. Dưới đây là những cách giúp bạn có thể xem các thông tin ghi trên thẻ BHYT mẫu mới của mình một cách dễ dàng và thuận tiện.
1) Bạn có thể xem trực tiếp thông tin in trên thẻ bảo hiểm y tế mới của bạn. Thẻ bảo hiểm y tế mới có mã số 10 ký tự, là mã số BHXH của bạn. Bạn cũng có thể xem mức hưởng bảo hiểm y tế của bạn ở góc phải của thẻ được thể hiện bằng ký hiệu là 1, 2, 3, 4 hoặc 5.
2) Bạn có thể tra cứu bảo hiểm y tế mới trên website Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. Bạn cần điền các thông tin gồm mã thẻ, họ tên, ngày/năm sinh và đánh dấu vào ô "Tôi không phải là người máy" rồi bấm nút Tra cứu. Nếu thông tin hợp lệ, bạn sẽ nhận được kết quả với đầy đủ thông tin về thẻ và các quyền lợi sử dụng thẻ.
3) Bạn có thể tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế mới bằng cách gọi điện thoại đến số tổng đài CSKH của BHXH Việt Nam và làm theo hướng dẫn của tồng đài viên. Tổng đài sẽ trả về kết quả với các thông tin cơ bản về thẻ mà bạn yêu cầu.
4) Bạn có thể tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế mới qua ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID. Đây là một ứng dụng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát triển, giúp bạn quản lý thông tin và quyền lợi bảo hiểm y tế của mình. Bạn chỉ cần cài đặt và đăng ký ứng dụng VssID trên điện thoại thông minh để sử dụng chức năng "thẻ BHYT" trên ứng dụng để tra cứu được nhiều thông tin cần thiết.
5) Xem hình ảnh thẻ BHYT mới trên ứng dụng VNeID. Đây là ứng dụng định danh điện tử của Bộ Công an để tích hợp các giấy tờ cá nhân quan trọng của cá nhân và sử dụng trên môi trường điện tử. Bạn cần tự tích hợp thẻ BHYT vào VNeID và được xác nhận thành công thì mới có thể sử dụng để tra cứu thông tin BHYT hoặc xuất trình thay cho thẻ BHYT giấy khi đi khám chữa bệnh.
Mức đóng bảo hiểm của người lao động:
Người lao động làm việc ở thị trường lao động chính thức, có giao kết hợp đồng lao động, tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ đóng BHYT theo mức lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, căn cứ Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người lao động thuộc các trường hợp sau đây thuộc diện phải tham gia BHYT:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì hằng tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên đóng 4,5% tiền lương tháng vào quỹ BHYT theo quy định, trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%, còn người lao động đóng 1,5%.
Do đó, mức đóng BHYT của nhóm này phụ thuộc vào tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH, chỉ thay đổi khi tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH thay đổi.
Mức đóng bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên:
Theo quy định, mức đóng BHYT hằng tháng của học sinh, sinh viên bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30%, người tham gia đóng 70%.
Như vậy, mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên trong năm 2024 sẽ được tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng.
Mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình
Căn cứ vào Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng BHYT hằng tháng của người tham gia BHYT hộ gia đình được quy định như sau: "Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất".
Mức đóng BHYT của người tham gia theo diện hộ gia đình trong năm 2024 sẽ được tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng/tháng.
Đối với các hộ gia đình thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT, phần còn lại phải đóng được tính căn cứ vào mức đóng của người thứ nhất.